Tuesday, June 9, 2015

QUAN NIỆM VỀ CO NGƯỜI CỦA TỰ LỰC VĂN ĐOÀN [ K38.Sp Văn. ĐHSP]

Standard





LỜI MỞ ĐẦU
            Tự lực văn đoàn từ lâu đã trở thành một điểm sáng trong nền văn học nước nhà với những tên tuổi quen thuộc: Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Trần Tiêu và Xuân Diệu, với những tác phẩm để lại dấu ấn đậm sâu trong lòng người: Hồn bướm mơ tiên (1933), Nửa chừng xuân (1934), Tiêu Sơn tráng sĩ (1934), Gia đình (1936), Thoát ly (1937), Thừa tự (1938) của Khái Hưng; Đoạn tuyệt (1934), Lạnh lùng (1936), Đôi bạn (1937)… của Nhất Linh, Con đường sáng (1938) của Hoàng Đạo,
v.v…. Đến với tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, người đọc dường như chìm trong thế giới của những điều đẹp đẽ, lí tưởng của những chân trời tình yêu cao đẹp. Con người tiểu thuyết Tự lực văn đoàn mang trong mình những nét đẹp thời đại, những nét đẹp mà bấy lâu bị khuất ấp, nay có dịp lên tiếng và tỏa sáng. Đó là vẻ đẹp của cá nhân, của bản thể không bị ràng buộc bởi những giáo điều cổ hủ. Chính đặc điểm này đã hình thành nên một quan niệm nhân sinh quan mới mẻ: con người cá nhân được quyền sống một cuộc sống tự do, sống như chính con người họ và sống theo nhịp chảy của thời đại Tây hóa.



CHƯƠNG I: CON NGƯỜI CÁ NHÂN
1.      Sự xuất hiện của con người cá nhân như một vấn đề xã hội và văn học:
       Đối với khuynh hướng tiểu thuyết lãng mạn mà tiêu biểu là tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn, vấn đề con người cá nhân thực sự là nội dung cơ bản, xuyên suốt trong quan niệm nghệ thuật về con người. Con người cá nhân được ý thức với việc khẳng định tư tưởng tiến bộ tất yếu của sự phát triển xã hội hay nhằm khẳng định tư tưởng dân chủ nhân đạo.
       Những biến động về đời sống kinh tế, chính trị văn hóa của xã hội Việt Nam vào những năm 1930-1945 đã dẫn đến sự xuất hiện của con người cá nhân và ý thức mới về cá nhân. Có thể nói tiểu thuyết Tự lực văn đoàn là một đỉnh cao của hành trình tự ý thức cá nhân trong xã hội và văn học Việt Nam hiện đại. Về chính trị: xã hội phong kiến đang bắt đầu tan rã, thực dân Pháp ra sức vơ vét, bóc lột nhân dân, phát xít Nhật thì đang nhòm ngó vào Việt Nam. Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời lãnh đạo phong trào yêu nước. Về kinh tế: chính sách độc chiếm thị trường làm dân ta bần cùng và rơi vào vòng quay kinh tế tư sản. Về văn hóa: hệ tư tưởng phong kiến bắt đầu sụp đổ và hệ tư tưởng tư sản đang lên, hệ tư tưởng vô sản bắt đầu xuất hiện. Sách báo hải ngoại du nhập vào Việt Nam. Báo chí nở rội khắp nơi…
       Sự bùng nổ của thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn đánh dấu sự hình thành quan niệm về cá nhân trong văn học. Ở mỗi giai đoạn, mỗi trào lưu văn học đều có quan điểm riêng về con người. So với văn học trung đại, quan niệm về con người của Tự lực văn đoàn có nhiều cách tân đổi mới. Sự cách tân ấy thể hiện trong tư tưởng của nhà văn, ở việc đấu tranh giải phóng cái tôi cá nhân khỏi sự kìm kẹp của lễ giáo phong kiến hướng đến quyền tự do quyết định hạnh phúc. Tình yêu đi theo nhịp đập của trái tim chứ không theo sự xắp xếp của cha mẹ. Đó không phải là thứ tình yêu tài tử giai nhân hay những mối tình theo thông lệ xã hội như mối tình của Dũng và Loan trong Đoạn tuyệt, Mai và Lộc trong Nửa chừng xuân, Trương và Tuyết trong Đời mưa gió, Nhung và Nghĩa trong Lạnh lùng..vv.. Tất nhiên, để đến được với hạnh phúc họ gặp vô vàn những cản trở của gia đình trọng phú quý, cổ hủ và chính từ phía bản thân họ. Thế nhưng những rung động tinh tế trong tâm hồn mỗi nhân vật thì không thể nào giấu nổi. Có thể nói một trong những cách tân quan trọng về nội dung tiểu thuyết Tự lực văn đoàn là thay đổi cách nhìn về con người. Nhà văn đưa con người ra đấu tranh trực diện với xã hội cũ. Kết thúc tác phẩm có thể là những tương lai xán lạn cho nhân vật hoặc còn để lại nhiều trăn trở trong lòng người đọc.
2.      Những cấp độ của con người cá nhân:
2.1.                       Xung đột của con người cá nhân với gia đình truyền thống:
       Vào những năm 30 của thế kỷ XX, sự xâm lược của tư sản Pháp đã làm cho xã hội Việt Nam có những biến chuyển mạnh mẽ về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa. Sự mâu thuẫn giữa phương Đông và phương Tây, giữa cổ truyền và hiện đại, giữa cái cũ và cái mới, giữa cá nhân và cộng đồng xuất hiện cùng với sự thâm nhập của nền văn minh tư sản Pháp vào một đất nước thuần túy phương Đông. Mối quan hệ đối lập đó đã đẻ ra một loạt con người khác trước từ tư tưởng đến đời sống tâm hồn.
       Trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn đã xuất hiện những con người mới ấy, những “con người ở một xã hội khác hẳn cái xã hội Việt Nam bình thường”. Đó là những nhân vật mới của một xã hội đang biến động chuyển mình từ phong kiến sang hướng tư sản hóa. Sự khẳng định ý thức cá nhân bằng việc phủ định những ràng buộc phong kiến trong cuộc xung đột của cá nhân với xã hội truyền thống được thể hiện nổi bật trong ba tác phẩm: Nửa chừng xuân ( Khái Hưng ), Đoạn tuyệt (Nhất Linh ), Thoát ly ( Khái Hưng ). Ở đó, ý thức hướng tới một cuộc đời mới với một quan niệm sống mới, là ý thức thường trực trong con người Tự lực văn đoàn.
       Xung đột của cá nhân với xã hội truyền thống được miêu tả trong tác phẩm dưới hình thức của cuộc xung đột giữa hai thế hệ, giữa cái cũ và cái mới trong gia đình. Các nhân vật của Tự lực văn đoàn đã luôn xung đột với những gì cản trở quyền vươn tới cuộc đời mới. Ở đó, họ tranh đấu để sống một cuộc sống theo ý muốn cá nhân mình, đồng thời khẳng định mọi thứ quyền cá nhân, quyền con người. Hơn nữa, ý thức về quyền bảo vệ nhân phẩm và danh dự của mình là một ý thức thường trực trong con người Tự lực văn đoàn. Họ luôn được đặt trong sự thử thách của hoàn cảnh nhưng họ đã không cam chịu để hoàn cảnh bóp chết. Họ lúc đầu là một con người khỏe khoắn đã luôn đấu tranh để giành thế chủ động dù thắng lợi giữa chừng. Tư thế lạc quan đậm màu ảo tưởng ấy đem lại cho con người Tự lực văn đoàn một tính chất lãng mạn. Từ đó, có thể khẳng định rằng: Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn là bản tuyên ngôn nhân quyền bằng nghệ thuật”.
2.2.                     Con người cá nhân tìm sự giải thoát trong tình yêu, trong thế giới nội tâm hay trong những ước mơ về cải cách xã hội:
            Xung đột của con người cá nhân với dấu hiệu truyền thống là dấu hiệu của sự hiện diện tích cực nhất của con người cá nhân Tự lực văn đoàn. Đa số các nhân vật không đi đến đoạn tuyệt hay phá bỏ giới hạn thực tế mà họ tìm sự khẳng định cá nhân của mình theo nhiều hướng khác nhau:
            Trước hết là thoát ly về tình yêu. “Thoát ly” lại là một động tác tích cực, không chịu lùi bước của con người cá nhân để giữ cho mình thế giới riêng, chân trời riêng. Tất cả các cuộc tình được miêu tả trong tiểu thuyết đều là những mối tình lãng mạn diễn ra theo nhịp đập của trái tim, bất chấp “môn đăng hộ đối” đứng ngoài mọi sự chênh lệch xã hội như Ngọc (Hồn bướm mơ tiên) một chàng trai thành phố hào hoa lại yêu Lan-một cô gái tu hành nơi thôn dã …Những mối tình này chưa đến mức tương phản gay gắt nhưng cũng là những “thách thức” với những quan niệm cổ hủ trong xã hội và mang một dáng vẻ “ngông ngạo”. Tình yêu đó vượt trên những thông lệ xã hội, những ràng buộc luân lí. Không vượt qua được ngưỡng cửa tôn giáo, Ngọc (Hồn bướm mơ tiên) đã tìm đến một tình yêu “tâm hồn – lí tưởng” dưới bóng từ bi của Phật tổ.
2.3.                       Ý thức cá nhân cực đoan đòi hỏi bản năng tự do đứng trên hoặc bất chấp các quan hệ xã hội:
            Bên cạnh những ý kiến ca ngợi những yếu tố hiện đại, các tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn cũng vấp phải những nhận định không mấy thiện cảm về việc thể hiện ý thức cá nhân quá mới so với nền văn học cùng thời của nước nhà. Ý thức cá nhân cực đoan đòi hỏi bản năng, tự do đứng trên hoặc bất chấp các quan hệ xã hội là cấp độ cao nhất của con người cá nhân trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Hiện tượng này đã nhận lấy những ý kiến trái chiều của các nhà nghiên cứu.
            Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Khung trong lời giới thiệu về bộ Văn xuôi lãng mạn Việt Nam nhận định về văn học Tự lực văn đoàn đã viết: “Thời kì mặt trận dân chủ sự phân hóa của văn học lãng mạn diễn ra rõ rệt: Một mặt, họ tiếp tục chủ đề tình yêu, tiếp tục phê phán lễ giáo phong tục gia đình phong kiến nhưng đề cao một chủ nghĩa cá nhân thoái hóa (Đời mưa gió, Trống Mái, Đẹp) để rồi cuối cùng sau đó đi vào đồi bại với chủ nghĩa vô luân trắng trợn (Bướm trắng của Nhất Linh, Thanh Đức của Khái Hưng)”.
            Đời mưa gió, Trống mái, đẹp, Bướm trắng, Thanh đức thực chất chỉ là phác thảo thí nghiệm về con người cá nhân cực đoan. Các nhân vật cá nhân luôn được đặt trong sự đối lập với các chuẩn mực xã hội, luôn bộc lộ, đánh giá và ý thức về mình. Họ luôn tuyệt đối hóa con người cá nhân của mình với triết lý: Tôi thuộc về tôi mà quên mất rằng tôi còn thuộc về người khác. Mặt khác con người cá nhân ở đây cũng mang trong mình cái triết lý: Tôi không phải người khác vì thế họ luôn ở tư thế khác người khác và trở nên lập dị.
