Thursday, June 11, 2015

NHÂN VẬT CANDIDE TRONG TÁC PHẨM “CANDIDE” CỦA VOLTAIRE [ Nguồn K38. Sp văn ĐHSP]

Standard






I.Giới thiệu
1.Văn học thời kỳ Khai sáng
Thế kỉ XVIII, môt cuộc tranh luận dữ dội của Phái cũ do Boalô, La Phôngten, La Bruyerơ đứng đầu ra sức bảo vệ và bênh vực cho hệ thống quy pháp của chủ nghĩa cổ điển và Phái mới do Perôn (C.Perrault), Phôngtơnen (Fontenel) đứng đầu kêu gọi các nhà văn hướng về cội nguồn dân gian, đi tìm sức mạnh nghệ thuật trong quần chúng, nổ ra vào những năm cuối thế kỉ XVII, đã thực hiện nhiệm vụ lịch sử của nó là tuyên bố cáo chung thế kỉ của Mặt trời và mở ra một kỉ
nguyên mới trong lịch sử văn học Pháp: kỉ nguyên văn học Ánh sáng – kỉ nguyên Khai sáng.
Trước hết, phong trào Ánh sáng là một phong trào cách mạng do giai cấp tư sản khởi xướng và lãnh đạo, diễn ra khắp Châu Âu. Nhưng ở Pháp, phong trào này diễn ra quyết liệt nhất, căng thẳng và triệt để nhất. Tuy vậy suốt cả thế kỉ, cuộc vận động Ánh sáng vẫn dựa vào sức mạnh quần chúng, với sự lãnh đạo của giai cấp tư sản. Tính chất tiến bộ của cách mạng tư sản Pháp cùng với ảnh hưởng rất lớn của nó đã khiến cho nước Pháp trở thành trung tâm văn hóa ảnh hưởng lớn tới mọi nước khác.
Trong bối cảnh lịch sử đó, văn học Pháp ra đời và tích cực tham gia vào cuộc vận động Ánh sáng. Đây là tiếng nói của giai cấp tư sản, của đẳng cấp thứ ba. Thế giới quan tư sản trở thành thế giới quan tiến bộ nhất lúc bấy giờ. Nền văn học Ánh sáng là một nền văn học mang tính chất phản phong và chống tôn giáo. Đỉnh cao của hệ thống quan điểm chống tôn giáo là sự xuất hiện tư tưởng vô thần và chủ nghĩa duy vật thế kỉ XVIII. Phản phong và chống tôn giáo, nền văn học Ánh sáng không chỉ đòi hỏi giải phóng cá nhân khỏi sự ngu dốt, đòi hỏi trí tuệ mọi người phải được phát triển, mà còn đòi hỏi giải phóng cá nhân khỏi sự gò ép về phương diện chính trị và kinh tế. Họ không đòi giải phóng con người chung chung  nữa mà đòi giải phóng con người tư sản, cá nhân tư sản và cũng chính là giải phóng giai cấp tư sản.
Cuộc vận động Ánh sáng diễn ra trong nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, triết học, giáo dục, thẩm mĩ,… Tính chất quy mô và có hệ thống của cuộc đấu tranh ấy được thể hiện qua bộ Đại bách khoa toàn thư  nổi tiếng, do Điđơrô chủ biên, xuất bản năm 1651. Tất cả các tri thức của nhân loại tiến bộ được tập hợp ở đây và  trở thành vũ khí  trí tuệ để phê phán cái ác, cái bất công. Từ đó, nội tâmc ủa lí trí được mở rộng với nội dung nhân bản và dân chủ mới. Mọi đòi hỏi và ham muốn của con người được coi là hợp lí. Con người tự do hành động, tự chịu trách nhiệm về chính nó, thoát khỏi mọi ràng buộc của nhà thờ hay nhà nước Phong kiến. Các nhà văn thế kỉ XVIII đã tiếp thu và phất triển duy lí luận của Đêcactơ. Họ tin vào sự giáo dục, đề cao giáo dục và tin rằng giáo dục có khả năng giải phóng nhân dân ra khỏi mọi thành kiến tôn giáo. Do đó thuật ngữ “phong trào Ánh sáng” ( ILLuminisme) còn được dịch là chủ nghĩa Khải mông ( khải = xua quét, mông = mông muội). Thuật ngữ Ánh sáng, Khai sáng phản ánh sự tiến bộ có tính lịch sử của chế độ tư bản đương lên so với chế độ phong kiến già nua, lạc hậu.
Một đặc điểm quan trọng của nền văn hóa và nghệ thuật thời đại Khai sáng là mối quan hệ trực tiếp của các nhà văn, nghệ sĩ với đời sống chính trị. Nhiệt tình công dân xã hội thấm vào mọi hoạt động lí luận và thực tiễn của họ trong lĩnh vực nghệ thuật. Tất cả các nhà hoạt động chủ yếu của phong trào Khai sáng đều đứng trên quan điểm của chủ nghĩa hiện thực. Để có thể thể hiện được các hình tượng  mang tầm vóc mới này, chủ nghĩa cổ điển mới ra đời, với tính chất khai sáng,  với một nội dung mới tiến bộ và với cái vỏ hình thức truyền thống. Chủ nghĩa cổ điển với sự đại diện là Vônte đã giúp con người thoát khỏi sự lệ thuộc vào các thế lực siêu nhiên , thần bí, khẳng định kinh nghiệm cảm giác, góp phần đánh đổ ý thức hệ phong kiến và nhà thờ
Hài kịch và tiểu thuyết là những thể loại bị chủ nghĩa cổ điển thế kỉ XVII đánh giá thấp  thì nay phát triển mạnh với xu hướng hiện thực tiến bộ rõ rệt. Trong vở Turcaret, Lơxagio đã trở lại cội nguồn dân chủ hài kịch, trở về với tinh thần nhân dân và tiếng cười trào lộng. Marivô đã tạo được các hài kịch tâm lí tinh vi, miêu tả được những sắc thái tế nhị nhất của tình cảm, nhưng ông không quan tâm đến các đề tài xã hội. “Đó là người biết hết mọi ngõ ngách của trái tim, nhưng không biết được con đường lớn của con người”. Tiểu thuyết Pháp  với các thành tựu nổi bật như truyện Gil-Blas của Lơxagio. Các truyện ngoại lai sử dụng màu sắc hoang đường , kì quặc cũng nổi tiếng với Những bức thư Ba tư (Lettres persanes) của Môngtexkio. Ở Điđơrô, thể loại truyện này thành các đối thoại  triết học như: Người cháu của Rô ma ( Le Neveu de Rameau, xuất bản 1821), Giắc – Người theo thuyết định mệnh (Jacques le Fataliste, 1796).
