Thursday, June 11, 2015

NHÂN VẬT HAMLET TRONG VỞ KỊCH “HAMLET” CỦA SHAKESPEARE [ Nguồn Sp Van K38. ĐHSP]

Standard


MỤC LỤC
1.      Giới thiệu khái quát về tác giả Shakespeare và vở kịch Hamlet......................................... 1
1.1.       Tác giả................................................................................................................. 1
1.2.      Tác phẩm............................................................................................................. 4
2.      Nhân vật HamLet trong vở kịch HamLet........................................................................... 4
2.1        Hamlet – nhân vật bi kịch ................................................................................... 4
2.1.1.      Khái niệm nhân vật bi kịch ....................................................................... 4
2.1.2.      Bi kịch từ xung đột giữa lí tưởng và hiện thực xã hội................................. 8
2.1.3.      Bi kịch từ chính tính cách nhân vật............................................................ 24
a.       Bi kịch của một con người trí tuệ.............................................................. 24
b.      Bi kịch của một cá nhân cô độc................................................................ 28
2.2.         Những chủ đề được gợi ra từ bi kịch của nhân vật Hamlet................................. 32
2.3.         Hamlet – con người hội tụ mọi tố chất
của một con người Phục Hưng............................................................................ 33
3.       Nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật......................................................................... 38
4.       Mối quan hệ giữa tư tưởng chủ đề của nhân vật với văn học,
xã hội phương Tây lúc bấy giờ. ...................................................................................... 48


1.Giới thiệu khái quát về tác giả shakespare và vở kịch Hamlet
1.1.Tác giả
William Shakespeare (1564-1616)  là  nhà viết kịch và nhà thơ bậc nhất của nước Anh được coi là nhà văn vĩ đại nhất của Anh và là nhà viết kịch đi trước thời đại  đồng thời cũng là tác giả danh tiếng nhất trên Thế Giới. Ông cũng được vinh danh là nhà thơ tiêu biểu của nước Anh và là "Nhà thơ của Avon" (Avon là quê của Shakespeare). Thiên tài của Shakespeare là độc nhất vô nhị, chỉ mình ông thôi cũng đủ thâu tóm hết cả nền kịch nghệ thế giới. Giải thích sự vĩ đại của Shakespeare, Puskin – đại văn hào Nga – khẳng định: “Bi kịch của Shakespeare nói lên điều gì? Mục đích của bi kịch là gì? Đó là con người và nhân dân. Đó là số phận của nhân loại… chính điều đó làm cho Shakespeare vĩ đại.”
Shakespeare được sinh ra và sinh trưởng tại Stratford-upon-Avon. Vào năm 18 tuổi, ông kết hôn với Anne Hathaway và có ba người con, đó là Susanna Hall và cặp đôi song sinh, Hamnet Shakespeare và Judith Quiney. Trong những năm từ 1585-1592, sự nghiệp của ông thành công vang dội tại thủ đô Luân Đôn với vai trò là một diễn viên, nhà văn và đôi lúc là người sở hữu của một công ty kịch Lord Chamberlain's Men, với tên gọi sau đó là King's Men. Ông quay về quê Stratford để nghỉ hưu vào năm 1613, lúc ông 49 tuổi, sau đó 3 năm ông qua đời tại đấy.
Hầu hết các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông được ông sáng tác trong giai đoạn từ 1589 đến 1613. Kịch Shakespeare được chia thành 3 loại là hài kịch, lịch sử và bi kịch với mọi loại nhân vật như vua chúa, tướng lãnh, các nhà triết học, các kẻ chăn cừu, các tay nghiện rượu, các kẻ móc túi… cho đến những tên giết mướn. Vở kịch đầu tiên của ông chủ yếu là hài kịch và kịch lịch sử, những thể loại này được ông tăng lên sự tinh tế của nghệ thuật vào cuối thế kỉ XVI. Sau đó, ông sáng tác chủ yếu là bi kịch đến năm 1608, bao gồm các tác phẩm Hamlet, Vua Lear, Othello và Macbeth, gồm một vài tác phẩm nổi tiếng nhất của ông bằng tiếng Anh. Trong giai đoạn cuối cùng của sự nghiệp sáng tác, ông sáng tác những vở kịch buồn (tragicomedies), hay còn gọi là lãng mạn, và hợp tác với một số nhà viết kịch khác. Những vở kịch của ông đã được dịch ra thành rất nhiều ngôn ngữ lớn và được trình diễn nhiều hơn bất kì nhà viết kịch nào. Không một nhà văn nào có các tác phẩm được nhiều người tại nhiều quốc gia tìm đọc hơn William Shakespeare bởi vì Đại Văn Hào Shakespeare đã hiểu rõ bản chất của con người, đã nhìn rõ các hoàn cảnh đặc biệt mà con người sinh hoạt, đã tạo ra các nhân vật trong các vở kịch mang nhiều ý nghĩa ra ngoài thời gian và không gian. Những nhân vật này đã tranh đấu giống như mọi người trong đời sống hàng ngày, đôi khi họ thành công, nhưng cũng có khi họ gặp thất bại cay đắng, bi thương.
Các vở kịch của William Shakepeare đã được phổ biến khắp nơi, gây nên ảnh hưởng lớn lao về văn hóa trên toàn thế giời. Nhiều từ và câu trong các vở kịch và bài thơ của William Shakespeare đã ở trong câu nói hàng ngày của nhiều dân tộc. Các tác phẩm của William Shakespeare đã giúp công vào việc hình thành nền văn học của tất cả các quốc gia nói tiếng Anh và không nói tiếng Anh như hai nước Đức và Nga. Các ý tưởng của William Shakespeare về các vấn đề như tình yêu lãng mạn, tính anh hùng hay bản chất của bi kịch đã tạo ảnh hưởng tới thái độ của hàng triệu người. Hơn nữa, các hình ảnh do William Shakespeare mô tả như Julius Caesar, Mark Anthony và Cleopatra đã gây ấn tượng đến chúng ta hơn các cuốn sách lịch sử. Các vở kịch, các bài thơ của William Shakespeare đã được in thành sách, dịch sang các ngôn ngữ khác nhau và hàng ngàn học giả vẫn nghiên cứu các tác phẩm của William Shakespeare cũng như các nhà soạn nhạc đã dựa vào các câu chuyện và nhân vật của William Shakespeare để soạn ra các nhạc kịch danh tiếng, đồng thời các nhà làm phim đã chuyển các vở kịch của William Shakespeare thành các bộ phim hấp dẫn trình chiếu khắp nơi trên thế giới.
Shakespeare viết hơn 40 vở kịch, tất cả đều dưới dạng thơ, và được chia thành 3 loại:
-          Hài kịch: All's Well That Ends Well, As You Like It, Giông tố (Shakespeare), ….
-          Bi kịch: Antony and Cleopatra, Hamlet, Othello, Macbeth, Romeo and Juliet, ….
-          Kịch thất lạc: Love's Labour's Won, Cardenio

1.2.Tác phẩm
            Nhan đề đầy đủ là Bi kịch Hamlet, Hoàng tử Đan Mạch (Tragedy of Hamlet, Prince of Denmark), được Shakespeare viết vào khoảng 1601 và được công diễn vào 1602. Ban đầu, Shakespeare viết Hamlet theo thể melodrame (kịch tuồng), một hình thức sân khấu thịnh hành ở nước Anh thời ấy. Nhưng rồi qua nhiều lần trình diễn, ông sửa chữa dần thành kịch nói. Văn bản được in thành sách vào năm 1623 và được dùng cho đến ngày nay.
Hamlet có cốt truyện phỏng theo câu chuyện cổ Đan Mạch. Truyện này được Saxo Grammaticus, một thầy tu Đan Mạch sống vào thế kỉ XII, ghi lại trong cuốn truyện lịch sử Đan Mạch. Tuy rằng kịch bản dựa trên câu chuyện đó nhưng  tư tưởng cũng như tính cách nhân vật của Shakespeare hoàn toàn khác với hai câu chuyện kia. Nội dung chính như sau: Horwendil và Feng là hai anh em sinh trưởng ở xứ Zealand. Horwendil tài hoa, đánh thắng vua Na Uy trong cuộc đấu tay đôi và làm rể vua Đan Mạch. Horvvenđil lên ngôi vua sau khi vua Đan Mạch qua đời. Do ghen ghét anh, Feng lập mưu giết Horwenđil, lên nối ngôi và lấy chị dâu. Con trai của Horwendil là Amleth giả điên để tìm cách trốn tránh và báo thù. Feng không tin, cho người nấp sau rèm rình nghe cuộc nói chuyện giữa Amleth và Hoàng hậu. Amleth phát hiện và giết chết kẻ đó. Feng phái Amleth sang Anh với bức thư yêu cầu vua Anh giết Amleth. Amleth đánh tráo thư, yêu cầu vua Anh chém hai kẻ tháp tùng và gả công chúa cho Amleth. Một năm sau, Amleth từ biệt vợ, trở về giết chết Feng và lên ngôi vua.
Đánh giá về tác phẩm, nhiều nhà nghiên cứu nhận định Hamlet thực sự là một trong những bi kịch nổi tiếng nhất của lịch sử sân khấu thế giới. Hamlet mở đầu giai đoạn sáng tác bi kịch của Shakespeare, là vở kịch có ý nghĩa tâm lý lịch sử sâu sắc nhất của ông. Tác phẩm phản ánh được tinh thần của thời đại với sự khủng hoảng, bế tắc của lý tưởng nhân văn chủ nghĩa. Trong sự bát nháo của hoàn cảnh tư sản Anh mới ra đời “mình đã tắm đầy máu”,  một xã hội với "nhà tù", "sự bẩn thỉu", "phải hàng vạn người mới nhặt ra được một kẻ lương thiện" vẫn lóe sáng những hạt vàng của chủ nghĩa nhân văn.  Hamlet là một nhân vật hết sức đặc biệt, chưa từng có trong nền văn hóa trước đó, cũng như không thể có sau này. Hamlet không chỉ quan tâm đến nghĩa vụ trả thù và ngai vàng mà quan tâm hơn hết đến phẩm giá, lẽ sống và lối sống con người. Thực tế xã hội xấu xa mâu thuẫn với lý tưởng của chàng, khiến chàng phải đánh giá lại tất cả và tìm cho mình một thái độ cư xử phải đạo. Quá trình đánh giá thực tế và xác định đó đã gây ra trong tâm hồn Hamlet những phút đau đớn, bi quan, hoài nghi, do dự, những phút trăn trở "tồn tại hay không tồn tại" (to be or not to be), những phút "chịu đựng hay vùng lên chống lại". Cuối cùng, Hamlet đã tìm ra được chân lý đấu tranh nhưng vì đơn độc và thiếu cảnh giác nên chàng đã gục ngã vì cạm bẫy của kẻ thù.
Ngày nay, trong văn học thế giới vẫn tồn tại khái niệm "bệnh Hamlet" chỉ thái độ suy tư, lý luận nhiều nhưng không đủ tin tưởng và dũng khí để hành động cụ thể. Nhưng dù sao chăng nữa, Hamlet cũng sống mãi trong lòng độc giả thế giới, với bi kịch của cuộc đời chàng phản ánh mâu thuẫn tất yếu của sự phát triển, của cuộc đấu tranh giữa cái đẹp và cái xấu trong tồn tại xã hội. Hamlet sẽ luôn làm nảy sinh trong lòng người muôn đời sau không chỉ tâm trạng trước nỗi buồn mà còn cả những xúc cảm thẩm mĩ, hướng họ đến những suy cảm về cái cao cả luôn hiện hữu giữa cõi đời trong đục.
2.       Nhân vật HamLet trong vở kịch HamLet
2.1.  Hamlet – nhân vật bi kịch
2.1.1.     Khái niệm nhân vật bi kịch
Trước hết để hiểu và định nghĩa về khái niệm nhân vật bi kịch thì cần hiểu được khái niệm bi kịch trong kịch là gì.
Bi kịch là một thể loại hình kịch, thường được coi như là đối lập với hài kịch. Bi kịch phản ánh không phải bằng tự sự mà bằng hành động của nhân vật chính, mối xung đột không thể điều hoà được giữa cái thiện và cái ác, cái cao cả và cái thấp hèn,…diễn ra trong một tình huống cực kì căng thẳng mà nhân vật thường chỉ thoát ra khỏi nó bằng cái chết bi thảm gây nên những suy tư và xúc động mạnh mẽ đối với công chúng. Theo Arisitote (384 – 322 tcn), bi kịch là “Sự mô phỏng một hành động quan trọng và trọn vẹn có một quy mô nhất định” nhằm “dùng hành động chứ không phải bằng kể chuyện, qua cách khêu gợi lên sự xót thương và sợ hãi, thực hiện sự thanh lọc các cảm xúc đó”. (Nghệ thuật thi ca, chương 6).
Như vậy, bi kịch sẽ không còn là bi kịch nữa nếu người xem không bị rung động bởi nhân vật và nếu toàn bộ nỗi đau khổ, xúc động và khiếp sợ không dẫn tới một giải quyết nào đó về tình cảm theo hướng tích cực. Nhân loại tìm thấy ở các tác phẩm bi kịch những gì khủng khiếp mà cái ác có thể reo rắc, áp đặt cho mình, do đó không thể bàng quan và khuất phục trước sức mạnh tàn bạo của nó được. Theo Aristotle, “bi kịch không phải là sự mô phỏng con người, mà là sự mô phỏng hành động và cuộc sống, niềm hạnh phúc và điều bất hạnh, mà hạnh phúc hay bất hạnh đều nằm trong hành động; và mục đích của bi kịch là miêu tả một hành động nào đó, chứ không phải miêu tả phẩm chất của con người. Tính cách quyết định tính chất của mỗi người, còn hành động thì quyết định hạnh phúc hay bất hạnh”. Do vậy mà trong tác phẩm kịch, nhân vật bi kịch hiện lên chân thực với những hàng động, suy nghĩ, nội tâm vô cùng phức tạp, phong phú.
Quan niệm về nhân vật bi kịch là những con người trung bình về phẩm chất.  Họ là những con người trong chính hoàn cảnh đau khổ đã thể hiện một cách rõ nét nhất phẩm giá cao quý của mình. Họ luôn luôn có khát vọng vươn tới đạo đức cao cả, và phẩm chất đẹp đẽ của con người là động cơ chi phối các hành động của họ, đồng thời dẫn họ tới tấn bi kịch thê thảm. Nhân vật bi kịch phải là những con người rất tốt, tốt nhất so với những con người trong thực tế. Trong xung đột với cái xấu, những người tốt gặp nhiều bất hạnh thậm chí bị giết hại thảm khốc. Nhưng những cái chết của họ không uổng phí, họ được người đời ca ngợi, vẽ chân dung họ và khắc họa những chân dung đó thật đẹp, đẹp đến mức “đẹp hơn thực” để treo trước cuộc đời một tấm gương. Tấm gương đó là một bài học đường đời nó giúp con người tránh điều ác, làm điều thiện. Bi kịch làm trong sạch những cảm xúc tương tự qua cách khêu gợi xót thương và khủng khiếp. Ngoài ra nó còn khích lệ con người đấu tranh cho lý tưởng sống, hi sinh cho lý tưởng ấy. Chính vì vậy, cuộc đời của những nhân vật bi kịch trở thành những thiên anh hùng ca đẫm lệ. Kết cục bi thảm của số phận nhân vật kịch thường có ý nghĩa thức tỉnh dự báo về một cái gì đó tốt đẹp hơn sẽ nảy sinh trong một cuộc sống và trong mỗi con người. Trong bi kịch, qua cái chết của nhân vật chính, người ta tìm thấy cái thiêng liêng vô giá của sự sống chân chính và cái bất tử của cộng đồng. Vì thế nhân vật chính của bi kịch thường là nhân vật anh hùng với ý nghĩa cao cả.
