Monday, June 8, 2015

CÁC BÀI THƠ CHIẾN TRANH CỦA ĐỖ PHỦ - Nguồn : SP Văn K37 ĐHSP

Standard

3. Nội dung chính
3.1             Thái độ của Đỗ Phủ về chiến tranh
Như đã nói Đỗ Phủ sống trong giai đoạn cuối của thời thịnh Đường chính vào lúc xã hội rối ren và hỗn loạn nhất, tầng lớp thống trị chuyên chế thì càng đồi trụy, nền chính trị hỏng nát, các mâu thuẫn trong xã hội ngày càng gay gắt và sâu sắc. “Loạn An Sử” xảy ra đánh dấu xã hội phong kiến đời Đường chuyển sang thời kỳ chiến tranh loạn lạc liên miên, nhân dân lầm than khổ cực. Và nhìn vào thực tế xã hội như vậy Đỗ Phủ một nhà thơ đã có những suy nghĩ và thái độ rất riêng về thời cuộc. Có thể nói thái độ của Đỗ Phủ về chiến tranh rất khác với những nhà thơ Đường thuộc “trường phái biên tái” tiêu biểu là Cao Thích và Sầm Tham. Đỗ phủ hướng theo trường phái hiện thực, ông  là nhà thơ phê bình xã hội. Và sự phê bình của ông có ảnh hưởng rất nhiều từ thái độ và suy nghĩ của cá nhân ông.
Trước tiên ta phải nắm vững những thái độ của tác giả đối với chiến tranh. Đó là phản ánh lại chiến tranh một cách chân thật nhất và đứng trên nhiều góc độ để nhìn nhận chiến tranh.
Thứ nhất Đỗ Phủ phản ánh chân thật lại thời đại, lịch sử, đặc biệt là những cuộc chiến tranh: chiến tranh mở rộng bờ cõi của vua chúa trước Loạn An Sử; cuộc nổi loạn do An Lộc Sơn cầm đầu năm 755; cuộc chiến của triều đình để dẹp loạn An Sử; đời sống của nhân dân trong chiến tranh. Ông xoáy sâu vào hiện thực, làm bật lên bản chất của hiện thực:
“…Binh sĩ đã dàn ra vạn nước
Lửa chiến tranh lan khắp núi xanh
Xác chồng cây cỏ hôi tanh
Sông đồng máu chảy đã thành đỏ au
Chẳng ở đâu còn yên vui nữa…”
 Nhưng ông còn nhìn lịch sử từ góc nhìn nhân văn ( khác với Tư Mã Thiên nhìn lịch sử từ góc nhìn hành động, sự kiện và triết luận).  Đề tài chiến tranh là đề tài chiếm số lượng lớn trong sáng tác của nhà thơ và với thái độ nhìn thẳng vào sự thật nhưng bằng con mắt nhân văn thì chiến tranh hiện lên trong thơ Đỗ Phủ ở nhiều khía cạnh. Đó là hình ảnh con người trong chiến tranh, đặc biệt là người nông dân. Họ vừa là chiến sĩ vừa là nạn nhân của chiến tranh. Hình ảnh của họ được khắc họa rõ rệt qua những trận chiến:
“ Tử sinh đều phải xông lên
Nếu không dốc sức, lại quèn giận ngay”.
Hay:
“ Thân cưỡi ngựa dưới trời mưa tuyết,
Đoàn quân đi vào tít núi cao.
Đường trơn bám đá lạnh sao !
Ngón tay rơi rụng, băng vào buốt ghê.”

Qua những cuộc biệt li:
“…Ta vứt gậy ra đi rời cửa
Người đi theo đều khổ đau cùng…”
(Cuộc li biệt của người già)

“ Sau năm Thiên Bửu, vắng tanh
Vườn nhà chỉ thấy cỏ tranh thôi mà,
Làng tôi xưa quá trăm nhà
Gặp thời loạn lạc tan ra trăm đường!
Người còn, tin tức vô phương,
Kẻ chết bên đường bụi lấp vùi thân…
…Nhà chẳng có để mong từ biệt
Mình lấy gì để biết mình dân?”
(Vô gia biệt)
Qua những nỗi thống khổ của nhân dân trong chiến tranh và qua những tình cảm riêng nhất của con người:

“ Ngày vấn tóc kết hôn làm vợ
Chiếu nhà chồng chưa đủ ấm hơi.
Cưới chiều tối, sáng đi rồi,
Vội gì vội thế mà đòi hôn nhân”.
( Tân hôn biệt)
 Có thể nói qua việc miêu tả chiến tranh bằng con mắt nhân văn, nhà thơ đã thể hiện rõ rệt thái độ của mình, đó là nỗi lo lắng cho nhân dân, thương cảm cho họ và mong muốn một cuộc sống tốt đẹp sẽ tới, sẽ không còn chiến tranh và li biệt. Nhà thơ đã đứng về phía nhân dân và bày tỏ thái độ với triều đình:
“ Đất quân vương bốn bề rộng thế,
Mở biên cương thêm để làm chi?”
Hay :
“ Mới hay sinh trai vô tích sự
Sinh gái thế mà hay
Sinh gái còn gả cho hàng xóm
Sinh trai chôn xác theo cỏ cây”.
 Vì nhà thơ biết được nguyên nhân của chiến tranh, nỗi thống khổ của nhân dân đó chính là do triều đình thối nát không quan tâm đến nhân dân, triều đình bây giờ chỉ là nơi để bọn vua quan nhà Đường ăn chơi hưởng lạc cuộc sống xa hoa:
“Quan lớn trong triều ngấy rượu thịt
Bọn dân mảnh vải tấm tranh không”
Hay:
“ Cửa son rượu thịt ôi
Ngoài đường xương chết buốt”.
và mưu đồ mở mang bờ cõi:
“ Người xưa trọng giữ gìn biên ải,
Người nay ham công nổi danh cao
Biết đâu vị chúa anh hào
Xuất quân lính kéo dài vào tận mây
Mở toang biên giới bắc phương
Mang đất về nộp, quân vương thỏa lòng”

Đỗ Phủ nhìn thấy điều này vì ông là người gần dân, ông cũng chịu chung nỗi khổ với họ. Ông cũng từng phải sơ tán vì chiến tranh, con trai ông chết đói vì mất mùa, loạn lạc và ông cũng chứng kiến cảnh trái ngược khi vua chúa, cung phi vẫn hưởng lạc, nghỉ rét và yến tiệc  hoan hỉ. Đứng về phía nhân dân ông kịch liệt phản đối những chính sách và sự xa hoa của vua chúa. Ông hi vọng sẽ tới 1 ngày nhà vua nhận ra sự  mở mang bờ cõi của mình là vô lí và phi nghĩa bởi đất đai của nhà vua đã rất rộng không thể cai quản hết và nhân dân chính là nạn nhân sẽ phải chết vô ích vì chiến tranh không đáng. Cuộc nổi loạn An Sử với mục đích bênh vực quyền lợi cho nhân dân và  nổi lên bởi mâu thuẫn với triều đình được Đỗ Phủ ủng hộ, ông đứng về phía nhân dân, bày tỏ sự nhân văn sâu sắc.

Thứ hai Đỗ Phủ là một vị quan, là người của triều đình nhà Đường mà cuộc nổi loạn An Sử là do người Hồ cầm đầu muốn lật đổ triều đình nhà Đường. Một câu hỏi đặt ra, ông sẽ có thái độ gì? Và chúng ta đã thấy qua những tác phẩm của ông, đứng về phía triều đình, ông đồng ý với việc nhà vua cử người đi dẹp loạn An Sử. Ông cổ vũ khích lệ tinh thần những người ra trận:
“ Việc chăn ngựa cũng xem như nhẹ nhàng
Quân nhà vua rõ ràng chính nghĩa,
Lại chăm lo binh sĩ công bằng
Cháu ơi đừng khóc lên đường
Tướng quân cha mẹ yêu thương dân mình.”
Hay:
“Khuyên ai chiến sĩ nhà nghèo
Đừng đau sót cảnh hẩm hưu phận cùng
Gặp thời dốc sức góp công
Trước sau kém cỏi thực không lo gì”.
Và: 
“Khuyên chàng chớ nặng vì tình vợ
Hãy quyết tâm phụng sự nước nhà”.
 Vậy phải chăng Đỗ Phủ là người không nhất quán trong suy nghĩ và thái độ của ông không bền vững?  Tư tưởng trung quân và tư tưởng ái dân của nhà thơ xuất hiện đồng thời và đôi khi mâu thuẫn nhưng có lẽ nó lại đồng nhất với nhau. Thương dân nên phản đối chiến tranh mở rộng bờ cõi phi nghĩa lí, thương dân nên thấy loạn An Sử nổ ta là tất yếu bởi mâu thuẫn của nhân dân đã lên tới đỉnh điểm nhưng cũng vì thương dân nên không muốn đất nước rơi vào tay của người Hồ ông đã ủng hộ triều đình dẹp loạn An Sử.