            Nếu như ta gọi tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn là tiểu thuyết luận đề thì dường như họ đã có một luận đề nhất quán từ trước đến sau – Luận đề về con người cá nhân:     Từ con người cá nhân xã hội mang đậm màu sắc chính trị qua con người cá nhân lãng mạn lập dị đến con người cực đoan liều lĩnh.
3.      Về mức độ cá tính hóa nhân vật:
            Thứ nhất về mặt chân dung: chân dung nhân vật chung chung, mờ nhạt. Ví dụ như Trương trong Bướm trắng, Nam trong Đẹp. Thứ hai về hành động: nhân vật ít có những hành động mang cá tính độc đáo, nếu có chỉ là “lập dị”. Thứ ba về ngôn ngữ: các nhân vật không có ngôn ngữ riêng của mình. Mọi lời nói của nhân vật đều như rập khuôn từ ngôn ngữ phương Tây.
4.      Quan niệm mới về nhân vật:
        Từ sự khám phá mới về con người, thấy con người là sự tổng hòa của nhiều tính cách, con người có cả phần lý tính, tư tưởng và bản năng, cái xấu và cái tốt... đã xuất hiện loại nhân vật phức tạp, xóa nhòa cái mốc giữa nhân vật phản diện và chính diện. Có thể nói, ở Bướm trắng của Nhất Linh và Đẹp, Băn khoăn của Khái Hưng, tâm lý con người được thể hiện vô cùng phong phú, ngày càng phức tạp và được thể hiện ra như một quá trình, luôn luôn vận động và biến đổi. Đó là sự vận động đầy mâu thuẫn trong tình cảm và tư tưởng, vô thức và ý thức, tư duy và tưởng tượng, ...
CHƯƠNG II: THẾ GIỚI NỘI TÂM
1.      Miêu tả nội tâm như một thành tựu của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn
            Trong trào lưu chung của tiểu thuyết hiện đại, với những ảnh hưởng của tiểu thuyết Pháp – đã mở ra một sự miêu tả thế giới nội tâm mà văn học trước đó chưa đạt được. Giáo trình của nhóm Lê Qúy Đôn nhận xét “Văn chương lãng mạn chủ yếu  là tiếng nói của tình cảm, cảm giác. Nó diễn tả những đau buồn, uất ức của trái tim… chưa bao giờ cái “tôi” tâm hồn được người ta phô diễn với tất cả khía cạnh sâu rộng như thời kỳ hiện đại. Bây giờ người ta ca ngợi tự do yêu đương, nói lên những rung động của mình trước vũ trụ… Cả một thế giới tâm tình trước kia hé mở một cách rụt rè, e lệ bây giờ được phô bày, mổ xẻ tinh vi”. Tuy nhiên, miêu tả tâm lý nhân vật chưa phải là mặt thành công nhất của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Thế giới cảm giác mới chính là nét khu biệt và là thành tựu nghệ thuật trong việc thể hiện nội tâm của văn học lãng mạn.
2.      Thế giới cảm giác trong nội tâm của con người Tự lực văn đoàn
            Trong toàn bộ tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, cảm giác chiếm vai trò nổi bật trong thế giới nội tâm. Hầu như tất cả các tác phẩm của Tự lực văn đoàn đều mở đầu hoặc kết thúc bằng những đoạn văn miêu tả cảm giác, có nghĩa là hành trình tự sự của tác phẩm diễn ra trên cấp độ đó. Ở tác phẩm Đoạn tuyệt, mở đầu cũng là một đoạn văn miêu tả cảm giác: “Một buổi trưa chủ nhật … cành lá nặng nề ướt át”. Và đoạn kết thúc – cũng là một đoạn văn miêu tả cảm giác “Hiện giờ …gió lạnh”. Ngoài ra, ta còn bắt gặp những cụm từ “chàng cảm thấy”, “nàng cảm thấy”… “có cảm tưởng như”, “nhận thấy rằng”, lặp đi lặp lại. Ở Bướm trắng: cụm từ “Trương nhận ra rằng”, “ Chàng thấy”, “Trương sung sướng nhận thấy”, “Trương có cảm tưởng như”, “Thu bàng hoàng nhận thấy” được nhắc đến 34 lần… Qua đó, có thể tạm kết luận: Đặc trưng của thế giới nội tâm của con người tiểu thuyết Tự lực văn đoàn chủ yếu được dệt bằng những cảm giác. Với tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, thế giới cảm giác trở thành nét đặc trưng của phương thức tự sự mới. Thế giới của cảm giác trở thành chủ thể và mang những đặc điểm nổi bật:
2.1. Thế giới cảm giác của con người tiểu thuyết Tự lực văn đoàn là một thế giới nội tâm độc lập. Tâm hồn con người ở tiểu thuyết Tự lực văn đoàn có thể rung lên bất cứ lúc nào khi đối diện với thế giới xung quanh: “Dũng mở cửa sổ ra hiên đứng… Dũng tưởng như đương chìm vào trong màn trời có làn nước phủ qua” (Đôi bạn)… Tâm hồn nhân vật có rất nhiều những cảm giác tưởng tượng, mơ mộng, “nhớ lại”, “hồi tưởng lại”, “nghĩ đến”,… càng chứng tỏ thế giới nội tâm phong phú, lập thể.
2.2. Những cảm giác được miêu tả là những cảm giác mong manh, nhẹ nhàng, thầm kín, nội tại nó thuộc phần “mờ tối” bí mật sâu thẳm của tâm hồn. Loan trong Đôi bạn mỗi lần nghĩ đến Dũng, nàng lại thấy lòng mình “xao xuyến như đám lá vàng gần đến ngày rụng trước một cơn gió thu mạnh và đột ngột”… song cũng có rất nhiều cảm giác mãnh liệt: Nhung (Lạnh lùng) khi nghĩ đến người mình yêu “tâm hồn rạo rực và cảm động một cách mãnh liệt.