Hơn nữa, tùy thuộc vào từng thời kì, tùy sự chi phối của các yếu tố trong tác phẩm bi kịch như đề tài, chủ đề, đối tượng phản ánh… mà hình tượng nhân vật lại có những đặc điểm riêng. Thời cổ đại, nhân vật bi kịch là những con người “khổng lồ” đại diện cho thế giới thần linh đến hiện đại đó lại là những con người bình thường của đời sống hằng ngày với những khát khao bình dị của đời sống. Nhưng nhìn chung, nhân vật bi kịch vẫn là những con người luôn đấu tranh cho lý tưởng tốt đẹp dù ở bi kịch hiện đại, họ không còn quá tin tưởng vào những gì tốt đẹp cho con người và giáo lý tối hậu mà chúng ta tìm thấy trong các vở bi kịch cổ xa.
            Từ kịch Hi Lạp cổ đại cho đến bi kịch Phục Hưng, ở mỗi thời kì, thể loại này có những đối tượng phản ánh khác nhau. Bi kịch Hi Lạp cổ đại do những đặc điểm về đề tài thường lấy trong thần thoại, truyền thuyết nhằm phản ánh những xung đột giữa con người với định mệnh. Trong bi kịch Hi La cổ đại, nhân vật chủ yếu là các đấng thần linh, hoặc mang trong mình nhiều yếu tố của thần linh và chịu sự khống chế của tư tưởng định mệnh rõ ràng. Nhân vật trong bi kịch của Esin với tư tưởng số mệnh là cái tất yếu không thể tránh khỏi. Nó là “luật lệ” được sinh ra bởi thần thánh, bởi ba nàng Pacto (ba nữa thần số mệnh). Những nhân vật ấy nhận thức được số mệnh, nhận thức được cái tất yếu, và họ hành động theo ý chí tự do trong cái tất yếu đó. Trong Ơrexto, nhân vật Ởrexto biết rằng nếu giết mẹ mình sẽ bị các nữ thần phục thù hãm hại nhưng vẫn hành động. Hay nhân vật của Sophoclo lại là những con người với nỗi đau, buồn vui do chính mình gây nên. Nhân vật của ông là những con người dám chịu trách nhiệm trước số phận của mình. Vấn đề số mệnh trong kịch Sophoclo cùng các vị thần đã bị đẩy lùi ra phía sau sự kiện. Tuy nhiên, nó vẫn còn có tác động những quy luật tất yếu. Các nhân vật của ông với khát vọng vươn tới đạo đức cao cả, phẩm chất tốt đẹp những cuối cùng vẫn rơi vào bi kịch.
Nhân vật trong bi kịch Hi La cổ đại là những hình tượng khá nổi bật. Đó là những con người mang trong mình những phẩm chất của thần linh, tôn giáo. Họ được xây dựng dựa trên những quan niệm đạo đức thẩm mĩ duy nhất, phù hợp với bản chất có sẵn. Họ ít khi được đề cập đến những mặt tính cách cá nhân điển hình. Điều này khác với bi kịch hiện đại sau này: Nhân vật có tính cách như nó tồn tại, dù có theo đuổi những mục tiêu riêng chính đáng hoặc bị lôi cuốn vào những điều bất công tội lỗi. Sau này, Shakespear với tác phẩm kịch Hamlet đã khẳng định rõ sự khác biệt đó. Tuy nhiên không một ai có thể nói là mình đã hiểu hết Hamlet. Nếu ở thế kỉ XVII – XVIII, người ta thiên về cách hiểu Hamlet là “bi kịch ngai vàng” hay “bi kịch trả thù đẫm máu”… thì sang thế kỉ XIX, XX người ta thiên về ý nghĩa xã hội của vở kịch hơn. Puskin đặt Hamlet trong nguyên tắc xây dựng nhân vật của Shakespeare,“Những nhân vật do Shakespeare xây dựng không phải là một bản chất như ở Môlie, không phải là điển hình cho một dục vọng nào đó, một thói hư tật xấu nào đó, mà là những con người sinh động (…) phơi bày ra trước mắt người xem những tính cách đa dạng của họ”.
Như vậy, nhân vật bi kịch trong các vở bi kịch là những hình tượng trung tâm của bi kịch. Thông qua số phận, cuộc đời của các nhân vật, nhà văn tái hiện được hiện thực cuộc sống và thể hiện những giá trị tinh thần của người cầm bút. Nhân vật bi kịch có thể là những con người mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp thể hiện những giá trị trong sáng của đời sống: Romeo, Juliet…cũng có khi thể hiện bản chất của cái ác: Macbet, Clodiut. Nhưng phần đông họ là những con người luôn tồn tại những mặt đối lập giữa cái tốt và cái xấu, sự thông minh trí tuệ hiện hữu cùng sự hoài nghi, bi quan. Chính trong bi kịch, hành động của các nhân vật dẫn đến tấm thảm kịch khó tránh khỏi đối với cuộc đời của họ. Vì lẽ đó, nhân vật bi kịch – một người trên mức bình thường về địa vị và tính cách phải chịu một sự thay đổi của số mệnh. Nỗi bất hạnh của anh ta là do số phận và sai lầm gây ra chứ không đơn thuần do bản chất hung bạo và ngu ngốc của anh ta.
2.1.2.     Bi kịch từ xung đột giữa lí tưởng và hiện thực xã hội
Trong mĩ học của chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn phổ biến thuyết “lỗi lầm bi kịch”. Quan điểm này cho rằng: “Nhân vật bi kịch có nhiều nhược điểm trong tính cách nên dẫn đến hậu quả bi thảm”. Theo Aristote, ông không đòi hỏi nhân vật bi kịch phải là những con người hoàn hảo và ngược lại. Với ông, nhân vật bi kịch tức là những nhân vật mà “bất hạnh của họ gây nên những thảm họa trong bi kịch”. Họ không hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu. Ông chống lại lối thể hiện họ là những con người tốt tuyệt vời vì sự trừng phạt một người quá tốt phải chịu sẽ gây cho người xem sự căm phẫn hơn là thương xót. Và chống lại lối thể hiện họ hoàn toàn ác, bởi lẽ không ai lại thương xót kẻ đê tiện. Như vậy về phía phẩm chất tinh thần họ phải là những người trung bình. Nói cách khác họ có đức hạnh nhưng có những điểm yếu và những bất hạnh phải giáng xuống đầu họ do một sai lầm nào đó có khả năng gợi nên sự thương xót chứ không phải là căm ghét đối với họ.
Với Hamlet trong Hamlet của Shakespeare, sau cái chết của vua cha, người tượng trưng cho kiểu mẫu lí tưởng Phục hưng, Hamlet bị ném ra bên lề cuộc đời. Mặc dù những kẻ trong cuộc mời mọc, hứa hẹn nhưng chàng hiểu rõ mình không thuộc thế giới của họ. Cuộc chơi của những kết cánh, độc ác, lọc lừa, thủ đoạn… không phải là cuộc chơi của Hamlet. Chàng muốn tìm, muốn trông thấy một thế giới khác. Không phải ngẫu nhiên mà Shakespeare để Hamlet băn khoăn nhiều về ý nghĩa của sự sống và cả cái chết. “Chết”, theo Hamlet, “là ngủ. Không hơn”. Tuy nhiên những ai chọn cái chết khi chưa thực hiện xong nghĩa vụ (tranh đấu cho lẽ phải) trên đời thì cũng sẽ không có được giấc ngủ bình yên, “Vì, trong giấc ngủ của cõi chết ấy, khi ta đã thoát khỏi cái thân xác trần tục này, những giấc mơ nào sẽ tới, điều đó làm ta phải ngừng lại mà suy nghĩ. Chính điều đó gây ra bao tai họa cho cuộc sống dằng dặc này”. Cũng còn một kiểu chết nữa, tuy Hamlet không trực tiếp nói rõ nhưng ta vẫn hiểu, “Con người còn có ra gì, nếu đem tất cả phần tinh túy và giá trị của đời mình vào việc ăn, việc nghỉ? Chỉ là con vật, không hơn. Thật thế”. Do vậy con người cần phải sống. Sống đồng nghĩa với hành động vì lẽ thiện, “Sống, hay không nên sống – đó là vấn đề. Chịu đựng tất cả những viên đá, những mũi tên của số mệnh phũ phàng, hay là cầm vũ khí vùng lên mà chống lại để mà tiêu diệt chúng đi, đằng nào cao quý hơn?. Lẽ tất nhiên, Hamlet sẽ chọn con đường “cầm vũ khí vùng lên”. Trong quá trình đánh giá thực tế và xác định thực tế đã gây ra trong tâm hồn Hamlet những phút đau đớn, bi quan, hoài nghi, do dự, những phút trăn trở. Cuối cùng, Hamlet đã tìm ra được chân lý đấu tranh nhưng vì đơn độc và thiếu cảnh giác nên chàng đã gục ngã vì cạm bẫy của kẻ thù
Với Hamlet, tác phẩm phản ánh được tinh thần của thời đại với sự khủng hoảng, bế tắc của lý tưởng nhân văn chủ nghĩa. Không mang không khí lãng mạn vui tươi và lý tưởng lạc quan tốt đẹp của những vở kịch vui, bi kịch của Shakespeare mang suy tư nặng nề về các mối xung đột, mà trước hết là xung đột giữa lý tưởng nhân văn và hiện thực xấu xa của xã hội được ông thể hiện rất cụ thể trong vở kịch.
Trước hết, kịch Shakespeare là sự phản ánh hiện thực xấu xa của xã hội. Vào cuối thời kỳ thống trị của nữ hoàng Elizabeth, các thế lực phong kiến đua nhau tranh quyền đoạt lợi, giai cấp tư sản mới vươn lên nhưng nhu nhược, đời sống nhân dân cơ cực, chịu sự áp bức bóc lột nặng nề của các thế lực phong kiến, Shakespeare đã vẽ bức tranh xã hội bằng ngôn từ uất ức đau khổ nhưng tràn đầy niềm hy vọng và niềm tin ngoan cường, bất khuất.
Mở màn cho một thời đại đảo điên tan tác với sự xung đột giữa tin tưởng và hoài nghi đó chính là tác phẩm Hamlet. Chàng hoàng tử Hamlet đơn thân độc mã phải gánh lấy một trọng trách nặng nề là phải tìm ra nguyên nhân cái chết của cha và sự tái giá vội vàng của mẹ. Hamlet vô cùng đau khổ khi phải sống trong sự hoài nghi cô đơn trước một xã hội bất thường đang bị che giấu. Cha chết, nỗi đau bất hạnh còn chưa hết thì mẹ lấy chồng không một câu an ủi. Lấy ai? Lấy chú ruột của chàng: “Gót dày đưa tang chưa kịp mòn đã vội leo lên giường cưới”.
Vở bi kịch Hamlet (1601) có nội dung triết học phong phú và có ý nghĩa xã hội sâu sắc, đặt lên vai chàng hoàng tử Đan Mạch Hamlet trách nhiệm xã hội to tát là diệt trừ tội ác, khôi phục chính nghĩa nhưng chàng luôn rụt rè, nhu nhược trong hành động. Và phải giải quyết bằng một cuộc quyết đấu. Đó chính là đặc trưng của người theo chủ nghĩa nhân văn thuộc giai cấp tư sản đương thời. Sự kết hợp hài hoà giữa thực tế xã hội, chiều sâu triết học và nghệ thuật hấp dẫn đã làm cho tác phẩm trở thành một trong những kiệt tác trong kho tàng văn học thế giới.
Hamlet của Shakespeare ra đời, tác phẩm mở ra cả một thời đại phát triển mới của bi kịch. Trước đó, Shakespeare chủ yếu viết hài kịch và kịch lịch sử. Những vở kịch này đã vạch trần sự tàn bạo, thối nát của chế độ phong kiến lỗi thời. Có điều, khi đấu tranh chống lại những tàn dư của chế độ phong kiến, cũng như những nhà nhân văn chủ nghĩa khác, Shakespeare vẫn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của xã hội.
Nhưng từ những năm 90 của thế kỉ XVI, tình hình nước Anh bắt đầu thay đổi. Chính thể chuyên chế từng giữ vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chống lại tình trạng phong kiến cát cứ, ngày càng trở nên thối nát, đốn mạt. Giai cấp thống trị bộc lộ bản chất phản nhân dân của nó. Những tệ nạn thời trung cổ được hồi sinh dưới những hình thức còn khủng khiếp hơn trước rất nhiều. Quan điểm xã hội và triết học của Shakespeare vì thế cũng trở nên phức tạp. Ông nhận ra những mâu thuẫn của chế độ chuyên chế tư sản. Ông muốn phân tích, khám phá bản chất của những mâu thuẫn ấy. Và sáng tác của Shakespeare đã phản ánh một cách thiên tài toàn bộ sự lạc điệu của đời sống xã hội đương thời.
Phần mở đầu bi kịch Hamlet chính là phần mở ra một tình thế lịch sử. Ấn tượng đầu tiên mà nó mang lại khi ta xem vở kịch là sự lo âu, kinh hoàng, là linh cảm về những biến động dữ dội rồi sẽ xảy ra. Việc hồn ma xuất hiện đã làm nổi bật bầu không khí bao trùm đất nước Đan Mạch. Cả đất nước sống trong lo âu, sợ hãi. Hoàn cảnh rất bất lợi. “Có cái gì đang thối nát trong đất nước Đan Mạch này”. “Hồn ma hiện lên có ý gì, tôi chẳng rõ, nhưng đại khái theo chỗ tôi hiểu thì đây là điều báo trước một tai họa kinh hoàng cho đất nước ta” (lời Horalio).Quả là những gì đang xẩy ra trong tác phẩm Hamlet có liên quan tới những vấn đề trọng đại mang tầm cỡ quốc gia. Vua Đan Mạch Claudius và cả triều đình của y hiệp lực, du lại với nhau thành một liên minh ma quái. Mình Hamlet phải đương đầu với cả khối liên minh ma quái ấy. Hamlet thực sự trở thành kẻ đơn độc. Hoàn cảnh, không khí vây bủa quanh Hamlet thù địch với Hamlet biết dường nào! Đã hơn bốn trăm năm nay, nhân loại mải miết đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Hamlet là người thế nào? Để giải đáp câu hỏi ấy, người ta thường bắt đầu bằng việc tìm lời giải đáp cho một câu hỏi khác: Hamlet đã chống lại hoàn cảnh ra sao?Ai cũng biết là Shakespeare không bịa ra cốt truyện cho vở bi kịch. Kịch bản của Shakespeare phỏng theo một truyện dân gian Đan-Mạch. Tác phẩm dân gian này được một thầy tu là Saxo Grammaticus sao chép lại từ ba thế kỷ trước (vào quãng năm 1200); đến năm 1572, nhà biên soạn Pháp tên là Louis de Belleforest dựa vào đó mà viết Câu chuyện bi thảm thứ năm trong tập truyện của ông. Có thể tóm tắt nội dung như sau: Chú Amleth giết cha chàng rồi đoạt lấy ngôi vua. Amleth thông minh và khôn ngoan đã giả vờ điên để đánh lừa chú và triều thần. Cuối cùng, Amleth giết được chú và khôi phục ngai vàng. Đây là cốt truyện phản ánh chế độ dã man xa xưa, hết sức phổ biến dưới thời trung cổ, được truyền bá trong dân gian xứ Dớt-lan.