Từ 2 luận điểm như vậy ta có thể nói nên một nhận định Đỗ Phủ, nhà thơ miêu tả chiến tranh bằng ngòi bút hiện thực nhất nhưng cũng với một con mắt nhân văn nhất. Và trong suy nghĩ cũng như  hành động của nhà thơ có sự chi phối bởi hai tư tưởng trung quân và ái dân. Ông đứng ở nhiều góc độ để nhìn về thực tế xã hội đó là góc độ một người dân phải chịu những bất hạnh của chiến tranh, và góc độ một vị quan của triều đình phải dẹp cuộc nổi loạn của nhân dân do người Hồ cầm đầu để bảo vệ triều đình. Thái độ của ông với chiến tranh nhìn chung đó là một nỗi buồn và sự lo lắng xen lẫn những nỗi đau, sự uất hận. Chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn qua những tác phẩm viết về chiến tranh của ông để làm bật lên điều này.

3.2             Giá trị hiện thực:
Nhà thơ Đỗ Phủ được mệnh danh là nhà thơ của hiện thực. Và đúng vậy, đọc thơ ông, nhất là mảng thơ ca về đề tài chiến tranh, người đọc như đang tận mắt chứng kiến hiện thực đời sống. Thơ Đỗ Phủ là một bộ sử thi được viết bằng thơ của đời Đường, thơ ông phác ra từng nét một, hết sức rõ ràng, cụ thể và chân thực mọi mặt của xã hội trước sau thời Thiên Bảo.
Sống trong thời buổi loạn lạc, chiến tranh liên miên xảy ra, đứng trước nghịch cảnh đau thương của nước nhà Đỗ Phủ đã vượt lên nỗi bất hạnh của bản thân để nhìn thấu nỗi bất hạnh của toàn dân tộc, cũng như nỗi thống khổ của nhân dân.
Men theo thơ Đỗ Phủ qua các giai đoạn sáng tác, ta thấy xã hội Trung Quốc đời Đường hiện lên thật đậm nét.
Trước hết, thơ chiến tranh của Đỗ Phủ là tiếng nói phản ánh hiện thực. Ông phản ánh những chính sách tàn bạo, vị kỉ của bọn vua quan- giai cấp thống trị. Đó là tham vọng muốn mở rộng bờ cõi, giai cấp thống trị thì ngồi trên cao sung sướng, xa hoa, dâm dật, luôn muốn mở rộng bờ cõi, mà nào biết được rằng máu và nước mắt của nhân dân đã cạn rồi.
“Biên thùy máu đỏ chảy thành sông
Vua mở bờ cõi chưa thỏa lòng”
( bài Hành xe trận)
Hay:
“Đất quân vương bốn bề rộng thế
Mở biên cương thêm để làm chi”
(Ra khỏi biên giới lần trước)
Những câu thơ như lời oán than, lời trách móc đã phơi bày một hiện thực đau thương. Nào nhân dân đâu muốn, đâu ủng hộ việc mở mang bờ cõi. Với họ “đất quân vương bốn bề rộng thế”, chứ còn tham lam làm gì nữa, còn tham lam làm gì để rồi tất cả khổ đau cũng chỉ đổ lên đầu những người nghèo khó.
Năm Thiên Bảo thứ 10 (751), trong trận đánh Nam Chiếu, bọn thồng trị bị thất bại. Ấy vậy mà Dương Quốc Trung một mặt giấu kín sự thật, không những thế mặt khác hắn còn mộ binh đánh tiếp, bắt người giải về trại. Ta hãy nghe tiếng nói phản ánh của nhà thơ trước nghịch cảnh đau thương này trong bài “Binh xa hành” ( Bài hành xe trận):
“Xe ầm ầm
Ngựa hí vang,
Người đi cung tên trên lưng mang
Mẹ, cha, vợ chạy theo tiễn.
Bụi bốc che kín cầu Hàm Dương
Níu áo, giậm chân, cản đường khóc
Tiếng khóc bay thẳng lên trời vang
Khách đường mới hỏi người đi thú
Ông ơi lần này lượt khác chứ
Mười lăm, lên bắc giữ Hoàng Hà
Bốn mươi sang Tây khẩn điền xa…”
Những câu thơ như khóc như than; “xe ầm ầm”, “ngựa hí”, “bụi bốc”, “níu áo, giậm chân”… tác giả đã tái hiện lại cảnh tiễn đưa những người lính ra trận. nhưng cái sự thật ẩn chứa đằng sau đó còn phủ phàng và đáng lên án biết bao nhiêu. Rõ ràng đây không phải là buổi tiễn đưa các người lính ra trận, nó không mang không khí trang trọng, người đi người ở không hề có cảm giác tự hào, nó không đúng như cảnh mà bọn tướng tá nhà Đường vẫn tuyên truyền; mà đây là một cuộc thúc quân, một cuộc dồn lính, một hành động cưỡng bức trắng trợn. Dưới ngòi bút tài hoa của Đỗ Phủ hiện thực đầy nước mắt được miêu tả hết sức cụ thể. Tiếng xe pháo, tiếng ngựa hí không làm sao át nỗi tiếng khóc của người nông dân, tiếng khóc vang đến tận trời cao. Người đi nào đâu có dũng khí, vì họ hiểu rằng đi là chết; chết không phải trong vinh quang mà phải chôn vùi dưới cỏ cây bởi chiến tranh phi nghĩa.
Giọng nhơ của Đỗ Phủ ở đây cứ chậm rãi, cứ đều đặn, khi dồn dập kéo dài, có khi lại bi ai hờn oán. Trong giọng thơ ấy ta nghe như có cả tiếng kêu và tiếng nấc, đó vừa là nỗi lo âu của nhà thơ, vừa là lời buộc tội: Cớ sao phải có cái tham vọng mở mang bờ cõi làm gì cho nhân dân phải lầm than?
Chỉ chừng ấy đã đủ để tố cáo chiến tranh phi nghĩa đời Đường, tố cao hành động sai trái của bọn vua quan. Trong xã hội lúc bấy giờ, khái niệm trung quân ái quốc đi đôi với nhau, dường như nó đã trở thành một chân lý. Thế nhưng, Đỗ Phủ trung quân mà không bao giờ thỏa hiệp, không bao giờ đồng tình trước những sai lầm và tội ác của chúng; ấy vậy nên ngòi bút tinh vi và sắc bén của ông đã đi sâu để phơi bày hiện thực.
“ Mười lăm, lên Bắc, giữ Hoàng Hà
Bốn mươi, sang Tây khẩn điền xa.
Ra đi, ông lí bịt đầu giúp
Về nhà, đầu bạc lên biên gấp”
( Bài hành xe trận)
Quân ra chiến trường chết hết, tráng đinh không còn, chúng bắt cả những đứa trẻ “ mười lăm lên Bắc giữ Hoàng Hà”, bắt cả những cụ già “Về nhà, đầu bạc lên biên gấp”. Ra đi còn nhớ ông Lí bịt đầu giúp, ấy vậy mà khi trở về đầu đã bạc trắng, tưởng như sẽ được nghĩ ngơi, sống bên cạnh gia đình, nhưng không “ đầu bạc lên biên gấp”, người dân không phút nào được quyết định cuộc sống của mình. Rõ ràng việc đi lính đã trở thành một tai họa khủng khiếp đeo trên đầu người nông dân. Đỗ Phủ đã phản ánh những chính sách phi lý của bọn thống trị bằng một thái độ không hề kiêng nễ, ông phản ánh sự thực như những gì nó vốn có, vốn xảy ra.
Có một điều hết sức đặc biệt và cũng tạo nên mâu thuẫn rõ nét trong thơ ca chiến tranh của Đỗ Phủ chính là sự đối lập trong tư tưởng, được thể hiện cụ thể trong sáu bài Lại Biệt.
Trong bài “Thạch hào lại”- bài thơ tiêu biểu của chùm thơ Tam lại, nhà thơ dù không hề đồng tình với thủ đoạn bắt lính dã man, tàn bạo nhưng mặt khác lại để cho bà lão tự nguyện ra đi, như trong bài thơ thì tác giả có mặt ở đó và đã chứng kiến toàn bộ diễn biến của việc bắt lính nhưng tác giả đã không hề hành động, không hề đứng ra ngăn cản, mà sáng ra tác giả vẫn từ biệt gia đình ông lão để ra đi:
“Sáng ngày tôi bước ra đi,
Chỉ còn ông lão quay về tiễn chân”.
Trong “Tân an lại”cũng thế, một mặt Đỗ Phủ tố cáo chính sách bắt lính bừa bãi của quan quân:
“Huyện Tân An khách đường chợt tới,
Tiếng điểm binh la lối lạ thay!”.
Dường như bắt lính là chuyện đã trở nên quen thuộc, ấy vậy mà khi thấy quan quân đến là dân chúng biết ngay là đến bắt lính, thấy bóng dáng quan quân là dân chúng lại kêu khóc không ngừng. Ở đây, tác giả đã tố cáo việc bắt lính bừa bãi nhưng đồng thời tác giả lại khuyên:
cháu đừng khóc, chỉ hoài nước mắt,
Lệ đầm đìa bắt chảy làm chi?
Cháu ơi, đừng khóc lên đường
Tướng quân cha mẹ yêu thương dân mình.”
