Tuesday, June 9, 2015

NGHỆ THUẬT TRÀO PHÚNG TRONG SỐ ĐỎ - VŨ TRỌNG PHỤNG [Nguồn : Sp Văn K38 , ĐHSP]

Standard

MỤC LỤC



1. GiỚI THIỆU VỀ TÁC GIẢ,TÁC PHẨM

1.1. TÁC GIẢ:

Vũ Trọng Phụng sinh ngày 20 tháng 10 năm 1912, quê ở làng Hảo (nay là thị trấn Bần Yên Nhân), huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên nhưng ông lớn lên và mất tại Hà Nội. Cha ông là Vũ Văn Lân làm thợ điện ở Ga-ra Charles Boillot, mất sớm khi ông mới được 7 tháng tuổi, Vũ Trọng Phụng được mẹ là bà Phạm Thị Khách ở vậy tần tảo nuôi con ăn học. Sau khi học hết tiểu học tại trường Hàng Vôi, Vũ Trọng Phụng phải thôi học để đi làm kiếm sống vào khoảng năm 14 tuổi. Ông có may mắn được hưởng thụ chế độ giáo dục mới do Toàn quyền Pháp Albert Sarraut đề xướng, miễn phí hoàn toàn trong sáu năm tiểu học, và là một trong những lứa thanh niên Việt Nam đầu tiên được giáo dục bằng tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ, đó là nguyên nhân khiến ông luôn thần tượng nền văn hóa Pháp và là lớp nhà văn tích cực truyền bá văn học chữ Quốc Ngữ.
Nổi tiếng với giọng văn trào phúng châm biếm xã hội của mình, một số người đã so sánh ông như Balzac của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng vì phong cách "tả chân" và yếu tố tình dục trong tác phẩm mà khi sinh thời ông đã bị chính quyền bảo hộ Pháp tại Hà Nội gọi ra tòa vì "tội tổn thương phong hóa" (outrage aux bonnes moeurs). Về sau này, tác phẩm của ông lại bị cấm in, cấm đọc vì là "tác phẩm suy đồi" tại miền Bắc Việt Nam và Việt Nam thống nhất cho đến tận cuối những năm 1980. Tuy thời gian cầm bút rất ngắn ngủi, với tác phẩm đầu tiên là truyện ngắn Chống nạng lên đường đăng trên Ngọ báo vào năm 1930, ông đã để lại một kho tác phẩm đáng kinh ngạc: hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, cùng 1 bản dịch vở kịch từ tiếng Pháp, một số bài viết phê bình, tranh luận văn học và hàng trăm bài báo viết về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa. Một số trích đoạn tác phẩm của ông trong các tác phẩm Số đỏ và Giông Tố đã được đưa vào sách giáo khoa môn Ngữ văn của Việt Nam.
Năm 1930, Vũ Trọng Phụng đã có truyện ngắn đầu tay Chống nạng lên đường đăng trên tờ Ngọ Báo. Bắt đầu ông viết một số truyện ngắn, nhưng không được chú ý. Năm 1931, ông viết vở kịch Không một tiếng vang, thì bắt đầu gây được sự quan tâm của bạn đọc. Năm 1934, Vũ Trọng Phụng mới cho ra mắt cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tay Dứt tình đăng trên tờ Hải Phòng tuần báo.
Năm 1936, ngòi bút tiểu thuyết của ông nở rộ, chỉ trong vòng một năm, bốn cuốn tiểu thuyết lần lượt xuất hiện trên các báo, thu hút sự chú ý của công chúng. Cả bốn tiểu thuyết Giông tốSố đỏVỡ đê và Làm đĩ đều hiện thực, đi sâu vào các vấn đề xã hội. Trong đó Số đỏ xuất sắc hơn cả, được xem như tác phẩm lớn nhất của Vũ Trọng Phụng, một vài nhân vật, câu nói trong Số đỏ đã đi vào ngôn ngữ đời sống hằng ngày.
Là một nhà báo, Vũ Trọng Phụng đã viết nhiều phóng sự nổi tiếng. Với phóng sự đầu tay Cạm bẫy người (1933) đăng báo Nhật Tân dưới bút danh Thiên Hư, Vũ Trọng Phụng đã gây được sự chú ý của dư luận đương thời. Năm 1934, báo Nhật Tân cho đăng Kỹ nghệ lấy Tây. Với hai phóng sự đó, Vũ Đình Chí và Vũ Bằng đã cho ông là một trong hàng vài ba "nhà văn mở đầu cho nghề phóng sự của nước ta". Những phóng sự tiếp theo như Cơm thầy cơm côLục sì đã góp phần tạo nên danh hiệu "ông vua phóng sự của đất Bắc" cho Vũ Trọng Phụng.
Những tiểu thuyết và phóng sự của ông cũng nhận được nhiều ý kiến phản bác. Từ năm 1936 đến khi Vũ Trọng Phụng qua đời năm 1939, đã nổ ra cuộc tranh luận xung quanh vấn đề "Dâm hay không Dâm" trong các tiểu thuyết, phóng sự của ông.
Cả đời Vũ Trọng Phụng sống trong nghèo khổ. Vì còn bà nội và mẹ già nên dù lao động cật lực, ngòi bút của ông vẫn không đủ nuôi gia đình. Tuy viết về nhiều các tệ nạn, thói ăn chơi nhưng Vũ Trọng Phụng là một người đạo đức và sống rất kham khổ. Vì vậy ông mắc bệnh lao phổi. Những ngày cuối đời, trên giường bệnh ông từng phải thốt lên với Vũ Bằng"Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bít tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế này". Vợ ông, bà Vũ Mỹ Lương, tên thường gọi là bà Gái, là con người vợ thứ tư của cụ Cửu Tích, một nhà tư sản có cửa hàng thuốc ở phố Hàng Bạc. Sau khi làm đám cưới vào ngày 23 tháng 1 năm 1938, hai vợ chồng đã cùng thuê nhà ở phố Hàng Bạc.
Ông mất ngày 13 tháng 10 năm 1939, khi mới 27 tuổi, để lại gia đình còn bà nội, mẹ đẻ, vợ và người con gái chưa đầy 1 tuổi tên là Vũ Mỹ Hằng.