Do Shakespeare đã vay mượn cốt truyện có sẵn để viết Hamlet, nên nhiều người từng cho rằng, tác phẩm của ông cũng chỉ xoay quanh chủ đề trả thù. Ngày nay không ai hiểu một cách đơn giản như thế. Nhưng cũng không thể phủ nhận, trả thù là một trong những đề tài hết sức quan trọng trong Hamlet của Shakespeare. Có đến ba nhân vật được đặt trước nhiệm vụ trả thù. Thứ nhất là hoàng tử Na Uy, Fortinbras, chàng phải trả thù cho cha, người đã bị Hamlet phụ vương giết chết. Fortinbras từ chối nhiệm vụ này. Chàng khởi hành sang Ba Lan để chiếm một mảnh đất mà chẳng ai cần đến. Thứ hai là Laertes. Khác với Fortinbras, Laertes đã làm tất cả để trả thù cho cha. Hắn xông vào Hamlet lúc gặp chàng ngoài nghĩa địa. Hắn thách đấu với Hamlet rồi tẩm thuốc độc vào kiếm với ý đồ phải giết cho bằng được kẻ thù của mình. Cuối cùng là Hamlet. Hamlet đứng vào quãng giữa giữa hai nhân vật trên. Hamlet thề với hồn ma sẽ trả thù, nhưng sau đó chàng luôn luôn trì hoãn công việc này. Hamlet là nhân vật lí trí, là con người trí tuệ. Đây là điều hết sức quan trọng. Biến nhân vật trả thù thành nhân vật trí tuệ, Shakespeare đã sáng tạo ra một kiệt tác có ý nghĩa xã hội vô cùng lớn lao.
Hamlet là sản phẩm của hoàn cảnh. Chính những điều kiện lịch sử xã hội thời đại Phục hưng đã sinh ra tấn bi kịch Hamlet. Đó là thời đại sụp đổ của những quan hệ gia trưởng, nhờ thế cá nhân và trí tuệ được giải phóng. Nhưng đó cũng là thời đại bắt đầu hình thành chủ nghĩa tư bản, nhân loại chuyển qua một kỉ nguyên thống trị của những thế lực mới, trong đó có không biết bao nhiêu là sự đểu cáng, tráo trở. Điều kiện lịch sử cụ thể ấy đã làm nảy sinh mâu thuẫn giữa tư tưởng và hành động, giữa sự hiểu biết thế giới sâu sắc với khả năng tiến hành những hành động ngõ hầu có thể làm thay đổi trật tự hiện hành.
Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh xã hội đầy rẫy những rối ren, phức tạp đó, Hamlet vẫn khẳng định được lý tưởng của bản thân, lý tưởng anh hùng. Nhân vật Hamlet không chỉ quan tâm đến nghĩa vụ trả thù và ngai vàng mà quan tâm hơn hết đến phẩm giá, lẽ sống và lối sống con người.
Lý tưởng anh hùng được xem là lý tưởng thẩm mỹ của thời đại. Coi thường sống chết, xông lên hàng đầu, chiến đấu vô cùng dũng cảm và lập được những chiến công vô cùng hiển hách để lưu danh hậu thế, đó là khát vọng lý tưởng của người anh hùng thời đại. Lý tưởng anh hùng như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, tạo nên khí thế hào hùng, không khí say sưa bay bổng, nuôi dưỡng tâm hồn nhân vật, và nâng họ lên ngang hàng với thần thánh. Lý tưởng anh hùng xuất hiện để đại diện cho một tập thể, một lãnh thổ, sẵn sàng đối mặt với những sóng gió để lập nên những chiến cong lưu danh muôn thửa, để đưa bộ lạc của mình đến một chân trời mới, đó chính là những đứa con ưu tú của bộ lạc.
Xuất phát từ sử thi và thần thoại xa xưa của Hi Lạp, lý tưởng anh hùng đòi hỏi một con người hay một tập thể người phải gồng lên mức cao nhất những sức lực thể chất và tinh thần, lòng dũng cảm, sự hi sinh để khắc phục những mâu thuẫn gay gắt, không thể điều hòa, và để khắc phục chúng đôi khi người anh hùng phải trằ bằng sinh mạng. Lý tưởng anh hùng thể hiện một lý tưởng thẩm mĩ rất cao trước hết là thông qua hình tượng người anh hùng, những biểu hiện anh hùng. Lý tưởng anh hùng mà bất kì người anh hùng nào cũng cần phải có đó là: “Lý tưởng cuộc sống và giá trị cuộc sống của cá nhân mình phải gắn liền với tập thể, cá nhân hi sinh vì cộng đồng. Những người anh hùng luôn mang lý tưởng tập thể thị tộc, bộ lạc, người anh hùng tràn đầy sức sống, nhiệt tình sôi nổi, khát khao hiểu biết và chinh phục thế giới. Đó là con người của những chiến công và chiến thắng.”
Thời trung cổ, tư tưởng bị đàn áp, trí tuệ bị giam cầm đến tê liệt trong các tín điều gia trưởng. Thời Phục hưng là thời đại giải phóng cá nhân, thức tỉnh trí tuệ. Học giả người Nga A.V. Lunasarski (1875 – 1933) cho rằng, một khi được giải phóng, trí tuệ có thể phát triển theo hai hướng: Ở hướng thứ nhất, nó trở thành một võ khí sắc bén mà người ta vội vàng nắm lấy để giành giật quyền lực và địa vị. Ở hướng thứ hai, trí tuệ giúp con người nhận ra cái tà nguỵ, soi sáng những mâu thuẫn bi thảm của cuộc đời. Trong trường hợp này, trí tuệ là nguyên nhân gây ra mọi dằn vặt đầy đau khổ của con người. Trong Hamlet của Shakespeare có cả hai khuynh hướng ấy. Vua Claudius là nhân vật cùng kiểu với nhân vật trong Ông Hoàng của Niccolò Machiavelli. Hắn khôn ngoan, sắc sảo và trí tuệ của hắn được dùng vào mục đích duy nhất là giành quyền lực. Claudius hành động điên cuồng. Đã nghĩ là hắn làm. Chẳng bao giờ có mâu thuẫn giữa tư tưởng và hành động của hắn. Claudius giết anh. Hắn còn muốn giết cả Hamlet. Hắn phái Hamlet sang Anh để mượn tay vua Anh giết Hamlet. Hắn rót thuốc độc vào cốc rượu của Hamlet. Hành động của Claudius là hành động của một chính trị gia có mưu mẹo, có thủ đoạn khôn ngoan.
Nhìn chung, Hamlet không hành động. Nói đúng hơn, Hamlet không thực hiện kế hoạch hành động do mình vạch ra. Ý nghĩa sâu sắc của vở kịch chính là ở đó. Cuộc đấu tranh của Hamlet chống lại nhà vua thực tế chỉ có thể biến thành cuộc đấu tranh giành giật quyền lực cá nhân. Và để giành phần thắng trong cuộc đấu tranh này, Hamlet buộc phải làm những điều bẩn thỉu giống như chính bọn Claudius, Polonius đã làm. Cho nên, Hamlet không hành động. Đôi khi Hamlet cũng hành động. Nhưng vừa bắt đầu hành động, Hamlet đã hiểu ngay rằng, chàng đang tạo ra cái ác, chứ không làm được điều thiện. Hamlet biết, trong khi theo đuổi mục đích, chàng đã coi thường tính mạng của Ophelia. Hamlet trò chuyện với Ophelia thô bạo và lỗ mãng. Thực tế, Hamlet là nguyên nhân trực tiếp gây nên cái chết của Ophelia. Ophelia phát điên trước hết là vì Hamlet, người nàng yêu, đã giết cha nàng.
Cho nên, khi hành động và trong hành động, Hamlet không “vĩ đại”, chẳng “khổng lồ”, đúng như lí luận của Aristotle đã chỉ rõ: về phẩm chất tinh thần, họ phải là trung bình. Hamlet chỉ là người khổng lồ khi chàng nghĩ suy về đời sống, khi chàng vạch trần tội ác của xã hội, vạch trần dưới danh nghĩa một anh hề, một thằng điên. Khi ngoài đời rặt một sự bịp bợm, giả dối và đểu cáng thì chỉ những ai dám coi thường mọi quan hệ xã hội, chỉ những thằng điên, anh hề mới có khả năng nói lên sự thật. Vua Lear điên nói lên sự thật. Thằng hề của Lear cũng nói lên sự thật. Donkihote vừa là anh hề, vừa là thằng điên nói lên sự thật. Hamlet giả điên, giả hề cũng nói lên sự thật. Nhưng phía sau những câu điên dại, những trò hề của Hamlet còn có cả một tấn bi kịch. Đó là bi kịch của lý trí, bi kịch của trí tuệ.
Hamlet nói về những cảnh tàn bạo đẫm máu, bất nghĩa bất nhân đang lan tràn khắp nơi. Đâu đâu cũng có những án quyết bất thường, những vụ giết chóc không ngờ, những cưỡng bức, lừa đảo… Những kẻ nắm quyền đang đè nén, áp bức đồng loại không thương xót. Cõi thế qúa ư ô trọc. Chỉ có chết đi mới không phải nhìn thấy những cảnh ô trọc ấy. Nhưng Hamlet không chết chẳng phải vì Hamlet quyết sống để hành động như người ta vẫn thường phân tích. Chết đi ư ? Ngủ đi ư ? Phỏng có ích gì nếu như hồn ma vẫn tiếp tục hiện về! Hamlet sợ rằng, ngay cả khi đã sang thế giới bên kia chàng vẫn phải suy nghĩ, tức là vẫn phải tiếp tục khổ đau. Nỗi sợ ấy kéo Hamlet ở lại với cuộc đời, ngăn không cho chàng tự vẫn. Hamlet nói: “Ta có thể bị giam hãm trong chiếc vỏ hạt dẻ mà vẫn tự coi mình là ông vua của bầu trời bao la vô tận, nếu nằm trong đó ta không bị những cơn ác mộng ám ảnh”. “Ác mộng” là gì, nếu không phải là sự tiếp tục của suy nghĩ, của tư duy? Trí tuệ giúp Hamlet hiểu thấu mọi mâu thuẫn và sự lạc điệu của cuộc đời, nhưng trí tuệ cũng dẫn Hamlet tới những triết lý hết sức đắng cay, đau đớn.
Cho nên, Hamlet mạnh không phải vì dẫu sao Hamlet cũng đã hành động và cuối cùng giết được Claudius. Đó chỉ là sức mạnh của Hamlet. Hamlet mạnh ở chỗ, chàng đã thấy được, hiểu được những mâu thuẫn của thực tại và chàng đau khổ vì sự lạc điệu của đời sống. Đó là một trí tuệ thức tỉnh quá sớm, một trí tuệ quằn quại trong đớn đau giữa một thực tại thù địch với nó: thực tại ảm đạm của thời tư bản sơ khai.
            Tuy nhiên, dù lý tưởng của chàng có tốt đẹp đến đâu, nhưng khi đứng trong một thực tế xã hội xấu xa như vậy, buộc chàng phải đánh giá lại tất cả và tìm cho mình một thái độ cư xử phải đạo. Một hiện thực mà con người sống vô đạo, vô cảm...
Hamlet là nhân vật bi kịch thể hiện sự tan vỡ lí tưởng nhân văn của Shakespeare. Nhưng Shakespeare không mất niềm tin vào tương lai. Cho nên, Hamlet không phải là nhân vật phát ngôn cho toàn bộ tư tưởng của Shakespeare. Hamlet không nhận ra con đường, ngõ hầu thoát khỏi tình trạng bế tắc, tuyệt vọng. Shakespeare tìm thấy trong quan niệm nhân sinh của nhân dân niềm tin yêu cuộc sống. Ta hiểu vì sao, Shakespeare không chỉ đối lập “người khóc than cho số phận toàn nhân loại” với những thằng ngốc của sân khấu hài đời, mà còn đối lập Hamlet với nhân dân. Hãy nhớ lại lớp kịch nói về cảnh ngoài nghĩa địa. Cảnh này gồm hai người đào huyệt và Hamlet, nhà tư tưởng, nhà triết lí. Shakespeare gọi những người đào huyệt là những “chàng ngố”,“anh nhà quê”. Thế là trong cảnh này, một bên có Hamlet, đại diện cho trí tuệ, còn bên kia là những “chàng ngốc”. Những “chàng ngốc” té ra lại khôn ngoan, thông minh hơn Hamlet, nhà tư tưởng. Hamlet cho rằng, những gì đang sống rồi sẽ biến thành cát bụi. Bằng toàn bộ sự sắc sảo của trí tuệ, Hamlet chứng minh, tương lai chỉ là hư vô. Sự huỷ diệt đang chờ đợi tất cả phía trước.
Thái độ của những người đào huyệt đối với cái chết đơn giản hơn nhiều. Họ nói chuyện với Hamlet hết sức bỗ bã, suồng sã và cũng không kém vẻ uyên thâm. Họ gọi hoàng tử Hamlet là thằng điên. Họ cho rằng Ophelia tự tử mà vẫn được chôn cất theo lễ nghi tôn giáo chẳng qua vì nàng thuộc dòng dõi quý tộc. Họ đánh giá giai cấp này theo quan điểm của nhân dân. Họ là những người chẳng có chữ nghĩa, không được học hành. Xã hội vẫn nhìn họ như những thằng ngốc. Nhưng giống như trong sáng tác dân gian, những thằng ngốc té ra lại là những nhà thông thái, thông thái một cách độc đáo theo kiểu của nhân dân.
Đối lập tư tưởng của Hamlet với tư tưởng của nhân dân, Shakespeare chỉ ra sự phiến diện trong quan điểm của “Người khóc than cho số phận toàn nhân loại”. Shakespeare còn đối lập Hamlet với Fortinbras để vạch ra sai lầm trong thái độ lảng tránh hành động của vị hoàng tử này. Tại sao Fortinbras lại xuất hiện ở phần chót vở kịch? Nhân vật này không xuất hiện thì xung đột giữa Hamlet và Claudius cũng đã được giải quyết xong xuôi và hành động kịch thế là đã hoàn tất. Rõ ràng, Shakespeare cần đưa ra một đối cực của Hamlet. Hamlet là nhà tư tưởng bị trí tuệ làm tê liệt hành động. Fortinbras (nghĩa đen là “cánh tay mạnh”) là một chiến binh, một võ tướng. Chàng là người hành động không cần bàn luận. Sự xuất hiện của Fortinbras phá tan bầu không khí vô vọng đang bao trùm toàn bộ sân khấu ở màn chót vở kịch. Qua nhân vật này người xem hiểu ra, rằng thái độ hoài nghi vào tương lai, thái độ lảng tránh hành động của Hamlet chứa đựng một cái gì đó hết sức sai lầm. Đưa Fortinbras lên sân khấu ở màn chót vở kịch, Shakespeare nói to lên một điều hết sức hệ trọng: lịch sử vẫn cứ tiếp diễn, vẫn đi theo con đường của nó.