2.3. Thế giới cảm giác là một thế giới đầy biến động hư ảo với nhiều cung bậc, những cảm giác bất ngờ, vô cớ, trái ngược. Nếu Nam trong tiểu thuyết Đẹp đã có lúc sống trong nhiều cảm giác bất ngờ: “tự nhiên Nam vui và sung sướng” thì trạng thái ở Trương (Bướm trắng) diễn ra thường trực. Trong tâm hồn Trương đầy ắp những cảm giác không duyên cớ tự nhiên xuất hiện: “Dẫu sao một nỗi vui rất nhẽ đương âm thầm trong lòng chàng mà nỗi vui ấy không phải vì sắp gặp nhau, nỗi vui ấy tự nhiên đến không có một duyên cớ gì rõ rệt. Bất giác chàng hơi lo sợ nghĩ đến những cái  vui đột ngột vô cớ hồi chưa khỏi bệnh lao”…
2.4. Thế giới cảm giác bên cạnh những cảm giác vật chất còn có cảm giác tinh thần (cảm giác lương tâm) – nhân vật có khả năng tự lắng lọc tâm hồn mình. Tuyết (Đời mưa gió) là một cô gái say mê cuộc sống tự do phóng đãng nhưng từ đáy sâu của tâm hồn mình Tuyết không phải không nhận thấy “nàng chỉ là một đứa giang hồ man trá, phản trắc, đắm mình trong vực sâu mà không để ai cứu vớt”. Tâm hồn con người với những trạng thái cảm xúc đa dạng, mâu thuẫn, bất ngờ, những cảm xúc mạnh mẽ xen lẫn những cảm giác thoảng qua, những ham muốn nhục dục mãnh liệt nhưng kín đáo đồng thời cũng đầy ắp những càm giác hổ thẹn của lương tâm: sự ghê tởm chính mình muốn nâng đỡ con người lên, vượt khỏi cái tầm thường. Đó là chất nhân văn sâu đậm mà tiểu thuyết Tự lực văn đoàn mang lại.
Cảm giác về người khác là một nét mới của con người Tự lực văn đoàn mà trước đó chưa có. Ngọc (Hồn bướm mơ tiên) ngay từ lúc gặp chú tiểu Lan đã cảm nhận được chú không phải là một chú tiểu bình thường qua “làn da trắng mát, tiếng nói dịu dàng”. Loan trong Đoạn tuyệt trong sự xa cách ngà dặm của tình yêu li biệt với Dũng vẫn “cảm thấy rõ hết cả cái mãnh liệt của đời Dũng, một cuộc đời đắm đuối trong sự mê man hành động”…
Thiên nhiên trong Tự lực văn đoàn hầu như luôn được thể hiện qua cảm giác của nhân vật như là một tiếng nói khác, góp phần bộc lộ nội tâm nhân vật: “Đã lâu lắm chàng ngồi lặng im mê man như đang ở trong một giấc mộng. Gió trên sông càng về đêm càng lạnh, hiu hắt thổi lọt vào khoan. Tiếng nước róc rách vỗ vào mạn thuyền như tiếng nói của đêm thanh thì thầm kể lể với Dũng những nỗi nhớ nhung thương tiếc” (Đoạn tuyệt)… Thiên nhiên ở đây còn là thiên nhiên hưởng thụ, nhân vật dường như luôn mở rộng các giác quan để hưởng thụ thiên nhiên như một nguồn lạc thú. Loan (Đoạn tuyệt) trong những giây phút nặng nề đứng trước mộ con vẫn “đưa mắt nhìn ra cánh đồng ruộng, phồng ngực hít mạnh giò xa thổi lại”… Thiên nhiên là không gian lí tưởng để các vùng cảm giác tìm ẩn đâu đó có dịp giải bày, phơi trải, nơi con người khám phá ra tâm hồn mình. Nam (Đẹp) “nhìn cảnh vật lờ mờ dưới ánh trăng” cũng “gợi trong lòng chàng một nỗi buồn vô cớ”…
            Tóm lại, có thể trong một số nhân vật cụ thể việc miêu tả tâm lí chưa thành công nhưng xét trong toàn bộ thì các tác giả đã miêu tả một thế giới nội tâm mang chất lượng cảm giác mới.