Tác giả động viên những người ra đi là đừng khóc than làm chi. Rõ ràng ở đây ta thấy được cả một sự đối lập trong tư tưởng của nhà thơ. Trong “Thùy lão biệt”, tác giả tả cảnh ra trận của một cụ già có hai thế hệ con và cháu hi sinh, một tình cảnh vô cùng đau thương:
“Thân già này mong sống đặng sao?
Cháu con chết trận còn đâu,
Thân này sót lại ngõ hầu ích chi?
Ta vứt gậy ra đi rời cửa…”
Nhưng ở đây tác giả không dừng lại ở đó mà tác giả đã để cho ông lão nói lên sự khẳng khái khi ra đi
“Ta trù trừ than thở làm chi?
Bỏ phăng nhà cũ ra đi”
Cụ già không đòi hỏi gì ở cuộc đời nữa, cụ chấp nhận chiến tranh, vào quân đội như một người lính mà không than phiền, nên lời từ biệt của cụ mang sự trăn trối, ở đây ta có thể thấy cụ có một tâm hồn hết sức đẹp đẽ.
Nói chung, hai chùm thơ Tam lại, Tam biệt đều phản ánh mâu thuẫn trong tư tưởng Đỗ Phủ. Đó là mâu thuẫn giữa tư tưởng trung quân ái quốc và tư tưởng thương dân. Nó phản ánh một thực tế khách quan lúc bấy giờ, loạn An Sử là một cuộc nổi loạn phản ánh mâu thuẫn trong nội bộ giai cấp thống trị nhưng mặt khác do kẻ cầm đầu là ngoại tộc nên nó lại có tính chất là một cuộc chiến tranh xâm lược chống Trung quốc, phản ánh mâu thuẫn dân tộc sâu xa. Triều đình nhà Đường chống lại loạn An Sử là một sự tự vệ chính nghĩa, thể hiện ý chí giết giặc cứu nước, nhà thơ không thể không ủng hộ. Nhưng mặt khác loạn An Sử bùng nổ trên cơ sở sự thối nát của nhà Đường, để tiến hành cuộc tự vệ, nhà Đường lại thi hành những biện pháp cực kì thô bạo, dã man. Đỗ Phủ vì lòng thương dân nên không thể không phản đối. Nói cách khác, nhà thơ đã không vì nước mà quên dân, cũng như không vì dân mà quên nước. Ông cố điều hòa mâu thuẫn giai cấp và mâu thuẫn dân tộc va đã có một thái độ căn bản là đúng: lấy tinh thần vì nước mà khích lệ người ra đi, đồng thời tố cáo lên án thẳng tay sự tàn bạo của giai cấp thống trị, thái độ dường như khó hiểu của nhà thơ, cũng chính là do hiện thực lúc bấy giờ quy định và nhà thơ chính là một người thư kí trung thành của thời đại.

Hiện thực còn là những hậu quả mà chiến tranh mang lại, mà người gánh chịu cũng vẫn là những người dân vô tội. Cha mẹ mất con, vợ mất chồng, gia đình ly biệt chỉ bởi vì chiến tranh phi nghĩa. Hãy xem Đỗ Phủ đã tái hiện nó ra sao:
“ Ngàn vạn xóm làng ùn gai cỏ
Dù có đàn bà vác nỗi cày
Lúa mọc ngoài đồng vẫ lỗ đỗ”
(Bài hành xe trận)
Không có người đàn ông, trai tráng ở nhà thì công việc đồng áng không thể làm xuể trên đôi vai của người phụ nữ, để rồi cỏ gai ùn ùn mọc, rồi sau đó là đói kém lại xảy ra, lại đến với người nông dân mà thôi.
Đó là nỗi khổ của người ở lại còn những người ra đi thì sao?
“Biên thùy máu đỏ chảy thành sông”
( Bài hành xe trận)
Hay:
“ Hà Giang còn chiến tranh
Xương chôn nơi hoang thành
( Không về)
Chiến tranh đã cướp đi mạng sống của biết bao người, máu đã nhuốm đó biển lớn, xương đã chất thành núi, tiếng kêu than không dứt, vậy mà bao giờ chiến tranh mới chấm dứt? Bao giờ cảnh tượng này không còn trên đất nước?
“Binh sĩ đã dàn ra vạn nước,
Lửa chiến tranh lan khắp núi xanh
Xác chồng cây cỏ hôi tanh,
Sông đồng máu chảy đã thanh đỏ au
Chẳng ở đâu còn yên vui nữa
Ta trù trừ than thở làm chi?”
( Cuộc li biệt của người về già)
Đúng vậy, “Chẳng ở đâu còn yên vui nữa”, nơi nơi là máu, là nước mắt nằm lẫn trong mưa gió. Cũng từ chính sách cưỡng bức, bắt quân ra chiến trường mà bao nhiêu nổi đau cứ dồn dập lên đầu người dân; có đôi vợ chồng mời cưới chiều tối, chiếc giường còn chưa ấm hơi thì sáng mai người chồng đã phải ra đi rồi:
“ Ngày vấn tóc kết hôn làm vợ,
Chiếu nhà chồng chưa ấm đủ hơi
Cưới chiều tối sáng đi rồi,
Vội gì vội thế mà đòi hôn nhân?”
( Cuộc li biệt của đôi cợ chồng mới cưới).
Ở bài “Thạch hào lại” ( Viên lại Thạch Hào), ta càng thấy rõ nét hơn tình cảnh mà người dân phải gánh chịu:
“ Làng Thạch hào buổi chiều tới trọ,
Bỗng nghe viên lại nhỏ bắt người
Trèo tường ông lão trốn rồi!
Bà lão ra cửa xem ai tới nhà
Viên lại quát sao mà hung dữ
Bà cụ than cực khổ làm sao?
Lắng nghe lời cụ trước sau:
“ Con trai ba cháu đóng đâu Nghiệp Thành
Một cháu thư rành rành đã kể
Hai cháu vừa xác để chiến trường
Già này sức mặc dầu chằng mấy,
Cũng xin theo thầy lại đêm nay…”
Gia đình có ba người con thì đều ở chiến trường, hai đứa đã mất, giờ quan lại đến thúc quân thì bà lão này cũng phải lên đường. Đớn đau thay! Giờ đây đến lượt một bà lão già cũng phải ra chiến trường. Rõ ràng đây là một điều quá bất công, quá phi lý, trai đinh ra chiến trường chết còn không thấy xác thì một bà cụ ra đi liệu đã đến tận chiến trường chưa hay rồi cũng bỏ xác trên đường đi? Đỗ Phủ lột trần cái hiện thực xót xa đó, ông không để lộ tình cảm của bản thân nhưng chính bản thân bài thơ cũng đủ sức làm cho đọc giả phải xúc động. Những vần thơ nó đập vào tai người nghe những tiếng khóc, tiếng kêu van không dứt; đập vào mắt người đọc những cảnh tượng thương tâm. Hiện thực đó Đỗ Phủ đã chứng kiến và ông phản ánh lại trong thơ chân thật như vậy.
Từ những gì mà nhà thơ mắt thấy tai nghe, ông phản ánh hiện thực mà chiến tranh gây ra thì đồng thời nhà thơ cũng đã lên tiếng tố cáo nó.
Đỗ Phủ tố cáo chính sách theo đuổi vũ lực của bọn thống trị phong kiến. Trong hai bài “ Tiền xuất tái” và “ Hậu xuất tái” ông đã lên tiếng chất vấn nhà vua: lãnh thổ bốn bề đã rộng như thế thì còn cướp đất của người khác làm gì nữa? Đó cũng là lời tố cáo đanh thép đến tầng lớp thống trị chuyên quyền, tham vọng quyền lực mà quyên đi những con người vô tội đang chết dần chết mòn.
Đỗ Phủ lên tiếng tố cáo và phản đối chiến tranh gay gắt. Ở cuối bài “Hành xe trận” tác giả đã rút ra một kết luận hết sức lạ lùng:
“ Mới hay sinh trai vô tích sự
Sinh gái thế mà hay
Sinh gái còn gả cho hàng xóm
Sinh trai chôn xác theo cỏ cây”.
Ta biết rằng, người Trung Quốc xưa quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” hay “bất hiếu hữu nam, vô hậu vi đại”, điều đó ý nói sinh con trai là quan trọng. Ấy vậy mới thấy được ý thức phản kháng của những câu thơ trên lớn đến nhường nào. Bởi lẽ sinh con gái còn ở nhà chứ sinh con trai thì chỉ có vỏ xác ngoài chiến trường mà thôi. Phải nói đây là lời kết luận mang ý nghĩa thức tỉnh, là lời tố cáo sâu sắc nhất, gay gắt nhất đối với chiến tranh phi nghĩa đời Đường, một tiếng nói phản đối mạnh mẽ.
Nói thơ Đỗ Phủ là tập đại thành của thơ hiện thực quả không sai, vì trong thơ ông những cảnh ngộ, những hình tượng điển hình về chiến tranh cứ lần lượt hiện lên thật đậm nét. Cuộc sống lưu vong nay đây mai đó đã đưa đến cho nhà thơ tất cả những đắng cay mà người nông dân đã gánh chịu. Bởi lẻ đó, thơ ông là bức tranh hiện thực, là “lịch sử- thơ” được tạo nên bởi một trái tim chan chứa tình cảm nhân đạo cao cả.