Đặc biệt ở cuối thể kỉ XVIII còn xuất hiện chủ nghĩa tình cảm, trước hết ở Anh, sau đó lan rộng ra toàn Châu Âu. Chủ nghĩa tình cảm khẳng định quyền cá nhân thông qua quyền bình đẳng  của tất cả mọi người trong lĩnh vực tình cảm, kêu gọi một sự cảm thông sâu sắc  đối với mọi bất hạnh của những con người nhỏ bé. Chủ nghĩa tình cảm ở Pháp gắn liền với tên tuổi của Rutxo  và cuốn tiểu thuyêt Juyli hay Nàng Eloido mới (1761).
Tóm lại, suốt cả một thể kỉ sôi động, văn học Pháp đã góp phần xây dựng và khơi dậy cơn bão táp của Cách mạng tư sản 1789. Tư tưởng tiến bộ của phong trào Ánh sáng Pháp đã có ảnh hưởng sâu rộng trên phạm vi toàn thế giới. Công lao của họ đối với lịch sử nhân loại là rất lớn lao. Họ xứng đáng mãi mãi là “Những vĩ nhân đã soi sáng đầu óc cho mọi nguời” (Ănghen).

2.Tác giả
François-Marie Arouet (21 tháng 11 năm 1694 – 30 tháng 5 năm 1778; phát âm: Vôn-te), nổi tiếng qua bút hiệu Voltaire, là một nhà văn học, tác giả, bình luận gia, nhà thần luận và triết gia người Pháp. Ông sinh ra tại thành phố Paris, là người con thứ năm trong gia đình và là con út của ông Francois Arouet, một chưởng khế (a notary) và cũng là một nhân viên ngân hàng hạng trung, và bà mẹ tên là Marie Marguerite d’Aumart, thuộc một gia đình quý tộc trong tỉnh Poitou.
 Khi còn nhỏ, Voltaire là một đứa trẻ ốm yếu, nhiều bệnh tật khiến cho gia đình tin tưởng rằng sẽ không sống được lâu, thế nhưng ông đã kéo dài cuộc đời một cách đầy nghị lực tới năm 84 tuổi.
Voltaire là một nhà văn người Pháp thuộc thời đại Khai Sáng (Enlightenment), nhà triết học danh tiếng vì trí thông minh, nhà viết luận văn thường đứng ra bảo vệ các quyền tự do dân sự, gồm cả sự tự do tôn giáo.
Từ thuở thiếu thời, Voltaire đã tỏ ra có năng khiếu về làm thơ nên dự tính sau này sẽ trở thành một thi sĩ, nhưng người cha, ông Francois Arouet, đã không tin tưởng vào văn chương, cho rằng nghề này không thể mang lại một đời sống đầy đủ, nên ông đã bắt cậu con trai theo học ngành Luật từ năm 1711 tới năm 1713.
Nhờ người cha đỡ đầu là giám mục miền Chateauneuf, Voltaire được giới thiệu với các văn nhân, với các nhà quý tộc như Công Tước de Sully, Công Tước de Vendome, ông Hoàng de Carti… Vì mong muốn nổi tiếng trong giới văn học, Voltaire đã viết ra các câu thơ châm biếm đồng thời cũng trở thành một con người hào hoa, được các bà mệnh phụ chú ý và ưa thích.
Voltaire để lại một di sản các tác phẩm đồ sộ bao gồm tiểu thuyết, kịch, thơ, luận văn và các công trình nghiên cứu khoa học và sử học. Ông còn viết nhiều sách, rất nhiều tờ rơi và trên 20000 thư từ trao đổi. Voltaire hay nói bỡn nhưng rất nhạy bén khi phê bình hay tranh luận. Ông luôn phấn đấu phát huy quyền làm người, bảo vệ quyền tự do cá nhân, tự do tôn giáo và quyền được phán xử công minh. Ông thường công khai phát biểu đòi cải cách những bất công trong xã hội mặc dầu lúc bấy giờ triều đình Pháp rất khe khắt với những người chống đối.
Qua các tác phẩm Voltaire thể hiện quan điểm rằng không cần đức tin để tin vào Chúa. Ông tin vào Chúa nhưng là niềm tin lý tính. Ông cũng phản đối đạo Ki-tô quyết liệt nhưng không nhất quán. Một mặt ông cho rằng Giê-su không tồn tại và các sách Phúc âm là nguỵ tạo nên chứa đầy mâu thuẫn nhưng mặt khác ông lại cho rằng cũng chính công đồng đó đã gìn giữ nguyên bản mà không thay đổi gì để giải thích cho những mâu thuẫn trong các sách Phúc âm. Ông cũng gọi người da đen là động vật (trong Essai sur les mœurs) và thấp kém so với con người cả về mặt thể chất và tinh thần. Ông cũng viét nhiều về các chủng thổ dân khác nhau và có quan điểm bài Do thái.
Tác phẩm lớn nhất của ông để lại là “Dictionnaire philosophique” (“Từ điển Triết học”) tập hợp nhiều bài viết riêng của ông và các bài ông viết trong “Encyclopédie” (“Bách khoa thư”) của Diderot. Trong đó ông phản bác thể chế chính trị đương thời của Pháp, nhà thờ Công giáo, Kinh Thánh và thể hiện văn phong, tính cách riêng của mình, Voltaire. Qua đó ông nhấn mạnh vai trò của tôn giáo lý tưởng là giáo dục đạo đức chứ không phải giáo điều.
Voltaire xem giai cấp tư sản Pháp quá nhỏ bế và yếu ớt, giai cấp quý tộc thì tham nhũng và ăn bám, còn người dân thường thì dốt nát và mê tín, và nhà thờ thì giúp thêm cho các nhà cách mạng bằng thuế thập phân. Voltaire cũng không tin tưởng ở chế độ dân chủ mà ông xem là chỉ tuyên truyền những tôn sùng của quần chúng. Theo ông chỉ tin những vị vua theo chủ nghĩa Khai sáng chuyên chế với sự hỗ trợ của các nhà triết học như ông mới có thể dẫn tới sự thay đổi vì chỉ với những tính toán lợi ích hợp lý của nhà vua mới mang lại quyền lợi và thịnh vượng cho vương quốc và thần dân. Trong thư gửi Ekaterina II của Nga và Friedrich II của Phổ ông nhấn mạnh đến vai trò của quân đội và sử dụng vũ lực để "mang lại trật tự" như ông viết ủng hộ việc chia tách Liên minh Ba Lan - Litva. Nhưng ông cũng phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp như trong Dictionnaire philosophique ông xem chiến tranh là "cỗ máy địa ngục" và người sử dụng chúng là "những kẻ giết người ngu ngốc".
Voltaire còn được nhớ đến như một người tranh đấu cho quyền tự do cá nhân, tự do tôn giáo trong đó có quyền được xét xử công bằng và vạch rõ sự giả dối và không công bằng của chế độ ba đẳng cấp.
Vào mùa xuân năm 1778, vở kịch cuối cùng của Voltaire, bi kịch “Irène”, được giới chính quyền Pháp chấp nhận và cho trình diễn tại thành phố Paris và tác giả Voltaire đã có mặt trong buổi trình diễn đầu tiên. Voltaire cũng được Hàn Lâm Viện Pháp ca ngợi là nhân vật đặc biệt nhất.
Voltaire đã qua đời vào ngày 30/5/1778, ở tuổi 84. Vào giờ phút cuối đời, ông đã từ chối nhận lễ xức dầu (unction) và lễ giải tội (absolution), sự việc này đã gây khó khăn cho việc chôn cất ông. Quan tài của ông được chôn lấp vội vã trong tu viện Scellières, thuộc miền Champagne, trước khi có sự can thiệp của vị tổng giáo mục địa phương. 13 năm sau, di hài của nhà triết học lừng danh Voltaire đã được di chuyển về thành phố Paris, đặt bên trong Điện Panthéon, đây là Ngôi Đền Thờ danh tiếng nhất của nước Pháp, tương đương với Tu Viện Westminster của nước Anh.
Voltaire sống hai mươi năm cuối đời ở Ferney và mất ở Paris. Nay Ferney được đặt theo tên ông là Ferney-Voltaire. Lâu đài ông ở giờ là bảo tàng L'Auberge de l'Europe còn toàn bộ thư viện của ông vẫn được giữ nguyên tại bảo tàng quốc gia Nga tại Sankt-Peterburg.
3.Tác phẩm
3.1. Hoàn cảnh sáng tác
 Năm 1759 Voltaire cho in “Candide” (các chuyên gia về Voltaire thống nhất cho rằng tác phẩm được viết một năm trước đó). Tác phẩm này viết nhằm mục đích trả lời cho triết thuyết của Rousseau về thượng đế và nhất là để phản đối chủ trương của triết gia Leibniz, theo đó mọi sự trên đời sẽ càng ngày càng hoàn thiện hơn, nên con người phải lạc quan.
            Tác phẩm viết ra đã xúc phạm đến nhiều nhà quyền quý, nên khi xuất bản tác giả phải kí một biệt hiệu khác vì sợ bị trả thù. Vào ngày 2-3-1759, tác phẩm bị hội đồng Geneve tố cáo và ra lệnh hỏa thiêu.
3.2. Nhan đề: “Candide”
            Tên tác phẩm được lấy từ tên của nhân vật chính. Và cái tên đó đã gợi cho người đọc phần nào tính cách của nhân vật bởi Candide trong tiếng Pháp là tính từ của “candeur”, dùng để chỉ phẩm chất ngây thơ, trong trắng, thật thà của một tâm hồn. Và đúng như cái tên của mình, chàng là một người “tính tình hiền hậu, hồn nhiên”, “xét đoán việc đời thẳng thắn, với một tinh thần giản dị nhất”.
 Liên hệ với hoàn cảnh sáng tác của bài thơ (Tác phẩm này viết nhằm mục đích trả lời cho triết thuyết của Rousseau về thượng đế và nhất là để phản đối chủ trương của triết gia Leibniz, theo đó mọi sự trên đời sẽ càng ngày càng hoàn thiện hơn, nên con người phải lạc quan), phải chăng các tên Candide (trong trắng,ngây thơ), như một dụng ý của tác giả rằng triết thuyết của Rousseau và chủ trương của triết gia Leibniz chỉ là thứ triết thuyết, chủ trương ngây thơ, thơ ngộ mà thôi. Và tác giả đã làm rõ điều đó trong chính tác phẩm qua nhân vật chính có cái tên Candide.


3.3. Tóm tắt tác phẩm
Truyện kể về một chàng trai tên Candide sống tại vùng Westphalie trong tòa lâu đài của Nam tước Thunder-ten-tronckh. Chàng là một người hiền hậu, hồn nhiên, luôn xét đoán mọi việc với một tinh thần giản dị nhất, bởi vậy mà người ta đặt cho chàng cái tên: chàng nây thơ. Chàng ngây thơ có một  niềm tin là thế giới luôn đầy lạc quan, mọi việc trên đời đều tốt đẹp. Niềm tin được thấm nhuần từ người thầy là triết gia Pangloss. Sau khi bị đuổi khỏi tòa lâu đài của Nam tước vì bị Nam tước phát hiện chàng yêu Cunegonde – con gái ông, Candide đã lưu lạc theo một cuộc hành trình gần như vòng quanh thế giới để theo đuổi bóng hồng lý tưởng là nàng Cunegonde xinh đẹp. Phiêu lưu qua nhiều nơi, trải qua nhiều kinh nghiệm đau thương, gặp nhiều kẻ bất lương, khốn nạn, bị lừa đảo nhiều lần và tận mắt thấy những chết chóc rùng rợn…, tất cả khiến Candide thay đổi nhận thức của mình. Chàng không còn tin tưởng vào những lý thuyết mà thầy Pangloss đã dạy. Trong chuyến hành trình của mình, chàng có lưu lạc vào xứ Eldorado, xứ sở vàng, ở đó chàng lấy được rất nhiều vàng bạc, ngọc ngà.  Số tái sản đó có thể đưa chàng trở thành người giàu mạnh nhất thế giới. Song đến khi tìm được Cunegonde , nàng đã trở thành một người xấu xí, cục cằn. Lúc này tiền cũng hết, chàng chỉ đủ tiền mua một miếng vườn để cùng vợ và các bạn sống đời an phận thủ thường. Chàng cũng nhận ra giá trị của cuộc sống chính là lao động.

II.Nhân vật Candide trong tác phẩm “Candide” của Voltaire
1.Tính cách nhân vật Candide
1.1.Nhân vật Candide trước khi lưu lạc: tin tưởng tuyệt đối vào chủ nghĩa lạc quan
            Đây là thời gian mà chàng thanh niên Candide được sống hạnh phúc trong lâu đài của Nam tước Thunder-ten-tronckh, một lâu đài đẹp nhất của xứ Westphalie. Chàng là một con người có tâm hồn giản dị, trong sáng và chàng trung thực với những nhận xét thẳng thắn về việc đời của mình, thật đúng như ý nghĩa của cái tên chàng " Candide- sự trong trắng, thật thà, ngây thơ", vì lí do ấy mà mọi người gọi chàng là Chàng Ngây Thơ.
Trong cung điện nguy nga lộng lẫy đó chàng thấy có những con người "bậc nhất", Nam tước là một con người thế lực nhất vùng; vợ ngài "bà Nam tước" được kính trọng không chỉ vì địa vị mà còn vì thân thể đẫy đà của bà; còn con gái ngài " cô Cunégonde" là người xinh đẹp nhất, mới 17 tuổi mà hồng hào, cao lớn.  Chàng nhìn thấy mọi thứ trên đời này đều tốt đẹp, hoàn hảo.Điều này được hình thành là nhờ vào thuyết lí mà thầy của chàng- ông Pangloss " vị thánh sống trong nhà" môn đệ của Lepniz và Vônphơ luôn nhắc đi nhắc lại rằng: " Tất cả đều tốt đẹp nhất trong cái thế giới tốt đẹp nhất có thể có này". Và chàng tuân theo những giáo huấn của Pangloss một cách tin tưởng và tuyệt đối như sự tin tưởng của cậu vào người thầy của mình. Cái mà chàng tin tưởng đó là thế giới này được bao quanh bởi sự tốt đẹp, hoàn hảo không có gì gọi là xấu xa, đau khổ cả. Và nếu có cái gọi là xấu xa, đau khổ thì kẻ môn đệ của Lepniz lại thao thao bất tuyệt cái lập luận nực cười của mình vào đầu chàng: " Cái gì sinh ra cũng có mục đích, cho nên tất yếu cái gì cũng nhằm mục đích tốt đẹp nhất. Thử xem xét cái mũi sinh ra để mà đỡ mục kính, vì vậy chúng ta có kính đeo. Chân là để mang giày, vì vậy chúng ta đi giày. Đá sinh ra để người ta đẽo gọt và xây lâu đài, vì vậy cụ lớn có một lâu đài đẹp bởi lẽ ngài Nam tước vĩ đại nhất của tỉnh phải được ở một nơi nào tốt nhất; còn như giống lợn sinh ra là để cho người ta ăn, cho nên quanh năm ta được ăn thịt...". Bởi vì bản tính ngây thơ nên có thể nói là chàng tin tưởng tuyệt đối vào lời thuyết giáo của Pangloss rằng " những ai đưa ra rằng tất cả là tốt đẹp thì người đó đã nói một điều ngu xuẩn, cần phải nói rằng tất cả là tốt đẹp nhất ở trên đời này". Dường như chàng đã bị cái " lạc quan" thái quá của triết gia Pangloss in đậm trong tâm tưởng của mình. Và chàng đã chia sẻ một cách tự nguyện cái chủ nghĩa lạc quan này trong lúc tình yêu của chàng với con gái của Nam tước là tiểu thư Cunégonde đang nảy nở. Một hôm, Cunégonde thấy thầy Pangloss đang bậy bạ với một người hầu phòng, chính điều này đã khiến "nàng thấy rõ lí do khiến tiến sĩ làm cuộc thí nghiệm, những hậu và những nguyên nhân" bởi vì "chẳng đời nào có cái gì xảy đến mà không có một nguyên nhân hoặc chí ít là một lí do xác định, nghĩa là cái có thể dùng để giải thích theo cách tiên nghiệm tại sao cái đó lại tồn tại và tại sao nó lại hơn tất cả những cách khác như thế"( Lepniz - Biện thần luận). Thầy Pangloss và người hầu phòng như là lí do để xảy ra nguyên nhân chàng Candide và Cunégonde muốn diễn lại cảnh ấy và đã bị Nam tước phát hiện đuổi cả chàng và thầy Pangloss ra khỏi tòa lâu đài. Tuy bị đuổi ra khỏi lâu đài phải sống khổ cực nhưng chàng luôn tin tưởng vững chắc vào thuyết lí của thầy Pangloss" Những đau khổ riêng tạo nên điều tốt lành chung, vì vậy càng nhiều nỗi đau khổ riêng thì mọi việc càng tốt lành bấy nhiêu".
1.2.Nhân vật Candide trong khi lưu lạc: hình thành nên mối nghi ngờ về chủ nghĩa lạc quan
“Candide” đại diện cho một lời chỉ trích của Voltaire dành cho triết gia thế kỷ XVII-Leibniz. Voltaire sáng tạo ra Pangloss như một đại diện châm biếm Leibniz. Leibniz quan niệm thế giới là một sự hòa hợp xác định trước, tuyên bố rằng cái ác chỉ tồn tại để làm nổi bật cái tốt và rằng thế giới này là thế giới tốt nhất có thể bởi vì Thiên Chúa đã tạo ra nó. Quan niệm của Leibniz thế giới là một phần của một trường học lớn của tư tưởng được gọi là theodicy, mà cố gắng để giải thích sự tồn tại của ma quỷ trong một thế giới được tạo ra bởi một toàn trí, toàn năng, hoàn toàn tốt là Thiên Chúa. Voltaire chỉ trích sự lạc quan không pha loãng của nó. Nếu đây là thế giới tốt nhất có thể, thì tại sao bất cứ ai cố gắng để giảm bớt đau khổ? Pangloss là một hình mẫu của một nhà triết học quá trừu tượng. Pangloss nói về cấu trúc của thế giới, nhưng biết rất ít về nó kể từ khi ông đã sống một cuộc sống nhàn rỗi trong một lâu đài. Candide tin Pangloss mà không cần thắc mắc mặc dù ông có rất ít kinh nghiệm trực tiếp với thế giới bên ngoài.
Cuộc lưu lạc của Candide bắt đầu khi chàng bị trục xuất khỏi lâu đài thiên đàng. Một loạt các bất hạnh xảy ra với chàng có vai trò quan trọng trong việc tái giáo dục thông qua kinh nghiệm trực tiếp với thế giới. Kinh nghiệm thu nhặt được trong thế giới thực trực tiếp mâu thuẫn với sự lạc quan của Pangloss. Trong thực tế, thế giới là một nơi khủng khiếp đầy ác, tàn ác và đau khổ.
Đầu tiên, chàng lết bộ tới tỉnh Valdberghoff-tracbk-dikdorff. Vừa đói, vừa mệt lại không một xu dính túi, chàng buồn rầu đứng trước cửa một quán ăn. Hai người bận áo xanh mời chàng ăn và nói: “Vả lại, người ta sinh ra là để giúp đỡ lẫn nhau”. Candide hồn nhiên đáp lại: “Chính hiền triết Pangloss đã thường nói với tôi điều ấy; và tôi nhận thấy trên đời mọi việc đều hoàn hảo hơn.” Bọn lính dẫn dụ chàng vào trại lính mà chàng không hề hay biết, vẫn cứ ngây thơ tin tưởng về cái gọi là “người ta sinh ra là để giúp đỡ lẫn nhau”. “Chàng Ngây Thơ rất ngạc nhiên, chưa hiểu tái sao chàng lại trở thành một vị anh hùng”.
Hay như trong cuộc chiến giữa vua Gia Bảo Lợi  và vua Abares, khi trông thấy thây người chất đống, tiếng kèn, tiếng trống, tiếng súng thần công khai hỏa rợn người, “chàng Ngây Thơ run rẩy như một nhà triết học, chàng cố sức ẩn núp trong cuộc giết thịt người hùng dũng ấy”. Sau đó, chàng lợi dụng bỏ trốn qua các ngôi làng như những đống tro tàn, chàng đã nghe nói rằng “dân nước này giàu có và theo đạo Cơ đốc, nên chàng không thể ngờ rằng họ xấu với chàng và tin rằng học cũng đối xử tốt với chàng như hồi chàng còn ở trong lâu đài”.
Đến khi Candide bị đánh đập máu me đầy mình vì “đã nghe với vẻ tán thành” những lời triết lý của tiến sĩ Pangloss, chàng mới chợt nghĩ thầm “Pangloss tiên sinh, nhà hiền triết giỏi nhất thiên hạ mà cũng bị treo cổ trước mắt ta không biết vì lý do gì? Còn nhà từ thiện Jaquess, người hoàn hảo nhất trong loài người, tại sao ông lại bị chết đuối ở cửa biển? Còn cô Cunégonde nữa, hòn ngọc trong giới thiếu nữ, sao cô lại bị người ta mổ bụng?” Nghĩa là Candide đã bắt đầu hoang mang với cái chủ nghĩa lạc quan của thầy dạy mình, nếu cuộc đời hoàn hảo và dần tốt đẹp lên thì mọi việc đã không xảy ra như vậy?!
Và trong dịp tình cờ gặp lại Cunegonde, nghe nàng kể về những thảm họa của cuộc đời mình, rồi cùng nàng bỏ trốn với số bạc vàng nàng có được từ những tên thích nàng nhưng khi đến Cadix, bị ăn trộm hết, Candide bỗng dưng nói “triết gia Pangloss thường chứng minh rằng tất cả của cải trên cõi đời đều là của chung cho mọi người, ai cũng có quyền hưởng ngang nhau. Theo nguyên tắc ấy, thì ông linh mục phải để lại cho chúng ta một phần của cải, để chúng ta hoàn tất cuộc hành trình của chúng ta”. Đến lúc này, niềm tin tuyệt đối của Candide đã lung lay, nhưng vẫn còn mạnh mẽ lắm.
 Tiếp tục cuộc hành trình, Candide cùng người bạn đồng hành của mình-Cacambo- lại chứng kiến biết bao đau thương của cuộc đời. Khi hai người đến Surinam, họ gặp một người mọi da đen nằm khốn khổ trên đường bị cụt mất một tay và một chân vì bị chủ đối xử tàn bạo. Candide đã phải thốt lên rằng: “Ông Pangloss ơi! Ông đã không đoán được cảnh tượng ghê gớm như thế này… Thôi từ nay tôi không còn tin ở chủ nghĩa lạc quan của ông nữa.” Cacambo hỏi: “Chủ nghĩa lạc quan là cái gì vậy?” Candide chảy nước mắt, nhìn lại người mọi da đen: “Than ôi! Đó chính là tính tinh tưởng cuồng nhiệt rằng tất cả mọi việc đều tốt, khi mà người ta gặp toàn điều xấu.” Ngay chính lúc này, Candide đã bị dao động bởi chính những điều mình mắt thấy tai nghe, những điều chàng không được dạy mà chỉ có được qua những tìm hiểu thực tế như thế này. Như vậy, chủ nghĩa lạc quan đã thực sự mất giá trị trong tâm hồn chàng! Chàng đã nhận ra nó chỉ là sự “tin tưởng cuồng nhiệt” mà thôi, sự thật cuộc sống không thể cho con người ta tiếp tục lạc quan được nữa.Tuy vậy, sự “tin tưởng cuồng nhiệt” đó vẫn còn âm ỉ trong con người Candide.
Sau này, chàng ta có gặp được nhà thông thái già Martin. Hai người như hai thế đối lập: Candide vẫn luôn nghiêng về cái lý thuyết lạc quan của hiền triết Pangloss, ngược lại Martin lại hết sức bi quan, Martin tự nhận rằng bản thân ông theo thuyết thiện ác cộng đồng. ông cho rằng “ma quỷ xen vào việc đời quá nhiều” hay “ tôi phải tin là Thượng đế đã bỏ quên Trái đất cho một thứ ác quỷ nào đó”. Martin xem mọi việc trên trái đất qua lăng kính bi quan, mọi việc đều hiện lên bằng bộ mặt xấu xa của nó. Ông ta không thấy ở bất kì đâu có điều tốt, tất nhiên là trừ xứ Eldorado. Giữa lúc cuộc tranh cãi của Candide và Martin đang sôi nổi thì một tiếng sung nổ ra trên con tàu hai người đi. Một chiếc tàu khác đã bị bắn trúng, người ta nhận thấy chiếc tàu bị bắn chìm là tàu của tên thuyền trưởng người Hà Lan đã cướp châu báu của Candide- những vật chàng được tặng từ xứ sở thần tiên Eldorado, Candide đã tìm thấy con trừu của mình khi nó đang trôi dạt trên biển khi chiếc tàu bị chìm. Chàng đã vui mừng khi nghĩ rằng kẻ ác đã bị trừng trị, chàng tìm lại được con trừu thì chàng cũng sẽ gặp lại được nàng cunegonde. Trong Candide luôn tràn ngập niềm tin, tin vào một ngày mai tươi sáng. Tinh thần lạc quan trong chàng nhờ đó cũng có cơ hội hồi sinh.
Nhưng mãi sau này, trên chuyến tàu đến Hà Lan, Candide đã la lên rằng “Thế giới này là cái gì vậy?”. Đáp lại lời chàng là ông Martin với câu nói “ là một cái vừa điên rồ vừa ghê tởm”. Dường như tinh thần lạc quan , tin rằng mọi thứ trên đời đều tốt đẹp hơn lên của Candide đang lung lay mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Như vậy,Candide, một thanh niên hiền lành, trung thực, và dễ chịu, bị trục xuất khỏi lâu đài mà chàng cho là thiên đàng, Candide đi khắp nơi trên thế giới. Candide phiêu lưu khắp nơi, gặp gỡ bạn bè cũ và người quen ở những nơi bất ngờ và hoàn cảnh không bình thường. Trong cuộc hành trình của mình, chàng đã gặp nhiều tai nạn bất ngờ và phải chịu đựng nhiều khó khăn và đau đớn. Tất cả những điều đó từ từ thuyết phục Candide rằng sự lạc quan thực sự không phải là tốt nhất của tất cả các thế giới có thể.

1.3.Nhân vật Candide sau khi lưu lạc: từ bỏ hoàn toàn chủ nghĩa lạc quan
Hầu như, các nhân vật trong sáng tác của Voltare dù muốn hay không vẫn bị ném vào xã hội phi đạo đức mặc họ là những con người hoàn hảo về mặt đạo đức. Thử hỏi, bạn tin tưởng vào cuộc đời đó, bạn lạc quan đó, nhưng thực tại lại hết sức phũ phàng, cho bạn nếm đủ mọi bất hạnh, đau thương của cuộc sống, liệu bạn còn lạc quan hay không? Đa phần, niềm tin cũng như sự lạc quan đó, sẽ tiêu tan.Candide cũng vậy!
Cùng với sự tăng lên không ngừng của những khổ cực, vất vả mà Candide đã phải gánh chịu trong suốt cuộc lưu tán của mình như: bị đánh, bị cưỡng bức vào lính, bị đắm tàu, bị đưa đi tử hình, bị bắt giam, bị lừa gạt...niềm tin về cuộc đời trong chàng cũng giảm dần. Candide đã thực sự thức tỉnh, không còn mê đắm trong chủ nghĩa lạc quan viễn vông mà tiến sĩ Pangloss gieo vào đầu chàng bấy lâu nay. Hay nói đúng hơn, Candide từ chỗ hoài nghi đã đi đến quyết định dứt khoát phải đoạn tuyệt chủ nghĩa lạc quan và coi đó là tư tưởng điên rồ.