Tuy nhiên, đứng trước hiện thực đó, vì sao Hamlet lại có thái độ hoài nghi vào tương lai, thái độ lảng tránh hành động như vậy? Phải chăng sau đó còn có nguyên nhân nào khác? Tại sao Hamlet không chọn cho mình cách cư xử là trả thù? Xem ra, muốn giải đáp câu hỏi ấy, phải tìm hiểu bản chất trí tuệ và quan niệm của Hamlet về cuộc đời, chứ không thể loanh quanh với chuyện Hamlet có, hay không có khả năng hành động. Là hoàng tử, dĩ nhiên Hamlet thuộc về đẳng cấp cao nhất của xã hội quý tộc. Nhưng nhờ được giáo dục, dạy giỗ trong trường đại học, Hamlet còn là gương mặt tiêu biểu cho lớp người tiên tiến của thời đại Phục hưng, đầu óc thấm đẫm những tư tưởng nhân văn. Hamlet chia xẻ niềm vui với nhân loại vừa thoát khỏi ngục tù của chế độ trung cổ. Trước mắt Hamlet là cả một viễn cảnh huy hoàng, con người trở thành trung tâm của vũ trụ, ngày càng hoàn thiện, rạng rỡ. Hamlet nhìn đời bằng đôi mắt tràn trề tinh thần lạc quan. Vậy mà, trở về Đan Mạch, Hamlet phải chạm trán ngay với một thực tại qúa phũ phàng. Đâu đâu cũng có cảnh rượu chè, thô bỉ. Cuộc đời quá ư ô trọc. Hamlet vô cùng kinh hoàng trước sự dối trá, thói giả nhân giả nghĩa nghiễm nhiên ngự trị khắp chốn cung đình. Cái gì cũng khiến Hamlet phải thất vọng. Hamlet thất vọng vì thấy cuộc hôn nhân quá vội vàng của mẹ. Rồi những kẻ từng là bạn của Hamlet từ thuở ấu thơ nay thành lũ tay sai chuyên rình mò nghe lỏm. Nhìn thấy Claudius và Polonius đứng sau lưng Ophelia, Hamlet quả quyết, cả Ophelia cũng đang âm mưu chống lại chàng.
Không phải Hamlet chỉ giả vờ điên. Tâm hồn Hamlet đã bị chấn động dữ dội. Cái vẻ ngoài điên dại của Hamlet rất hợp với nội tâm đang bị chấn động dữ dội của nhân vật. Trong bi kịch của Shakespeare có rất nhiều nhân vật điên. Lear điên. Macbet điên. Ophelia điên. Nhân loại phải trải qua những biến động dữ dội quá! Trước mắt những con người vừa thoát khỏi tình trạng tù túng, trì trệ của thời trung cổ là cả cái bể khôn cùng của những tội ác, lừa đảo, bội bạc. Trí tuệ của họ không chịu đựng nổi. Nhiều người hoá điên là vì thế.
Tại sao Hamlet trì hoãn việc trả thù? Thế kỷ XVII xem bi kịch Hamlet là bi kịch chính trị. Phê bình lãng mạn thế kỷ XVIII cho rằng, Hamlet trì hoãn trả thù vì con người này có tâm hồn yếu đuối. Đặt nhiệm vụ trả thù lên vai Hamlet chẳng khác gì đem cây đại thụ trồng vào chậu cảnh, rốt cuộc chậu vỡ, cây chết. Bielinski và phê bình Nga, phê bình Đức thế kỷ XIX lại khẳng định, Hamlet là một hiệp sĩ, đại diện của đẳng cấp cao nhất thời trung cổ. Chàng có cả một bầu máu nóng sục sôi hành động và một cánh tay mạnh đủ sức san phẳng mọi bất bình. Cho nên, Hamlet trì hoãn trả thù không phải vì bản chất yếu đuối. Mỗi lần Hamlet trì hoãn đều có một lí do chính đáng. Chẳng hạn, nghe xong lời của hồn ma, Hamlet liền bắt tay hành động. Việc làm đầu tiên của Hamlet là buộc sĩ quan và binh lính có mặt ở đó phải tuyên thệ. Rồi Hamlet quyết định giả điên. Chàng làm như thế không phải là không có sự tính toán. Hamlet nghĩ cách trả thù. Muốn thế, Hamlet phải làm sao để kẻ thù không xem chàng là kẻ đáng sợ. Giả điên là cách tốt nhất để tránh sự nghi ngờ. Với kẻ điên, người ta chỉ có thể thương hại hoặc chẳng xem ra gì. Hamlet còn bịa ra một màn kịch diễn cho vua xem. Chàng phải kiểm tra lại những điều hồn ma báo cho biết. Hamlet quả là người biết lập luận chặt chẽ và tính toán kĩ lưỡng trước mọi công việc. Hamlet muốn khám phá mối quan hệ đích thực giữa mình và hồn ma. Trong quan niệm của Hamlet, trả thù không đơn giản là chém giết, lấy máu đền máu. Biết chắc vua mới là kẻ có tội, Hamlet không giết hắn, vì thấy hắn đang cầu kinh. Giết một người đang cầu kinh cũng có nghĩa là đưa hắn lên thiên đường. Thế mà Hamlet lại nhất quyết buộc kẻ phản bội phải xuống địa ngục! Nghị lực và khả năng hành động của Hamlet thể hiện rõ nhất trong chuyến qua Anh quốc. Người ta đưa Hamlet qua Anh để mượn tay vua Anh giết Hamlet. Hamlet đánh tráo thư, biến Rosencranlz và Guildenstern thành những kẻ thế mạng. Hamlet chuyển qua tàu khác rồi trở về Đan Mạch. Hamlet không chỉ có sức mạnh, có nghị lực và khả năng hành động. Chàng có cả khả năng hành động một cách khôn khéo, thậm chí “tráo trở”. Nghĩa là chân lý hoàn toàn thuộc về những ai khẳng định bản chất mạnh mẽ và khả năng hành động của Hamlet.
Nhân vật Hamlet hiện lên trong vở kịch được coi là một đại dịên cho bên chính, còn một bên là Clôđiut với những tên tay chân của hắn. Bên cạnh Hamlet chỉ còn mỗi Hôraxiô (một người bạn thân của Hamlet), có nghĩa là chàng không có nhiều cánh tay trợ giúp. Chỉ mình chàng đương đầu với tất cả. Chàng như mãnh sư đơn độc bị ném ra giữa bầy sói đói, thèm khát tiền tài và quyền lực. Chàng phải dũng cảm đương đầu với tất cả, đó chính là con đường mà Hamlet đã chọn. Khi phụ thân qua đời, Hamlet chỉ còn lại một mình và trước mắt chàng là Clôđiut, kẻ đã mang tội giết anh để đoạt ngôi báu rồi cướp luôn vợ của anh mình và một tên tay chân của hắn là Plôniut - một quan đại thần trong triều. Như vậy ta thấy đây là một cuộc so tài không cân sức, và giờ đây Hamlet chỉ biết tin vào niềm tin của công lí, tin vào chính bản thân mình. Chàng biết việc mình đang làm, biết đựơc những gì sắp sửa diễn ra trên đất nước Đan Mạch nhỏ bé này. Một cuộc chiến sớm muộn cũng sẽ xẩy ra vì chàng không thể cho phép bản thân mình để cho tên phản bội kia nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật được. Shakespear đã để cho Hamlet thực sự biểu lộ thái độ căm phẫn của mình từ cách ăn nói đến hành động cử chỉ, thái độ của chàng đối với những người xung quanh mà đặc biệt là đối với Clôđiut, Plôniut và ngay cả mẹ chàng lúc này là vợ của Clôđiut. Hamlet đã chiến đấu, một cuộc chiến đấu thầm lặng nhưng lại rất mãnh liệt, rất hào hùng, gay go và không kém phần ác liệt bởi những thế lực mà chàng phải đương đầu là những thế lực hung bạo, chúng giám làm tất cả, cho nên muốn thực hiện được kế hoạch của mình một cách trọn vẹn và thu được thắng lợi thì Hamlet cần phải có một sức khoẻ, một lòng dũng cảm, nhưng điều quan trọng nhất ở đây đó là có một niềm tin vào cuộc đời tin vào những gì mà mình đang làm, trí tuệ mách bảo cho chàng những điều mà chàng làm là hoàn toàn đúng. Nhận thấy được thế lực hùng hậu của Clôđiut, Hamlet nghĩ mình không thể công khai chồng đối mà chàng phải biết vận dụng trí thông minh của mình thì mới có thể dành được thắng lợi. Để tránh khỏi sự truy xét của Clôđiut và những tên tay chân của hắn và để tránh những sự bất lợi cho mình Hamlet đã giả vờ điên. Đây có thể xem là một kế hoạch, một kế hoạch mang tính chiến thuật cao. Nhờ vào việc giả vờ điên của mình mà Hamlet đã nhận rõ hơn bộ mặt thật của Clôđiut, dùng những từ ngữ cay độc nhất để mắng nhiếc chế độ của tên Clôđiut.
Shakespeare đã để cho nhân vật Hamlet trổ hết mọi tài năng của mình, ông tin ở Hamlet, tin ở nhân vật của mình. Ở Hamlet, Shakespeare đã gửi gắm một ước mơ của thời đại, ước mơ về một xã hội thái bình, một xã hội mà trong đó không có những con người gian ác như Clôđiut, không có những người mẹ, người vợ như Giectơrut. Xã hội hội này cần phải có những con người như Hamlet, con người như vậy thì mới có thể cải tạo được thế giới, đưa lại sự bình yên cho nhân dân. Một người biết mình biết người như hoàng tử Hamlet, xứng đáng là một người kế vị ngai vàng mà trước đây phụ thân chàng đã từng làm cho nên Shakespeare đã có công lớn khi đưa nhân vật Hamlet là một người hùng có công tiêu diệt kẻ gian ác nhưng đồng thời tiêu diệt thì phải đi đôi với sáng tạo. Hamlet nhận ra đất nước Đan Mạch là một nhà tù. “Chính nước Đan Mạch này là một ngục thất”; “Một ngục thất rất tốt, trong đó có bao nhiêu là gông cùm, hầm giam và ngục tối; mà Đan Mạch là cái ngục thất đáng ghê tởm nhất”. Và cũng từ việc nhận thấy được cái bản chất của xã hội mà mình đang sống nên Hamlet có trách nhiệm giải thoát cho cái xã hội ấy, giải thoát cho những người sống trong xã hội ấy. Đó chính là điều mà Hamlet nhận ra và cũng chính là điều mà chàng cần phải xây dựng. Tiêu diệt Clôđiut đồng nghĩa với việc thiết lập lại trật tự của một đất nước, trật tự của một thời đại.
Trong việc tạo dựng và dẫn dắt hành động kịch của mình, Shakespeare không những tạo dựng nhân vật Hamlet là người dũng mãnh mà còn thể hiện một con người hiếu đạo, một tình yêu thuỷ chung. Hamlet của Shakespeare biết thể hiện mình là một con người dũng mãnh, cái dũng mãnh đó không chỉ thể hiện ở việc tìm ra kẻ thù và báo thù cho cha mà còn là một người có nhiệm vụ thiết lập lại trật tự cho xã hội, đồng thời thể hiện được mình là một con người thông minh, sự thông minh đó đã giúp Hamlet nhận biết được đâu là bạn, đâu là thù, nó còn cho chàng nhận thấy được đường đi của lẽ phải, giúp Hamlet tìm ra được chân lí của cuộc đời. Bên cạnh đó Hamlet còn thể hiện mình là một người con có đạo hiếu. Đạo làm con của Hamlet được thể hiện ở lòng tôn kính đối với người cha và một tấm lòng bao dung độ lượng đối với người mẹ đã lầm đường lạc lối. Đây là một chi tiết góp phần tạo nên hình tượng con người lí tưởng của thời Phục hưng ở trong nhân vật Hamlet.
Shakespeare đã để cho những chấn động trong tâm hồn Hamlet diễn ra trùng khớp với bước ngoặt lớn trong cuộc đời một con người. Đó là bước ngoặt chia đôi thời niên thiếu và tuổi trưởng thành. Vĩnh biệt thời ấu thơ bằng lặng, đang thấy đời toàn một màu hồng, bước sang tuổi trưởng thành, Hamlet bỗng nhận ra một thế giới đầy tà nguỵ, ma quái. Những điều mới được phát hiện lập tức trở thành quan niệm bất di bất dịch của Hamlet về con người, hoá thành thứ chủ nghĩa hoài nghi cực đoan nhất. Hamlet không đứng trên hay đứng ngoài đám đông. Hamlet cũng không có ý lấy cá nhân mình làm trung tâm để đối lập với đám đông ấy. Hamlet không chỉ ngờ vực người khác, mà còn hoài nghi chính bản thân mình. Hamlet thú nhận, mình là người hay kiêu ngạo, tự mãn. Chàng vừa thất vọng về người đời, vừa thất vọng về bản thân. Hamlet nghi ngờ cả người đang sống, lẫn những kẻ chưa kịp đầu thai làm kiếp người. Hamlet khuyên Ophelia đi tu chứ đừng lấy chồng để khỏi sinh ra những đứa con tội lỗi. Hamlet không chỉ suy ngẫm về tội ác của vua mới. Hamlet nghĩ tới những vấn đề còn hệ trọng hơn nhiều. Có một cái gì đó đang chuyển dịch. Trật tự, kỉ cương cũ đã hoàn toàn đổi thay. Cái ác thắng thế và hoành hành khắp mọi nơi. Hamlet nhận ra “cuộc đời khốn kiếp”, “thời đại đảo điên tan tác”, “thế giới là một nhà tù, mà Đan Mạch là nhà tù ghê tởm nhất”,“Ôi, ác nghiệt thay, tôi lại sinh ra để chữa khớp xương cho thời đại”.
Khi nói như vậy, Hamlet không nghĩ tới quyền kế vị ngai vàng đã bị cướp mất, mà nghĩ tới những vấn đề còn lớn lao hơn nhiều. Trước Hamlet không chỉ có một Claudius mà là cả một thế giới đảo điên. Sự đểu cáng, tráo trở của Claudius không phải là ngoại lệ. Bên cạnh hắn còn có một Polonius bợ đỡ, nịnh hót, một Osric tầm thường, giả dối và một lũ một lĩ những Rosencranlz, Guildenstern chuyên rình mò lo lỏm. Cả bọn họp thành một thế giới ô trọc vây quanh Hamlet. Hamlet hiểu rõ đến chân tơ kẽ tóc cái thế giới đang vây bủa quanh mình. Trí tuệ của Hamlet thấm rất sâu vào thế giới ấy. Sau khi phân tích kĩ thực tại, Hamlet rút ra những kết luận hoàn toàn vô vọng. Hamlet cho rằng, dù có giết vua mới, trả thù thật đích đáng với tội ác của y thì cũng không giải quyết được vấn đề gì.Hamlet là con người trí tuệ, một trí tuệ luôn luôn phân tích và suy nghĩ. Chính hoạt động phân tích và suy nghĩ làm tê liệt ý chí của Hamlet. Hamlet cũng thú nhận như thế: “Thế là những suy nghĩ đã biến chúng ta thành những thằng nhát như cáy”. Cho nên, qua Hamlet, Shakespeare muốn giải quyết đề tài trí tuệ, chứ không định viết “một bài thơ tán dương sự đấu tranh”, như nhiều người đã lầm tưởng.