3.3             Giá trị nhân đạo:
-                     Giá trị nhân đạo là giá trị cơ bản của những tác phẩm văn học chân chính được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc của nhà văn với nỗi đau của những con người, những cảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Đồng thời, nhà văn thể hiện sự nâng niu trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn và niềm tin vào khả năng vươn dậy của con người dù trong bất kì hoàn cảnh nào của cuộc sống. (nguồn : http://baigiang.violet.vn/present/same/entry_id/8931823)
-                     Biểu hiện của giá trị nhân đạo rất đa dạng, toàn bộ là những quan điểm quý trọng các giá trị của con người nhưng chúng ta có thể chia làm bốn biểu hiện chính như sau:
+ Tố cáo xã hội
+ Thông cảm, thấu hiểu cho số phận con người
+ Khám phá và tôn vinh vẻ đẹp con người
+ Nâng niu ước mơ của con người hay mở ra con đường, lối thoát cho một tương lai tươi sáng hơn.
Tố cáo xã hội là sự phản ánh, bóc trần, lên án sự thật xấu xa, đen tối của xã hội lúc bấy giờ ->  Xã hội là bối cảnh cho nhiều tác phẩm văn học hiện thực phê phán ra đời như Balzac đã từng nói: “Nhà văn là thư kí trung thành của thời đại”.
Thông cảm, thấu hiểu cho số phận con người. Trước hết nhân đạo phải nói tới lòng yêu thương con người, hạt nhân của nó chính là trái tim giàu lòng yêu thương của nhà văn. Mỗi nhà văn phải là “nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”- Sekhov. Mang trong mình tình yêu thương đồng loại nhưng những nhà văn, nhà thơ ấy mà không có lòng cảm thông thì liệu họ giám hi sinh mà viết lên những tác phẩm bất hủ để khi đọc lên ta thấy ám ảnh, day dứt mà như chính tác giả cũng đang trực trào nước mắt bên trong.
Khám phá và tôn vinh vẻ đẹp của con người. Đối tượng phản ánh của văn học trước hết là con người, không phải bổng rưng mà những tư tưởng lớn gặp nhau bởi cùng “tâm”. M.Gorki từng nói câu nói bất hủ: “Văn học là nhân học”, nhà văn Nguyễn Minh Châu của chúng ta cũng đồng quan điểm: “Cuộc đời và nghệ thuật là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm chính là con người”. Văn học không chỉ phản ánh cái bề ngoài mà quan trọng là khám phá ra vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong mỗi nhân vật. Đó thường là những vẻ đẹp trong phẩm chất từ đó làm nổi bật nó, nhằm nhân rộng và gieo vào lòng người đọc những niềm tin vào cuộc sống.
Nâng niu ước mơ của con người hay mở ra con đường, lối thoát cho một tương lai tươi sáng hơn.  Tác phẩm văn học được tạo ra phải phục vụ cho đời sống, nghĩa là nó phải có ích. Nó phải làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, phải thông qua con người để “dùng lực lượng vật chất đánh đổ lực lượng vật chất”, để cải tạo và làm cuộc sống tươi đẹp hơn. Nhờ vào khả năng tiên đoán trước hiện thực của nhà văn để viết tiếp câu chuyện, chỉ ra con đường phía trước để giải quyết những bế tắc của cuộc sống.
Biểu hiện của giá trị nhân đạo rất đa dạng, toàn bộ là những quan điểm quý trọng các giá trị của con người. Để làm rõ giá trị nhân đạo của một tác phẩm, cần phân tích được các khía cạnh sau:
Tố cáo xã hội: đây chính là cái hoàn cảnh chung mà ở đó nhân vật bị đẩy vào các hoàn cảnh bi đát, đau khổ. Thông thường ở phương diện tố cáo, các nhà văn thường thể hiện quan điểm lên án, phê phán với các tầng lớp thống trị, những kẻ ăn trên ngồi trốc, ỷ mạnh hiếp yếu, chà đạp cuộc sống con người và làm băng hoại các giá trị đạo lý. Xã hội là bối cảnh cho nhiều tác phẩm văn học hiện thực phê phán ra đời như Balzac đã từng nói: “Nhà văn là thư kí trung thành của thời đại”.
Ca ngợi: có thể ca ngợi một truyền thống tốt đẹp nào đó hoặc ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của một con người hoặc một lớp người trong xã hội. Đây chính là những vẻ đẹp bị lấp vùi bởi sự thống trị, đàn áp. Khám phá và tôn vinh vẻ đẹp của con người. Đối tượng phản ánh của văn học trước hết là con người, không phải bỗng dưng mà những tư tưởng lớn gặp nhau bởi cùng “tâm”. M.Gorki từng nói câu nói bất hủ: “Văn học là nhân học”, nhà văn Nguyễn Minh Châu của chúng ta cũng đồng quan điểm: “Cuộc đời và nghệ thuật là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm chính là con người”. Văn học không chỉ phản ánh cái bề ngoài mà quan trọng là khám phá ra vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong mỗi nhân vật. Đó thường là những vẻ đẹp trong phẩm chất từ đó làm nổi bật nó, nhằm nhân rộng và gieo vào lòng người đọc những niềm tin vào cuộc sống.
Thương cảm, bênh vực: xuất phát từ việc phát hiện, khám phá được những nét đẹp ẩn tàng của nhân vật, hoặc nhận thức được hoàn cảnh đã đẩy những người tốt đẹp, lương thiện vào đường cùng, hoặc đẩy họ vào con đường tội lỗi nên các nhà văn bày tỏ niềm thương cảm với họ, tạo ra những tình huống, hoặc xây dựng những nhân vật phụ để làm chỗ dựa, bênh vực, che chở cho họ, giúp họ vượt qua những khó khăn, thách thức và vươn lên khẳng định bản thân, khẳng định niềm tin, ước mơ và khát vọng trong cuộc sống. Thông cảm, thấu hiểu cho số phận con người. Trước hết nhân đạo phải nói tới lòng yêu thương con người, hạt nhân của nó chính là trái tim giàu lòng yêu thương của nhà văn. Mỗi nhà văn phải là “nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” - Sekhov. Mang trong mình tình yêu thương đồng loại nhưng những nhà văn, nhà thơ ấy mà không có lòng cảm thông thì liệu họ giám hi sinh mà viết lên những tác phẩm bất hủ để khi đọc lên ta thấy ám ảnh, day dứt mà như chính tác giả cũng đang trực trào nước mắt bên trong.
Chỉ ra con đường, lối thoát cho nhân vật: Nâng niu ước mơ của con người hay mở ra con đường, lối thoát cho một tương lai tươi sáng hơn. Tác phẩm văn học được tạo ra phải phục vụ cho đời sống, nghĩa là nó phải có ích. Nó phải làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, phải thông qua con người để “dùng lực lượng vật chất đánh đổ lực lượng vật chất”, để cải tạo và làm cuộc sống tươi đẹp hơn. Nhờ vào khả năng tiên đoán trước hiện thực của nhà văn để viết tiếp câu chuyện, chỉ ra con đường phía trước để giải quyết những bế tắc của cuộc sống.
Trước hiện thực chiến tranh (chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa). Đỗ Phủ dám viết về chiến tranh đó đã là dám nhìn vào hiện thực xã hội rồi, chiến tranh xưa nay dù là chính nghĩa hay phi nghĩa cũng đều mang tang tóc, thương đau cho con người, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia chiến đấu và những người thân của họ. Nếu họ mang trong mình tư tưởng Nho giáo thì làm trai phải dấn thân lập nghiệp bằng con đường văn hoặc võ. Chiến tranh xảy ra là con đường cho những kẻ u mê nghĩ rằng đó là lập thân nên ra trận “Trai trên đời thề lo việc nước”. Việc nước đó nếu là chiến tranh chính nghĩa thì chẳng phải bàn nhưng những người ra trận với tâm thế :
“Dù thở than chẳng được lợi đâu
Gác Kì Lân khắc công cao
Nhưng xương lính mục chẳng lâu la gì”
Họ tự trấn an suy nghĩ của mình ừ thì đó là nghĩa vụ phải lo việc nước nhưng mấy ai trong số họ “tự nguyện” với tinh thần vui vẻ mà với họ tiếng “thở than” đang nuốt trong bụng. Xa gia đình, nhớ cha, nhớ mẹ nhớ người họ thương là những điều không tránh khỏi:
“Trên đường này gặp người quen biết
Gửi thư về nhắn hết gia đình”
Chiến tranh con đường về nhà của những người lính xa cách hơn. Một bước đã bước nghĩa là nhà xa ngàn dặm, những cánh thư về là niềm mỏi mong của người thân ở nhà và của chính những người lính, với họ đó là chữ hiếu, đó là nỗi nhớ được gửi gắm vào trang thư. Nhưng đường về của những cánh thư cũng xa không kém đường về của người lính ra trận vậy. Có đôi khi, ở hai đầu hi vọng (người lính và gia đình), nhưng đường truyền lại đứt ở giữa (người đưa thư mất, thư thất lạc) hay phút trước đưa thư gửi vài lời thăm hỏi nhưng phút sau họ đã tử trận sa trường. Chiến tranh làm mẹ mất con, vợ mất chồng, con dại mất cha, anh em mất nhau vì mấy ai sống mà trở về.  Bài thơ “Nhớ em” có câu:
“Người thưa, thư chẳng đến nhà
Binh đao còn đó sao mà gặp nhau”
Hay bài “Người đẹp” với nỗi khổ của người phụ nữ. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình danh giá, nổi tiếng quốc sắc ở kinh thành vậy mà vì chiến tranh loạn lạc mà đã lấy một người chồng không ra gì. Đó là câu chuyện không chỉ một cuộc đời mà mọi cuộc đời.