1.2. Tác phẩm Số đỏ:

Số đỏ là một tiểu thuyết văn học của nhà văn Vũ Trọng Phụng, đăng ở Hà Nội báo từ số 40 ngày 7 tháng 10 1936 và được in thành sách lần đầu vào năm 1938. Nhiều nhân vật và câu nói trong tác phẩm đã đi vào cuộc sống đời thường và tác phẩm đã được dựng thành kịchphim. Nhân vật chính của Số đỏ là Xuân - biệt danh là Xuân Tóc đỏ, từ chỗ là một kẻ bị coi là hạ lưu, bỗng nhảy lên tầng lớp danh giá của xã hội nhờ trào lưu Âu hóa của giới tiểu tư sản Hà Nội khi đó. Tác phẩm Số đỏ, cũng như các tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng đã từng bị cấm lưu hành tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước năm 1975 cũng như tại Việt Nam thống nhất cho đến năm 1986.

1.2.1. Tóm tắt nội dung

Truyện dài 20 chương và được bắt đầu khi bà Phó Đoan đến chơi ở sân quần vợt nơi Xuân tóc đỏ làm việc. Vô tình Xuân tóc đỏ vì xem trộm 1 cô đầm thay đồ nên bị cảnh sát bắt giam và được bà Phó Đoan bảo lãnh. Sau đó, bà Phó Đoan giới thiệu Xuân đến làm việc ở tiệm may Âu Hóa, từ đó Xuân bắt đầu tham gia vào việc cải cách xã hội. Nhờ thuộc lòng những bài quảng cáo thuốc lậu, hắn được vợ chồng Văn Minh gọi là "sinh viên trường thuốc", "đốc tờ Xuân". Hắn gia nhập xã hội thượng lưu, quen với những người giàu và có thế lực, quyến rũ được cô Tuyết và phát hiện cô Hoàng Hôn ngoại tình. Xuân còn được bà Phó đoan nhờ dạy dỗ cậu Phước, được nhà sư Tăng Phú mời làm cố vấn cho báo Gõ Mõ. Vì vô tình, hắn gây ra cái chết cho cụ cố tổ nên được mọi người mang ơn. Văn Minh vì nghĩ ơn của Xuân nên dẫn Xuân đi xóa bỏ lí lịch trước kia rồi đăng kí đi tranh giải quần vợt nhân dịp vua Xiêm đến Bắc Kì. Bằng thủ đoạn xảo trá, hắn làm 2 vận động viên quán quân bị bắt ngay trước hôm thi đấu nên Xuân được dịp thi tài với quán quân Xiêm. Vì để giữ tỉnh giao hảo, hắn được lệnh phải thua. Kết thúc trận đấu, khi bị đám đông phản đối, Xuân hùng hồn diễn thuyết cho đám đông dân chúng hiểu hành động "hi sinh vì tổ quốc của mình", được mời vào hội Khai trí tiến đức, được nhận huân chương Bắc Đẩu bội tinh và cuối cùng trở thành con rể cụ cố Hồng.

1.2.2. Nhân vật:

-Xuân Tóc Đỏ: nhân vật chính của truyện, 1 đứa bé mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải kiếm sống bằng đủ thứ nghề như trèo me, trèo sấu, thổi kèn, quảng cáo thuốc lậu, nhặt banh ở sân quần vợt.
-Cụ cố tổ: Một ông lão 80 tuổi, có gia sản lớn nên con cháu ai cũng muốn ông chết để chia gia tài.
-Cụ cố Hồng: Một ông lão gần 60 tuổi, nghiện thuốc phiện nặng và lúc nào cũng tỏ ra là mình già. Ông có câu nói nổi tiếng đã đi vào đời sống: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!".
-Bà Phó Đoan: Một người đàn bà lấy chồng Tây, đã 2 đời chồng và cực kì dâm đãng nhưng lúc nào cũng tỏ ra là 1 quả phụ gương mẫu.
-Cậu Phước: Con cầu, con khẩn của bà Phó Đoan, lúc nào cũng chỉ biết nói: "Em chã, em chã".
-Văn Minh: Con trai cụ cố Hồng, chủ tiệm may Âu Hóa, ỷ mình đi du học Pháp nên lúc nào cũng muốn cải cách xã hội mặc dù không có bằng cấp gì cả.
-Cô Hoàng Hôn: Con gái cụ cố Hồng, đã có chồng nhưng vẫn thường xuyên ngoại tình.
-Ông Phán mọc sừng: Chồng cô Hoàng Hôn, một người đàn ông có vợ ngoại tình nhưng bất lực.
-Cô Tuyết: Con gái út cụ cố Hồng, mới 18 tuổi và có nhan sắc, muốn hư hỏng một cách có khoa học và tự hào chưa đánh mất cả chữ trinh.
-Ông TYPN: (Tôi Yêu Phụ Nữ) người thiết kế thời trang của tiệm Âu Hóa, đưa ra những mẫu quần áo tân thời