            Tư tưởng nhân văn là tư tưởng cơ bản của thời Phục Hưng, là yếu tố then chốt tạo ra các giá trị cho các tác phẩm văn học nghệ thuật thời kì này. Chủ nghĩa nhân văn là sản phẩm của một thời kì lịch sử - cụ thể, thời kì Phục Hưng, thời kì khổng lồ, thời kì bước ngoặt. Nó là sự kết tinh cao nhất tinh thần thời đại. Trong bài viết chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa xã hội của nhà nghiên cứu V.P.Vôn – ghin thuộc Liên Xô cũ đưa ra nhận định: “Chủ nghĩa nhân văn là toàn bộ những quan điểm đạo đức và chính trị bắt nguồn không phải từ cái gì siêu nhiên, kì ảo, từ những nguyên lý ngoài đời sống của nhân loại mà từ đời sống của con người tồn tại trên mặt đất với những nhu cầu, những khả năng trần thế và hiện thực của nó và những nhu cầu, những khả năng ấy đòi hỏi phải phát triển đầy đủ, phải được thỏa mãn.” Với niềm tin mãnh liệt nhưng ngây thơ, đầy tính lý tưởng và mộng mơ, các nhà nhân văn chủ nghĩa hi vọng sẽ tạo ra được một xã hội mới. Nhưng họ quên rằng khi phế bỏ quyền sở hữu phong kiến thì giai cấp mới đó là giai cấp tư sản cũng sẽ xác lập quyền sở hữu của nó một cách “trắng trợn hơn, công nhiên hơn và vô liêm sỉ hơn”. Do vậy, sang thế kỉ thứ XVI khi giai cấp tư sản đã có một vài chỗ đứng chân, đặc biệt khi đồng tiền tư sản đã bắt đầu bộc lộ sức mạnh và bản chất của nó thì chủ nghĩa nhân văn lâm vào tình trạng khủng hoảng. Đứng trước thời thế “đảo lộn tiến bộ” trên, Shakespear viết kịch nhằm để diễn, để “chìa ra một tấm gương tự nhiên nhằm làm cho đạo đức thất hình ảnh của nó, thói vô đạo đức tự biết khinh bỉ và mỗi thế kỉ, cả thời đại có thể nhân ra tính cách bộ mặt của nó”.
            Trong quyển “Văn học Phương Tây” có trích dẫn lời của Lecmontop: “Nếu Shapespeare vĩ đại thì đó là ở Hamlet”. Qủa thật lời nhận xét đấy không ngoa, Hamlet đã trở nên bất tử, sức sống của nhân vật đã vượt không gian, thời gian, và tồn tại vững chắc cho đến ngày nay. Hamlet là biểu tượng cho sức mạnh công lý, đại diện cho chủ nghĩa nghĩa nhân văn thời Phục Hưng, thể hiện “tinh thần chống chủ nghĩa ngu dân, chủ nghĩa giáo điều kinh viện Trung cổ nhằm giải phóng cho trí tuệ con người, tinh thần khẳng định cuộc đời trần thế sự đòi hỏi quyền tự do cho cá nhân con người”.
Hamlet là nhân vật có tính cách khá phức tạp, cùng một con người nhưng tồn tại nhiều trạng thái khác nhau, cũng trong quyển Lịch sử sân khấu thế giới đã trích dẫn lời nhận xét của Bêlinxki: “Sự phát hiện ra điều bí mật, điều khủng khiếp. Đáng lẽ làm cho Hamlet chìm đắm trong một tình cảm, một suy nghĩ đó là sự trả thù, từng giây từng phút, sẵn sàng biến thành hành động, nhưng sự phát hiện khủng khiếp đó buộc anh không phải đi ra bản thân mình, mà lại đi vào chính bản thân mình và tập trung vào nội tâm của chính mình, đánh dậy ở trong đó những vấn đề về sự sống và cái chết, về thời gian và vĩnh cửu, về nghĩa vụ và ý chí yếu mềm, khiến anh ta lưu ý đến phẩm chất cá nhân  mình.” Shekespea đã thổi vào Hamlet tinh thần của người anh hùng thời đại. Người anh hùng mang nhiệm vụ to tát “sống là phải hành động, hành động để tái tạo thế giới”.
Việc tìm hiểu bi kịch của Hamlet càng làm rõ thêm những lý luận của Aristotle về bi kich trong sáng tác của Shakespear. Quan điểm của Aristotle đã chỉ rõ rằng: “Bi kịch không phải là sự mô phỏng con người, mà là sự mô phỏng hành động và cuộc sống, niềm hạnh phúc và điều bất hạnh, mà hạnh phúc hay bất hạnh đều nằm trong hành động; và mục đích của bi kịch là miêu tả một hành động nào đó chứ không phải là miêu tả phẩm chất của con người” [trang 18, chương VI, nghệ thuật thi ca Aristotle]. Trong Hamlet cũng vậy, khi chàng nhận ra được nguyên nhân cái chết của cha, tội ác của Clodius, hiện thực tối tăm, rối ren của xã hội, chàng hoài nghi nó, và chàng đã có những hành động, được thể hiện và sắp xếp một cách hợp lý, để thể hiện lý tưởng, để mong muốn thay đổi hiện thực về một xã hội tốt đẹp hơn, lý tưởng hơn. Và trong Hamlet, bi kịch đã thể hiện rõ khi mô phỏng chân thực những hành động và cuộc sống của Hamlet, và cũng qua đó, phẩm chất, tâm hồn, con người Hamlet cũng đã hiện lên rất rõ.
2.1.3.     Bi kịch từ chính tính cách nhân vật
a.       Bi kịch của một con người trí tuệ
Từ hơn ba thế kỉ nay, vở kịch Hamlet không ngừng làm xúc động quần chúng nước Anh cũng như khắp các nước khác trên thế giới. Vượt qua thử thách của thời gian và không gian, Hamlet đã lôi cuốn, hấp dẫn hàng nghìn hàng triệu người, gây được những cảm xúc mạnh mẽ trong tâm tư, tình cảm của khắp đọc giả. Tại sao Hamlet lại làm được điều đó? Điều gì đã neo giữ vở kịch Hamlet của Shakespeare tồn tại trong lòng người đọc suốt khoảng thời gian lâu như thế? Chỉ có thể nói chính là nhờ tài năng sáng tạo đầy nghệ thuật của Shakespeare và những thông điệp, những giá trị tư tưởng mà vở kịch mang tới cho nhân loại. Một trong những nhân tố góp phần làm nên thành công của vở kịch, phải kể đến đó là nhân vật Hamlet_ngôi sao sáng của tác phẩm, mỗi con người trong thời đại tư bản chủ nghĩa hay đã từng sống trong xã hội tư sản đều có thể nhìn thấy có mình ở trong Hamlet, đều có thể cảm thông với người trong kịch, cùng ngậm ngùi hay cùng căm giận với người trong kịch. Và Hamlet là một kiểu người như thế_con người mang trong mình những mâu thuẫn, những bi kịch ở chính thời đại, chính tư tưởng của bản thân. Rõ nét nhât, Hamlet là nhân vật bi kịch, bi kịch ngay trong chính tính cách của mình. Chàng là một con người trí tuệ và cũng chính vì thế nên Hamlet luôn hoài nghi mọi thứ tồn tại xung quanh mình. Vâng, Hamlet là một chàng thanh niên của thời đại mới. Một con người kế thừa trong mình những tinh hoa của thời đại Phục hưng: “Bẩm chất thông minh, tư tưởng tự do, tâm hồn cao quý, tấm lòng nhạy cảm..”. Chính trí tuệ thông minh, tinh nhạy buộc chàng luôn luôn phải suy nghĩ, giằn vặt, đi tìm lời giải cho các vấn đề mà chính chàng đặt ra. Đó là những mờ ám trong cái chết của cha, là vấn đề tồn tại của con người, là những hiện thực đảo điên, một xã hội Đan Mạch đầy tăm tối, hỗn loạn đang xảy ra trước mắt chàng.
Thật vậy, một viễn cảnh tăm tối đã bao trùm lên toàn bộ xứ sở Đan Mạch từ khi người cha đáng kính của chàng lìa xa cuộc sống. Mọi thứ như trở nên đầy ám ảnh và tang tóc hơn khi chưa được bao lâu thì mẹ của chàng lại tái giá với người chú ruột của chàng. Nỗi oán hận và hoài nghi về tình yêu của mẹ chàng dành cho người cha thân yêu ngày càng tăng thêm. Trí tuệ của chàng vẫn luôn thôi thúc Hamlet tìm ra nguyên nhân của mọi chuyện, khi lí trí càng lên tiếng kêu la thì trái tim Hamlet càng thổn thức, đau đớn “Thôi…ta đừng nghĩ đến nữa! Nhẹ dạ, đích danh mi là đàn bà! …Như vậy chẳng tốt đâu, trước sau chẳng thể nào tốt được! Nhưng tim ta ơi! Hãy nổ tung ra đi, vì ta bắt buộc cứ phải chịu câm miệng” Một trí tuệ thông minh đủ để chàng sáng suốt nhận ra vấn đề, một tâm hồn nhạy cảm có khả năng phản ứng tinh nhạy trước hiện thực. Chính điều đó khiến chàng luôn sống trong tâm trạng hoài nghi, bi quan chán nản. Và cũng luôn buộc Hamlet phải căng hết trí não để tỉnh táo đặt lại mọi vấn đề của cuộc sống. Tình yêu, tình bạn, cha con, vợ chồng.
            " Nhẹ dạ, đích danh mi là đàn bà !
Hamlet nói với Ophelia: ‘‘Dù cô em có tinh khiết như băng, trong trắng như tuyết cũng không tránh khỏi miệng tiếng của người đời“. Câu nói ấy đã nêu lên cách nhìn con người, nhìn cuộc đời của Hamlet bởi không chỉ hoài nghi, bi quan mà ở Hamlet còn là nỗi đau khổ của con người nhận thức rõ vị trí của mình:“Ôi, ác nghiệt thay, tôi lại sinh ra để chữa khớp xương của thời đại. Đau khổ đấy nhưng Hamlet còn là người chiến sỹ của thời đại. Con người như chính lời ca ngợi: “Hãy khiêng Hamlet như một người chiến sỹ" . Đúng thế, người chiến sĩ Hamlet ấy luôn luôn hành động với lý trí và trí tuệ sáng suốt của thời kỳ Phục hưng. Ngay trong hành động trả thù của nhân vật, Hamlet cũng thể hiện điều đó. Mục đích của Hamlet là trả thù nhưng tận cùng đó là thiết lập lại công lý chính nghĩa, xây dựng lại thời đại của mình “cho ngay ngắn vững vàng. Chính vì thế trong quá trình hành động chàng đã rất dụng công để thực hiện hành vi đó. Nhưng cũng chính vì sự dụng công ấy lại mang đến cho Hamlet những bi kịch của chính mình: chàng giả điên lợi dụng tình yêu ngây thơ của Ophelia, giết nhầm Poloniut_cha nàng để rồi gây nên mối oán thù sâu nặng. Tất cả chỉ để phục vụ cho mục đích cao cả cuối cùng là trả thù cho người cha kính yêu của mình. Nhưng, khi đối diện với kẻ thù và với cơ hội trả thù đầy thuận lợi thì chàng lại suy tư và trì hoãn. Sự suy tư và trì hoãn ấy đã khiến không ít người cho rằng Hamlet là người có tâm hồn yếu đuối. Đặt nhiệm vụ trả thù lên vai Hamlet chẳng khác nào đem cây đại thụ trồng lên chậu cảnh. Rốt cuộc chậu vỡ, cây chết. Mặt khác, nhà phê bình Nga Bielinxki và một số học giả Đức thế kỷ XIX lại cho rằng: Hamlet là một hiệp sĩ, đại diện cho đẳng cấp cao nhất của thời Trung cổ. Chàng có cả một bầu máu nóng sôi sục hành động và một cánh tay mạnh đủ để san phẳng mọi bất bình. Cho nên Hamlet trì hoãn hành động trả thù không phải vì bản chất yếu đuối. Mỗi lần Hamlet trì hoãn đều có một lí do chính đáng. Nghe xong lời kêu oan của hồn ma Hamlet liền bắt tay vào hành động. Việc làm đầu tiên chàng buộc sĩ quan và binh lính có mặt ở đó phải tuyên thệ. Để che mắt kẻ thù chàng phải giả điên. Đây là một sự tính toán rất tinh tế sắc sảo. Hamlet còn bịa ra một màn kịch diễn cho vua xem. Chàng phải kiểm tra lại những điều hồn ma báo cho biết. Những hành động ấy thể hiện một đầu óc tư duy linh hoạt và một người biết lập luận chặt chẽ có tính toán kỹ lưỡng trước mọi hành động. Đối với Hamlet trả thù không có nghĩa là chém giết, lấy máu trả nợ máu. Dù trong một tình thế vô cùng thuận lợi: một mình đối diện với vua trong nỗi uất hận tột cùng nhưng chàng không hạ thủ. Trong những tính toán suy nghĩ của mình, Hamlet không để tư duy trôi theo một chiều mà luôn đào sâu vào mọi vấn đề. Vì thế Hegel đã khéo léo giải thích hành động ấy “kể ra Hamlet có  băn khoăn do dự đấy, song điều chàng ngờ vực không phải ở chỗ chàng chàng phải làm gì mà ở chỗ chàng phải làm như thế nào” (Mĩ học). Chính những băn khoăn do dự khiến chàng trì hoãn việc trả thù, chính chàng cũng phải thú nhận rằng: “Thế là những suy nghĩ biến chúng ta thành những thằng nhát như cáy”. Cũng có khi Hamlet tự phê phán mình một cách gay gắt “Phải  chăng ta lãng quên đi như một súc vật hay chính là lo ngại hèn nhát cứ quẩn quanh suy hơn xét thiệt, tính toán chi li đến kết quả việc làm. Ý nghĩ ấy chia tư được một phần khôn ngoan còn ba phần hèn nhát". Chính Hamlet cũng thừa nhận điều đó với Ophelia “Tôi là một kẻ kiêu căng hay oán thù, đầy tham vọng, đầu óc chứa chất nhiều tội lỗi đến nỗi tôi không đủ ý để diễn đạt, trí tưởng tượng để hình dung, thời gian để hành xử”
Thế nên, khi bàn về tác phẩm, một số nhà nghiên cứu thay vì khẳng định nhân vật Hamlet là nhân vật trong những hành động trả thù đã khẳng định: “Hamlet là nhân vật lí trí, là con người trí tụê”. Có lẽ chính vì thế có người đã cho rằng “Hamlet thiên về suy nghĩ hơn là hành động.” Chính trong những suy tư, chiêm nghiệm của một đầu óc nhạy cảm dẫn chàng tới những khám phá về hiện thực. Tuy nhiên, cũng chính vì có trí tuệ, chàng đủ khả năng tìm ra chân lý, nhận thức được thực tại và thấy rõ được khả năng của chính bản thân mình. Điều đó càng khiến chàng đau khổ. Như một ai đó đã từng nói rằng: trí tuệ càng sâu sắc thì sự bất an càng ám ảnh. Điều này thật đúng với Hamlet. “Chàng cảm thấy khổ đau cuả con người là vô hạn trong khi khả năng tiêu diệt nó lại quá ít ỏi”. Bởi thế, chàng sớm nhận thức được bộ mặt thật của xã hội “Sự áp bức của kẻ bạo ngược, sự trì chậm của công lý, hỗn xược của cường  quyền, miệt thị của kẻ bất tài…” và chàng đau khổ khi trước mắt mình “Đan Mạch là một ngục thất rộng lớn, một nhà tù đáng ghê tởm nhất.” …Ngủ có thể chỉ là mơ. Hừ! đây mới là điều khó khăn vì trong giấc ngủ của cõi chết ấy, khi ta  dã thoát khỏi thẻ xác trần tục này, những giấc mơ nào sẽ tới, điều đó làm ta phải suy nghĩ. Chính điều đó gây ra bao tai hoạ cho cuộc sống dằng dặc này. Bởi vì, ai là người có thể chịu đựng được những roi vọt và khinh bỉ của thời đại. Sự áp bức của kẻ bạo ngược, hống hách của kẻ kiêu căng, những nỗi dày vò của tình yêu tuyệt vọng, sự trì chậm của công lý, hỗn xược của cường quyền, sự miệt thị của kẻ bất tài đối với đức tài nhẫn nhục.”