Đỗ Phủ ý thức rất rõ còn chiến tranh li tán, còn xa cách. Đó là những tội ác do chiến tranh gây ra không thể kể hết được. Hẳn khi viết những vần thơ đó nhà thơ không chỉ hiểu hiện thực mà còn phê phán nó gay gắt mới có những vần thơ sâu cay vậy. Bài thơ “Người đẹp” hay “Tân hôn biệt” là một trong số ít những bài thơ viết về chiến tranh của Đỗ Phủ mà hiện hữu hình ảnh người phụ nữ.
“…Quân kim vãng tử địa
Trầm thống bách trung đường
Thuệ dục tùy quân khứ
Hình thế phản tương hoàn
Vật vị tân hôn niệm
Nỗ lực sự nhung hang
Phụ nhân tại nhân trung
Binh khí khủng bất dương
Tự ta bần gia nữ
Cửu trí la nhung thường
La nhu bất phục thi
Đối quân tẩy hồng trang
Ngưỡng thị bách điểu phi
Đại tiểu tất xong tường
Nhân sự đa thác ngỗ
Dữ quân vĩnh tương vương”
(Tân hôn biệt)
Không chỉ người trẻ mà cả người già cũng phải ra trận nên Đỗ Phủ không chỉ có bài Tân hôn biệt (Cuộc chia li của đôi vợ chồng mới cưới) mà còn có bài Cuộc li biệt của người về già:
“Cả bốn phương còn chưa yên lặng
Thân già này còn mong sống đặng sao?
Cháu con chết trận còn đâu
Thân này xót lại ngõ hầu ích chi
Ta vứt gậy, ra đi rời cửa
Người đi theo đều khổ đau cùng…”
Chiến tranh đã phá tan hạnh phúc của bao nhà, ngay cả người già khi cái tuổi đã xế chiều cần cuộc sống bình yên thì nay cũng phải ra trận, phải chứng kiến cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”. 
Qua bài Binh xa hành:
“Xa lân lân
Mã tiêu tiêu
Hành nhân cung tiễn các tại yêu
Gia thương thê tử tẩu tương tống
Trần ai bất kiến Hàm Dương kiều
Khiên y đốn túc khan đạo khóc
Khóc thanh trực thượng ư vân tiêu”
Hay:
“Biên đình lưu huyết thành hải thủy
Võ hoàng khai biên ý vị dĩ”
Tác giả chỉa thẳng vào triều đình, vào Đường Huyền Tông, kẻ đang háo thắng muốn lập chiến công để ngoài biên thùy máu chảy thành biển. Xem mạng người như cỏ rác để chúng ta thấy rõ tội ác của chiến tranh mà đặc biệt là:
“Ngài không thấy
Bên bờ Thanh Hải
Từ xưa xương trắng không ai nhặt
Ma mới kêu oan ma cũ khóc
Trời mưa mây mù tiếng hu hu”
Tiếng khóc của những người vô tội đã hi sinh và của chính những người còn sống nhưng đã nắm chắc cái chết trong tay. Bài thơ còn làm bật lên sự đối lập giữa giai cấp thống trị và bị trị của xã hội lúc bấy giờ. Qua bài thơ, tác giả muốn đề cao quyền sống của bất kì cá nhân nào. Đồng thời thể hiện khát vọng sống cháy bỏng trong họ, chỉ ra con đường chiến tranh luôn là con đường làm cuộc sống bế tắc.
Đỗ Phủ đã dựng nên một thế giới những con người, chim muông , cây cỏ xác xơ đói khát, đau khổ vô tận, oán hận mênh mông và ông đã trút lên đó một tình thương bao la rộng lớn. Lòng thương người thương vật đó là chủ nghĩa nhân đạo cao cả của Đỗ Phủ- một người cũng từ dưới đáy biển khổ đau của cuộc đời mà trông ra .
Trong phần lớn thơ mình, Đỗ Phủ đã dành những lời tốt đẹp nhất, chân thành nhất để nói lên tình cảm của mình đối với nhân dân lao động. Nhà thơ đau đớn khi nhân dân đói khổ, lo lắng khi mất mùa đói kém, mừng rỡ khi trời hạn được mưa. Nói về những người lao động nghèo khổ tình cảm của ông thiết tha nồng cháy, thái độ của ông trân trọng kính yêu. Đây là hình ảnh các cụ phụ lão trong bài thơ Khương thôn:
“ Bốn năm ông phụ lão,
Thăm ta đi xa lâu.
Mỗi người xách vò rượu,
Hoặc trong hoặc đục ngầu:
- Đừng chê mùi rượu nhạt,
Ruộng nếp ai cày đâu?
Binh lửa còn chưa dứt”.
Bài thơ “Gặp lão nông ép uống rượu” càng biểu hiện rõ hơn tình cảm nhân dân mến yêu Đỗ Phủ  và thái độ của nhà thơ đối với nhân dân. Đỗ Phủ đã tạc ra được một cách tươi tắn và sinh động hình tượng một cụ lão nông chân chất, nhiệt tình, khẳng khái- tính cách điển hình của người nông dân Trung Quốc. Đọc bài thơ không ai có thể quên được một cụ lão nông nét mặt hân hoan, miệng gọi vợ, tay rót rượu, nói luôn mồm đủ chuyện. Và cứ mỗi lần nhà thơ muốn đứng dậy ra về là nắm tay níu lại, tuy sỗ sàng mà chân tình thắm thiết. Phải có lòng yêu mến nông dân sâu sắc mới viết nên được bài thơ với những câu giản dị mà xúc động như thế :

“ Gọi vợ mở vò to
Mời ta dốc cạn hủ
Thấy phớn phở hân hoan
Biết mừng quan đức độ
Chuyện nói tuy huyên thiên
Khen quan mồm chẳng ở
..Chơi lâu vì nể lòng
Xóm giềng nỡ khước cụ?
Thức nhắm gọi oang oang,
Cáo về là níu giữ
Níu kéo tuy sỗ sàng,
Đâu thấy là thô lỗ”.
Trong một số bài thơ khác, nhà thơ đã ca ngợi phẩm chất tốt đẹp và tinh thần lao động dũng cảm của dân nghèo. Cô gái đội củi trong bài Phụ tân hành bốn năm mươi tuổi, tóc đã đốm sương mà vẫn chịu cảnh gái chưa chồng, vẫn chịu đựng số phận hẩm hiu buồn tủi đó mộ cách dũng cảm, ngược xuôi lao động trèo non chạy chợ gân sức mòn:
“ Con gái Quỳ Châu tóc đốm sương
Bốn năm mươi tuổi vẫn chưa chồng
Huống gặp loạn ly càng ế ẩm
Một đời ôm hận thở than ròng
…Nếu bảo Vu-Sơn gái xấu xí
Thì sao có được xóm Chiêu Quân?”
Còn người lái đò trong bài Tối năng hành suốt đời lênh đênh trên mặt nước, khinh thường cái chết, lách thác qua ghềnh một cách tài tình:
“…Sớm ra Bạch- đế chiều Giang Lăng
Chợp mắt nhìn xem đã cỡ chừng
Cù Đường ngất trời, Hổ Tu dữ
Người lái Quỳ Châu ai giỏi bằng .
…Nếu bảo đất này không anh tài
Nhà cửa Khuất Nguyên sao có được ?”
 Cả hai bài thơ cùng kết thúc giống nhau bằng một câu hỏi tương tự chính là sự khẳng định về phẩm chất tốt đẹp của người lao động .
Không những ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người nông dân, Đỗ Phủ còn đồng cảm với cuộc sống nghèo khổ cơ cực của người lao động, đau chung với nỗi đau của họ như là nỗi đau của chính mình .
Trong bài thơ Lại ngỏ cùng Ngô lang càng làm nổi bật tấm lòng nhân đạo cao cả của nhà thơ, lòng thương xót mến yêu của ông đối với người nghèo khổ. Đỗ Phủ có cây táo trước vườn, có một bà già đói khổ thường hay đến chọc táo trộm, nhà thơ không bao giờ nói gì cả. Sau đó ông chuyển đi nơi khác nhường lại cho Ngô lang, sợ Ngô lang không thông cảm với người đàn bà goá, ông đã làm bài thơ gửi lại :
“ Mặc người chọc táo nhà ta
Không con không gạo ấy bà xóm bên
Vì không đói khổ đâu phiền?
Bởi chưng thế đó ta liền làm thân
Bác về bà sợ đôi phần
Thôi đừng rào giậu khổ thân đời bà
Đói nghèo thuế khoá gây ra
Nghĩ bao nông nỗi khiến ta đau lòng!”