3.      Đặc trưng xã hội lịch sử của thế giới cảm giác trong con người của Tự lực văn đoàn
            Thế giới của cảm giác con người Tự lực văn đoàn trước hết là thế giới của những vùng cảm giác êm ả - nhẹ nhàng. Hầu như thế giới nội tâm con người là thế giới của những vùng cảm giác: êm ả, êm ái, êm dịu, nồng nàng, ngây ngất, sung sướng, mơ màng, lâng lâng.  Những cụm từ chỉ những vùng cảm giác này luôn xuất hiện trong thế giới tình cảm của các nhân vật được lặp đi lặp lại nhiều lần trong mỗi cuốn tiểu thuyết. “Thơ thấy lòng êm ả… Nàng cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng như làn mây, một nỗi vui không cội rễ rung động trong lòng khiến nàng xao xuyến muốn nhảy múa hay cất tiếng hát vang” (Con đường sáng). Còn thế giới tình yêu là thế giới của những cảm giác ngây ngất, tê mê, thần tiên, sung sướng, là thế giới tràn đầy hương thơm và ánh sáng. “Nàng nghĩ đến lúc ngồi với Nghĩa ngoài vườn tối, không khí nặng mùi thơm ngây ngất của các thứ hoa nở ban đêm, hai người cầm lấy tay nhau yên lặng như trong giấc mộng” (Lạnh lùng). Thế nhưng, trong thế giới tình yêu đó con người luôn sống trong những mộng tưởng tương lai đẹp đẽ về hạnh phúc, về ngày mai. Nhân vật Dũng trong Đôi bạn luôn thấy “hiện ra trước mắt cảnh tượng tưng bừng của bao nhiêu mùa thu sáng đẹp chưa đến trong đời chàng và đời Loan”. Việc miêu tả cảm giác êm dịu, nhẹ nhàng còn được thể hiện qua việc miêu tả không gian và thời gian. “Một buổi chiều về cuối năm, một buổi chiều êm như một giấc mộng; mấy cây thông ở đầu hiên nhà đứng lặng yên đợi gió” (Đoạn tuyệt)...Ánh sáng không gian được miêu tả trong các tác phẩm bao giờ cũng là “ánh nắng êm dịu” hay “ánh trăng”. Hương thơm trong tác phẩm thường là hương thơm êm dịu của các loài hoa đồng nội: hoa lý, hoa nhài, hoa khế,
            Thế giới nội tâm con người là một thế giới con người thích thưởng thức, ngắm nghía mình nhiều hơn, luôn hướng đến những điều đẹp đẽ, lý tưởng. Nét đặc trưng của con người Tự lực văn đoàn chính là con người cá nhân hay chính là sự hưởng thụ cá nhân bằng cảm giác – những cảm giác dịu, ngọt ngào, nhàn nhã của tầng lớp thanh niên tiểu tư sản. Đời sống của Nhung trong Lạnh lùng: “Khi đi qua vườn nắng, nhìn bóng mình lướt trên cỏ, Nhung nghĩ đến cái thú của những đôi tình nhân kề vai nhau dưới bóng cây để nói chuyện”. Dù có sự cởi mở, tiếp nhận nét phương Tây nhưng đời sống nội tâm của con người Tự lực văn đoàn chưa có những nét phức tạp. Nó chỉ dừng lại ở những khát khao hướng tới nhưng điều đẹp đẽ, thanh khiết, lý tưởng chứ chưa có nhưng dục vọng, những miền mờ tối (trong toàn bộ tiểu thuyết Tự lực văn đoàn chỉ có nhân vật Trương trong Bướm trắng (Nhất Linh) mang một dục vọng là có ý định giết Thu – người tình của mình – nhưng  đó cũng chỉ là ý định, không phải hành động). Đó chính là mặt giới hạn trong thế giới nội tâm của con người Tự lực văn đoàn mà cũng là hạn chế của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn.
CHƯƠNG III: VẺ ĐẸP THỂ CHẤT
1.      Vẻ đẹp hình thức là yếu tố của giá trị cá nhân
            Có thể nói, lần đầu tiên trong văn học, ở tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, con người đã ý thức công khai rằng sắc đẹp tự thân là một yếu tố của giá trị cá nhân. Con người trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn ngoài việc công khai khẳng định vai trò của cái đẹp hình thức trong cuộc sống: Thư – nhân vật trong tiểu thuyết Đẹp – cũng có quan niệm “Sống là cạnh tranh mà lúc có sắc đẹp bên mình là lúc mình sống nhất, không cạnh tranh sao được”; mà còn xem sắc đẹp là yếu tố quan trọng không thể thiếu của lớp người trẻ tuổi trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, là điều để họ tự hào. Đối với con người Tự lực văn đoàn, sắc đẹp là yếu tố đầu tiên gây thiện cảm. Các nhân vật nữ trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đều được miêu tả rất xinh đẹp. Tuyết trong Đời mưa gió dường như đã nói hộ tầng lớp thanh niên thời đại mới “Phàm là thiếu niên thì ai đứng trước ba thứ này mà không cảm động, mà không vui lòng: là một tủ sách hay, một cảnh thiên nhiên đẹp... và một...một trang thiếu phụ xinh đẹp và có duyên”. Sắc đẹp cũng là ấn tượng đầu tiên mang đến cảm giác tình yêu: Phong (Nắng thu) “trong khi nô đùa quá sỗ sàng đã thấy ngượng nghịu bẽn lẽn” vì “càng ngày Phong càng cảm thấy Trâm xinh đẹp hẳn lên”…
            Như vậy, ý thức được sắc đẹp là một yếu tố của giá trị cá nhân con người tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Họ luôn có ý thức làm đẹp cũng như phô diễn sắc đẹp của bản thân mình. Hồng (Thoát ly) luôn ao ước có cái cười “sáng và tươi” nên dù bị bà dì ghẻ ngăn cấm nàng vẫn trốn ra tỉnh để “cạo răng trắng”. Và ý thức này có lẽ chưa thể có được ở con người trong văn học trung đại – con người chỉ lo chú trọng đến việc hoàn thiện con người đọa đức, con người chức năng của mình nhiều hơn.
2.      Đặc trưng của việc thể hiện vẻ đẹp thể chất trong tiểu thuyết TLVĐ
2.1.                       Sự cảm nhận vẻ đẹp cơ thể
            Việc thể hiện vẻ đẹp thể chất của con người từ lâu đã xuất hiện trong văn học Việt Nam nhưng ở văn học của Tự lực văn với nhu cầu mới của con người cá nhân đô thị, việc thể hiện vẻ đẹp mới mang những đặc trưng mới. Việc thể hiện vẻ đẹp thể chất dường như luôn gắn liền với nhu cầu giải phóng con người cá nhân – nhu cầu thưởng thức. Vì thế đặc điểm đầu tiên khi miêu tả vẻ đẹp thể chất là sự chú ý miêu tả vẻ đẹp cơ thể trong tính chất trần thế, cảm tính và cá nhân… Tất cả các nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn điều được miêu tả là rất đẹp nhưng sắc đẹp đó không miêu tả trực tiếp bằng ngôn ngữ của người kể chuyện mà chỉ được miêu tả một cách gián tiếp thông qua sự cảm nhận trực tiếp của các nhân vật khác hoặc chính nhân vật đó cảm nhận về sắc đẹp của mình. Nhưng mà dù có được miêu tả qua con mắt của nhân vật nào thì tác giả đầu tiên luôn chú ý là sự miêu tả những đường nét gây ấn tượng ở vẻ đẹp cơ thể. Vẻ đẹp của Lan trong “Hồn bướm mơ tiên” gây chú ý cho Ngọc là vẻ đẹp của “nước da trắng mát”. Vẻ hấp dẫn của Nhung (Lạnh lùng) qua sự chiêm ngưỡng của người bạn tình là sự hấp dẫn của khuôn mặt “diễm lệ, tươi sáng của hai con mắt long lanh”…
             Khi miêu tả vẻ đẹp của các nhân vật, các tác giả không miêu tả một cách tập trung – nghĩa là khi nhân vật xuất hiện thì tác giả không đi ngay vào việc miêu tả một cách trọn vẹn vẻ đẹp ngoại hình của nhân vật một lần cho xong rồi mới chuyển qua việc khác. Vẻ đẹp của các nhân vật hiện ra từ từ ở những đường nét ấn tượng và gợi cảm giác thưởng thức. Có thể nói đây là một sự tiến bộ về bút pháp, nghệ thuật miêu tả. Vẻ đẹp của của Tuyết (Đời mưa gió) không hiện ra ngay một lúc mà chỉ hiện ra qua sự cảm nhận bất chợt của Chương ở những thời điểm khác nhau.
