Friday, October 17, 2014

Ý thức cá nhân trong Chinh phụ Ngâm (K38.văn.ĐHSP)

Standard


1.     MỞ ĐẦU
1.1.                      Tác giả, tác phẩm
1.1.1.  Tác giả và dịch giả
1.1.1.1.      Tác giả
Đặng Trần Côn là tác giả của  Chinh Phụ Ngâm  bằng Hán văn và cũng là một cây bút vững chải vào cuối thời Lê.
Quê ở làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì (nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ông sống cùng thời với chúa Trịnh Giang (nửa đầu thế kỉ 18) nhưng hiện nay chưa biết đích xác ông sinh năm nào mất năm nào. Theo học giả Hoàng Xuân Hoãn, Đặng Trần Côn có thể sinh vào khoảng 1710-1720 và mất vào năm 1745.
Thuở nhỏ Đặng Trần Côn rất hiếu học. Tuyên truyền lúc bấy giờ Trịnh Giang có lệnh cấm lửa nghiêm ngặt. Ông phải đào hầm thắp đèn dưới đất mà học. Sau khi thi đỗ Hương cống được bổ làm Huấn đạo và thăng tiến đến chức Ngự sử đài chiếu khám.
Tính ông rất phóng khoáng, ưa thú ngao du trăng gió, có cốt cách của một thi nhân. Thơ phú của ông lời lẽ rất trau dồi và bóng bẩy, sử dụng điển cố một cách uyên thâm. Thi văn của ông được mọi người truyền tụng và học hỏi.

Ngoài Chinh Phụ Ngâm ông còn có nhiều sáng tác bằng chữ Hán: Tiêu tương bát cảnh, Trương hàn tư thuần lư, Trương Lương bố y, Khấu môn thanh, Bích câu kỳ ngộ.

1.1.1.2.      Dịch giả
Có nhiều ý kiến khác nhau về người dịch bản hay nhất, tức bản A, bản hiện hành trong số mấy bản dịch. Theo Vũ Hoạt bản dịch ấy là của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Nhưng gần đây có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bản dịch hiện hành lá của Phan Huy Ích. Do vậy việc xác định chưa rõ.
Trong tập chí Hán Nôm số 1(14) năm 1993: khảo sát lại những điều kiện tồn tại của những giả thuyết xung quanh vấn đề “ Dịch Giả Chinh Phụ Ngâm khúc”có một kết luận nhỏ rằng:
1. Những giả thuyết về Phan Huy Ích không có điều kiện tồn tại, mà trái lại qua đó chúng ta lại thấy rõ hơn: chính Đoàn Thị Điểm là dịch giả bản Chinh phụ ngâmkhúc hiện hành. Điều đó phù hợp với công luận của nhân dân ta trong 200 năm, như ông Đặng Thai Mai đã nói: “người ta chỉ biết có một bài Chinh Phụ, người ta chỉ nhớ đến một khúc ngâm chinh phụ: ấy là tập Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm”.
 2. Một nghi vấn văn học được nêu ra thiếu chứng cớ có khoa học chắc hắn, thì tưởng chúng ta cũng không nên quá băn khoăn với nó. Và, cũng không nên cho đây là nghi vấn văn học nữa. Bản dịch Chinh phụ ngâm khúc hiện hành là của Đoàn Thị Điểm. Thái độ đó không phải là thái độ bảo thủ, mà là một thái độ khoa học, biết triệt tiêu đi những yếu tố nào mà sau khi đã xét hết những điều kiện tồn tại của nó.
Dịch giả Đoàn Thị Điểm:
Đoàn Thị Điểm (1705-1748), hiệu là Hồng Hà, người làng Giai Phạm xứ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Văn Giang, Hưng Yên). Cha là Đoàn Doãn Nghi, anh là Đoàn Doãn Luân, cả hai đều đậu Hương cống nhưng không ra làm quan, chỉ ở nhà dạy học.
Đoàn Thị Điểm là một phụ nữ có nhan sắc xinh đẹp tư chất thông minh nên am thông sử sách và tinh luyện văn thơ. Cha và anh mất sớm, bà đã phải cán đáng việc gia đình, phụng dưỡng mẹ già và nuôi dạy cháu nhỏ.
Bà đã từng từ chối việc tiến cung và những cuộc hôn nhân với những gia đình quyền quý. Năm 37 tuổi, Đoàn Thị Điểm nhận lời kết hôn với ông Nguyễn Kiều - một tiến sĩ góa vợ. Lấy nhau đựơc một thời gian thì chồng bà đi xứ Trung Quốc 3 năm, cuộc sống của bà trong thời gian này không khác gì một chinh phụ. Năm 1745, Nguyễn Kiều trở về, vợ chồng sum họp chưa được bao lâu thì bà lại lên đường theo chồng nhậm chức tại Nghệ An. Bà bệnh nặng trên đường đi và mất tại đây.
1.1.2.  Tác phẩm
1.1.2.1.      Hoàn cảnh sáng tác

Vào thời Đặng Trần Côn sống, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi, nhà nước phong kiến luôn phải điều quân đi đánh dẹp. Theo Phan Huy Chú thì Đặng Trần Côn đã soạn khúc ngâm vào khoảng 1740-1742. Lúc ấy ông đương làm tri huyện Thanh Oai, gần Thăng Long nên những cảnh xuất quân, chiêu binh ông đều được tận mắt thấy. Song làm quan văn ở chốn hậu phương, sát cánh với dân, ông lại đặc biệt chú ý đến cảnh thân nhân binh lính tiễn đưa, cảnh mẹ già vợ trẻ mòn mỏi chờ đợi lo âu. Thế nên Chinh Phụ Ngâm được viết từ “những điều trong thấy”, từ tấm lòng “cảm thời thế” mà ra. Tác phẩm mang một nội dung hiện thực, bức xúc đó là những cuộc chiến tranh phong kiến phi nghĩa nên ngay từ khi ra đời nó đã gây tiếng vang lớn, được nhiều danh sĩ dịch ra chữ Nôm như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Khản, Phan Huy Ích. Trong đó dịch phẩm xuất sắc và lưu hành rộng rãi được xem là của bà Đoàn Thị Điểm.