Bài thơ tỏ rõ sự đồng tình hết sức sâu sắc của Đỗ Phủ đối với những người cùng khổ, chọc táo là một người đàn bà nghèo đến không có ăn, không có mặc. Nhà thơ cảm thông cho nỗi khổ của bà nên đã không trách móc cũng chẳng cản ngăn, cử chỉ đó cũng đủ khiến cho người nghe cảm động, bài thơ lại xiết bao đạt lý thấu tình khi nhà thơ lại chỉ ra nguyên nhân của nỗi nghèo khổ ấy chính là do bóc lột và chiến tranh, khiến nội dung bài thơ vượt xa khuôn khổ chủ nghĩa nhân đạo bình thường mà trở thành lời phản kháng đối với bọn thống trị phản động. Chỉ có một người như Đỗ Phủ thì mới có một tấm lòng thương người bao la đến thế, mới hiểu đời hiểu người nhiều như thế, mới không buộc tội người dân nghèo trộm táo mà
lên án chế độ xã hội nghiêm khắc đến thế:
“Từng bảo xác xơ vì thuế má ,
Nghĩ cơn khói lửa lệ đằm khăn!”
“ Đạo tặc” đâu phải là bà già chọc táo trộm kia. “ Đạo tặc” chính là bọn mũ cao áo dài, sống bằng tô tức, thuế má, cướp của giết người kia. Đỗ Phủ đã tìm đến được cái gốc của mọi sự đau khổ ở cõi đời phong kiến. Thơ ông là biển khổ, thơ ông là biển thương, thơ ông là ngọn núi sầu tư  u uất chỉ chực nổ tung, là bầu trời đầy mây mưa sắp chuyển thành giông tố .
Lòng thương người có lúc được bộc lộ rất rõ ra bên ngoài nhưng cũng có lúc nghẹn ngào trong tận đáy lòng nhà thơ. Bốn câu cuối trong bài thơ Thạch hào lại như khép lại một lớp bi kịch thật buồn thảm mà cũng thật xót xa :
“ Đêm khuya,lời đã tắt
Dường nghe khóc ấm ức
Sáng ra chào lên đường
Mình ông già với khách”
Những tiếng khóc ấm ức, dù đã cố nén, mà vẫn khuấy động màn đêm và cứ xoáy vào lòng người khách trọ. Những câu thơ trên cho thấy nhà thơ không hề ngủ. Thay vì những giọt vắn giọt dài thường tình, nước mắt nhà thơ như chảy ngược vào trong để xót thương và đồng cảm với những số phận cay đắng giữa một thời loạn lạc…và ẩn giấu sau những sự việc, những hành động, những con người ấy là trái tim trĩu nặng yêu thương và đầy oán giận của một nhà thơ giàu lòng nhân ái.
Cuộc đời Đỗ Phủ là một chuỗi dài những đau khổ và bất hạnh, ông đã từng sống và nếm trải biết bao đau đớn của cuộc sống lưu vong, chính vì thế ông hiểu hơn ai hết nỗi khổ của nhân dân .
Trên đường về thăm nhà, biết là con chết đói, Đỗ Phủ vừa đau lòng vừa trách mình “ làm cho chẳng đáng cha, không cơm bỏ trẻ thác”. Nhưng sau đó nhà thơ nghĩ ngay đến số phận những người khác còn rủi ro đen tối hơn mình :
“ Cả đời khỏi tô thuế
Sổ lính tên không liệt
Thế mà vẫn chua cay
Người thường khổ bao xiết!
Nghĩ người lính thú xa
Nhớ những người thất nghiệp
Mối lo tày non Chung
Gỡ lại càng rối tít…”
Mặc dù mình cực khổ long đong như thế, nhà thơ vẫn không quên người khác, không quên Tổ quốc giang sơn. Ngôi nhà tranh của ông ở Thành Đô gió thổi lật mái, nước mưa lọt vào nhà không còn chỗ nào khô ráo, trời về thu, gió lạnh, con chỉ đắp một mảnh chăn rách. Tuy vậy, ông không chỉ nghĩ đến mình mà còn liên tưởng đến bao nhiêu người đang chịu cảnh khổ như ông, ông ước ao có một ngôi nhà hàng vạn gian, để che chở cho họ:
“ Ước được nhà rộng muôn ngàn gian
Che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan
Gió mưa chẳng núng vững như thạch bàn
Than ôi! bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt ?
Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được.”
Lòng nhân đạo đó của Đỗ Phủ là lòng thương của những người cùng chung số phận, nó cao hơn lòng nhân đạo của nhiều nhà thơ sau ông, tuy cùng chịu ảnh hưởng cái tinh thần rộng lớn đó của ông. Chẳng hạn như bài thơ “Mới may áo bông” của Bạch Cư Dị là một minh chứng :
“ Được áo bông vạn dặm
Che khắp bốn phương trời
Ai cũng như ta ấm
Rét mướt không một người .”
Lòng thương người ở đây cũng thật là cao lớn, nhưng vẫn là lòng thương người rét mướt của một người có áo ấm và mong ai cũng được ấm như mình. Còn với Đỗ Phủ thì chính từ con mình chết mà thương những người khác còn đau khổ hơn, từ nhà mình đổ mà muốn ai cũng có nhà. Và khi mọi người được sung sướng thì riêng mình chịu rét cũng vui lòng .
Ở bài “ Xem gặt lúa”, Bạch Cư Dị cho ta thấy cuộc sống khốn khổ của những người nông dân lao động bị mất ruộng cày, nỗi cơ cực đói rét đang đoạ đày cuộc sống của họ. Và từ đấy nhà thơ càng hổ thẹn hơn trước cuộc sống của bản thân mình :
“…Nghe người kể chuyện tức thì
Xót thương thay nỗi hàn vi cuộc đời:
Thóc nhà thuế lấy hết rồi
Mót đây dăm hạt cầm hơi đói lòng
Nghĩ mình công đức thì không
Tằm tơ chẳng biết,việc nông chẳng tường,
Thế mà bỗng những trăm phương
Hết năm còn được dư lương sao vầy?
Nghĩ mà thêm thẹn thân này
Suốt ngày trăn trở bấy chầy chẳng quên”
Nhà thơ thấy mình không phải vất vả gì mà vẫn có ăn, vẫn có lương dư, trong khi người dân lao động phải vất vả nhiều ngày ngày “ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”  mà nỗi đói khổ vẫn cứ triền miên day dứt. Nhìn thấy được điều đó chứng tỏ Bạch Cư Dị cũng là một vị quan có lòng nhân đạo cao cả, một vị quan biết thương dân luôn lo lắng cho cuộc sống của nhân dân. Thế nhưng tình thương của ông cũng chỉ là nỗi đồng cảm của một con người đứng ở trên nhìn xuống, còn Đỗ Phủ thì khác, ông đồng cảm với người dân lao động nghèo bằng chính những trải nghiệm của cuộc đời mình. Bạch Cư Dị là một ông quan thương dân, Đỗ Phủ là một người đau khổ- một tinh thần vì người quên mình cao cả. Chính vì thế mà tấm lòng nhân đạo của ông càng bao la sâu sắc hơn và để lại cho mỗi chúng ta niềm cảm phục vô cùng!
Mang trong mình một trái tim thương dân, thương nước vĩ đại, trong những năm chiến tranh tàn khốc ấy, Đỗ Phủ- nhà thơ sớm bạc đầu vì loạn ly đã nói to lên lòng khao khát hoà bình trong những câu thơ mới mẻ như của con người đời nay:
“ Được tay tráng sĩ kéo sông Ngân
Rửa giáp từ nay thôi động dụng.”
 Nhà thơ mơ ước chiến tranh sớm kết thúc để đem sức mạnh của trai tráng góp tay vào việc xây dựng đất nước mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Mơ ước đó thật sự có ý nghĩa rất lớn đối với đại đa số tầng lớp nhân dân lúc bấy giờ, bởi chiến tranh loạn lạc đã khiến họ phải đau khổ mất mát thật nhiều để hôm nay nỗi khát khao về một cuộc sống bình yên- no ấm đã trở thành mong muốn lớn nhất đối với mỗi người lao động nghèo. Tấm lòng nhân đạo của Đỗ Phủ thật bao la sâu nặng khi ông đã thay mặt cho hàng vạn người dân đau khổ nói lên tiếng nói của lòng mình:
“ Ước đem giáp đúc làm công cụ
Tấc đất còn hoang trâu được cày.”
(Tầm thóc)
Và Đỗ Phủ cũng đã từng mơ ước phaỉ có một xã hội không có kẻ sang người hèn, không có kẻ giàu người nghèo:
“ Không sang hèn chẳng bi
Không giàu nghèo cũng đủ.”
Đó là ước mơ được công bằng xã hội- một mơ ước mà có lẽ đến bây giờ vẫn là mục đích là đỉnh cao mà xã hội loài người cần hướng đến. Mơ ước đó sẽ chẳng bao giờ thực hiện được trong cái xã hội phong kiến muôn sầu nghìn thảm kia. Phải đợi đến mười hai thế kỷ sau, ước mơ đẹp đẽ của ông mới trở thành sự thật. Tổ Quốc vĩ đại của Đỗ Phủ ngày nay đã hoàn toàn thủ tiêu chế độ người bóc lột người và đã dựng nên một xã hội hoàn toàn mới mẻ vượt qua cả những ước mơ đẹp đẽ nhất của thi hào lúc bấy giờ.