2. SỐ ĐỎ-MỘT HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC ĐỘC ĐÁO

 2.1. Nhan đề:

Bằng ngòi bút trào phúng độc đáo của mình ,Vũ Trọng Phụng đã đặt tên cho tác phẩm của mình là Số đỏ, nhan đề gây tiếng cười thâm thúy " số" số phận, cuộc sống, "đỏ" sự may mắn hay sự may mắn đầy bi kịch một nghĩa ẩn ý sâu sắc trong nhan đề tác phẩm làm nên nét kịch tính tạo sự tò mò, chú ý cho người đọc. Thông qua nhan đề "Số đỏ"tác giả đã lên án gay gắt cái xã hội tư sản thành thị Việt Nam đang chạy theo lối sống văn minh rởm hết sức lố lăng đồi bại đương thời. Đồng thời nó còn gợi lên một số phận của những con người học đòi trưởng giả mà "lai căng" cái văn hóa rởm gợi lên cái" đỏ" may man đáng thương.Như nút thắt mở đầu tác phẩm chỉ rõ cho người đọc tính phi lí, nực cười của xã hội đương thời đang làm băng hoại giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.

2.2. Cốt truyện

2.2.1. Sự kiện

Tiểu thuyết là một hình thức tự sự với dung lượng lớn, do vậy một tác phẩm có rất nhiều sự kiện. Ở tiểu thuyết "Số đỏ", Vũ Trọng Phụng đã khái quát những sự việc lớn xảy ra trong mỗi chương bằng lời giới thiệu ngắn gọn ở ngay phần "khai bút" của mỗi chương. Chẳng hạn, chương I của tiểu thuyết, lời tóm lược có nội dung là: SỐ ĐÀO HOA CỦA XUÂN TÓC ĐỎ, MINH +VĂN =VĂN MINH, LÒNG THƯƠNG NGƯỜI CỦA BÀ PHÓ ĐOAN Tương ứng với lời dẫn mở đầu của chương này là sự việc thầy bói đoán số cho Xuân Tóc Đỏ và số đào hoa của Xuân bắt đầu từ "lòng thương" của bà Phó Đoan và sự kiện của cái tên Văn Minh.
Ở chương XVII: “NGƯỜI VỊ HÔN PHU, MỘT VỤ CƯỠNG BỨC, MỘT CUỘC ĐIỀU TRA CỦA NHÀ CHUYÊN TRÁCH” thì sự kiện tiêu biểu của chương này là ba sự việc lớn đúng như lời giới thiệu của người dẫn truyện. Điều đáng lưu ý là mỗi sự kiện diễn ra trong các chương đều bất thường, thậm chí ngược đời. Ở mỗi chương đều có một hoặc nhiều sự kiện phi lý như vậy. Ở đời làm gì có chuyện như ông phán dây thép (chương V), ông vui mừng khoe với Xuân Tóc Đỏ chuyện mình bị mọc sừng, hơn thế còn thưởng cho hắn mười đồng (đưa trước năm đồng) nếu hắn gặp ông phán dây thép bất kì ở đâu chỉ cần trỏ vào mặt ông và chào một câu: "Thưa ngài, ngài là một người mọc sừng". Sự kiện hài hước này bạn đọc tìm được câu trả lời ở chương thứ XIV, XV. Sự thật của thái độ hí hửng vui mừng ấy là ông phán được chia thêm số tiền lớn bù cho sự oan uổng của ông (vợ ngoại tình) bị lộ, nhiều người biết qua câu chào của Xuân Tóc Đỏ. Với hai mươi chương của tiểu thuyết, tác giả sáng tạo ra rất nhiều sự kiện lạ đời, bất thường đến kỳ quặc như thế. Nhiều người cho rằng sự kiện độc đáo và sáng tạo thành công nhất của thiên truyện là sự kiện "hạnh phúc của một tang gia". Qua một sự kiện ngược đời một cách tồi tệ, nhà văn đã phô diễn một sự thật của gia đình quá tham tiền, bất nhân và đại bất hiếu. Hơn thế, sự kiện của một gia đinh đã lan tràn niềm hạnh phúc ra ngoài gia đình có người chết. Hai viên cảnh sát Min Đơ và Min Toa đang thất nghiệp bỗng được thuê giữ trật tự. Những bạn bè của cụ cố Hồng được dịp khoe mẽ sự oai vệ danh giá của mình. Hàng phố thi vui quá vì mấy khi được xem một đám ma to như thế. Còn bọn thanh niên thì dịp chim nhau cười tình với nhau, bình phẩm nhau, hẹn hò nhau... Chỉ một sự kiện mà lộ diện bản chất của một xã hội tư sản thành thị nhố nhăng, quái dị.
Như vậy, sáng tạo ra sự kiện hài hước, nghịch lý đến ngược đời, ngược đời một cách tồi tệ, hẳn thông điệp nhà văn muốn gửi gắm không dừng lại ở tiếng cười hài hước. Những sự thật bi hài hiện diện qua từng sự kiện, tiếng cười trào phúng không chỉ hướng đến một giai cấp, mà hơn thế, tác giả muốn đánh động một xã hội đang hoá thân một cách quái dị vào vòng quay của văn minh rởm...
Đọc tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, xâu chuỗi các sự kiện trong hai mươi chương của tiểu thuyết, ta nhận ra mắt xích giữa các sự kiện, những điều ngẫu nhiên dẫn đến tất nhiên và rõ ràng đó là ý đồ của nhà văn. Các sự kiện liên quan với nhau và mối liên kết giữa chúng tạo ra số đỏ cho nhân vật chính. Câu chuyện về cuộc đời Xuân Tóc Đỏ, nhân vật trung tâm của tác phẩm mới hiện lên trọn vẹn nhờ sự kết dính lôgíc giữa các sự kiện ấy. Tạo nên những nhân vật điển hình với tính chất biếm họa sâu sắc, phản ánh hiện thực với tính chất của “tiểu thuyết hoạt kê”.

2.2.2. Chi tiết

Để tạo ra sự kiện cho câu chuyện, nhà văn sử dụng nhiều chi tiết. Chi tiết có thể là một lời nói, một cử chỉ một hành động của nhân vật, hoặc một nét chân dung... Nhiều chi tiết cộng hưởng với nhau góp phần đưa cốt truyện lên cao đạt đến đỉnh của thành công vượt bậc. Trong tiểu thuyết "Số đỏ", nhà văn có rất nhiều thành công trong việc tạo dựng chi tiết tiêu biểu. Những chi tiết nói năng của nhân vật tưởng nhỏ nhặt nhưng đầy dụng ý của tác giả. Ví như mỗi lần Xuân mở miệng là "mẹ kiếp","nước mẹ gì", để lộ dấu ấn của một tên vô học dù hắn đang tiến ngày càng gần tới vị trí "nhà cải cách xã hội"... Hay chi tiết câu nói cửa miệng của cụ cố Hồng "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi" dù chẳng biết gì cả. Các chi tiết lời nói của nhân vật có giá trị cá tính hoá nhân vật một cách sắc nét nhất, góp phần hoàn thiện chân dung các nhân vật. Thêm nữa, cũng qua phát ngôn của nhân vật, tác giả đã chỉ ra mối quan hệ xã hội phức tạp, với vấn đề thời sự sôi nổi, chế độ tư sản bịp bợm và cả thể loại văn minh rởm. Thử xét các chi tiết lời nói khác sau đây.
Văn Minh: "Moa có hai thằng bạn hiện đã mở phòng khám bệnh độ hai năm nay (...) số người chết vì hắn cũng khá nhiều. Thật là một ông lang băm có danh vọng"
Ông Typn: "Quần áo là để tô điểm, đẻ làm tăng sắc đẹp chứ không phải để che đậy. Bao giờ mà y phục tiến bộ đến cực điểm, đi đến chỗ tận thiện, tận mỹ, thì nghĩa là y phục phải không còn...che đậy cái gì của người đàn bà nữa."
  Chỉ đọc qua hai chi tiết chúng ta nhận ra hai hiện tượng gây cười. Thật là vô lý, ngược đời. “Phòng khám bệnh”, “Số người chết … khá nhiều” làm nên danh vọng của “đốc tờ”. Hay triết lý của nhà mỹ thuật chiêu dụ phụ nữ Âu hóa với mục đích gì khác ngoài trục lợi (kiếm tiền). Hai chi tiết đã khéo mỉa mai châm biếm kẻ hợm hĩnh, làm những chuyện trái ngược với văn minh, tân tiến.
Thực ra, trong tác phẩm “Số đỏ” có không ít chi tiết hết sức “đắt giá”. Nhà văn quay cận cảnh ông Phán mọc sừng khóc “Hứt! Hứt! Hứt!” và đóng dấu sừng sững trên trang văn Vũ Trọng Phụng, để rồi ngày nay, mỗi khi muốn chế giễu ai đó giả dối, thói đạo đức giả là người ta ứng khẩu “Hứt! Hứt! Hứt!”
  Cũng cần nói thêm rằng ở tiểu thuyết “Số đỏ” có những chi tiết sáng tạo của Vũ Trọng Phụng mà đọc lên người đọc thực sự bái phục, thầm kêu lên “Tiên sư nhà văn Vũ Trọng Phụng” đầy ngưỡng mộ. Chẳng hạn chi tiết kêu cứu của bà Phó Đoan khi bị Xuân Tóc Đỏ đụng chạm đến cái đạo đức quý hóa của bà “Thủ tiết thờ chồng”. Tiếng kêu cứu “Ơ kìa? Hay chửa kìa! Ơ hay! Ơ hay” rồi “Bà Phó Đoan ngừng kêu để nói”
  - “Cậu ấy xuống tìm vú em để vòi đấy chứ quái gì?”     
  Có thể nói, chi tiết này ngoài ý nghĩa làm rõ cho sự việc “một vụ cưỡng bức” ở chương XVII, tác giả còn tô vẽ thêm “Phẩm chất không đứng đắn” của bà Phó Đoan, và hơn thế nhà văn đã thể hiện khả năng “tả chân” triệt để.
  Ở tiểu thuyết “Số đỏ” mỗi chi tiết nghệ thuật ta có thể thấy “tính quan niệm” của nhà văn. Tùy từng đối tượng trào phúng mà tác giả chọn lựa chi tiết phù hợp. Thử hiểu xem tác giả để cho nhân vật Xuân Tóc Đỏ nói với đốc tờ Trực Ngôn là nhằm mục đích gì? Đốc tờ Trực Ngôn ba hoa về lý thuyết Freud, Xuân nói: “Chỗ anh em mình với nhau cần gì còn phải giảng giải”. Phải chăng, khi so sánh với kẻ vô học và trí thức, thì trí thức rởm cũng ú ớ như kẻ vô học?. Hay tác giả muốn bật ra vấn đề xã hội đáng phải suy nghĩ? “Trí thức rởm” và kẻ vô học sẵn sàng tìm đến với nhau, dựa dẫm nhau để trục lợi.
  Khó có thể thống kê hết những chi tiết độc đáo trong tiểu thuyết “Số đỏ”. Có điều chính nhờ chi tiết đã dẫn dắt câu chuyện; cốt truyện tưởng như chỉ xoay quanh nhân vật chính Xuân Tóc Đỏ lại sinh động hẳn lên, vẽ ra một bức tranh lớn, nhiều màu sắc về xã hội thành thị tư sản đầu thế kỷ XX ở Việt Nam. Ở đó đối tượng “Mục kích” của tác giả hẳn không phải ở một cá nhân, một giai cấp nào mà toàn bộ xã hội tư sản thuộc địa hài hước, buồn cười, lố bịch với hàng loạt thói rởm tật xấu có thể trở thành phổ biến ở mọi chế độ xã hội.“Cấp tiến rởm, bình dân rởm, tri thức rởm, nghệ thuật rởm, khoa học rởm, bằng tước rởm” (Tạp chí văn học. H 1990 S,2). Điều đáng trân trọng ở tài nghệ của tác giả là: chính những chi tiết đặc sắc của tác phẩm là có sức “vận hành” vào đời sống với mức độ sâu rộng đến vậy. Và chính những chi tiết “bé nhỏ” lại có “độ lớn” trong việc tạo ra bất ngờ, hấp dẫn người đọc. Tái hiện xã hội theo hình thức hài hước từ đó phê phán cái thực chất của xã hội.