            Vẻ đẹp thể chất luôn được thể hiện kết hợp với những diễn biến tâm lí: vì thế nó là vẻ đẹp động chứ không phải vẻ đẹp tĩnh. Tương ứng với sự vận động tâm lí là sự thay đổi ngoại hình. Ví dụ hình ảnh Loan trong Đôi bạn “Loan táy máy tước những lá già ở bó rau dền. Nét mặt nghiêm trang và hai con mắt hơi buồn làm cho nàng có một vẻ đẹp khác hẳn mọi ngày”
2.2.                       Vẻ đẹp mang tính lí tưởng
            Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn coi vẻ đẹp thể chất là một trong những yếu tố đề khám phá con người. Các tác giả luôn chú ý gắn sự thể hiện vẻ đẹp thể chất với vẻ đẹp tinh thần. Chúng có sự thống nhất biện chứng với nhau. Hầu hết các nhân vật nữ trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn không chỉ đẹp mà còn có những phẩm chất tinh thần khác. Lan trong Hồn bướm mơ tiên không chỉ “xinh đẹp” mà còn “thông minh đỉnh ngộ”
            Trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, có một điểm đáng chú ý là khi miêu tả vẻ đẹp thể chất, các tả giả luôn chú ý miêu tả đôi mắt của các nhân vật. Nó luôn là sự diễn tả tâm hồn của nhân vật. Đôi mắt Mai trong Nửa chừng xuân với “quầng mắt đen sâu hoắm càng làm tăng vẻ rực rỡ long lanh của hai con ngươi sáng dịu dàng như hai ngôi sao lấp lánh sau làn mây mỏng”. Tình yêu của hai người bạn tình thường được diễn tả bằng đôi mắt. Tình yêu nồng nàng của Ngọc – Lan (Hồn bướm mơ tiên) người đọc chỉ cảm nhận được qua ánh mắt họ: “Hai người nhìn nhau, bóng trăng khuyết rọi đầu cành, lá thông thưa nhặt, cỏ xơ xác, mặt đồi lấp lánh hai giọt sương…”.
3.      Cái đẹp mang tính chất đô thị
            Một trong những đặc điểm của việc thể hiện vẻ đẹp thể chất trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn là quan tâm tới miêu tả trang phục, trang điểm. Văn học Tự lực văn đoàn vừa phản ánh sự thay đổi của thanh niên nam nữ thời bấy giờ vừa nhân lên những ảnh hưởng của nó. Bởi vậy việc quan tâm đến trang phục, trang điểm không chỉ có giá trị làm đẹp  theo nghĩa thông thường mà là sự làm đẹp theo một quan niệm mới có ý nghĩa xã hội. Song đây cũng là điều có tính hai mặt. Vũ Trong Phụng đã chế giễu trong Số đỏ lối Âu hóa tầm thường với kiểu áo đợi chờ, hững hờ, dậy thì… Quan điểm của Tự lực văn đoàn đúng đắn hơn, chú ý tới cái đẹp trong sáng lành mạnh
            Trong khi chú ý tới việc trang điểm, trang phục, các nhân vật Tự lực văn đoàn còn luôn chú ý đến vẻ đẹp mang tính thời đại và đô thị. Một người bạn tốt của Minh trong Gánh hàng hoa đã khuyên Liên (vợ của Minh) sửa sang lại nhan sắc bẳng cách trang điểm và thay những bộ áo quần quê mùa bằng những bộ trang phục tân thời để giữ tình yêu của chồng.
            Việc thể hiện vẻ đẹp thể chất trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn luôn gắn liền với nhu cầu sống của con người cá nhân đô thị nên nó mang những đặc trưng mới. Nó mang tính vật chất cụ thể nhưng vẫn còn mang nhiều tính chất lí tưởng hóa. Các tác giả theo tưởng tượng nhiều hơn là quan sát nên sắc đẹp thường có “mẫu số chung”, thường lặp lại nên vì thế nó không để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn người đọc. Về mặt nào đó, sự cá tính hóa trong việc miêu tả chân dung, ngoại hình trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn còn chưa đạt đến tầm của văn học hiện thực phê phán với những bức chân dung về ngoại hình trong trang viết của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng…
            Tóm lại, vẻ đẹp thể chất trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn là phương diện tiêu biểu nhất cho con người cá nhân đô thị. Vẻ đẹp thể chất đã thể hiện ý thức mới về giá trị con người, một trình độ mới về cảm nhận con người.