4. So sánh dòng thơ chiến tranh của Đỗ Phủ với dòng thơ biên tái của một số tác gia cùng thời(Cao Thích, Sầm Than và Vương Xương Linh)
Đỗ Phủ, Cao Thích, Sầm Than và Vương Xương Linh là những nhà thơ sống cùng thời với nhau. Tuy nhiên, như cách người ta phân chia thơ Đường thành 4 phái, thì ta thấy rằng thơ Đỗ Phủ thuộc trường phái hiện thực còn Cao Thích, Sầm Than, Vương Xương Linh thuộc phái biên tái, đề tài chủ yếu là đề tài cuộc sống ở chốn biên cương. Mặc dù được phân chia ra như vậy nhưng ta thấy cả 4 tác giả này đều có những bài thơ về chiến tranh rất hay, phản ánh chiến tranh sâu sắc, phong phú. Vậy để biết được giữa 4 nhà thơ này có điểm gì giống và khác nhau về nội dung chính và cái nhìn về thái độ của họ về chiến tranh sau đây sẽ tiến hành so sánh để làm rõ hai mặt nói trên.
Về mặt giống nhau những bài thơ về chiến tranh của bốn nhà thơ trên đều phản ánh hiện thực, đó là chiến tranh ác liệt thế nào, cuộc sống nơi chốn biên cương trận địa vô cùng khó khăn. Trong những người lính đi chinh chiến xa nhà, xa gia đình thì nỗi nhớ quê hương trong họ lại cuộn lên da diết, cồn cào. Những bài thơ về chiến tranh này còn thể hiện cả nỗi buồn ai oán nơi phòng khuê của người chinh phụ lặng lẽ và mòn mỏi chờ tin tức người thân trong vô vọng, trong nỗi nhớ thương giằng xé tâm can. Thơ của họ còn phản ánh được cái chết nơi biên ải, nơi chiến trường là điều khó tránh khỏi. Như vậy khó có thể nói hiện thực mà ở đây là hệ quả của chiến tranh được các nhà thơ Đỗ Phủ, Sầm Than, Cao Thích và Vương Xương Linh phản ánh một cách cụ thể, rõ nét và sâu sắc. Đem đến cho người đọc một bức tranh màu xám của chiến tranh. Qua những điều mà “họ trông thấy, họ chứng kiến tận mắt”(Đỗ Phủ đã sống trong chiến tranh, chịu cảnh nghèo khổ cùng người dân; Sầm Than, Cao Thích và Vương Xương Linh đã rất nhiều lần ra biên ải). Họ đã lên tiếng nói phê phán, lên án và tố cáo chiến tranh phi nghĩa mạnh mẽ, dứt khoát. Chiến tranh phi nghĩa đã bóp nghẹt sự sống của con người, đã tàn phá con người không còn gì. Tiếng nói phê phán của họ cùng đồng thanh vang lên trước hiện thực xã hội vô cùng rối ren, ngổn ngang, loạn lạc như vậy. Sau đây ta sẽ tìm hiểu vài ví dụ cụ thể  đã phản ánh hiện thực chiến tranh khách quan như thế nào.
Nhà thơ Đỗ Phủ như đã nói ở trên đã phản ánh được hiện thực thời chiến tranh lúc bấy giờ. Nhà thơ Cao Thích ở dòng thơ biên tái nổi bật với bài thơ biên tái nổi bật với bài thơ “Yên ca hành”. Đây là bài thơ được đánh giá đặc sắc “không chỉ tả tình cảnh chiến tranh ở một nơi trong một lúc mà còn miêu tả các mặt của chiến tranh”. Cao Thích nói đến những khổ cực mà người lính phải nếm trải, phải chịu đựng:
“Sơn xuyên tiêu điều cực biên thổ
Hồ ky bằng lăng tạp phong vũ
Chiến sĩ quân tiền bán tử sinh
Mỹ nhân trướng hạ do ca vũ
Đại mạc cùng thu tái thảo suy
Cô thành lạc nhật đấu binh hy
Thân đương ân ngộ thường khinh địch
Lực tân quan sơn vi giải vi
Thiết y viễn thú tân cần cửu
Ngọc trơ ưng đề biệt li hậu
Thiếu phu thành nam dục đoạn trường
Chinh nhân Kế Bắc không hồi thủ
Biên đình kha dao na khổ độ
Tuyệt vực thương mang cảnh hà hữu
Sát khí tam thời tác trận vân
Hàn thanh nhất dạ truyền điêu đẩu
Tương khan bạch nhân tuyết phân phân
Tử tiết lòng lai khởi cố huân
Quân bất kiến xa trường chinh chiến khổ
Chí kim do ức Lý tướng quân.”
Đoạn thơ trên đã miêu tả lại khá đầy đủ “nỗi buồn chiến tranh”, sự lo lắng, sợ hãi, chán ghét chiến tranh của co người, trong thơ cũng là con người của thực tế xã hội. Chiến tranh làm cho “non sông xơ xác”, làm cho đất nước kiệt quệ, làm cho đời sống nhân dân điêu linh, khốn khổ. Những người lính ra đi chiến đấu thì hết “nửa tử sinh”. Cái chết luôn thường trực đối với họ “Ba thu sát khí tựa mây đùn”. Đời sống của những người lính nơi biên ải là vô cùng gian khổ, họ chống chọi với cái lạnh thấu xương, tuyết phủ trắng xóa và với sự cô đơn. Người “Chinh phu Kế Bắc buồn da diết”. Ra chiến trường mà nước mắt của sự li biệt, họ phải bỏ lại sau lưng những người thân yêu. Họ ra đi biết còn được gặp lại nhau hay không? Đó là câu hỏi là hi vọng luôn trực trào trong lòng người đi kẻ ở. Nỗi nhớ họ giành cho nhau là nỗi nhớ “dàu dàu” triền miên và da diết khôn nguôi.
Nhà thơ Vương Xương Linh đã thể hiện được nỗi đau, nỗi nhớ của người chinh phụ một cách tinh tế, sâu sắc và rõ nét nhất:
“Phù dung bất cập mỹ nhân trang
Thủy điện phong lai châu thúy hương
Khước hận hàm tình uyển thu phiến
Không huyền minh nguyệt đãi quân vương”
(Tây cung thu oán)
Người phụ nữ đành chon tuổi xuân của mình. Họ thiếu vắng sự chăm sóc, yêu thương, kề cận của người chồng. Họ vò võ chờ đợi trong mong mỏi, vô vọng. Nỗi sầu cảu người nơi phòng khuê là “vô ná kim khuê vạn lí sầu” Khách khuê phòng ở ngoài muôn dặm dạ sầu ra sao?”
Nhà thơ Sầm Than cũng phản ánh nỗi nhớ thương, sầu đau không chỉ của người chinh phụ mà cả người chinh phu
“Mục túc phong biên phùng lập xuân
Hồ Lê hà thượng lệ triêm câm
Khuê trung chỉ thị không tương ức
Bất kiến sa trường sâu sát nhân”
(Đề mục túc phong gia kí nhân)
Người chinh phu ở chiến trường chiến đấu trong gian khổ, khó khăn, cái chết luồn kề cận. Ở họ có trăm mối phải lo, ngàn nỗi phải sầu trong đó có nỗi nhớ nhà da diết, nỗi thương nhớ vợ con vô cùng. Trước giờ người ta hay phản ánh nỗi sầu, sự chờ mong của người chinh phụ mà ít khi chú ý đến người chinh phu, giờ đây chính những nhà thơ này – những người chinh phu đã ra biên cương, đều được chứng kiến tận mắt cục diện, bộ mặt chiến tranh và còn thấu hiểu cả những tiếng lòng của người lính chiến. người chinh phu hỏi người chinh phụ rằng có biết được chàng ở ngoài chiến trường cũng “Sầu vây nát lòng”, cũng nhớ thương người nhà lắm nhưng không thể làm gì được.
Qua những cảm xúc, tình cảm của các nhân vật trong thơ - ấy là những nhân vật được nhào nặn từ hiện thực cuộc sống. trong cuộc sống không ai mong muốn có chiến tranh xảy ra, đặc biệt là chiến tranh phi nghĩa tàn phá cuộc sống của họ, làm cho gia đình li tán, tan nát, đau khổ lên vai gầy của họ.
Từ việc phản ánh một cách chân thực chiến tranh phi nghĩa lúc bấy giờ qua những bài thơ về chiến tranh, các nhà thơ Đỗ Phủ, Sầm Than, Cao Thích và Vương Xương Linh đã đồng thanh góp tiếng nói lớn tố cáo chiến tranh, tố cáo xã hội, tố cáo những kẻ ham vương, ham bá đã gây nên chiến tranh để đời sống nhân dân phải loạn lạc, lưu li. Đồng thời qua tiếng nói tố cáo đó ta thấy được một tấm lòng nhân đạo sâu sắc. Các nhà thơ – họ đã thấy, đã cảm, đã viết nên những vần thơ đong đầy tình người. Họ thấu hiểu được nỗi thống khổ của nạn nhân chiến tranh nên mới thương xót, đau khổ với người dân.