Và cõi thế quá ô trọc, chỉ có cái chết mới giải thoát nó. Nhưng Hamlet không chết, phải chăng vì chàng quyết sống để hành động, để trả thù. Thực tế, “nỗi sợ làm làm cho tâm trí rối bời và bắt ta phải cam chịu mọi khổ nhục trên cõi thế này còn hơn là bay tới những nỗi khổ nhục khác mà ta chưa hề biết đến”. Nỗi sợ ấy kéo Hamlet về với cuộc đời, ngăn không cho chàng tự vẫn. Trí tụê giúp chàng thấu hiểu mọi mâu thuẫn và nhận thức được những triết lý đắng cay, đau đớn của cuộc đời. Dù đã hành động và giải quyết được hận thù tuy nhiên bi kịch của Hamlet đó là bi kịch của “một trí tuệ thức tỉnh quá sớm” một trí tuệ quằn quại trong đau đớn giữa một thực tại thù địch với nó.
Có thể nói, đề tài trí tuệ là một trong những đề tài quan trọng nhất của thời đại Phục hưng. Đề cập tới vấn đề trí tuệ Shakespeare góp một tiếng nói vào việc nhận thức đời sống mang đến cho bi kịch những giới hạn, những khả năng mới. Đặc biệt khi đặt tác phẩm vào thời đại Phục Hưng thì giá trị và tư tưởng của tác phẩm lại càng thêm nổi bật. Trong thời đại ấy, con người được xem là trung tâm của vũ trụ, là bản thể, đối tượng nhận thức. Con người cá nhân được giải phóng, trí tuệ được thức tỉnh để giúp con người nhận ra bản chất của xã hội soi sáng  những mâu thuẫn bi thảm nhất của cuộc đời. Chính trí tuệ là nguyên nhân khiến con người ta ý thức sâu sắc về hiện thực cũng như nỗi khổ của mình. Bởi vậy, khi nhận thức vấn đề “Sống hay không sống, tồn tại hay không tồn tại” thể hiện một cách tập trung nhất những đau khổ, những giằn vặt của nhân vật Hamlet khi đề cập đến rất nhiều những vấn đề của thời đại: “Chịu đựng tất cả những viên đá những mũi tên số phận phũ phàng, hay là cầm vũ khí vùng lên mà chống lại với sóng gió biển khổ. Chống lại để mà diệt chúng đi đằng nào cao quý hơn.
Chính vì những giá trị ấy mà cho đến ngày nay, Hamlet vẫn không hề mất giá trị hiện đại của nó. Với bi kịch xuất phát từ trí tuệ, Hamlet trong văn học thế giới đã chứng tỏ tài năng nghệ thuật của Shakespeare_người mở đường cho phương pháp xây dựng nhân vật điển hình đa dạng, trên cơ sở phân tích sâu tâm lí nhân vật và triết lý cuộc sống.
b.      Bi kịch của một cá nhân cô độc
Hamlet của Shakespeare ra đời vào năm 1601. Tác phẩm mở ra cả một thời đại mới của bi kịch. Trước đó, Shakespeare chỉ chuyên viết hài kịch và kịch lịch sử. Những vở kịch này đã vạch trần sự thối nát, tàn bạo của chế độ phong kiến lỗi thời. Có điều, khi đấu tranh chống lại những tàn dư của chế độ phong kiến, cũng như những nhà nhân văn chủ nghĩa khác, Shakespeare vẫn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của xã hội. Nhưng từ những năm 90 của thế kỉ XVI thì tình hình nước Anh bắt đầu thay đổi. Chính thể chuyên chế từng giữ vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chống lại tình trạng phong kiến, cát cứ, ngày càng trở nên thối nát, đốn mạt. Giai cấp thống trị bộc lộ rõ bản  chất phản nhân dân của nó. Những tệ nạn thời Trung cổ được hồi sinh với những hình thức khủng khiếp hơn trước rất nhiều. Quan điểm xã hội và triết học của Shakepeare vì thế cũng trở nên phức tạp. Ông nhận ra những mâu thuẫn của chế độ chuyên chế tư sản. Ông muốn phân tích, khám phá bản chất của những mâu thuẫn ấy. Và sáng tác của Shakepeare đã phản ánh một cách thiên tài toàn bộ sự lạc điệu của đời sống xã hội đương thời.
Trước khi bi kịch Hamlet ra đời, Shakepeare đã có Giuliut Xeda (1599). Hệ thống nhân vật trong tác phẩm này được chia làm hai tuyến:  bên này là các chiến sĩ Cộng hòa La mã chống lại bên kia gồm vua Xeda cùng toàn bộ chế độ quân chủ do y tự dựng nên.Trong cuộc đấu tranh bảo vệ tự do thì các chiến sĩ Công hòa đụng độ một sức mạnh dường như không gì bẻ gãy nổi. Dù có nhiều phẩm chất cá nhân của những trang tuấn kiệt, những đấng quân tử, những bậc anh hào, nhưng các chiến sĩ vẫn lần lượt bị đàn áp, đè bẹp bởi bước đi lên tất yếu của lịch sử. Có thể thấy, các tuyến nhân vật trong Giuliut Xeda đã phản ánh một tương quan lực lượng xã hội kiểu mới. Xung đột lịch sử này đã hé lộ ánh sáng để ta hiểu Hamlet và cái mà Shakepeare muốn nói qua bi kịch này.
Phần mở đầu bi kịch của Hamlet cũng chính là phần mở ra một tình thế lịch sử. Ấn tượng đầu tiên mà nó mang lại khi ta xem vở kịch chính là sự lo âu, kinh hoàng, là linh cảm về những biến động dữ dội rồi sẽ xảy ra. Việc hồn ma xuất hiện đã làm nổi bật bầu không khí bao trùm đất nước Đan Mạch. Cả đất nước sống trong lo âu, sợ hãi. Hoàn cảnh rất bất lợi. Có cái gì đang thối nát trong đất nước Đan Mạch này. Đó là điềm báo trước một tai họa kinh hoàng cho đất nước.
Quả là những gì đang xảy ra trong tác phẩm Hamlet có liên quan tới những vấn đề trọng đại mang tầm cỡ quốc gia. Vua Đan Mạch là Claudius và cả triều đình của y hợp lực lại tạo thành một liên minh ma quái. Một mình chàng Hamlet phải đương đầu với cả khối liên minh ấy. Hoàn cảnh, không khí bủa vây thù địch với chàng Hamlet ghê gớm.
Bởi Hamlet là một hoàng tử, dĩ nhiên chàng thuộc về đẳng cấp cao nhất của xã hội quý tộc. Nhưng nhờ được giáo dục và dạy dỗ trong trường đại học, Hamlet còn là gương mặt tiêu biểu cho lớp người tiên tiến của thời đại Phục hưng, đầu óc thấm đẫm tinh thần nhân văn. Hamlet chia sẻ niềm vui với nhân loại vừa thoát khỏi ngục tù của chế độ Trung cổ. Trước mắt chàng là cả một viễn cảnh huy hoàng, con người trở thành trung tâm của vũ trụ, ngày càng hoàn thiện và rạng rỡ. Hamlet nhìn đời bằng đôi mắt tràn đầy sự lạc quan.  Vậy mà, trở về Đan Mạch, Hamlet phải chạm trán ngay với một thực tại phũ phàng. Đâu đâu cũng là cảnh rượu chè thô bỉ. Cuộc đời quá ư ô trọc. Hamlet vô cùng kinh hoàng trước sự dối trá, thói giả nhân giả nghĩa nghiễm nhiên ngự trị khắp cung đình. Cái gì cũng khiến chàng thất vọng. Hamlet thấy thất vọng trước cuộc hôn nhân quá vội vàng của mẹ chàng. Rồi những kẻ từng là bạn của chàng thuở ấu thơ, nay trở thành lũ tay sai chuyên rình mò, nghe lỏm. Điều này khiến chàng trở nên lạc lõng giữa cả thế giới xấu xa.
Chạm trán với cuộc đời đầy rẫy sự lừa dối và ám muội, Hamlet tan vỡ lí tưởng nhân văn mà mình hằng ấp ủ xây dựng. Nói như Aristote trong cuốn “Nghệ thuật thơ ca”: “bi kịch là sự miêu tả những con người tốt, nên ta cần phải bắt chước những họa sĩ vẽ chân dung giỏi: tức là khi họ vẽ một người nào đó, thì đồng thời với việc làm cho các bức chân dung giống người được vẽ, họ còn vẽ người đó thành người đẹp hơn thực. Nhà thơ cũng vậy, khi tả những người cáu kỉnh, nhẹ dạ, hoặc những kẻ có cá tính tương tự thì nhà thơ cần phải miêu tả họ thành những con người cao thượng.” Hamlet đã nhẹ dạ cả tin khi chấp nhận lời thách đấu của Lacoto và cuối cùng vì thiếu cảnh giác nên chàng đã bị mũi kiếm tẩm độc đâm vào người. Nhưng chính điều này đã khiến chàng trở nên cao thượng hơn những bọn người đầy sự mưu mô toan tính trong đầu. Chàng cao thượng bởi chàng chính trực và cương nghị. Cả xã hội muốn kéo chàng xuống nhưng nào có được, chàng vẫn giữ vững nhân cách của mình dù cho nhận lấy kết thúc đau thương.
Tính cách cao thượng ở Hamlet là một trong những tính cách quan trọng theo quan niệm về nhân vật của Aristote. “Về tính cách, cần chú ý bốn điểm. Điểm thứ nhất và cũng là điểm quan trọng hơn cả là tính cách cần phải cao thượng. Như trên đã nói, nhân vật hành động sẽ có tính cách nếu trong mọi lời nói và việc làm đều biểu thị khuynh hướng của ý chí dù là khuynh hướng thế nào đi chăng nữa, nhưng tính cách đó sẽ là cao thượng nếu nó bộc lộ ra khuynh hướng ý chí cao thượng.” . Nhân vật Hamlet tiêu biểu cho loại tính cách. Nhưng đồng thời nó cũng khiến chàng lâm vào bi kịch bởi chàng đứng trên cả xã hội đầy rẫy sự lường gạt, xấu xa.
Bi kịch của Hamlet không chỉ là bi kịch của một con người có trí tuệ sáng suốt mà còn là bi kịch của cá nhân lạc lõng giữa xã hội ô trọc thời bấy giờ. Đó là bi kịch đau khổ khi không biết giãi bày cùng ai, chỉ biết chất chứa bao dằn vặt và đau đớn.
2.2.  Những chủ đề được gợi ra từ bi kịch của nhân vật Hamlet
Bi kịch Hamlet chứa đựng bên trong nhiều chủ đề, chẳng hạn như công lí và sự báo thù, số mệnh con người và mục đích của đời người, sự lành mạnh và điên dại, bề ngoài và thực tế, người đàn bà và tình yêu, quyền lợi và bổn phận làm vua, thuốc độc và sự tham nhũng.
Trước hết, tất cả các hành động của Hamlet đều do hồn ma đặt ra cho Hoàng tử, đó là sự báo thù cho người cha đã bị sát  hại một cách ám muội. Tới lúc này, tâm hồn của Hoàng tử bị dằn vặt bởi các câu hỏi như : Báo thù là một hành động tốt hay xấu? , Vua Claudius có thực sự phạm tội không và có đáng bị trừng phạt không?, Trách nhiệm trừng phạt có phải thuộc về Hamlet không?, Việc thi hành công lí thuộc về quốc gia hay nằm trong tay một người như Hoàng tử và khi trả thù thì làm sao phân biệt được người tốt và người xấu?
Liên quan tới chủ đề trả thù là các suy tư trong tâm hồn của Hoàng tử. Đó là: Trong đời người, có phải do một quyền lực nào cao cả hơn, toàn năng hơn, đã hướng dẫn con người trong các hành động? Điều này lại gợi ra chủ đề về tâm linh con người, mối quan hệ giữa thể xác và tinh thần. Hay như: Khi hành động, Hamlet đã tự hỏi làm sao theo được thứ trật tự của vũ trụ, để cho cuộc đời này mang đầy ý nghĩa? Chàng theo đuổi việc báo thù vậy thì tâm hồn chàng có còn lành mạnh nữa hay không?
 Nỗi lòng rối bời của chàng khi nhìn thấy mẹ  mình trong vòng tay của kẻ đã giết cha mình, ai nào có hay? Đây mở ra một chủ đề về khát khao của người phụ nữ trong tình yêu, khi người chồng qua đời. Liệu chuyện thủ tiết với người chồng quá cố có cần thiết và thiêng liêng cho trọn đạo vợ chồng hay không?
Từ đây, không chỉ đơn giản là việc trả thù cho cha, mà Hamlet còn nghiệm ra nhiều vấn đề nữa, chàng đấu tranh giữa tình cảm và lí trí, giữa con tim và trí óc. Bởi tâm hồn thanh cao của chàng không cho phép chàng hành động mà thiếu suy nghĩ chín chắn. Những câu hỏi dằn vặt chàng cũng chính là những vấn đề đặt ra cho thời đại ngày hôm nay khi cần phán xét một điều gì đó. Nó là sự tổng hợp của nhiều khía cạnh và con người phải nhìn ra được điểm mấu chốt để mà giải quyết.
Hamlet đã mở ra một yêu cầu về đạo đức và tài năng đối với những con người đứng đầu đất nước. Và khi họ dùng những thủ đoạn hèn hạ để leo lên vị trí quyền lực thì phải đáng bị trừng trị. Đó là lẽ phải và sự công bằng, bác ái mà Hamlet đã đại diện cho nhân dân để nói lên tiếng nói đó.
Như khi chàng Hamlet giả điên, ai ai cũng tưởng thật, nhưng ai nào có hay, đó chỉ là hình thức ngụy trang kín đáo của chàng mà thôi. Một vỏ bọc hoàn hảo. Vậy thì cuộc sống ngày hôm nay với biết bao cái thật, cái giả đan xen lẫn lộn? Làm sao ta nhìn ra được bản chất của nó.