CHƯƠNG IV: NGÔN NGỮ VĂN HỌC
1.      Sự đổi mới câu văn xuôi:
            Trước hết, tính hiện đại của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn là ở sự đoạn tuyệt với những điển tích sáo ngữ, những câu văn biền ngẫu, những câu văn với lối ngữ pháp dài dòng trước đó để mở ra một loại hình câu văn xuôi mới. Một loại câu văn không chỉ gọn gàng, giản dị dễ hiểu mà còn có khả năng diễn đạt được những tư tưởng tình cảm của con người cũng như những khái niệm mới của xã hội Việt Nam. Nhất Linh đề cao lối văn giản dị; theo tinh thần đó ta thấy từ tiểu thuyết Nho Phong của ông viết năm 1925 đến tiểu thuyết viết từ sau 1932 đã có một sự “lột xác”.
            Cũng cùng tả về cảnh hoàng hôn xuống và lúc bình minh lên, nhưng với Nguyễn Trọng Thuật là một lối văn cổ kính, lối nói văn hoa, trang trọng, dài dòng. Còn với Khái Hưng cảnh biển đã được vẽ lên như một bức tranh không rườm rà mà đủ cả màu sắc, với câu văn sáng sủa, giàu chất tạo hình. Ngoài ra trong Quả dưa đỏ ta còn gặp rất nhiều điển tích Hán-Việt phải giải thích. Và có lẽ không phải chỉ có Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật mà ngay cả tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách và tiểu thuyết Tiền bạc bạc tiền của Hồ Biểu Chánh cũng đầy những câu văn biền ngẫu đôi ý, đối vần. Đến tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn câu văn không những không dùng nhiều điển tích Hán-Việt, câu văn biền ngẫu mà còn do áp dụng cú pháp Tây phương nên câu văn đã gọn gàng, dễ hiểu và hiện đại lên rất nhiều. Việc áp dụng cú pháp Tây phương trong câu văn của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn thể hiện một trình độ tư duy mới bởi vì “mỗi hệ thống ngữ pháp ngoài việc phản ánh mối quan hệ nội bộ của ngôn ngữ chứa đựng nó còn phản ánh cả trình độ về tư tưởng, về khoa học kĩ thuật của dân tộc ở giai đoạn được nói đến”
2.      Nhãn quan ngôn ngữ mới:
       Do viết về tầng lớp trí thức tiểu tư sản cũng như thanh niên học sinh mới lớn và chủ yếu để phục vụ tầng lớp đó trong buổi giao thời Âu –Á, vì thế bắt buộc nó phải sáng tạo ra “một lớp sóng ngôn từ mới” phù hợp với đối tượng mà nó phản ánh cũng như công chúng mà nó phục vụ.
            Một lớp ngôn từ mới mang đậm chất đô thị xuất hiện. Đô thị ngay từ trong tên tác phẩm: Hồn bướm mơ tiên, Đoạn tuyệt, Thoát ly…rồi đến nhân vật như Dũng, Tuyết, Lan, Chương… chứ không còn là những tên dân dã, quê mùa như Thị Nở Chí Phèo nữa. Chất đô thị ở đây là thứ đô thị “ta một nửa, tây một nửa” nên vẫn mang tính chất thuần khiết của đô thị phương Đông.
       Ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn mang đậm phong cách tiểu tư sản. Đó là ngôn ngữ nhiều lí lẽ của những con người tiểu tư sản thời kì đầu mang đậm chất lạc quan luôn ý thức về quyền lợi và vị trí cá nhân trong xã hội.
Trong đó, các tác giả của Tự lực văn đoàn luôn chú ý sử dụng  nhiều dạng thức ngôn ngữ như ngôn ngữ kể, ngôn ngữ đối thoại và đặc biệt nhất là ngôn ngữ tả. Việc sử dụng nhiều dạng thức ngôn ngữ không chỉ làm cho nhân vật được khắc họa cụ thể sinh động mà qua đó người đọc còn có thể thấy được thế giới nội tâm nhân vật. Điều đó được thể hiện trong các tiểu thuyết tình yêu. Việc sử dụng ngôn ngữ miêu tả đã thể hiện được các cung bậc khác nhau và nhiều sắc màu đa dạng của tình yêu. Trong khi sử dụng ngôn ngữ tả, các tác giả còn chú ý sử dụng rất nhiều các từ điệp vần, điệp âm, điệp từ và các từ lấp láy. Việc sử dụng các từ điệp và từ lấp láy này không chỉ diễn tả được cung bậc của tình yêu như mơ màng, rạo rực, thổn thức, mong mỏi …cũng như sắc màu đa dạng của cuộc sống nội tâm như: khoan khoái, nghẹn ngào, nơm nớp…mà còn cho ta thấy diện mạo nhân vật được soi sáng từ bên trong cho nên nhân vật dù chưa có cá tính song vẫn sống động. Ngoài ra, nó còn làm tăng số lượng từ Thuần Việt, tăng sắc thái biểu cảm  trong câu văn của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn làm cho câu văn giàu tính nhạc, chất họa và thơ.
       Với những đặc tính trên, ngôn ngữ tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn đã đạt đến sự tinh tế, trong sáng và giàu khả năng biểu cảm. Song đó cũng chỉ là thứ ngôn ngữ mẫu mực của một thời những nét đặc trưng riêng của phương pháp sáng tác lãng mạn: sạch sẽ, bóng bẩy và ít bóng dáng của đời sống thực tế.