1.1.2.2.      Tóm tắt tác phẩm
Chinh phụ ngâm có hình thức là một lời độc thoại nội tâm mà vai chính, cũng là vai duy nhất đứng ra độc thoại trong truyện là một người vợ chồng tham gia cuộc chiến do triều đình phong kiến chủ xướng, kể về nỗi khổ, nỗi cô đơn buồn tủi phải xa chồng. Tác phẩm mở đầu với khung cảnh của chiến tranh ác liệt và nhà vua truyền hịch kêu gọi mọi người tham gia chiến cuộc. Trong bối cảnh này, nàng chinh phụ hình dung cảnh chồng nàng lên đường phò vua giúp nước, ra đi với quyết tâm giành hàng loạt thành trì dâng vua, hùng dũng trong chiếc chiến bào thắm đỏ và cưỡi con ngựa sắc trắng như tuyết.
Cuộc tiễn đưa lưu luyến kết thúc, người chinh phụ trở về khuê phòngvà tưởng tượng ra cảnh sống của chồng nơi chiến địa. Những xúc cảm về một hình ảnh "lẫm liệt" của chồng phút chia ly đã dần mờ nhòe, thay thế vào đó là nỗi lo sợ khủng khiếp về số phận của chồng giữa chiến trường khốc liệt, đầy oan hồn tử khí, và niềm đau khổ khôn nguôi về thân phận đơn chiếc của bản thân nàng.
Trong phần tiếp theo, câu chuyện chủ yếu diễn tả tâm trạng trăn trở, cô quạnh của người chinh phụ. Đó là việc chồng quá hạn không về, cũng không có tin tức gì, và người chinh phụ đành phải tính thời gian bằng chu kỳ quyên hót, đào nở, sen tàn. Đó là tâm trạng "trăm sầu nghìn não" khi người chinh phụ quanh quẩn trước hiên, sau rèm, vò võ dưới đêm khuya vắng, đối diện với hoa, với nguyệt. Đó là tâm trạng chán chường khi tìm chồng trong mộng nhưng mộng lại buồn hơn, lần giở kỷ vật của chồng mong tìm chút an ủi nhưng sự an ủi chỉ le lói, thấy thân phận của mình không bằng chim muông, cây cỏ có đôi liền cành. Cuối cùng, chán chường và tuyệt vọng, người chinh phụ đã không còn muốn làm việc, biếng lơi trang điểm, ngày đêm khẩn cầu mong được sống hạnh phúc cùng chồng.
Kết thúc khúc ngâm, người chinh phụ hình dung ngày chồng nàng chiến thắng trở về giữa bóng cờ và tiếng hát khải hoàn, được nhà vua ban thưởng và cùng nàng sống hạnh phúc trong thanh bình, yên ả.
1.2.                     Khái niệm ý thức cá nhân
Giai đoạn lịch sử thế kỉ XIII đến nửa đầu thế kỉ XIX là giai đoạn đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp vô cùng sôi nổi. Những biến thiên cùng với bi kịch lớn trong xã hội đã tác động mạnh tới tư tưởng con người, ý thức xã hội nói chung đi về nhiều hướng khác nhau, ý thức trách nhiệm, những tình cảm nhân dân lớn lao, cao cả đặc biệt được đề cao. Bên cạnh đó, con người cá nhân với ý thức cá tính, tài năng với nhu cầu tự khẳng định mình và khát vọng mãnh liệt về tự do, tình yêu, hạnh phúc lại là hình tượng trung tâm của các tác phẩm chứa đựng tinh thần nhân văn cao cả. Sự chuyển biến từ chỗ đặc biệt quan tâm đến hình tượng con người công dân đến chỗ đặc biệt quan tâm đến hình tượng con người cá nhân thể hiện rõ nét đặc trưng của văn học Việt Nam trung đại. Chủ nghĩa cá nhân giai đoạn này bắt đầu thấy rõ bóng dáng cái tôi của cá tính trong tư cách ngang tàng phóng túng của những nhân vật như Phạm Thái, Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ…kể cả những  nhân vật trong Truyện Kiều, nàng chinh phụ trong Chinh Phụ Ngâm.
Vậy ý thức con người cá nhân trong văn học là gì? Ý thức con người cá nhân trong văn học là sự phản ánh cái tôi của tác giả, là sự giãi bày, diễn tả thế giới tư tưởng, tình cảm riêng của tác giả. Nói cách khác, ý thức con người cá nhân trong văn học chính là sự tự khắc họa tâm tư, tình cảm, ý chí của tác giả được thể hiện thông qua những tác phẩm mà họ sáng tác. Tùy theo từng giai đoạn văn học, từng thời kì văn học mà con người ý thức cá nhân có những đặc điểm khác nhau. Ở đây, chúng ta sẽ khảo sát ý thức con người cá nhân của người chinh phụ trong Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn (dựa vào bản dịch Đoàn Thị Điểm).

2.     NỘI DUNG CHÍNH
2.1.                      Ý thức về giá trị bản thân của người chinh phụ
Ø  Ý thức về nhan sắc, phẩm hạnh của mình
Trong “Chinh phụ ngâm” không đặc tả nhan sắc của người chinh phụ, bởi lẽ đây là khúc ngâm của chính nàng trước hiện cảnh chồng đi ra nơi chiến trận, tập trung thể hiện những tình cảm bi thiết, oán sầu của người vợ trẻ. Thế nhưng qua những lời lẽ tha thiết, tình cảm dạt dào, đan xen bao tầng cảm xúc, chúng ta vẫn cảm nhận được sự ý thức của nàng về nhan sắc của chính mình:
Vóc bồ liễu dễ ép nài chiều xuân
Kìa Văn Quân mĩ miều thuở trước…
Nàng mang dáng dấp của bồ liễu xanh tươi, yểu điệu nhưng cũng mong manh, yếu ớt, cần có bóng tùng che chở sớm hôm. “Văn Quân” là một điển tích của Trung Quốc. Văn Quân tức Trác Văn Quân người đời Hán, sắc đẹp, văn hay. Phả chăng chính nàng chinh phụ đã mượn tích xưa mà ngầm so sánh nhan sắc của mình? Không hề phô trương, nàng ý thức rõ được nhan sắc mình không thua kém nàng Văn Quân thời xưa. Nhưng chính sự chờ đợi người chinh phu trong khắc khoải đằng đẵng bao niên đã khiến nàng lo sợ, tháng ngày qua, tuổi hoa niên sẽ nhanh chóng hắt hiu.
Nhan sắc này gìn giữ vì đấng trượng phu, nàng không khỏi bẽ bàng trước thấm thoắt thời gian “E đến khi đầu bạc mà thương”. Bao lâu người chinh phu sẽ trở về, nàng ý thức rõ ràng, lo sợ, bàng hoàng thanh sắc của nàng hôm nay rồi sẽ lụi tàn trong sự mòn mỏi đợi chờ.
Nàng vừa có nhan sắc vừa có tài năng:
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn…
Gõ sanh ngọc mấy hồi không tiếng
Ôm đàn tranh mấy phím rời tay
Nàng biết “dạy con đèn sách”, biết làm “thơ sầu” trong những ngày vắng chồng, còn biết “gõ sênh ngọc, ôm đàn tranh”… Bấy nhiêu lời tự tình thôi, ta cũng nhận ra nàng là một trang thục nữ sắc tài gồm đủ, dòng dõi con nhà.
Ở nàng không chỉ ngời ngời lên nét đẹp của người phụ nữ theo đúng mực thước phong kiến Á Đông mà còn sáng trong phẩm hạnh thủy chung son sắt với người chồng còn khuất nẻo quan san. Bao tháng ngày nàng trông tin chồng mà chồng vẫn bặt tin. Nơi chiến địa hiểm nguy, cái sống chết cách nhau gang tấc. Năm đầu chàng đi còn “tin thường lại, thư thường tới” nhưng
Trải mấy thu tin đi tin lại
Tới xuân này tin hãy vắng không
Thấy nhàn luống tưởng thư phong…
Ngày tháng với nàng bây giờ “đằng đẵng như niên”, nàng luôn sống trong nỗi lo sợ cho chồng nơi chiến địa, nay bặt tâm thư càng khiến nàng xiết bao sầu thảm. Nỗi nhớ nhung, than thở, xót xa, tuyệt vọng khi không thấy bóng nhạn đưa thư khiến nàng héo hắt:
Mặt biếng tô, miệng càng biếng nói
Sớm lại chiều, dòi dõi nương song
Nương song luống ngẩn ngơ lòng
Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?
Tuy là buổn khổ, héo sầu, có lúc nàng gần như gục ngã, rã rời, tuyệt vọng, chẳng thiết gì đến chăm sóc bản thân, mọi thứ nàng làm dường như vô nghĩa… nhưng lòng chung thủy, sắt son với chồng thì nàng luôn giữ trọn trong tim: Nàng ví mình như đóa hoa hướng dương:
Hướng dương lòng thiếp như hoa
Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương
Bóng dương để hoa vàng chẳng đoái
Hoa để vàng bởi tại bóng dương…
Hoa hướng dương chỉ hoa quỳ, buổi sáng hướng vế phía đông, buổi chiều hướng về phía tây, theo ánh sáng mặt trời. Nguời xưa thường dùng hình ảnh hoa quỳ chỉ sự trung thành của bầy tôi với vua chúa hay của người phụ nữ với chồng. Nàng ví sánh nàng với loài hoa hướng dương ấy để khẳng định chắc chắn một tấm lòng chung thủy với đấng lang quân dù đang cách xa vạn dặm.Ttrái tim nàng, tình yêu của nàng luôn hướng về người chinh phu như đóa hướng dương xinh đẹp luôn hướng về phía nắng ấm mặt trời. Với nàng, chàng là ánh dương ấm áp, nàng là hoa cần hơi ấm mặt trời. Suốt đời nàng nguyện chung thủy với bậc trượng phu, không bao giờ sai hẹn ước. Trong tình yêu, xa mặt thường cách lòng, nàng lo sợ và có ý nghi ngờ không biết chồng mình có bền chặt thủy chung như mình không? Thế nhưng, nàng lại khẳng định một cách mạnh mẽ và dứt khoát tấm lòng son sắt với chồng “Hoa để vàng bởi tại bóng dương”.
Nàng chinh phụ là người phụ nữ mực thước của xã hội phong kiến, cái xã hội chỉ có tiếng nói chung cộng đồng và tiếng nói riêng cá nhân, cái bản ngã xem là trái đạo thường tình, thế nhưng nàng chinh phụ không còn cắn răng chịu đựng nỗi dày vò trong câm lặng. Nàng tuy không mạnh mẽ như người cung nữ trong “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều đã dám khẳng định, có phần ngạo nghễ, đắc ý về nhan sắc, tài năng của mình nhưng nàng cũng không để phận mình mang nốt trầm mãi mãi. Nàng đã tự khẳng định nhan sắc, tài năng và phẩm hạnh thủy chung của chính nàng mà không cần ai nói thay hay đánh giá, đó là nét rất mới làm nên đỉnh cao của “Chinh phụ ngâm”.
Ø    Ý thức về vai trò, vị trí của mình đối với chồng và gia đình
Không chỉ tự ý thức về vẻ đẹp, tâm hồn và phẩm hạnh của mình, nàng chinh phụ đáng thương còn ý thức rõ về vai trò, vị trí của mình trong gia đình và với người chồng đang ngàn trùng cách biệt. Chồng đi vào nơi chiến địa hiểm nguy, nỗi nhớ thương, lo lắng như vắt kiệt sức lực nàng nhưng nỗi nhà mẹ già, con còn thơ dại, cần người chăm sóc, nên nàng phải gắng gượng dẹp bỏ niềm riêng, chôn giấu nỗi sầu muộn mà đảm đang việc nhà. Nàng đã thay chồng gánh vác tất cả công việc gia đình, chăm mẹ, nuôi dạy con thơ:
Ngọt bùi thiếp đỡ hiếu nam,
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân.
Nay một thân nuôi già dạy trẻ,
Nỗi quan hoài mang mẻ biết bao…
Thế nhưng, đây không chỉ riêng là nghĩa vụ mà nàng phải gánh vác thay cho chồng mà còn như lời than oán cho số phận bẽ bàng của nàng. Vợ chồng đương hạnh phúc, ấm êm, nhưng chiến loạn đã chia quyên rẽ thúy. Nơi phương xa, chồng có bình yên vô sự dưới lằn tên mũi giáo không, nỗi lo lắng thường trực trong nàng, còn ở chốn này, nàng phải dang vai gánh vác “ giang sơn nhà chồng”. Thân nàng, tâm hồn nàng như xé mảnh làm hai, nỗi nhớ thương, trách niệm nặng nề chồng chất lòng nàng.  Hành động chăm sóc gia đình của nàng, đảm đương trọng trách chăm con, hầu mẹ như lời trách cứ, không phải trách cứ người chồng ngoài quan ải nỡ để nàng phải vất vả mà là trách cái thế lực nào gây ra cuộc binh đao vô nghĩa đã khiến nàng lâm vào cảnh xa chồng, vào cảnh oái oăm. Rõ ràng nàng là thân nữ nhi “bồ liễu”, tay yếu chân mềm mà lại vừa phải làm “trai” nuôi mẹ, vừa làm “bố” dạy con thơ.
Nàng chinh phụ trong khúc ngâm ý thức được rất rõ vị trí và vai trò của họ đối với người đàn ông của mình. Từ ngày, chồng ra đi vì mộng công hầu, nàng cô đơn, lẻ loi nơi chốn khuê phòng. Trong gian phòng ấy chất chứa bao vật tin, bao kỉ niệm ái ân còn nguyên vẹn như ngày nào. Cảnh cũ nhưng người thì khuất bóng, kẻ ra đi muôn ngàn xót xa, người ở lại như muôn ngàn muối xát. Đối diện với từng kỉ niệm yêu thương, đối với người chinh phụ là nỗi cực hình tê tái. Tháng ngày chờ đợi đằng đẵng, lo toan thu xếp việc nhà cũng không làm nàng nguôi thương nhớ. Nàng luôn muốn được kề cận bên chồng, dù cho phải cùng chàng chịu bao đắng cay, gian khổ. Nỗi khát khao được ở bên chànng theo nàng vào cả giấc mơ:
Duy còn hồn mộng được gần
Đêm đêm thường đến Giang Tân tìm người
Tìm chàng thuở Dương Đài lối cũ
Gặp chàng nơi Tương Phố bến xưa…
Nàng là vợ, là vợ thì phải luôn ở bên chồng, chăm sóc, lo toan cho chồng, khi thì cùng chồng hàn huyên nhưng cái việc bình thường như thế, cũng bởi chiến tranh mà nàng không thể làm tròn được. Nàng ý thức được bổn phận của mình đối với chồng, điều đó bởi do tình yêu của nàng với chồng là sâu đậm. Nàng tha thiết, khát khao luôn muốn kề cận chồng dù có phải theo chồng nơi chiến địa. Dù gian khổ mà còn thấy mặt nhau, cùng nhau san sẻ còn hơn nàng bình yên nơi này mà phải phập phồng trong cơn mê. Không thể theo chồng như bổn phận phải làm, nàng ở lại hậu phương nhưng tâm thức nàng, linh hồn nàng trải khắp chốn chồng đi. Từng giờ, từng khắc, hồn nàng luôn kề cận bên chồng:
Duy một tấm lòng này chẳng dứt
Vốn theo chàng giờ khắc nào nguôi
 Vì yêu thương chồng chịu nhiều vất vả nơi chiến địa, chẳng rõ sống chết ra sao, mắt nàng nhỏ bao giọt sầu giọt tủi, trách phận mình không thể giúp chồng, không thể hầu hạ chồng cho phải đạo thúy quyên. Và vì yêu chồng, nàng chấp nhận tất cả khổ đau, chua xót, cô đơn, buồn tủi, chỉ mong một ngày chồng trở về bình yên:
Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi
Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề
Thân thiếp chẳng gần kề dưới trướng
Lệ thiếp nào chút vướng bên khăn…
Tự trách bản thân mình không thể kề cận chăm sóc chồng, cái bổn phận thiêng liêng của người làm vợ, nàng xót xa, nghẹn ngào cho lang quân khổ lao nơi chiến trận. Nỗi thương nhớ thôi thúc trái tim nàng mong gần kề bóng tùng nơi quan ải, nàng tha thiết cầu khẩn mong chồng luôn được bình yên sớm trở về. Nàng nguyện làm trọn đạo vợ hiền, suốt đời chung thủy sắt son:
Thiếp xin chàng chớ bạc đầu
Thiếp thì giữ mãi lấy màu trẻ trung
Xin làm bóng theo cùng chàng vậy
Chàng đi đâu cũng thấy thiếp bên
Chàng nương vầng nhật, thiếp nguyền
Mọi bề trung hiếu, thiếp xin vẹn tròn
Thái độ và cách ứng xử của nàng đối với chồng trước sau như một. Nàng ý thức được bổn phận, vị trí làm vợ của mình, dù cho chồng có “đeo quả ấn vàng” hay không thì tình cảm của nàng với chồng không thay đổi, chỉ cần chồng nàng bình an vô sự. Thái độ của nàng trong nghịch cảnh vượt xa những hạng đàn bà tầm thường như vợ Tô Tần ngày xưa:
Thiếp chẳng dại như người Tô phụ…
Trên khung cửi dám rẫy ruồng làm cao.
Ý thức về vai trò và vị trí của mình trong mối quan hệ với người chồng và với gia đình đã làm tôn lên vẻ đẹp của người chinh phụ. Dù là thân “bồ liễu” song không phải nữ nhi thường tình. Nàng chinh phụ đã vượt qua mọi rào cản, khó khăn để thay chồng đảm đương gánh vác việc nhà, và luôn gìn lòng thủy chung, tôn trọng chồng của mình, đó cũng là làm tròn bổn phận thê nương. Điểm sáng trong thái độ và cách ứng xử của nàng chinh phụ càng khẳng định giá trị con người cá nhân cao cả của nàng.



2.2.                      Ý thức về tuổi trẻ của người chinh phụ
Chinh phụ ngâm là vỏ bọc tâm hồn người chinh phụ, nó gói trọn những tâm tư, tình cảm của họ mà từ đó mầm cây tự ý thức mọc lên mạnh mẽ. Họ ý thức về bản thân, về hạnh phúc lứa đôi và cả về tuổi trẻ của mình. Họ biết được chiến tranh đã tạo ranh giới cách chia giữa họ với người họ yêu thương, nó khiến họ phải sống cô độc, phải trải qua những ngày vô nghĩa:  
Cớ sao cách trở nước non                            
Khiến người thôi sớm thôi hôm những sầu
Khách phong lưu đương chừng niên thiếu
Sánh cùng nhau dan díu chữ duyên
Nỡ nào đôi lứa thiếu niên
Quan sơn để cách, hàn huyên bao đành
Phải, đó chỉ là chuỗi ngày vô nghĩa vì sống cũng như không, từng sớm trôi qua cũng chỉ biết một chữ "chờ", từng hôm trôi qua cũng âm thầm chỉ một chữ "đợi", những "sầu", những thương, những nhớ phủ lấy họ, phủ lấy ánh mặt trời, vầng trăng hằng ngày họ thấy. Họ không ngừng hỏi "cớ sao", "nỡ nào", "bao đành" thật đáng thương, vừa hỏi vừa trách móc ẩn chứa niềm than oán, xót xa của cõi lòng người chinh phụ. Tại sao lại gây ra chiến tranh, vì lẽ gì, vì danh lợi, há những điều đó đáng để đánh đổi tuổi xuân, tuổi yêu thương nhiệt thành của trai gái thiếu niên?
Khách phong lưu đương chừng niên thiếu
Sánh nhau cùng dan díu chữ duyên
Nỡ nào đôi lứa thiếu niên
Quan sơn để cách, hàn huyên bao đành
Từ "dan díu" khiến người ta nghĩ đến những cặp đôi trai gái yêu nhau bất chính, tình cảm của họ tuy rất nồng nhiệt không thể cách ngăn nhưng không bao giờ được công khai, tình cảm mặn nồng đó phải đè nén lại để tiễn chồng ra trận. Không ngừng nói "đương chừng niên thiếu", "đôi lứa thiếu niên", phải chăng người chinh phụ muốn nhấn mạnh thời xuân sắc của mình là thời khắc đẹp nhất, là thời khắc để yêu và được yêu nhưng không thể yêu trong thời buổi binh đao chinh chiến. Ở đây cái nhận thức đầu tiên rõ rệt nhất của chinh phụ là cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng nàng bị phá vỡ, hai người phải chia lìa đôi ngả là hết sức vô lí, là không thể chấp nhận được. Cũng cái lặp đi lặp lại đó, người chinh phụ lại than thở:

Thuở lâm hành, oanh chưa bén liễu.  
Hỏi ngày về, ước nẻo quyên ca
Nay quyên đã giục oanh già.
Ý nhilại gáy trước nhà líu lo,
Thuở đăng đồmai chưa dạn gió
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông,  
Nay đào đã quyến gió đông
Tuyết mai trắng bãi phù dung đỏ bờ

"Thuở...chưa", "Nay...đã", hai cấu trúc đối lập xưa - nay, chưa - đã như kéo thời gian chiến chinh thật dài, người chinh phụ chờ trông mòn mỏi. Xưa "oanh chưa bén liễu" nhưng nay "quyên đã giục oanh già", xưa lúc đi "mai chưa dạn gió", nay "đào đã quyến gió đông". Oanh tượng trưng cho mùa xuân, quyên tượng trưng cho mùa hạ, ý nhi tượng trưng cho mùa thu, mai tượng trưng cho mùa đông, đào tượng trưng cho mùa xuân, phù dung tượng trưng cho mùa hè. Đối chiếu hai đoạn thơ trên ta thấy chi tiết thời gian có chỗ sai lệch giữa thời gian chàng đi và thời gian chàng hẹn về, đó là do dụng ý tinh tế của tác giả và dịch giả để diễn tả tâm trạng băn khoăn của chinh phụ và ý định bất nhất của chinh phụ trước khi lâm biệt.  xưa chưa có nhưng nay đã đổi khác hoàn toàn, cảnh vật đổi, người xưa cũng đổi, nhan sắc đã phai tàn, tuổi xuân đã lỡ mất, chỉ có lòng không đổi, vẫn đợi chờ ngẫm nhìn ngày tháng đi qua. Ðây cũng là một nét tâm lí phổ biến của con người thời đại lúc bấy giờ, chàng trai trong Chinh phu ngâm khúc cũng đã thú nhận:

Phận trai già ruổi chiến trường
Chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về

Tự vẽ cảnh ngày sau thế nào, nàng càng lo sợ nhan sắc chóng phai tàn:
Một năm một lạt mùi son phấn
Trượng phu còn lẩn thẩn miền khơi
Rồi tuổi già cũng chóng đến:
Gió xuân ngày một vắng tin,
Khá thương lỡ hết mấy phen lương thì.
Thương một kẻ phòng không luống giữ,
Thời tiết lành lầm lỡ đòi nau.

Thoi đưa ngày tháng ruổi mau,
Người đời thấm thoát qua màu xuân xanh
Thời gian trôi như dòng thác chảy cứ ào ào đi mất mà không bao giờ quay lại, nó đáng sợ lắm khi những tháng ngày đó tuổi xuân qua đi trong cảnh đợi mong, lẻ loi. Nàng biết rồi đây nàng sẽ già, điều đó chỉ trong phút chốc, nàng buộc phải mặc cho thời gian trôi đi một cách hoang phí mà không có cách níu giữ. Chinh phụ tưởng chừng như không còn đủ sức chịu nổi nỗi đau đớn. Cơn khủng hoảng tinh thần đã lên tới đỉnh điểm, con người thật trong chinh phụ đã bắt đầu cất tiếng nói, nàng hối hận vì giấc mộng công hầu mà để chồng ra đi chinh chiến để rồi hạnh phúc tuổi xuân bị dang dở:
Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu,
Thà khuyên chàng đừng chịu sắc phong

Càng sợ thời gian qua mau nàng càng tiếc nuối từng khắc từng giây:

Kìa Văn Quân mỹ miều thuở trước,
E đến khi đầu bạc mà thương.
Mặt hoa nọ ả Phan lang,
Sợ khi mái tóc pha sương cũng ngừng
Nghĩ nhan sắc đương chừng hoa nở, 
Tiếc quang âm lần lữa gieo qua.
Nghĩ mệnh bạc, tiếc niên hoa!
Gái tơ mấy chốc mà ra nạ dòng
Nàng ý thức được "nhan sắc đương chừng hoa nở", vẻ đẹp tuổi xuân xanh của nàng nhưng nàng "sợ" “mấy chốc” "Văn Quân mỹ miều thuở trước", "Mặt hoa nọ Phan lang" sẽ hóa thành "đầu bạc”, “tóc pha sương”, “gái tơ mấy chốc mà ra nạ dòng”, vì vậy mà nàng "tiếc quang âm lần lữa gieo qua", "tiếc niên hoa". Nàng ngồi đợi, ngồi trông, ngồi tính từng ngày để tuổi xuân trôi mất rồi trách, rồi oán. Từ trách móc nàng đi đến xót thương, xót thương cho chinh phu và xót thương cho chính bản thân nàng:

Thử tính lại diễn khơi ngày ấy.
Tiền sen này đã nẩy là ba.  
Xót người lần lữa ải xa,
Xót người nương chốn Hoàng hoa dặm dài.

Rồi nàng ngóng đợi tin chồng, có lúc được tin nhưng dần dần rồi vắng biệt. 

Trải mấy xuân tin đi tin lại,
Đến xuân này tin hãy vắng không.

Nàng nhiều lần nhớ lại những lời hẹn của chồng nhưng

Người sao mười hẹn chín thường đơn sai

Vì vậy nàng đã phải sống trong một tâm trạng chờ đợi, hi vọng rồi thất vọng đến chua xót. Ðau khổ vì biệt li, vì chờ đợi, vì thất vọng đã làm cho nàng như khô héo thêm. Chiến tranh đã làm tàn phai nhan sắc, làm héo hon tấm lòng người vợ trẻ trông chồng. Sự đối lập giữa con người và chiến tranh càng trở nên mạnh mẽ.

Trâm cài, xiêm giắt thẹn thùng
Lệch vòng tóc rối, lỏng vòng lưng eo.

     Chính vì thất vọng mà người chinh phụ ý thức được hạnh phúc lứa đôi là khi còn tuổi trẻ, là ngay bây giờ, là hiện tại chứ không phải ảo tưởng vào chữ tình “muôn kiếp” siêu hình nào đó:
Ðành muôn kiếp chữ tình đã vậy, 
Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau,
Thiếp xin chàng chớ bạc đầu,
Thiếp thì giữ mãi lấy màu trẻ trung.
Nàng ước ao tuổi trẻ của chàng, của nàng có thể níu lại, giữ lại nó cho riêng mình, chờ tới ngày trùng phùng. Một ước nguyện  hay là một lời khẩn khiết cầu xin "xin chàng chớ bạc đầu".
Khác với văn học mấy thế kỷ trước không biết đến chữ thân, nên không ý thức được rõ rệt ý nghĩa của tuổi trẻ, lúc nào họ cũng nhìn đời như nhau, con người trong văn học thời này bắt đầu tự ý thức từ chữ thân, từ tuổi trẻ, từ quyền được sống cuộc đời vật chất, người chinh phụ nhân danh “khách má hồng” chịu nỗi “truân chuyên” mà lên án“xanh kia”, không chấp nhận kiếp hy sinh tuổi xuân cho chiến tranh phi nghĩa. 

Võ vàng đổi khác dung nhan,
Khuê ly mới biết tân toan dường này.

Ý thức tuổi trẻ của mình bị chiến tranh tước mất, nàng mới cất lên tiếng nói về quyền hưởng hạnh phúc thực tại của bản thân:  

Khi mơ, những tiếc khi tàn,
Tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không!