Sự bất hủ trong những sáng tác của Shakepeare chính là từ một câu chuyện mà ông đã gợi ra nhiều chủ đề mang tính nhân văn đến hậu thế mai sau. Những chủ đề ấy còn là ngầm ẩn đằng sau lớp ngôn từ đầy tâm lí của ông. Nó chỉ được nhận ra khi người đọc có sự đồng điệu và hiểu được những tư tưởng mà tác giả gửi gắm. Và Hamlet là một trong những tác phẩm để đời của ông, khi mà biết bao vấn đề về cuộc sống và mối quan hệ của con người đã được Shakepeare đề cập tới.

2.3.  Hamlet – con người hội tụ mọi tố chất của một con người Phục Hưng
Châu Âu của thế kỉ XIV, XV đã dấy lên một cuộc vận động tư tưởng và văn hóa rất mực hào hứng và quyết liệt mà loài người chưa từng thấy, người ta gọi đó là thời kì Phục Hưng. Một số học giả phương Tây cho rằng phong trào này nhằm làm sống lại nền văn học cổ đại Hi Lạp và La Mã cổ xưa mà Trung cổ phong kiến và Nhà thờ đã cắt đứt, làm sống lại và tiến tới một thời truyền thống rực rỡ chứ không phải là quay trở lại theo cái cũ. Có thể nói rằng, sản phẩm tinh thần của thời đại Phục Hưng là trào lưu tư tưởng nhân văn chủ nghĩa, nổi bật nhất là  yêu cầu và khát vọng giải phóng con người thoát khỏi những xiềng xích trói buộc của thời Trung cổ phong kiến và nhà thờ. Tìm thấy và phát huy trong đó vẻ đẹp của con người, cuộc sống tự nhiên trần trụi nhất của con người, ý chí đấu tranh cho tự do, công bằng, chống thiên nhiên và chống áp bức xã hội.
Trước thời Phục hưng, Trung cổ phong kiến và nhà thờ đã truyền bá vào con người những quan niệm sống theo kiểu “khung tù”, đen tối và nghiệt ngã. Họ xem nhẹ cuộc sống của con người nơi trần thế, họ cho nó là địa ngục, và cho rằng, thiên đường là khi con người chết đi. Chính điều này đã kiềm chế rất nhiều quan niệm sống đúng nghĩa của một con người, làm mất đi khả năng sống và hưởng thụ một cách thật sự của con người nơi trần thế. Để chống lại quan niệm phản tự nhiên đó, con người đã đấu tranh trên chính tinh thần của chủ nghĩa nhân văn, cho rằng, con người cần phải sống một cách thật nhất, chính đáng nhất ngay khi ta còn đang sống: được hưởng thụ, được đau khổ, được thỏa mãn niềm đam mê vật chất, tinh thần và ngay cả thú vui mà thời trung cổ phản ứng gay gắt nhất đó chính là thú vui xác thịt.
Tinh thần Phục hưng được thể hiện mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực: văn hóa, kiên trúc, điêu khắc,… nhưng nổi bật nhất có lẽ là trong văn học với nhiều tên tuổi nổi tiếng, với nhiều khuynh hướng phức tạp nhưng tiêu biểu nhất vẫn là khuynh hướng tư sản ca ngợi con người hoàn toàn tự do, giải phóng khỏi mọi xiềng xích phong kiến. Chính trào lưu tiến bộ này đã đem sức sông mới cho văn học thời phục hưng, làm cho con người như được tái sinh, được sống lại.
Shakespeare là đại diện, là tiếng nói tiêu biểu cho khuynh hướng tư sản trên. Shakespeare đã từng ca ngợi: “Kì diệu thay là con người!”. Con người cao quý làm sao về lí trí, vô tận làm sao về năng khiếu, về trí tuệ, nó có thể sánh tài thượng đế”. Ông đề cao giá trị sống của một con người ngay khi còn sống. Trong Hamlet, ông đã xây dựng nên một Hamlet điển hình cho con người thời Phục hưng, một con người luôn đi tìm giá trị sống đích thực và luôn phải đấu tranh cho giá trị đó. Con người ấy phải chạy đua với sự phơi bày thối nát của xã hội lúc bấy giờ, phải đấu tranh kịch liệt. Shakespeare không mất lòng tin vào các nguyên lý nhân bản nhưng cách cảm thụ thế giới của ông đã đổi khác. Chính từ góc độ của những lý tưởng đó mà Shakespeare nhận thức về các mâu thuẫn xã hội một cách gay gắt hơn, sâu sắc và kịch liệt hơn. Giờ đây các mâu thuẫn đó chiếm ưu thế trong kịch của ông. Chúng khó chấp nhận sự dàn xếp hài hòa mà đòi hỏi phải đấu tranh đến cùng, và trong quá trình đó toàn bộ điều ác của cuộc đời phải bị bộc lộ. Cảm quan bi kịch chiếm ưu thế trong các sáng tác của thời kỳ này. Shakespeare say mê tìm lối thoát cho những bi kịch cuộc sống. Ngay khi cảm thụ cuộc đời một cách u ám nhất, Shakespeare vẫn giữa lòng tin vào con người, vào thắng lợi cuối cùng của những nguyên lý tốt đẹp trong đời sống. 
Nhân vật Hamlet mà ông dựng nên là nhân vật biết đấu tranh. Hamlet nhìn thấy những thế lực đen tối mới đang đe dọa con người, đó là đồng tiền và những kẻ nắm được nhiều tiền, nó đang vùng vẫy để thoát khỏi nơi kìm hãm nó và vươn đến thống trị một đất nước. Ông đã để cho nhân vật của mình đi tìm và đấu tranh trên những đường ranh giới vô hình, mong manh, nng không bao giờ lạc bước té ngã. Hamlet đã phải giằng xé, phải chạy đua giữa lí trí và tình cảm để mưu tính việc vạch trần tội ác của người chú và trả thù cho người cha thân yêu. Chàng đã làm, chàng đã dựng một vở kịch nhân văn để cho hòang hậu thấy rõ tội lỗi mà mẹ chàng phạm phải và để cho người chú của mình thấy rõ tội ác, chàng đã thẳng tay giết chết những kẻ dám chống lại ý định của mình. Sự tự ý thức về việc làm của chàng là cao, hành động của chàng là đúng nhưng vì chính sự đấu tranh mang nặng tình người khiến chàng lại rơi vào cái bẫy mà bọn xấu xa đã giăng nên đẻ hãm hại Hamlet, Hamlet đã cố gắng xây dựng lại tư tưởng con người cho nó ngay ngắn, vững vàng, để cho nó tồn tại tự do và công lí, dù biết sự chống chọi của mình có thể bị dập tắt và ngay cả bản thân cũng chịu nhiều nguy hiểm. Nhưng cái chết của Hamlet và tiếng chuông mở đường cho sự Phục hưng lâu dài và nghiêm túc về cuộc sống con người. Sự hi sinh của Hamlet được mệnh danh là sự hi sinh của một người chiến sĩ tiên phong trên con đường tranh đấu:
“Xin bốn vị tướng quân
Hãy khiêng Hamlet như một người chiến sĩ
.....
Nhạc và nghi thức dành cho người chiến sĩ
Sẽ tấu lên vì người khúc tráng sĩ ca”
Hamlet còn là một con người nhìn thấy rõ sự cấu kết giữa thế lực cũ và thế lực mới, giữa chế độ phong kiến cũ thối nát và tầng lớp xã hội mới đang được hình thành lúc bấy giờ, nó có tên là tư sản. Hamlet nhận thấy điều đó ngay trong chính nơi cung điện mà chàng đang sống, ngay trên chính cái đất nước mà chàng đang sống, khiến chàng phải thốt lên: “Đan Mạch là nhà tù đen tối nhất”. Phải chăng nơi đó đang kiềm kẹp bao giới hạn của một con người, đẩy con người xuống bờ vực thẳm. Phải chăng đó là nơi đại diện cho bầu không khí đấu tranh của xã hội Anh lúc bấy giờ, buộc con người phải đứng dậy, bước từng bước đấu tranh chống lại. Nhân vật Hamlet cứ tưởng xã hội ấy sẽ đem lại quyền lợi  nhân văn chính đáng cho con người, nhưng không, nó đang bị các thế lực đen tối chà đạp một cách không thương tiếc. Chính vì thế mà sự vùng lên, đi tìm lối thoát của Hamlet vô tình lại trở thành bi kịch cho chàng, phản ánh sự bế tắc và tan vỡ của tinh thần nhân văn trước sức mạnh của các thế lực phản nhân văn. Nhưng tinh thần đấu tranh thì tác giả vẫn giữ nguyên vẹn cho đến phút cuối cùng. Cận kề cái chết, Shakespeare vẫn để cho nhân vật của mình hướng đến những điều tốt đẹp nơi thiên đường, vẫn để họ nói lên tiếng nói đấu tranh cho tư tưởng mới toàn vẹn cả về lí trí, tình cảm, lương tâm. Hamlet vẫn cất cao hơi thở để nói với Horaxio những điều cuối cùng cho sự minh bạch và sáng tỏ mọi việc sau khi chàng chết: “Nếu như lòng bạn vẫn còn tha thiết đối với tôi, xin hãy nán lùi phút giây sung sướng được siêu thoát, kéo dài thêm ít phút nữa cuôc sống nhọc nhằn trên cõi đời ô trọc này, đẻ kể rõ ngọn ngành câu chuyện của tôi!”
Hamlet mà Shakespeare xây dựng nên còn là đại diện cho ý thức cá nhân và của một thời đại. Hamlet nhận thấy sự đau khổ, nhận thấy sự thoái hóa, sự bẩn thỉu trong bản chất sống của con người: “Một vườn hoang mọc lên từ những hạt giống độc, đầy rác rưởi, thối tha”. Chán chường và tuyệt vọng, nhưng không gục ngã, đó là con người đấu tranh của thời đại ấy. Hình tượng của Hamlet là một hình tượng càng ngày càng cao lớn mãi với đôi mắt và tầm nhìn rộng ra xã hội và thế giới. Hamlet là đại diện cho nỗi đau chung cho những con người đang sống trong thời đại buổi đầu tư sản, thời đại điên loạn và tan tác, thời đại mà nhìn vào đâu của đất nước cũng như thấy nhà tù cho tâm hồn con người: âm u và đen tối. Nhận thức về nhà tù là sự tự ý thức về cuc sống tối tăm và đau khổ của con người một thời. Và chính vì thế họ mới thấy giá trị sông của một con người thật sự nằm ở tiếng nói tự do và công bằng. Con người trong Hamlet mong muốn được suy nghĩ và hành động theo lí trí của mình, muốn trỗi dậy mạnh mẽ để được đấu tranh mạnh mẽ. Hamlet đã không do dự biến suy nghĩ của mình thành hành động cụ thể, không ngần ngại nói thẳng cho hoàng hậu và Ôlephia biết những suy nghĩ trong chàng. Chính sự tự do, chính sự nhận thức đã cho thấy tinh thần Phục hưng thật sự trong chàng, làm cho chàng hòa mình vào nhân dân và những con người đang đau khổ, mong muốn cùng họ phá sạch những gông cùm, xiềng xích trói buộc những tự do. Đã đến lúc con người phải để ý thức và suy nghĩ tiến bộ trong mình trỗi dậy, đấu tranh dứt khoát và mạnh mẽ để phá vỡ bóng tối thời Trung cổ và nhà thờ đã đeo gông con người trong suốt những “đêm trường Trung cổ”.
Hamlet trong vở kịch không chỉ là nhân vật mà là đại diện cho một tầng lớp con người trong buổi đầu diện kiến xã hội tư sản. Nó phản ánh sự tự ý thức mạnh mẽ của con người, đó là những nỗi băn khoăn lo lắng của con người trước xu thế phát triển của tình hình xã hội không chỉ của nước Anh mà nhiều nước Châu Âu thời bấy giờ. Đó cũng là một câu hỏi lớn cho sự nhân sinh của một con người, giữa sống và tồn tại, giữa lựa chọn và không lựa chọn, giữa đáu tranh và không đấu tranh.
3.       Nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật           
3.1 Nghệ thuật chuyển nhân vật trong cốt truyện cũ thành nhân vật đầy sáng tạo
            Theo Aristote cốt truyện là cơ sở, là linh hồn của bi kịch, sau đó mới đến các tính cách, Cốt truyện phải được sắp xếp như thế nào để bất kì ai dù k xem được biểu diễn cũng phải rùng mình và xót thương theo trình tự phát triển các sự kiện. Thật vậy, cốt truyện là thứ lôi cuốn người đọc đến với tác phẩm một cách đầy hứng thú. Nhân vật được xây dựng trên nền cốt truyện ấy qua các tình tiết sẽ trở nên sáng tạo nếu tác giả vận dụng được một cách tinh tế các yếu tố gây dựng nên hình ảnh nhân vật. Vì thế việc tính cách nhân vật có được thể hiện thành công hay không không thể thiếu cốt truyện. Cốt truyện sẽ là cái sườn đầu tiên cho hình ảnh nhân vật bám vào.
            Nhân vật Hamlet được secxpia viết dựa trên nhân vật Amleth phỏng theo truyện cổ Đan Mạch. Đó là câu chuyện giữa Horwendil và Feng. Horwendil lên ngôi vua sau khi vua Đan Mạch qua đời. Do ghen ghét anh, Feng lập mưu giết Horwendil, lên nối ngôi và lấy chị dâu. Con trai của Horwendil là Amleth giả điên để tìm cách trốn tránh và báo thù. Feng không tin, cho người nấp sau rèm rình nghe cuộc nói chuyện giữa Amleth và Hoàng hậu, Amleth phát hiện và giết chết kẻ đó. Feng phái Amleth sang Anh với bức thư yêu cầu vua Anh giết chết Amleth. Amleth đánh tráo thư, yêu cầu vua Anh chém hai kẻ tháp tùng và gả công chúa cho Amleth. Một năm sau, Amleth từ biệt vợ, trở về giết chết Feng và lên ngôi vua. Câu chuyện có nội dung gần như giống hệt với Hamlet nhưng chủ đề thì lại không giống. Đây chỉ là sự trả thù đẫm máu mang tính gia đình, chứ không có tính bi kịch.
Theo Aristote thì tính cách nhân vật cần phải cao thượng. Nhân vật hành động sẽ có tính cách nếu trong mọi lời nói và việc làm đều biểu thị khuynh hướng của ý chí dù là khuynh hướng thế nào đi nữa. Nhưng tính cách đó sẽ cao thượng nếu nó bộc lộ ra khuynh hướng ý chí cao thượng. Đa số các nhân vật muốn chiếm kĩnh giá trị của thời đại đều mang trong mình bản chất cao thượng mà tác giả xây dựng.
Đến với Sêcxpia nhân vật Hamlet  đã trở thành hình mẫu lý tưởng của thời đại là một con người có tính cách cao thượng. Hamlet hội đủ mọi tố chất của một con người Phục hưng. Ngoài ra, Hamlet còn là một đạo diễn tài ba, một trí thức am hiểu sâu sắc nhiều phương diện cuộc sống…Sêcxpia trao cho chàng hai nhiệm vụ: báo thù cha và dựng xây thời đại. Hamlet với trách nhiệm, bổn phận hoàng tử của mình, người sẽ gánh vác vai trò đứng đầu nhà nước, lại thiên về nghĩa vụ dựng xây. Việc kết hợp hai chủ đề này trong tác phẩm đã khiến mỗi lời nói, hành động của hình tượng trung tâm Hamlet thêm phần đa dạng.