Ngày gặp lại tiến sĩ Pangloss trên đường đi đến bờ biển Propontide, lúc này Pangloss đang là một tên tù khổ sai chèo thuyền được Candide bỏ tiền ra chuộc, Candide đã từ tốn hỏi: “Ông Pangloss thân mến, tôi xin phép hỏi ông: khi ông bị thắt cổ, rồi rạch da bụng, kế đến bị đánh đòn, bì đày đi khổ sai chèo thuyền, thì ông có còn nghĩ là mọi việc sẽ hoàn hảo hơn, hay không?” Như vậy, rõ ràng, Candide đang đưa ra những dẫn chứng cụ thể trong chính cuộc đời của Pangloss để phủ định lại hoàn toàn thuyết lạc quan của ông ta: “Tất cả đều tốt đẹp nhất trong cái thế giới tốt đẹp nhất có thể này”. Cuộc đời nếu thật tốt đẹp tại sao Pangloss lại phải chịu những đắng cay đến cùng cực như vậy?! Khi hỏi câu hỏi này, bản thân Candide đã ý thức về bản chất thật của cuộc sống rồi, chàng thấy rằng vì tin tưởng một cách mù quáng vào chủ nghĩa lạc quan này nên chính chàng, chính Pangloss lại trở thành những nạn nhân đáng thương của cái xấu xa, độc ác.
Ngay trong chuyện tình cảm, Candide cũng tỏ ra trưởng thành hơn bao giờ hết. Xuyên suốt câu chuyện, Candide yêu say đắm con gái ngài nam tước-cô Cunegonde, dầu đi đến đâu, dầu trải qua những sóng gió gì, nguyện vọng của Candide cũng chỉ là được cưới nàng. Tuy nhiên, đó chỉ là khi trong chàng chủ nghĩa lạc quan còn khá mạnh mẽ. Đến cuối tác phẩm, tình cảm này ngỡ như phai nhạt đi, giống như sự phai nhạt của chủ nghĩa lạc quan trong chàng vậy. Trước sự thay đổi nhan sắc của Cunegondo, từ một cô gái đẹp đẽ, duyên dáng, quần áo lụa là “tiểu thư đẹp nhất trong các thiếu nữ, con cái trưởng giả”...thời gian và số phận chỉ để lại cho nàng “màu da đã xạm, giọng nói khô khan, mắt nổi tia máu, má nhăn nheo, cánh tay nắng cháy, tróc da”, chàng Ngây thơ tuyệt vọng, “lùi lại ba bước, rùng rợn”. Thái độ của chàng chứng tỏ sự hụt hẫng đến cùng cực, hụt hẫng về sự phai tàn của Cunegondo thì ít, mà hụt hẫng về chủ nghĩa lạc quan thì nhiều. Mọi thứ tốt đẹp lên ư? Mọi việc đều có cứu cánh hoàn bích hơn ư? Nếu như vậy thì người yêu của chàng đã không đến nông nỗi này.
Và cũng chính nhờ người hàng xóm, Candide cùng gia đình nhỏ của mình đã biết được “Sự làm việc làm cho tránh được ba điều là buồn rầu, tật xấu, và sự đòi hỏi”, nghĩa là khi người ta làm việc, người ta sẽ không còn thời gian để suy nghĩ viển vông, để buồn, rồi lại đưa ra những triết lý huyễn hoặc nữa, người ta sẽ “sung sướng”. Lao động chính là cơ sở để hạn chế sự nảy sinh của cái ác, là tiền đề cho sự phát triển của xã hội. Cho nên Candide đã quyết định “phải trồng tỉa khu vườn” để mọi người bắt tay vào lao động, quên đi những triết lý vô bổ siêu hình ngày nào. Suy nghĩ này được lặp lại hai lần trong tác phẩm thể hiện sự quyết tâm cao độ của Candide.
Nhưng dường như, nhân vật, hay chính tác giả vẫn ít nhiều thỏa hiệp với cái xã hội đầy rẫy những cái ác, cái xấu xa ấy.Kết thúc các truyện triết lý là những âm điệu thỏa hiệp...Voltare đã thể hiện ước mơ của các nhà tư tưởng thế kỷ ánh sáng về một xã hội hoàn hảo nhưng chính ông cũng không tin rằng điều đó có thể xảy ra.Bởi thế, Voltare đã không nói lên một cách rõ ràng, không trả lời dứt khoát cho câu hỏi có thể cân bằng giữa cái thiện và cái ác được không. Soi chiếu vào tác phẩm, đúng là Candide bác bỏ chủ nghĩa lạc quan, muốn xã hội tốt đẹp lên nhưng làm thế nào để xã hội tốt đẹp lên Candide vẫn còn mờ mịt. Anh chỉ biết “phải trồng tỉa khu vườn của chúng ta đã”, còn khu vườn đó sẽ như thế nào, có phát triển hay là không, nếu phát triển cây trái có tươi tắn không, thì anh không biết. Dường như việc thay đổi xã hội đã không được đặt ra một cách bức thiết.Đó chính là hạn chế của nhà văn- nhà tư tưởng Voltare.

2.Nghệ thuật xây dựng nhân vật Candide
Ngòi bút của Voltaire tập trung miêu tả những cuộc phiêu lưu không bình thường của các nhân vật, trong đó cuộc hành trình của chàng Candide đậm tính chất hoang đường
Voltaire không tạo dựng những nhân vật có tính cách, đa dạng phức tạp, có đời sống nội tâm phong phú mà nhà văn thường nhấn mạnh, phóng đại nét nào đó trong tính cách nhân vật, khái quát hóa thành những hình tượng nghệ thuật có ý nghĩa xã hội sâu sắc, trong đó,  Candide điển hình cho con người phán xét việc đời thẳng thắng với một tinh thần giản dị nhất, chàng luôn giữ một niềm tin chắc chắn vào cái tốt đẹp, một sự “kiên định triết học” với đầy đủ ý nghĩa hài hước của cụm từ này.