2.3.                      Ý thức về hạnh phúc hôn nhân của người chinh phụ
Khi nhắc đến hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến giai đoạn này ta không thể không nhắc đến hình ảnh người chinh phụ mòn mỏi chờ đợi chồng với tấm lòng thủy chung sâu sắc và niềm mơ ước được sống trọn vẹn với tình yêu hạnh phúc của mình. Nếu như văn học ở những giai đoạn trước người phụ nữ chưa dám nói lên tiếng nói cá nhân của mình thì trong văn học giai đoạn cuối thế kỉ 18- đầu thề kỉ 19, người phụ nữ bắt đầu thể hiện rất rõ ý thức cá nhân. Và người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn cũng vậy. Bên cạnh ý thức về tuổi trẻ người chinh phụ còn thể hiện rất rõ lòng khao khát hạnh phúc, dám nói lên những mong ước thầm kín của mình.
 Người chinh phu bị chiến tranh ném vào nơi gió cát, vào nơi “chiến địa” xa xôi. Người chinh phụ ở nhà mòn mõi ngóng trông đã cảm nhận thấm thía và sâu sắc sự cách xa về thời gian và không gian của hai người.
Kể năm đã ba tư cách diễn
Mối sầu thêm nghìn vạn ngổn ngang
Ước gì gần gũi tất gang
Giãi niềm cay đắng để chàng tỏ hay
Càng xa càng nhớ, càng cách trở thì càng khao khát hạnh phúc, khao khát gắn bó yêu đương lại càng trở nên mãnh liệt và da diết. Một mình ở nhà vừa phải chăm sóc mẹ già và con thơ, ngày ngày đối diện với biết bao là kỉ niệm đã từng gắn bó giữa hai người, người chinh phụ đã cảm nhận rất rõ “mối sầu nghìn vạn” của sự xa cách đó. Càng cách trở thì khao khát được gần kề lại càng trở nên tha thiết : “Ước gì gần gũi tất gang”, nhưng đó chỉ là một niềm mong mỏi dường như chẳng có hi vọng gì, vì nó chỉ là cái “ước gì” mà thôi.
Trông chờ mòn mõi nhưng người chinh phụ vẫn giữ trọn chữ thủy chung chờ đợi, càng chờ đợi người chinh phụ càng khắc khoải âu sầu vì nàng không thể thay đổi cảnh sống hiện tại, nàng chỉ có đôi tay yếu mềm, đôi mắt vời vợi nhớ, đôi môi luôn thì thầm cầu mong. Có lẽ, người ở quê nhà chờ đợi bao giờ cũng là người chịu nhiều đau khổ nhất, bởi nơi đó gắn liền với nhiều kỉ niệm thân thương, nên nhìn đâu người chinh phụ cũng thấy nhớ mong: dấu hài, lầu hoa, chăn gối,…
Thoa cung Hán thuở ngày xuất giá
Gương lầu Tần dấu cũ soi chung
Cậy ai mà gửi tới cùng
Để chàng thấu hết tấm lòng tương tư
Nhẫn đeo tay mọi khi ngắm nghía
Ngọc cài đầu thuở bé vui chơi
Cậy ai mà gửi tới nơi
Để chàng trân trọng dấu người tương thân
Đọc những câu thơ trên ta có cảm giác dường như người chinh phụ lúc nào cũng mang trong lòng một nỗi nhớ khôn tả, nàng muốn người chinh phu có thể hiểu hết tấm lòng của nàng “thấu hết tấm lòng tương tư”, “trân trọng dấu người tương thân”. Chỉ qua cách thổ lộ của người chinh phụ ta càng thấm thía hơn về tình cảm của nàng, đó là một tình cảm rất đỗi bình thường trong tình yêu, nhưng đối với văn học giai đoạn này dám nói ra hết những suy nghĩ của mình, mạnh mẽ thể hiện khao khát của mình thì lại là một bước tiến rất lớn.
Nàng gần như tuyệt vọng trong những tháng ngày chờ đợi ấy, nàng muốn gieo quẻ bói nhưng lại sợ tin gở “Gieo bói tiền tin gở còn ngờ”. Muốn làm mọi việc để quên nhưng những lúc nỗi nhớ lên đến cực độ thì nàng lại buông xuôi tất cả.
Hương gượng đốt hồn đả mê mải
Gương gượng soi lệ lại chứa chan
Sắt cầm gượng gãy ngón đàn
Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng
Tác giả sử dụng rất nhiều chữ “gượng” để diễn tả đúng tâm trạng của người chinh phụ, hương thì gượng đốt, soi gương thì thấy lệ rơi, gãy đàn thì tiếng đàn cũng nghe gượng ép, phím loan thì ngại chùng, tất cả mọi thứ dường như nó không hề muốn diễn ra. Nhịp thơ chậm rãi càng khắc họa sâu sắc nỗi lòng nhớ thương da diết của người chinh phụ.
“Biếng cầm kim, biếng đưa thoi”. Không thể gặp được chồng, họa chăng chỉ phút giây trong giấc mộng, nhưng hơn ai hết nàng biết rõ “Tình trong giấc mộng muôn đời cũng không”. Đó là sự bế tắc khủng hoảng đến độ trở thành bi kịch. Hạnh phúc đối với nàng chỉ là khoảng không vô tận.
Tuy bên ngoài là đau khổ, là âm thầm chịu đựng nhưng bên trong lại ngầm chứa một tình cảm sôi nổi, rực cháy mãnh liệt:
Ca quyên ghẹo làm rơi nước mắt
Trống tiều khua như đốt buồng gan
 Như thế mới hiểu được vì sao một tiếng dế kêu, một tiếng chuông chùa, một luồng gió nhẹ….cũng đủ để hóa thành những cung yêu thương xoáy mãi lên trong biển nhớ của nàng:
Lá màn lay ngọn gió xuyên
Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm
Hoa giải nguyệt nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông
Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng
Khung cảnh thiên nhiên mất hẳn cái sầu thảm mà trở nên nồng nàn tha thiết, lộng lẫy nguyệt hoa. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình ở đây đã đạt mức tuyệt diệu. Hình ảnh lộng lẫy, mang nhiều sắc thái ý nghĩa, âm điệu câu thơ tha thiết, nhịp nhàng như một khúc nhạc du dương cất lên từ trong lòng người chinh phụ. Hình ảnh nguyệt hoa quấn quýt giao hòa đã thể hiện một cách gián tiếp nhưng cũng đầy gợi cảm nỗi lòng da diết và khao khát âm thầm mà mãnh liệt được hưởng hạnh phúc ái ân đôi lứa của người chinh phụ. Đó là một khao khát mang đậm tính nhân bản.
Tự khao khát, tự vẽ ra hạnh phúc cho chính mình, để rồi nhận ra tất cả chỉ là hư ảo càng làm cho trái tim người chinh phụ đau đớn gấp bội phần.
Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau
Tác giả đã đi sâu vào khía cành tình cảm tinh vi nhạy bén nhất của con người. Điều này đã đem lại một ý nghĩa mới cho tác phẩm. Trong xã hội phong kiến chưa ai dám nói lên những điều riêng nhất, cá nhân nhất mà lại là của một cá nhân phụ nữ hết sức nhỏ bé. Xã hội phong kiến không chấp nhận ý thức cá nhân, cá nhân không được quyền đòi hỏi, yêu cầu, không được quyền khao khát, mong ước….Vì vậy tiếng nói cá nhân đòi quyền hạnh phúc của người chinh phụ đã phần nào góp phần đả kích những giáo điều nghiêm khắc của lễ giáo phong kiến, mặc dù tiếng nói đó là tiếng nói khẽ khàng, chưa táo bạo quyết liệt như tiếng nói của người cung nữ trong Cung oán ngâm hay tiếng nói trong thơ Hồ Xuân Hương.
2.4.                      Ý thức về cuộc chiến tranh và công danh của người chinh phụ
Rõ ràng nàng chinh phụ đáng thương ý thức sâu sắc được nỗi đau chia loan rẽ thúy. Không chỉ riêng nàng mới cảm nhận được nỗi đau ấy, mà cũng như nàng, những người phụ nữ đương thời có chồng phải đi lính đánh trận cũng cùng một nỗi xót xa, ai oán. Chỉ có khác chăng là nàng đã dám bộc bạch tâm sự bi thiết của mình qua khúc ngâm tê tái cõi lòng:
Khắc giờ đằng đẵng như niên
Mối sầu dằng dặc bằng miền bể xa