LỜI KẾT THÚC
            GS Nguyễn Huệ Chi nhận định: “Trong lĩnh vực văn học, đóng góp của Tự lực văn đoàn có vai trò đáng kể. Chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam hiện đại thực sự hình thành và ghi được những thành tựu cơ bản nhất thông qua hoạt động của văn đoàn này. Phải bắt đầu từ đây, thơ và tiểu thuyết mới đi vào thế giới bên trong nhân vật, giúp người đọc khám phá trực diện vẻ đẹp của cái "tôi" và tạo ra cách đọc "phản tỉnh", tức là nhìn sâu vào cõi lòng mình. Về hình thức, tiểu thuyết của văn đoàn đã vượt ra khỏi phạm trù văn học "giao thời" (30 năm đầu thế kỷ 20), có cấu trúc mới mẻ, trong đó quy luật tâm lý thay cho lối trần thuật một giọng của người kể chuyện. Câu văn trong văn xuôi đã trở nên trong sáng, chuẩn mực, giàu khả năng biểu cảm tuy có lúc còn đơn điệu. Cùng với việc đào sâu tâm lý nhân vật, thiên nhiên cũng trở thành một đối tượng thẩm mỹ...” (Từ điển văn học). Qua đó, ta có thể thấy rằng: Những đóng góp của Tự lực văn đoàn với văn học nước nhà, nhất là với quan niệm mới về con người đã để lại một ấn tượng sâu sắc cho cuộc cách tân về văn học nghệ thuật, từ trung đại sang hiện đại với những bước chuyển rất đáng ghi nhận.
            Thứ nhất, đó là sự xuất hiện của hình ảnh con người cá nhân. Con người cá nhân trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn là một đỉnh cao của hành trình tự ý thức cá nhân trong xã hội và văn học Việt Nam hiện đại. So với văn học trung đại, quan niệm về con người của Tự lực văn đoàn có nhiều cách tân đổi mới. Một trong những cách tân quan trọng về nội dung tiểu thuyết Tự lực văn đoàn là thay đổi cách nhìn về con người. Con người cá nhân được đề cập đến ở một cấp độ cao hơn, không đơn thuần chỉ là nhu cầu tình cảm của con người mà nó là một vấn đề có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Trong đó con người cá nhân được đề cập đến ở ba cấp độ như sau: cấp độ một là xung đột của con người cá nhân với gia đình truyền thống; cấp độ hai là con người cá nhân tìm sự giải thoát trong tình yêu, trong thế giới nội tâm hay trong những ước mơ về cải cách xã hội; cấp độ ba: Ý thức cá nhân cực đoan đòi hỏi bản năng tự do đứng trên hoặc bất chấp các quan hệ xã hội.
            Thứ hai, thế giới nội tâm con người trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn thực sự là một nét vẽ ấn tượng trong bức tranh văn học thời bấy giờ. Ảnh hưởng bởi tiểu thuyết Pháp, Tự lực văn đoàn bắt đầu miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật. Đặc biệt đi vào miêu tả thế giới cảm giác. Thế giới cảm giác của con người là một thế giới nội tâm độc lập, những cảm giác được miêu tả là những cảm giác mong manh, nhẹ nhàng, thầm kín, thuộc phần “mờ tối” của tâm hồn nhưng đồng thời cũng đầy biến động hư ảo với nhiều cung bậc. Bên cạnh những cảm giác vật chất còn có cảm giác tinh thần (cảm giác lương tâm), nhân vật có khả năng tự lắng lọc tâm hồn mình, và đặc biệt là họ cảm giác về người khác. Thiên nhiên trong tác phẩm của Tự lực văn đoàn hầu như luôn được thể hiện qua cảm giác của nhân vật như là một tiếng nói khác, góp phần bộc lộ nội tâm nhân vật.
            Thứ ba, quan niệm về vẻ đẹp thể chất cũng có sự thay đổi. Lần đầu tiên, vẻ đẹp thể chất được xem như yếu tố khá quan trọng tạo nên giá trị con người. Con người trong Tự lực văn đoàn cảm nhận cơ thể một cách trần tục hơn và toàn diện hơn. Vẻ đẹp thể chất luôn gắn liền với vẻ đẹp tâm lí và mang tính chất lý tưởng hóa. Hơn nữa, vẻ đẹp bên ngoài của các nhân vật đậm màu sắc đô thị, gắn liền với sự thay đổi của thời đại.
            Thứ tư, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn có nhiều sự đổi mới về ngôn ngữ văn học. Tính hiện đại được thể hiện ở sự đoạn tuyệt với những điển tích sáo ngữ, những câu văn biền ngẫu, những câu văn với lối ngữ pháp dài dòng trước đó để mở ra một loại hình câu văn xuôi mới, gọn gàng, giản dị, dễ hiểu và có khả năng diễn đạt những tư tưởng, tình cảm của con người. Bên cạnh đó, ngôn ngữ trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn mang đậm phong cách tiểu tư sản lạc quan, luôn ý thức về quyền lợi và vị trí cá nhân trong xã hội. Các tác giả luôn chú ý sử dụng nhiều dạng thức ngôn ngữ như ngôn ngữ kể, ngôn ngữ đối thoại và đặc biệt là ngôn ngữ tả. Với những đặc tính trên, ngôn ngữ trong các tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đã đạt đến sự tinh tế, trong sáng và giàu khả năng biểu cảm. Vì vậy, ta có thể khẳng định rằng: những đổi mới về quan niệm con người trong các sáng tác của Tự lực văn đoàn đã để lại ấn tượng sâu sắc cho cuộc cách tân văn học nghệ thuật của nước nhà.





TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Lê Thị Dục Tú (1997), Quan niệm về con người trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, NXB Khoa học xã hội Hà Nội
2.      Nhất Linh (1989), Bướm trắng, NXB Tổng hợp An Giang
3.      Nhất Linh (2007), Đoạn tuyệt, NXB Văn học
4.      Khái Hưng (2014), Hồn bướm mơ tiên, NXB Hội nhà văn
5.      Khái Hưng (2006), Nửa chừng xuân, NXB Hội nhà văn
6.      Khái Hưng và Nhất Linh (1989), Đời mưa gió, NXB Đồng Tháp
7.      Hoàng Đạo (1970), Con đường sáng, NXB Khai trí
8.      Giáo trình Văn học trung đại Việt Nam (1930-1945), NXB Giáo dục
9.      Trang web tham khảo: