Đọc bài viết " Tôi thích học văn ", tôi bắt gặp một mối đồng cảm. Tôi cũng từng là học sinh chuyên văn và những năm tháng học phổ thông của tôi gắn liền với những kỷ niệm về những thầy cô giáo dạy văn.
Ngày đó, chúng tôi say sưa với những cuốn sách tự mua hay mượn trong kệ sách của cô thầy. Thế giới văn chương là một thế giới nhiều màu sắc. Ở đó, những con người trong đời thực bước vào trang sách và từ trang sách bước ra lại cuộc đời để cho tôi hiểu hơn những con người sống xung quanh tôi. Và văn chương cùng những bài học làm người mà thầy cô xuyên lồng trong bài giảng đã một phần nào nuôi tôi lớn lên.
Rồi tôi vào đại học, trong bức thư của người thầy dạy văn cũ có một câu cứ khiến tôi day dứt, nghĩ suy "thầy đã trắng tay trong canh bạc cuộc đời". Thầy tôi kể lại một buổi học, khi thầy xin phép được tạm dừng trong giây lát, một ai đó đã nói vọng lên "nghỉ luôn cũng được thầy ơi". Vì sao nghỉ luôn cũng được, thầy tôi hỏi và một em học sinh đã đứng lên nói với thầy " thưa thật với thầy, hầu như lớp em không ai thích học môn văn".
Đọc đến đó tôi như cảm nhận được cái "lặng người đi" của thầy tôi và tôi cũng lặng người. Bây giờ không hiếm gì ta nghe được một câu nói đại loại như văn chương là thứ viển vông, là thứ không thể mài ra cơm áo gạo tiền trong thời buổi kinh tế thị trường. Thậm chí những người yêu thích văn chương thực sự bị cho là những kẻ khùng và có một thực tế là có những người do không đủ năng lực học các khối học khác đã chọn ban C (ban văn chương) như một cứu cánh để vào đại học vì cho rằng "mấy môn sử địa chỉ cần gạo bài là xong, còn văn thì xào từ những bài văn mẫu một ít là ra bài của mình".
Nghe mà xót cả lòng. Những người đó không biết đã từng đọc qua câu nói của M.Gooki: "Văn học là nhân học"