Vấn đề trung tâm đặt ra trong khúc ngâm suốt từ đầu đến cuối là mâu thuẫn giữa chiến tranh và cuộc sống của con người. Chiến tranh không có chỗ nào dung hợp được với con người. Chiến tranh là tai họa của kẻ ra đi:
Những người chinh chiến bấy lâu
Như xem tính mệnh như màu cỏ cây
Con người tham gia vào chiến tranh là con người đi vào cõi chết. Trong tưởng tượng của người chinh phụ, hình ảnh của chiến tranh chỉ có thể là chết chóc:
Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò
Hồn tử sĩ ù ù gió thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn
Cảnh chiến trường chẳng hề vang lên tiếng ngựa hí quân reo mà chỉ có tiếng hồn tử sĩ ù ù trong gió đầy ghê rợn và thảm não, chỉ có « Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi » như những xác chết thay ma…
Chiến tranh không phải chỉ là tai họa đối với người ra đi mà còn là tai họa cho cả người ở lại, là tai họa cho tất cả mọi người. Đó là cái nhận thức sâu sắc của người chinh phụ. Lời than thở, xót xa, những hình ảnh tưởng tượng chết chóc ghê rợn nơi chiến địa trong tâm trí người chinh phụ đã tố cáo chiến tranh phi nghĩa khá rõ nét, không hề che giấu hay phủ mờ sự thật.
  Lẩn khuất trong lời tâm sự về nỗi nhớ thương người chồng xa xăm ngàn dặm còn là nỗi hối hận của nàng chinh phụ:
Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong!
Nàng không vạch ra được đích danh những kẻ thủ phạm của cuộc chiến tranh nhưng nàng nói được rằng: “Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong”. Vấn đề chính là ở sự phân tích ý nghĩa của câu hối hận đơn giản này: chỉ vì chàng ham tước phong của vua chúa nên ngày nay, thiếp mới lâm vào bao cảnh xót xa. Nếu thiếp biết khuyên chàng từ chối cái tước phong đó mà ở lại với gia đình thì đâu đến nỗi cắt chia thế này:
Án công danh trăm đường rộn rã
Những nhọc nhằn nào đã nghỉ ngơi?
 Chinh phụ đã ý thức được đâu là nguyên nhân trực tiếp gây đau khổ cho nàng, đó là cái bả công danh của chế độ phong kiến. Nếu chồng nàng ra đi chiến đấu vì chống giặc ngoại xâm thì cái công danh sẽ đáng giá biết bao và dù có phải bao nhiêu năm chờ đợi nàng cũng không hối tiếc hay oán trách. Thế nhưng, cuộc chiến này rõ ràng là cuộc chiến tranh phi nghĩa nên cái công danh chỉ là cái phù phiếm, nó được xây dựng trên xương máu của nhân dân thì nó không là mục đích để theo đuổi, không là lí tưởng anh hùng để phải hi sinh oan uổng. Lời hối hận của nàng như lời công khai kêu gọi mọi người hãy tỉnh táo, hãy nhìn sâu vào cuộc đời đau khổ của nàng chinh phụ như soi vào tấm gương bày ra trước mắt mà rút ra bài học cảnh giác, đừng để tước phong mê hoặc, ru ngủ.
Đối nghịch với quan điểm của bọn vua chúa, nàng chinh phụ đã vạch trần một sự thật: giấc mộng vinh quang của chinh phu chỉ là hư ảo, còn nỗi đau khổ vô cùng tận của vợ chồng chàng, gia đình chàng là sự thật. Trên thực tế, bọn vua chúa đâu có màng ngó đến những nỗi thống khổ của nhân dân:
Trên trướng gấm thấu hay chăng nhẽ?
Mặt chinh phu ai vẽ cho nên?
Có thể nói, “đích danh thủ phạm” gây nên nỗi thống khổ cho nhân dân, cho chinh phu và chinh phụ: đó chính là bọn vua chúa ích kỉ, tham tàn.
Nàng ý thức được nguyên nhân gây ra nỗi đau của nàng cũng như của bao người khác là bọn vua chúa tham tàn gây nên cuộc chiến tranh phi nghĩa khiến bao người lầm than, oán trách. Lúc đầu, khi vừa phát khởi binh đao, nàng không hiểu vì sao phải chia lìa đau đớn nên nàng oán trách ông trời gây cảnh lá lai:
Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?
Nhưng khi chồng nàng đi rồi bặt vô âm tính, nàng chiêm nghiệm lại tất cả và nhận ra cái nguyên nhân khiến nàng đau khổ. Nàng khẳng khái bày tỏ, cái tước phong kia là ngọn, mà cái ở “trên trướng gấm” là nguồn của mọi đắng cay mà nàng và vô vàn nàng chinh phụ khác phải chịu đựng.
Lần theo những dòng suy nghĩ và những cảm xúc cuồn cuộn của nàng, chúng ta không thể không thán phục khối óc mẫn tuệ và sự nhạy cảm của trái tim nàng. Gót sen giẫm lên những giáo điều khô cứng, nàng đặt ra một câu hỏi hết sức nhân bản:
Thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ,
Chàng há từng học lũ vương tôn,
Cớ sao cách trở nước non,
Khiến người thôi sớm thì hôm những sầu?
Có thể nói, nàng chinh phụ thấu rõ được, nhận thức được đúng đắn nguyên nhân gây ra nỗi đau khổ cho nàng và nàng đã mạnh mẽ chỉ đích danh cái thế lực trên cao ấy. Ý thức của bản thân nàng về con đường công danh của chồng là hư ảo, nàng không hề bị mù quáng hay tôn sùng cái danh ảo ấy. Khi nhận ra được sự tình, nàng chua xót hối hận. Nàng không cần cái bả vinh hoa mà phải trả giá bằng sự bằn bặt của chồng, bằng sự chia loan rẽ thúy, bằng những nhớ thương, sầu tủi muôn trùng. Cái vinh hoa của chồng cũng không hề xứng đáng với những hi sinh của chàng và của nàng. Lời than thở của nàng là lời tố cáo đanh thép bọn vua chúa đương thời, nỡ đem con dân phục vụ cho lợi ích của ngôi cao đức trọng.
Đây không phải lần đầu tiên người phụ nữ được nói đến trong tác phẩm văn học, trong những giai đoạn trước đã từng nhắc đến nhưng vô cùng mờ nhạt và đầy phiến diện theo con mắt Nho gia. Thế nhưng cho đến đầu thế kỉ mười tám này có thể nói Chinh phụ ngâm thành công hơn cả trong việc bày tỏ tâm tình của con người cá nhân khát khao cuộc sống bình dị, khát khao tình yêu lứa đôi hạnh phúc của người chinh phụ nói riêng và người phụ nữ nói chung. Lần đầu tiên, tiếng ai oán trong khúc ngâm của người khuê phụ lại mang sức nặng to lớn đánh thẳng vào xã hội đương thời, là điểm khởi đầu táo bạo cho những tiếng nói cá nhân của người phụ nữ trong dòng văn học sau này.

3.     TỔNG KẾT
Ý thức con người cá nhân là một trong những đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa nhân đạo trong giai đoạn văn học từ cuối thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX và là khởi nguồn cho phong trào thơ văn mới sau này. Ý thức về con người cá nhân đã được thể hiện rõ nét trong Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn thông qua hình ảnh người chinh phụ với sự tự ý thức về giá trị bản thân, về tuổi trẻ, về hôn nhân hạnh phúc, về chiến tranh và công danh hư ảo. Và như thế, tác phẩm “Chinh phụ ngâm” là tác phẩm của sự đấu tranh đòi sự công bằng, đòi được hưởng cuộc sống bình dị, hưởng tình yêu tự do hạnh phúc của người phụ nữ nói riêng và của con người nói chung. Qua những giá trị đóng góp sâu sắc cả về nội dung và nghệ thuật, Chinh phụ ngâm xứng đáng là viên ngọc sáng trong nền văn học dân tộc Việt Nam.