2.2.3. Mô típ

Trong số 23 mô típ của hệ thống mô típ trong văn học nghệ thuật Phương Đông được giáo sư Trần Đình Sử thống kê ở công trình “Dẫn luận thi pháp học”, chúng ta nhận thấy truyện “Số đỏ” thuộc mô típ “Người dốt gặp may”. Nhân vật từ kẻ hạ lưu đã trở thành vĩ nhân. Chọn lựa mô típ này cho câu chuyện lớn của mình, nhà văn có thuận lợi gì? Vì sao nhà văn Vũ Trọng Phụng lại chọn mô típ ấy? Mô típ này thuận lợi cho việc xây dựng cốt truyện mà ở đó cuộc đời của nhân vật chính biến chuyển theo hướng “Người dốt gặp may”, nhưng độc đáo hơn nếu ta giải mã cái “Số đỏ”, sự may mắn của Xuân Tóc Đỏ. Có phải chính cái may mắn đã dẫn dắt Xuân, một tên lưu manh, ma cà bông, vô học vào cái xã hội trưởng giả “thượng lưu” danh giá. Đúng, nhưng đó chỉ là cái may mắn đầu tiên do sự ngẫu nhiên may mắn. Nhưng chính cái thói dâm ô của Xuân mới giúp hắn lọt vào mắt xanh của mụ Phó Đoan, cái tài thổi loa quảng cáo thuốc lậu giúp hắn dễ dàng thành công ở tiệm may Âu hóa. Thì ra, bản chất lưu manh, vô lại của hắn giúp hắn dễ dàng tiến thân và phù hợp với bản chất lưu manh, đồi bại của xã hội “thượng lưu”. Vậy tiếng nói chỉ trích, trào phúng chính là hướng đến tên lưu manh ấy? Không! Chính cái xã hội ấy là môi trường thuận lợi để Xuân phát huy cao độ bản chất lưu manh, vô lại của hắn. Và như vậy, với cái vỏ ngoài “Người dốt gặp may” tác giả khéo léo chĩa mũi nhọn trào phúng vào cả xã hội Hà thành thượng lưu rởm. Xây dựng nhân vật với mô típ “Người dốt gặp may”, trong đó sự thăng tiến kỳ lạ của Xuân Tóc Đỏ, tác phẩm đã gióng lên tiếng chuông báo động trước tình trạng mọi thang bậc giá trị bị đảo lộn.

3. NGHỆ THUẬT TRÀO PHÚNG TRONG SỐ ĐỎ.

3.1. Khái niệm.

3.1.1. Khái niệm “Trào phúng”.

Trào phúng là khái quát chung cho những tác phẩm nghệ thuật, lấy tiếng cười làm phương tiện để  biểu hiện thái độ gì đó, nhằm vào một đối tượng nhất định.
Tiếng cười trào phúng có nhiều cấp độ, được sắp xếp theo thứ tự từ thấp đến cao, từ nhẹ đến nặng:
-         Tiếng cười khôi hài
-         Tiếng cười mỉa mai.
-         Tiếng cười châm biếm.
-         Tiếng cười chế giễu, nhạo bang.
-         Tiếng cười đả kích.

3.1.2. Nghệ thuật trào phúng.

Nói đến nghệ thuật trào phúng là nói đến nghệ thuật gây tiếng cười mang ý nghĩa phê phán, lên án, đả kích xã hội. Trước hết, nó đòi hỏi phải vạch ra được mâu thuẫn đáng cười của đối tượng, rồi dùng biện pháp phóng đại ( Cường điệu) để tô đậm làm  nổi bật mâu thuẫn đó, khiến cho đối tượng càng trở nên đáng cười.
Nhà văn trào phúng tài năng phải là người giỏi phát hiện ra những mâu thuẫn trào phúng, tạo nên những tình huống trào phúng và xây dựng những chân dung trào phúng.

3.2. Đặc sắc của nghệ thuật trào phúng trong tiểu thuyết Số đỏ.