Tình huống giữ vai trò nhất định trong trong đời sống nhân vật Candide vì chàng bị xô đẩy đến một nơi khác, bất ngờ bị lôi kéo vào những chuyện rắc rối (Candide bị đánh thập tử nhất sinh, bị đuổi khỏi tòa lâu đài nam tước, bị bão to gió lớn làm đắm thuyền, gặp cướp biển, bị lừa đảo, bị đày làm khổ sai,…) Nhân vật không bị đặt vào tình huống phải lựa chọn gay gắt và hành đông tức thời. Voltaire không hướng vào miêu tả tính cách mà chỉ cần tạo dựng nhân vật như những mẫu người giả định để biểu đạt tư tưởng đó.
Nhật vật Candide  không được miêu tả ngoại hình cụ thể, rõ nét: “một chàng thanh niên tính tình hiền hậu, hồn nhiên sống trong tòa lâu đài này. Bộ diện của chàng phản chiếu tâm hồn chàng…”
Tên nhân vật Cadide thể hiện phẩm chất, con người chàng: Candide – ngây thơ
Nhân vật Candide có quá trình chuyển hóa nhưng không hợp với logic nội tại của nó. Candide vốn là con người lạc quan ngây thơ sau khi chứng kiến thực tế xã hội và bản thân phải qua bao nỗi cơ cực đã nhận thức sâu săc về xã hội đương thời và hoài nghi triết lí của giáo sư  Pangloss.
Nhân vật trung tâm Candide  mang tính lí tưởng, chứa đựng nhiều yếu tố phi lí, khác thường (chàng luôn ngay thẳng, thật thà, và đặc biệt không bị nhiễm bởi những thói xấu xa, tội lỗi đang đầy rẫy trong xã hội). Voltaire  không  coi trọng tính chân thực của các chi tiết . Điều nhà văn quan tâm chính là tính chân thực của những vấn đề đặt ra qua nhân vật chứ không phải của những chi tiết , là tính chân thực của những khái quát nghệ thuật và tính lịch sử của vấn đề được trình bày qua câu chuyện.

III.Kết luận
         Cuốn CandideChàng ngây thơ của Voltaire nhằm mục đích trả lời cho triết thuyết của Rousseau về Thượng đế và nhất là để phản đối chủ trương của triết gia Leibniz, theo đó mọi sự trên đời đều sẽ càng ngày càng hoàn thiện hơn, nên con người phải lạc quan. Ông đưa ra một nhân vật chính có tính tình chất phác, quá lạc quan, thật thà đến mức ngây thơ nên người ta phải gọi là “Chàng ngây thơ”. Chàng là một con người có tâm hồn giản dị, trong sáng, trung thực với những nhận xét thẳng thắn. Candide đã phải trải qua bao nhiêu tai họa, biến cố,… đã khiến chàng đi đến hoài nghi và cuối cùng đã bác bỏ hẳn cái chủ nghĩa lạc quan mà chàng đã học được ở Pănglôx, đối với anh đó chỉ là những từ bất hạnh mà anh học được trong cuộc đời khủng khiếp. Thuyết hài hòa tiền định do Leibniz và Vonphơ đề xướng tỏ ra rất nguy hiểm. Nó ru ngủ tinh thần đấu tranh, buộc mọi người phải làm ngơ trước thực tế xấu xa và đen tối của xã hội. Bản thân nhân vật Candide góp phần đắc lực đánh quỵ chủ nghĩa lạc quan và thuyết Hài hòa tiền định. 
Lưu lạc vào một thế giới hoàng kim (xứ Eldorado, một xứ tưởng tượng) chàng lấy về được ngọc vàng châu báu kim cương, đủ thành một tài sản đưa chàng lên địa vị người giàu mạnh nhất thế giới; vậy mà, đến khi tìm được người đẹp, thì nàng hết nhan sắc, trở thành nô lệ, từng bị bán đi bán lại nhiều lần; cuộc sống sóng gió của nàng đã làm cho nàng hết đẹp, lại còn sinh tính nóng nảy, cục cằn. Lúc này đã hết tiền, chàng chỉ có thể mua một miếng vườn để cùng vợ và các bạn cũ sống đời an phận thủ thường. candide phải tìm đến giải pháp lao động, mua một mảnh vườn để “lao động, không lí luận gì nữa thì mới sống được”. Thế giới của ánh sáng của giấc mơ xã hội được gửi gắm vào xứ sở Eldorado xa vời, cách biệt với thế giới loài người. Eldorado tồn tại như một tâm thức huyền thoại.
      Tóm lại, nhân vật chính mà Voltaire xây dựng đã không thể chiến thắng được cái xã hội đen tối , cái xã hội phong kiến thối nát ấy. Cho nên nhìn về một xã hội mới Voltaire chỉ thấy những viễn cảnh tương lai trong ảo mộng mơ hồ. Họ là những con người lí tưởng, thật thà, không bị nhiễm những điều xấu xa, không bị cuốn hút vào trong những tội lỗi đầy rẫy trong xã hội. Trong thế kỉ bất hạnh ấy, họ lại là nạn nhân, và cũng chính họ là những quan tòa của xã hội; lên tiếng phán xét và phê phán các thể chế xã hội, các tổ chức trong bộ máy giai cấp thống trị. Những con người ấy có thể thay đổi xã hội được không? Voltaire cũng không trả lời được. Vì vậy các nhân vật của ông có phê phán xã hội mãnh liệt bao nhiêu đi nữa, nhưng cuối cùng vẫn thõa hiệp với xã hội phong kiến.
Tuy nhiên, nếu cuộc sống là tồi tệ, thì một ngày nào đó, mọi việc rồi sẽ tốt, đó là hy vọng của chúng ta. Chống đối một lý thuyết trừu tượng hão huyền, Voltaire đề xuất một hoạt động cho sự vận hành của loài người: “hãy trồng trọt khu vườn của chúng ta,” khu vườn ấy chính là thế giới. Sự khẳng định chủ đề này đảm bảo cho sự thống nhất của những cuộc phiêu lưu khác nhau của Candide, được thuật lại bằng một phong cách sinh động, được tạo nên từ sự chối tai khôi hài và lúc nào cũng thấm đượm sự mỉa mai, trào lộng.