Friday, October 17, 2014

Chi tiết " tiếng sáo" trong Vợ chồng A phủ ( Nguồn: Sưu tầm)

Standard


Có lúc “tiếng sáo gọi bạn đầu làng”văng vẳng từ xa, có khi “tiếng sáo vọng lại thiết tha bồi hồi” mỗi lúc một gần hơn, có lúc tưởng như sắp nắm bắt được thì tiếng sáo lại tuột khỏi tầm tay Mị và “lửng lơ” bay ngoài đường có khi nó “rập rờn” trở thành trong sâu thẳm tâm hồn.
Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” – nhà văn Tô Hoài đã miêu tả âm thanh của tiếng sáo đêm xuân như một thứ thuốc “gọi hồn” . Nhà văn đã hơn sáu lần miêu tả các trường độ âm thanh của tiếng sáo. Có lúc “tiếng sáo gọi bạn đầu làng”văng vẳng từ xa, có khi “tiếng sáo vọng lại thiết tha bồi hồi” mỗi lúc một gần hơn, có lúc tưởng như sắp nắm bắt được thì tiếng sáo lại tuột khỏi tầm tay Mị và “lửng lơ” bay ngoài đường có khi nó “rập rờn” trở thành trong sâu thẳm tâm hồn. từng thanh âm của tiếng sáo với những cường độ và cao độ khác nhau khi trầm bổng, khi xa khi gần là tiếng đời, khi là tiếng lòng cứ không thôi thổn thức, dậy lòng trong lòng Mị. Tiếng sáo là biểu tượng của quá khứ tươi đẹp, là âm hưởng của “một thời xa vắng” đã bị Mị lãng quên trong những mùa đông dài đầy “giông tố” của cuộc đời. Từng tiếng sáo như rót tâm sự vào lòng Mị. Nó bồi hồi, quyến rũ, nó réo rắt mời Mị thoát khỏi hiện tại cay đắng về lại ngày xưa – cái thời: “có biết bao người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Lúc này đây, Mị cũng như Huệ Chi trong tiểu thuyết “Cửa biển” của nhà văn Nguyên Hồng, cũng đang sống trong mộnh du cứ “vùng bước đi” theo tiếng gọi huyễn hoặc thân quen, và tiếng sáo kia đã trở thành tiếng gọi của Mẹ, tiếng gọi của tình người, tình đời, tiếng gọi của sự sống. Có thể nói tiếng sáo đã trở thành nhịp cầu nối giữa hiện tại đau khổ với quá khứ tươi đẹp, là con thuyền đưa Mị về với bến xưa dẫu chỉ là trong tâm tưởng. Cùng với cảnh sắc Hồng Ngài khi Xuân về và men rượu, tiếng sáo đã cộng hưởng, làm thức tỉnh ý niệm về sự sống, sự tồn tại trong Mị. Nhà văn Tô Hoài đã rất tài tình khi dung các trường độ, độ cao thấp của âm thanh tiếng sáo để diễn tả các cung bậc tâm trạng, sự xáo trộn trong tâm tư Mị và giúp người đọc khám phá chiều sâu nội tâm nhân vật.
Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi
          Quả pao rơi rồi, tình đầu mất và tuổi xuân của Mị cũng bị đời bỏ vào cái hố sâu. Nhưng với bàn tay yêu thương, giàu tình nhân đạo, nhà văn Tô Hoài đã nâng Mị dậy, giúp Mị tìm lại sức sống ngày xưa.