3.2.1. Xây dựng tình huống trào phúng.

 “Phẩm chất nghệ thuật của một cuốn tiểu thuyết trào phúng chủ yếu phụ thuộc vào chỗ nó đã dàn dựng được những tình huống trào phúng và xây dựng được những nhân vật trào phúng thành công đến mức nào?” (Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn. NXB Giáo dục, 1994)
     Có thể nói, mỗi chương tiểu thuyết có một hoặc hơn một tình huống. Mỗi tình huống lại thể hiện một mâu thuẫn trào phúng. Ở truyện, nhà tiểu thuyết đã tạo ra khá nhiều tình huống trào phúng thật hài hước, khiến người đọc không “cười mím chí” mà “sục sịch cười”. Chẳng hạn: Cảnh một đồn cảnh sát buồn bã đến ngao ngán, vì không ai chịu chửi nhau và đái bậy để được phạt, nhà cải cách Âu hóa TYPN với những kiểu “ngây thơ”, “lời hứa”, “lưỡng lự”… lại mắng vợ là đồ lãng mạn, “đồ đĩ” vì mặc áo quần tân thời; cảnh thằng Xuân đọc thuốc “Nhức đầu giải cảm” mà bỗng thành thi sĩ trào phúng không kém gì Tú Mỡ; cảnh bà Phó Đoan được Xuân hứa tặng “tiết hạnh khả phong”…và tình huống trào phúng độc đáo nhất, lạ lùng nhất, cũng là bi đát nhất là cảnh “Hạnh phúc của một tang gia”
  Tạo ra nhiều tình huống trào phúng, tác phẩm thật sự tạo ra một nụ cười “vừa thông minh sắc sảo, vừa đầy khinh bỉ và căm phẫn của nhà văn đối với một tầng lớp xã hội lố bịch, vừa đú đởn, dửng mỡ, vừa láu cá, bịp bợm không biết xấu hổ lại còn vênh váo, hí hửng, phô phong thái độ của kẻ hãnh tiếng tiểu nhân, đắc chí (Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn. NXB Giáo dục, 1994).
Là một nhà văn hiện thực, ông luôn quan tâm sâu sắc đến môi trường xã hội, xem đó là cơ sở để giải thích tính cánh nhân vật cũng như hướng đi cho tác phẩm nên ông rất chú ý xây dựng những tình huống trào phúng làm nền cho nhân vật hài xuất hiện. Ví dụ như trong tiểu thuyết Số đỏ, mâu thuẫn trào phúng nằm ngay trong chương truyện số XV “Hạnh phúc của một tang gia”. Thông thường tang gia phải là bất hạnh, cái không khí bao trùm lên một gia đình có tang phải là cái không khí buồn đau, ảm đạm. Nhưng ở đây cái chết của cụ Tổ đã đem đến cho toàn gia một niềm hạnh phúc hoan hỉ. Đọc nhan đề ta đã thấy cái mâu thuẫn và vô số các câu hỏi được đặt ra như: Tang gia mà lại hạnh phúc ư? Cái chết của người thân mà lại đem đến cho những người còn sống một niềm hạnh phúc hay sao? Điều này thật trái khoáy ngược đời!
Cả cái đại gia đình ấy, ai cung nóng lòng sốt ruột mong đợi cái chết ấy. Và người ta chỉ chờ đợi cái giây phút phát tang để mà được thể hiện. Người ta ríu rít nhau đưa đi cáo phố, thuê xe tang, hí hửng tung tăng đi đặt thứ này,  sắm thứ khách. Mặt khác đây cũng  là đám ma thật to tát, đám ma gương mẫu “ lớn nhất Hà Thành”. Đám có mấy trăm người cả tai to mặt lớn cho đến nam thanh nữ tú, có lợn quay, đi lọng vàng, kiệu bát cống, với hàng trăm vòng hoa, rồi cờ, trướng, câu đối. Riêng âm nhạc cũng hỗn tạp có đủ cả kèn ta, kèn Tây, kèn Tàu, từ bát âm cho đến bú – xích, lốc bốc xoảng. Tất cả cứ tưng bừng náo nhiệt, thật to tát. Đám đi đến đâu cũng nở mày nở mặt! Sự to tát ấy nếu không làm cho người chết nhổm lên thì cũng phải gật đầu. Nhưng sự nực cười là ở chỗ, cái đám ma vào loại to nhất Hà Thành có đấy đủ các thức duy chỉ thiếu một thứ - ấy là lòng sót thương đối với người chết. Không một ai thương sót cho người nằm trong quan tài, mà thiếu điều này thì tất cả các thức kia dường như đã trở thành vô nghĩa, thành lừa bịp giả dối, bên ngoài thì phô chương ồn ào mà bên trong thì rỗng tuếch thối nát.

3.2.2. Thủ pháp tương phản.

Thủ pháp tương phản được Vũ Trọng Phụng  khai thác triệt để trong cánh xây dựng nhân vật của mình và dựng cảnh. Tác giả chọn những chi tiết nêu lên sự tương phản giữa hình thức và nội dung, giữa lời nói và việc làm.
Kẻ lãnh đạo phong trào Âu hóa trong Số đỏ là Văn Minh. Ông vô học mặc dù đã từng đi du học ở tận phương Tây về nhưng lại không có nổi một tấm bằng (Y du học chỉ để nhảy đầm với các cô gái đẹp), Y hô hào thể thao nhưng chính mình lại sở hữu một thân hình gầy gò ốm yếu. Ông TYPHN đòi giải phóng nữ quyền, cách tân trong thời trang nhưng Y lại cấm vợ mình đổi mới. Hay như nhân vật chính Xuân Tóc Đỏ vô học, lưu manh từ nhỏ nhưng Y lại trở thành “Docter Xuân”, “Nhà cải cách xã hội”, “Giáo sư quần vợt”, “Nhà chấn hưng Phật giáo”, “Anh hung cứu quốc”. Đám ma của cụ Tổ được cả đại gia đình bất hiếu tổ chức trọng thể giống như một đám rước. Nhưng lại là một đám rước thiếu nghiêm chỉnh, nghi thức thì hỗn độn theo cả Tây, Ta lẫn Tàu.

3.2.3. Thủ pháp phóng đại để tạo tình huống.

Để tạo lên tiếng cười, nhà văn thường phải vận dụng thủ pháp phóng đại. Nét đặc sắc nổi lên ở Số đỏ là tác giả đã phóng đại, tạo ra các tình huống bất ngờ gây tiếng cười xuyên suốt tác phẩm. Nhưng đặc sắc ở chỗ phóng đại mà như không phóng đại, bởi người đọc thấy nó có lí, có tình và chân thật.
Ví dụ như truyện của nhân vật Xuân:
Xuân lêu lổng từ nhỏ, lưu manh rồi bị bắt vào tù nhưng may mắn, bất ngờ gặp được mụ Phó Đoan dâm đãng, rồi nhờ mụ Xuân kiếm được việc làm, bằng những lời nói hoa mỹ được dạy học cùng với những chiêu lừa đảo từ thời lưu manh Xuân được xem trọng rồi lọt vào bộ máy Âu hóa của Văn Minh, rồi há miệng mắc quai nên Y cứ từng bước mở đường trên con đường danh vọng của mình. Và cũng vì bất ngờ Xuân làm cho ông bố cụ cố Hồng khỏi bệnh. Và cũng vì bất ngờ Xuân làm cho ông bố cụ cố Hồng chết. Thế và rồi Y nghiễm nhiên trở thành ân nhân của gia đình Văn Minh, và được cô Tuyết yêu say đắm, ngưỡng mộ như một chàng trai tài ba. Rồi cũng vì nhờ thua quần vợt Y trở thành một vị anh hùng cứu Quốc và được tôn vinh, được phủ toàn quyền hưởng Bắc đẩu bội tinh.

3.2.4. Xây dựng nhân vật.

Thế giới nhân vật trong Số đỏ đông đảo đa dạng, đủ thành phần.
Điểm đặc sắc là mỗi nhân vật mang một tính cánh điển hình, thể hiện rõ bản chất của nhân vật đó, đồng thời tác giả tô đậm, phóng đại để gây tiếng cười. Nhiều nhân vật được xây dựng hiện lên như một con rối, hành động và ăn nói ngớ ngẩn, lố bịch, lập đi lập lại bất chấp hoàn cảnh.
Chẳng hạn như: Cụ cố Hồng thì chỉ lặp đi lặp lại câu nói “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, Min đơ, Min toa thì bạ chỗ nào cũng vênh váo tự giới thiệu: “ Me xừ Min toa, cảnh bình hạng năm, giải nhất vòng quanh Hà Nội, giải nhất Hà Nội – Nam Định, một vẻ vang của sở cẩm Hà Nội, một cái hy vọng của Đông Dương!…). Con trai của mụ phó đoan cũng dâm đãng giống mẹ cứ mở miệng là: “Em chã, em chã!”.
Đặc biệt tác giả đi sâu miêu tả tâm trạng của những nhân vật bằng những hành vi trào phúng: (…) những ông tai to mặt lớn khi sát bên linh cửu, khi trông thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực tuyết, ai nấy cũng đều cảm động hơn khi nghe tiếng kèn Xuân nữ ai oán, não nùng…Cô tuyết thì cố làm ra vẻ mặt buồn lãng mạn theo đúng mốt của một gia đình có tang nhưng thật ra ánh mắt buồn ấy lại đang chờ đợi người yêu Docter Xuân của mình tới, cô diện bộ áo ngây thơ để chứng tỏ với thiên hạ rằng mình chưa đánh mất cái chữ “trinh”. Hay những người đi đưa tang họ cố giữ vẻ mặt buồn nhưng vừa đi vừa thì thầm với nhau đủ mọi thứ truyện nhảm nhí, trên trời dưới đất, vô đạo đức. Họ liếc mắt đưa tình và cười thầm với nhau. Hành vi đầy mâu thuẫn của ông Phán mọc sừng cũng thật hài hước. Ông mướn Xuân Tóc Đỏ nói với mọi người bên gia đình vợ rằng: “Ông là một người chồng mọc sừng” để dẫn đến cái chết bất ngờ nhưng nhiều mong đợi của cụ Tổ và tự hào về đôi sừng vô hình nhưng thật có giá trị của mình. Cũng chính vì đôi sừng mà ông được chia thêm vai trăm ngàn bạc. Hay cho lúc đưa tang ông có nức nở khóc cho thật to, khóc đến nỗi oạt người đi để tỏ lòng hiếu nghĩa của người cháu rể. Nhưng mặt khác, ông lại rất tỉnh táo không quên  kèo giao dịch của ông với Xuân Tóc Đỏ, ông khóc ngã vào người Xuân và lén dúi vào tay Xuân tờ giấy bạc năm đồng gấp tư. Hay cậu cháu đích tôn Tú Tân lại vui mừng vì đám tang là lúc cậu được sử dụng mấy cái máy ảnh đã lâu không được dùng đến, trong lúc hạ huyệt cậu bắt mọi người phải chống gậy, khom lưng, lau nước mắt và xếp hàng để cậu chụp hình. Trong khi những người bạn của cậu lại thi nhau trèo lên các ngôi mộ khác để chụp ảnh cho khỏi giống nhau….

3.2.5. Ngôn ngữ trào phúng

Không chỉ  có  xây dựng tình huống,thủ pháp tương phản mà bên cạnh chúng ta cũng cần nhìn nhận sự đóng góp của yếu tố ngôn ngữ. Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng, đặc điểm của ngôn từ trong tiểu thuyết là có nhiều tiếng nói. Mỗi nhân vật đều có tiếng nói riêng, mỗi nhà văn có giọng điệu riêng. Văn học là nghệ thuật ngôn từ, do đó sự thành công của một tác phẩm nói chung và tác phẩm tiểu thuyết nói riêng thì có sự đóng góp không hề nhỏ của ngôn từ.
Nhà văn Nguyễn Khải đánh giá “Số đỏ” là cuốn sách vô tiền khoáng hậu và là “cuốn sách có thể làm vinh dự cho một nền văn học”. Tác phẩm này không chỉ thành công ở phương diện nghệ thuật mà còn đặc sắc ở phương diện nghệ thuật, trong đó ngôn ngữ đóng vai trò rất quan trọng.
Vũ Trọng Phụng sử dụng lớp ngôn ngữ đa dạng và phong phú trong tiểu thuyết này. Từ ngôn ngữ vỉa hè, thành thị, ngôn ngữ lãng mạn đến ngoại lai…đều đủ cả, nhằm góp phần diễn đạt cái xã hội mà mọi thứ đều tạp nham, xiêu vẹo. Trước hết là ngôn ngữ vỉa hè, bắt nguồn từ Xuân tóc đỏ - một đứa lang thang vỉa hè, vô học. Từ lúc còn là một tên ma cà bông cho đến khi trở thành vĩ nhân thì cái ngôn ngữ vô giáo dục kia luôn gắn bó với hắn. Cứ hở mồm ra là “Mẹ kiếp”, “nước mẹ gì”.
Ngôn ngữ lãng mạn được thể hiện tập trung ở nhân vật Tuyết – cô gái lãng mạn của những năm 30. Từ cái tên đến bộ áo ngây thơ, cử chỉ, điệu bộ, lời nói…Nói chung, ngôn ngữ của Tuyết gắn liền với sự lãng mạn: “Tôi là một trang bán xử nữ, nghĩa là còn trinh một nửa”; có khi là những lời thơ mộng pha chút giễu cợt “Lúc ấy cô muốn viết ngay một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời mình”; hay “em sung sướng quá! Em muốn chết anh ạ…”
Ngôn ngữ của của Phật phát ra từ sư Tăng Phú: “bần tăng mà kiện tại tòa thì phải thua hộc máu mồm” hay “tín đồ nhà Phật chúng tôi bút chiến nguyền rủa nhau là ghẻ ruồi, ghẻ trâu, ghẻ lào, hắc lào, hóa củi, cụt tay, cụt chân, thế cơ”.
Còn có ngôn ngữ phô trương, hô hào như khẩu hiệu: muôn năm, Âu hóa, nước Pháp dân chủ vạn tuế, thánh cung bình dân vạn tuế…Vũ Trọng Phụng đã bỡn cợt cái xã hội thối nát đó bằng thứ ngôn ngữ này nhằm làm cho cái uy nghi lẫm liệt của phong trào Âu hóa sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại những điều đáng lên án nhất.
Vũ Trọng Phụng phản ánh tinh thần đô thị, phản ánh trào lưu Âu hóa đang vội vã diễn ra chẳng có trật tự gì bằng hệ thống các liên từ, trạng từ, phó từ như: chợt, bỗng, tự nhiên, tình cờ, đột ngột một cách linh hoạt, tài tình trong các ngữ cảnh khác nhau để miêu tả cát tinh thần đô thị hiện tại ấy. Ví dụ như “Xuân chợt thấy bóng bà Văn Minh”, “Tuyết chợt nhìn ra xa”, “Xuân tóc đỏ bỗng thấy ông thầy xem số”…Những từ này diễn tả sự bất ngờ của những biến cố liên tiếp xảy ra.
Ngôn ngữ trào phúng còn thể hiện ở sự đa giọng điệu trong tác phẩm. Xét về cảm hứng chủ đạo thì có giọng bi, giọng hài, giọng bi đan xen hài giọng anh hùng ca; xét trên khuynh hướng tình cảm thì có giọng điệu phê phán, châm biếm, ngợi ca. Giọng chủ đạo trong “Số đỏ” là giọng châm biếm, mỉa mai hay còn gọi là giọng giễu nhại. Giáo sư Đỗ Đức Hiểu khẳng định: “Số đỏ là một cái cười nhại với tầm cỡ lớn”. Vũ Trọng Phụng nhại lại một xã hội, một phong trào văn hóa…trong “Số đỏ”.

3.3. Ý nghĩa của nghệ thuật trào phúng trong Số Đỏ.

- Với nghệ thuật trào phúng đặc sắc, Số Đỏ có sức lôi cuốn người đọc. Mỗi chương là một màn hài kịch và toàn tác phẩm là một truyện cười dài hay là một tiểu thuyết hài kịch với tiếng cười xuyên suốt.
- Thông qua vở  hài kịch, số đỏ phơi bày bộ mặt thật của bọn thượng lưu thành thị trên con đường chạy đua theo các phong trào “Âu hóa”, “Thể thao”, “ Giải phóng phụ nữ”, chúng hiện nguyên hình là  bọn đểu cáng, nhố nhăng, vụ lợi và chẳng khác gì là những thứ cặn bã của xã hội.
Nghệ thuật trào phúng đã góp phần quan trọng làm cho Số Đỏ có giá trị phê phán sâu sắc xã hội nửa Tây, nửa Ta thời bấy giờ.

4. KẾT LUẬN:

Số đỏ là một hiện tượng văn học độc đáo, là đỉnh cao của nghệ thuật trào phúng Vũ Trọng Phụng nói riêng và của văn học hiện thực nước ta nói chung.

Có thể nói, tiểu thuyết Số đỏ là một bức tranh thu nhỏ của xã hội Việt Nam vào những năm 30. Từ những suy nghĩ, lời nói, hành động của các nhân vật…Vũ Trọng Phụng đã phơi bày cho người đọc thấy được bộ mặt thật của chế độ đó, làm bật những cái xấu đến cười ra nước mắt của xã hội thực dân nửa phong kiến.