Đó là những điểm giống nhau về cơ bản của các nhà thơ trên khi viết về chiến tranh. Tuy nhiên khi đứng trước chiến tranh, đặt vào mỗi nhà thơ những hoàn cảnh khác nhau thì cái nhìn của họ về chiến tranh cũng khác, do vậy mà nội dung thơ sẽ mạnh về những khía cạnh riêng. Từ đó tạo nên sự phong phú, đa dạng và đầy đủ của thơ viết về chiến tranh.
Đối với nhà thơ Đỗ Phủ thơ chiến tranh của ông viết về rất nhiều chủ đề, rất nhiều mảng của chiến tranh. Dường như ta thấy ông phản ánh hiện thực chiến tranh một cách toàn diện và sâu sắc. Mặc dù vậy ta lại thấy thơ chiến tranh của Đỗ Phủ lại tiêu biểu với chủ đề cảnh bắt lính, điều động binh lính. Ngày đi vốn không hẹn ngày về. Chế độ bắt lính không trừ một ai, từ trẻ con đến cụ già, từ đàn ông đến phụ nữ. điều này được thể hiện qua những bài thơ như “Binh xa hành”, chùm thơ “Tam lại, tam biệt”. Đây là những bài thơ khá tiêu biểu của Đỗ Phú.
Đứng trước chiến tranh và thời cuộc thì thái độ của Đỗ Phủ như đã trình bày ở phần trước thái độ của ông cũng không đồng nhất bởi tính chất của chiến tranh được ông nhìn nhận. Ấy là mâu thuẫn giữa tư tưởng trung quân ái quốc và tư tưởng thương dân. Phản đối và ủng hộ chiến tranh. Trong ông luôn tồn tại cả hai điều đó.
Đối với Cao Thích đã có nhận định về thơ ông như sau: “thơ biên tái của ông thường thể hiện ý chí tha thiết bảo vệ bờ cõi, xây sựng sự nghiệp cùng thái độ xem khinh những cái tầm thường và lòng khoa khát tự do. Tất cả mang lại cho thơ biên tái của ông một tình điệu sôi nổi, một tinh thần phóng túng, khí khái và hào hùng”.
Thái độ của Cao Thích trước chiến tranh là thái độ tố cáo như đã nói ở trên, là tố cáo chiến tranh mang đến sự chết chóc và đau thương cho con người. Nhưng đồng thời ông cũng nêu cao khí thế hừng hực, ý chí tung hoành của nam nhi, thể hiện không khí ra trận trong bài “Yên ca hành”
“Hán gia yên trần tại Đông Bắc
Hán tướng từ gia phá tàn tặc
Nam gia bản tự trọng hoành hành
Thiên tử phi thường từ nhan sắc
Song kim phạt cổ hạ Du quan
Tinh kì uy di Kiệt thạch gian
Hiệu úy vũ thư phi hãn hải
Thiền Vu lạp hỏa chiếu Lang Sơn”
Đây là đoạn đầu của bài “Yên ca hành”, đọc đoạn thơ đầu này ta thấy hiện lên trước mắt ta là khí thế của quân đội rất hăng hái, chiêng trống dậy đất, cờ xí rợp trời, lòng quân cũng như lòng quân tử đều hân hoan, vui mừng, quyết chí đi giết giặc. Người nam nhi ai cũng muốn thể hiện cái ý chí tung hoành, lập công danh của mình. Cao Thích miêu tả cảnh sắc ra trận thật hùng hồn, thật náo nức lòng người, nhưng ngay sau đó ông lại miêu tả cảnh chết chóc, những đau khổ mất mát mà chiến tranh mang lại. Vậy thì thái độ của nhà thơ trong trường hợp này là như thế nào? Liệu có giống với nhà thơ Đỗ Phủ?
Cũng có thể nhận định rằng Cao Thích có cái nhìn toàn diện về chiến tranh. Ở bài thơ tiêu biểu của Cao Thích ở dòng thơ biên tái thì chúng ta dễ thấy rằng nhà thơ cũng có ủng hộ chiến tranh. Bằng chứng là những câu thơ đầy khí thế, hùng hồn, thể hiện ý chí nam nhi. Với cái nhìn của nhà thơ thì đây là cuộc chiến tranh bảo vệ bờ cõi, bảo vệ lãnh thổ của đất nước mình, đó là cuộc chiến tranh chính nghĩa.
“Nhà Hán giặc tràn vào Đông Bắc
Tướng Hán giã nhà đi giết giặc”
Rõ ràng dưới con mắt của Cao Thích thì đi giết giặc, bảo vệ đất nước rất đáng được ca ngợi, cần được nêu cao tinh thần và khí thế.
Nhưng ngay sau đó ông cũng nhìn ra bản chất và hậu quả của chiến tranh nên ông mới có thái độ phê phán và tố cáo như vậy.
Đó là đối với Cao Thích, còn Sầm Than và Vương Xương Linh thì hai tác giả này có thái độ phê phán, tố cáo ngay từ đầu một cách triệt để qua một số bài thơ mà chúng tôi tìm được. Thơ của Vương Xương Linh nghiêng về thể hiện tình cảm, cảm xúc. Đặc biệt là ông viết về tình cảm của người chinh phụ có chồng ra biên ải. Hai bài thơ đã phân tích “Tòng quân hành” và “Tây cung thu oán”. Ngoài ra Vương Xương Linh và Sầm Than có thái độ tố cáo triệt để chiến tranh chứ không như Đỗ Phủ hay Cao Thích. Ở bài thơ “Tái dạ khúc” Vương Xương Linh đã phủ nhận những gì mà người ta vốn ca ngợi ở trận Trường thành bằng cách dẫn ra hiện thực vẫn còn hiển hiện ở chiến trường năm đó “Bao xương trắng vẫn còn lẫn lộn trong đám tranh, sậy”:
“Ngựa uống nước, lội qua dòng thu
Nước lạnh gió như dao cắt
Trên bãi cát phẳng, mặt trời chưa lặn
Lờ mờ thấy lâm thao
Trong trận Trường thành ngày trước
Ai cũng nói là khí thế rất hăng
Bụi vàng đầy rẫy từ xưa đến giờ
Bao xương trắng vẫn còn lẫn lộn trong đám tranh, sậy”
Bài thơ phản ánh hoàn cảnh khắc nghiệt của thiên nhiên nơi chiến trường “nước lạnh”, “gió lạnh như dao cắt” vừa phản ánh được những cái chết không được chon cất, phải phơi thây ngoài chiến trường, theo thời gian xương trắng lẫn lộn với đám tranh sậy. Thật là thê lương, đau sót biết bao. Chỉ với hình ảnh cuối bài thơ, tác giả đã vạch trần toàn bộ và phủ nhận mọi lời lẽ ca ngợi từ trước tới giờ. Từ đó thấy rõ được thái độ phê phán, tố cáo của Vương Xương Linh rõ ràng như thế nào.
Tóm lại khi viết về đề tài chiến tranh, các nhà thơ Đỗ Phủ, Cao Thích, Sầm Than và Vương Xương Linh đều có những điểm giống và khác nhau về nội dung thơ và thái độ của họ đối với chiến tranh. Từ những điểm giống và khác nhau đó đã tạo nên một bức tranh có thể nói là hoàn chỉnh đầy đủ về chiến tranh thời bấy giờ. Do vậy mà làm cho thơ chiến tranh  thêm phong phú, đa dạng và giàu ý nghĩa hơn. Trên đây chỉ là một vài nét phác thảo, chỉ ra điểm giống và khác nhau của các nhà thơ của tác phẩm của họ khi viết về chiến tranh trên một vài cứ liệu chứ không phải xét hết toàn bộ nội dung thơ văn vì vậy sẽ không tránh khỏi sai sót. Vì vậy nhóm rất mong muốn sự góp ý chân thành của cô và các bạn.
1.      Tổng kết

Thơ ông là sự phản ánh chân thực bức tranh xã hội đời Đường.
Trong mảng đề tài về chiến tranh, tư tưởng trong thơ của ông chứa đựng sự mâu thuẫn. Đỗ Phủ lấy tinh thần vì nước mà khích lệ người ra đi,  đồng thời tố cáo thẳng tay sự tàn bạo của giai cấp thống trị. Sự mâu thuẫn đó xuất phát từ chính lòng yêu nước thương dân của ông. Khích lệ nhân dân ra đi xuất phát từ trách nhiệm của một công dân đối với đất nước. Tố cáo hiện thực xã hội chính là xuất phát từ tình cảm với nhân dân. Ông luôn cố gắng dung hòa mối mâu thuẫn này.
Tóm lại, thơ Đỗ Phủ là tiếng nói tố cáo chiến tranh, phản ánh hiện thực, là tiếng hát đồng cảm với cảnh ngộ của nhân dân. Đỗ Phủ là nhà thơ đồng cảm sâu sắc với nhân dân: “Do cuộc sống gần dân, do nếm mùi cay đắng trong đời sống, ông đã phản ánh nỗi đau khổ mà nhân dân phải chịu đựng với một độ sâu xưa nay các nhà thơ cổ điển Trung Quốc chưa hề đạt tới” (Lịch sử văn học Trung Quốc, Viện khoa học Trung Quốc)