Sêcxpia đã kế thừa những người đi trước một phần đáng kể cho cốt truyện và những tình tiết cơ bản. Nhưng chỉ có ông thì chuyện Amleth mới trở thành bi kịch Hamlet với tất cả giá trị có thể bất chấp thời gian, không gian tường tồn như một kì quan nghệ thuật.  Sêcxpia  đã cải biến câu chuyện trả thù mang tính chất riêng tư của người xưa thành một vở kịch phản ánh sâu sắc những đặc trưng của thời đại ông, nói lên được những nỗi băn khoăn trăn trở về lẽ sống, về ước vọng của người thời đại ấy một cách vô cùng thống thiết. Đó là một tác phẩm kết hợp tuyệt vời giữa thi ca và triết học, giữa nghệ thuật và tư tưởng, giữa sân khấu và cuộc đời.
3.2 Nghệ thuật trộn lẫn giữa cái bi và cái hài
Bằng tài năng sáng tạo, Shakespeare đã thể hiện năng khiếu kì diệu của mình khi chọn đúng ngôn ngữ đắt nhất dể diễn tả điều ông muốn nói.  Với Hamlet, ông chọn thể loại bi kịch. Không chỉ dứt khoát chọn bi kịch, ông còn thấy rõ là ở đây phải trộn lẫn cái bi với cái hài, cái bi với cái hùng, cái cao cả với cái ti tiện. Shakespeare đã phá vở những giới hạn ngặt nghèo, cũ kỉ mà còn sáng tạo ra những biện pháp mới, mở ra những chân trời bao la cho nghệ thuật nói chung.
Hamlet vừa là nhân vật bi kịch, vừa là nhân vật hài kịch. Cái bi – hài của Hamlet toát lên ở chỗ nhân vật mang khát vọng, dục vọng thật lớn lao nhưng kết quả thì không được như ý muốn. Còn cái xấu, cái ác, cái kệch cỡm…phải bị tuyệt diệt thì lại nhởn nhơ tồn tại, lên mặt giáo huấn cái tốt đẹp, nhân văn. Nếu cái hài  là dùng tiếng cười tống tiễn cái xấu, cái già cỗi, lỗi thời… cái hài  trong “Hamlet” lại được dùng để khóc cho sự suy tàn của lý tưởng nhân văn Phục hưng.
Trước hết ở Hamlet Shakespeare đã để cho nhân vật chính của mình đi từ bi kịch đau thương của tinh thần đến thể xác, đồng thời có sự trộn lẫn cái hài tạo ấn tượng sâu sắc cho vở kịch. Tác giả đã xây dựng nhân vật Hamlet trên cái nền của thời đại Phục hưng, một thời đại tồn tại kẻ xấu nhiều hơn người tốt, cái ác luôn luôn hoành hành trong xã hội, thế nhưng, một con người như hoàng tử Hamlet lại hiện lên với nhiều nét đáng kính và được xem là một con người tiêu biểu của thời đại đó.
Hamlet là một con người hào hoa, phong nhã và sống rất có bản lĩnh.  Thế nhưng,  khi Vua cha đột ngột qua đời, đây có thể coi là một nỗi đau không nguôi của hoàng tử Hamlet. Một cái chết quá bất ngờ, Hamlet không thể tin nổi dù đó là sự thật và trong khi mọi việc xẩy ra thì chàng không có mặt ở nhà,  chàng không tin cha mình lại có một cái chết đau đớn và vội vàng đến vậy. Vì thế, lòng Hamlet đau đớn vô cùng và có lúc chàng tưởng như gục ngã, không thể gượng dậy được nữa. Hamlet trở nên khác hẳn, chàng không còn tin một điều gì của cuộc đời nữa. Niềm đau cha mất chưa qua đi thì sự đau đớn lại đến với chàng. Sau cái chết đột ngột của phụ thân không được bao lâu thì mẹ chàng đã vội vàng tái giá mà lại tái giá với người chú ruột, em của bố mình là Clôđiut, sự đau đớn ấy khiến hoàng tử Hamlet dường như mất hết niềm tin vào cuộc đời, chàng chán ghét tất cả. Từ sự việc này đã khiến cho chàng nhiều mối nghi ngờ, đau khổ. Chàng nghi ngờ cái nguyên nhân gây ra cái chết đột ngột của cha, từ sự vội vả, gấp gáp của mẹ. Chàng đã từng chua chát giễu cợt sự vội vàng này: “Để tiết kiệm mà!...Thịt quay trong đám tang đem dùng làm đồ nguội trong đám cưới
Có thể thấy rằng, Shakespeare đã tạo ra cho nhân vật của mình nhiều tình huống độc đáo, đó là nghệ thuật trộn lẫn giữa cái bi và cái hài. Lại một lần nữa chàng chua chát giễu cợt: “Nhẹ dạ, tên gọi của mi là đàn bà mới đúng!”. Mà đây đâu phải chỉ có sự nhẹ dạ? Vì cuộc hôn nhân giữa mẹ và chú ruột đâu phải là chuyện bình thường? Đạo lí xưa nay coi đó là tội loạn luân. Ấy thế mà cả mẹ và chú đều nhởn nhơ, đắc ý, ngày đêm phe phỡn trong yến tiệc và đắm đuối trong chăn khối loạn luân ấy. Họ còn khuyên chàng nên vất bỏ bộ mặt rầu rỉ đau thương mà tận hưởng lạc thú ở cõi đời như họ.
Shakespeare đã để cho nhân vật Hamlet rơi vào bi kịch không lối thoát, nổi đau chồng chất nổi đau. Chàng phải biết vượt qua số phận, vượt lên tất cả để đem lại công lí, đem lại sự trong sạch cho bản thân và đồng thời cũng để trả thù giết cha. Shakespeare đã rất tài tình khi trộn lẫn giữa cái bi và cái hài trong nhân vật của mình. Từ đau thương để biến thành hành động. Hành động của Hamlet là giả điên để tìm hiểu nguyên nhân cái chết của cha và dũng cảm để đưa lại công lí cho xã hội. Chàng sẵn sàng hi sinh tất cả nhưng không thể chấp nhận một cuộc sống loạn luân, đấy chính là sự sáng tạo độc đáo của Shakespeare. Cái hài và cái bi hoà lẫn vào nhau để tạo nên một phong cách sáng tạo mới.
3.3 Nghệ thuật tạo dựng và dẫn dắt hành động kịch
Vì bi kịch là sự mô phỏng hành động, mà hành động là do những nhân vật hoạt động tạo ra, những nhân vật này phải có tính cách và phương thức tư tưởng, nên tư tưởng và tính cách là hai nguyên nhân của hành động, chúng cũng là nguyên nhân của thành công hay thất bại.  Trong mỗi bi kịch cần phải có sáu thành phần, trên cơ sở đó mới thành một vở bi kịch nào đó: Cốt truyện, tính cách, tư tưởng, bài trí sân khấu, văn từ và bố cục âm nhạc. Quan trọng nhất trong đó là thành phần của các biến cố, vì bi kịch không phải là sự mô phỏng con người, mà là sự mô phỏng hành động và cuộc sống, niềm hạnh phúc và điều bất hạnh, mà hạnh phúc hay bất hạnh đều nằm trong hành động. Tính cách quyết định tính chất của mỗi người, còn hành động thì quyết định hạnh phúc hay bất hạnh. Nếu không có hành động thì chưa chắc bi kịch đã tồn tại được…..Aristote đã khảng định sự tồn tại của bi kịch mới làm nên giá trị hay của tác phẩm. Hành động tạo nên tính cách của nhân vật và chính những hành động kịch đưa nhân vật đến các mối xung đột cần giải quyết.
Shakespeare Ở vở bi kịch Hamlet, Sêcxpia đã khéo quy tụ vô khối xung đột, tạo nên tầng tầng lớp lớp mâu thuẫn đan xen, quyện chặt lấy nhau: xung đột cá nhân, xung đột gia đình, xung đột xã hội, xung đột bên trong, xung đột bên ngoài, xung đột đơn (Hamlet – Clôđiut), xung đột kép (Hamlet – Clôđiut – Laơctơ), xung đột bi kịch xen lẫn xung đột hài kịch…Xung đột nào cũng lên tiếng dành quyền nói tiếng nói cuối cùng về phía mình. Do vậy, hiểu Hamlet không phải dễ vào thời nào người đọc cũng đều có cách lý giải, cách hiểu riêng.
Shakespeare đã tạo dựng và dẫn dắt hành động kịch với việc dựng nên hai phe đối nghịch nhau về tất cả mọi phương diện: thịên - ác, chính - tà, ít - nhiều…làm tiền đề cho kịch phát triển.
Nhân vật Hamlet hiện lên trong vở kịch được coi là một đại dịên cho bên chính, Bên cạnh Hamlet chỉ còn mỗi Hôraxiô (một người bạn thân của Hamlet), có nghĩa là chàng không có nhiều cánh tay trợ giúp. Chỉ mình chàng đương đầu với tất cả. Chàng như mãnh sư đơn độc bị ném ra giữa bầy sói đói, thèm khát tiền tài và quyền lực. Chàng phải dũng cảm đương đầu với tất cả, đó chính là con đường mà Hamlet đã chọn.
Khi phụ thân qua đời, Hamlet chỉ còn lại một mình và trước mắt chàng là Clôđiut, kẻ đã mang tội giết anh để đoạt ngôi báu rồi cướp luôn vợ của anh mình và một tên tay chân của hắn là Plôniut. Như vậy ta thấy đây là một cuộc so tài không cân sức, và giờ đây Hamlet chỉ biết tin vào niềm tin của công lí, tin vào chính bản thân mình. Chàng biết việc mình đang làm, biết đựơc những gì sắp sửa diễn ra trên đất nước Đan Mạch nhỏ bé này. Một cuộc chiến sớm muộn cũng sẽ xẩy ra vì chàng không thể cho phép bản thân mình để cho tên phản bội kia nhỡn nhơ ngoài vòng pháp luật được.
Như Aristote đã nó thì tính cách nhân vật phải giống như thật lĩnh hội được điều này, Shakespeare đã để cho Hamlet thực sự biểu lộ thái độ căm phẩn của mình từ cách ăn nói đến hành động cử chỉ, thái độ của chàng đối với những người xung quanh mà đặc biệt là đối với Clôđiut, Plôniut và ngay cả mẹ chàng lúc này là vợ của Clôđiut. Quả thật tâm lí nhân vật khi vấp phải bi kịch sẽ khó lòng mà bình yên, vì thế sự cam phẫn trong cách thể hiện của Hamlet là điều có căn cứ như thật.
Hamlet đã chiến đấu, một cuộc chiến đấu thầm lặng nhưng lại rất mãnh liệt, rất hào hùng, gay go và không kém phần ác liệt bởi những thế lực mà chàng phải đương đầu là những thế lực hung bạo, chúng giám làm tất cả, cho nên muốn thực hiện được kế hoạch của mình một cách trọn vẹn và thu được thắng lợi thì Hamlet cần phải có một sức khoẻ, một lòng dũng cảm, nhưng điều quan trọng nhất ở đây đó là có một niềm tin vào cuộc đời tin vào những gì mà mình đang làm, trí tuệ mách bảo cho chàng những điều mà chàng làm là hoàn toàn đúng.
Nhận thấy được thế lực hùng hậu của Clôđiut, Hamlet nghĩ mình không thể công khai chồng đối mà chàng phải biết vận dụng trí thông minh của mình thì mới có thể dành được thắng lợi. Để tránh khỏi sự truy xét của Clôđiut và những tên tay chân của hắn và để tránh những sự bất lợi cho mình Hamlet đã giả vờ điên. Đây có thể xem là một kế hoạch, một kế hoạch mang tính chiến thuật cao. Nhờ vào việc giả vờ điên của mình mà Hamlet đã nhận rõ hơn bộ mặt thật của Clôđiut, dùng những từ ngữ cay độc nhất để mắng nhiếc chế độ của tên Clôđiut.
Shakespeare đã để cho nhân vật Hamlet trổ hết mọi tài năng của mình, ông tin ở Hamlet, tin ở nhân vật của mình. Ở Hamlet, Shakespeare đã gửi gắm một ước mơ của thời đại, ước mơ về một xã hội thái bình, một xã hội mà trong đó không có những con người gian ác như Clôđiut, không có những người mẹ, người vợ như Giectơrut. Xã hội hội này cần phải có những con người như Hamlet, con người như vậy thì mới có thể cải tạo được thế giới, đưa lại sự bình yên cho nhân dân.  Hamlet là một người hùng có công tiêu diệt kẻ gian ác nhưng đồng thời tiêu diệt thì phải đi đôi với sáng tạo. Hamlet nhận ra đất nước Đan Mạch là một nhà tù. “Chính nước Đan Mạch này là một ngục thất”; “Một ngục thất rất tốt, trong đó có bao nhiêu là gông cùm, hầm giam và ngục tối; mà Đan Mạch là cái ngục thất đáng ghê tởm nhất”. Và cũng từ việc nhận thấy được cái bản chất của xã hội mà mình đang sống nên Hamlet có trách nhiệm giải thoát cho cái xã hội ấy, giải thoát cho những người sống trong xã hội ấy. Đó chính là điều mà Hamlet nhận ra và cũng chính là điều mà chàng cần phải xây dựng. Tiêu diệt Clôđiut đồng nghĩa với việc thiết lập lại trật tự của một đất nước, trật tự của một thời đại.
Trong việc tạo dựng và dẫn dắt hành động kịch của mình, Shakespeare không những tạo dựng nhân vật Hamlet là người dũng mãnh mà còn thể hiện một con người hiếu đạo, một tình yêu thuỷ chung.
Shakespeare đã kế thừa một cách có sáng tạo cốt truyện của những tác giả đi trước để tạo thành một vở bi kịch hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn hình thức. Shakespeare đã biến một câu chuyện trả thù của người xưa thành một vở kịch phản ánh sâu sắc đặc trưng của thời đại ông, nói lên được những nỗi băn khoăn trăn trở về cuộc sống, về ước vọng của con người thời đại ấy một cách vô cùng thống thiết. Hamlet của Shakespeare biết thể hiện mình là một con người dũng mãnh, cái dũng mãnh đó không chỉ thể hiện ở việc tìm ra kẻ thù và báo thù cho cha mà còn là một người có nhiệm vụ thiết lập lại trật tự cho xã hội, đồng thời thể hiện được mình là một con người thông minh, sự thông minh đó đã giúp Hamlet nhận biết được đâu là bạn, đâu là thù, nó còn cho chàng nhận thấy được đường đi của lẽ phải, giúp Hamlet tìm ra được chân lí của cuộc đời. Bên cạnh đó Hamlet còn thể hiện mình là một người con có đạo hiếu. Đạo làm con của Hamlet được thể hiện ở lòng tôn kính đối với người cha và một tấm lòng bao dung độ lượng đối với người mẹ đã lầm đường lạc lối. Đây là một chi tiết góp phần tạo nên hình tượng con người lí tưởng của thời Phục hưng ở trong nhân vật Hamlet.
3.3.4 Nghệ thuật điển hình hóa trong việc xây dựng và thể hiện tính cách nhân vật
Một trong những cống hiến xuất sắc nhất, nổi bật nhất của bi kịch của Shakespeare là nghệ thuật điển hình hoá. Shakespeare đã đặt nhân vật của mình vào một tình huống đầy mâu thuẩn, phức tạp do đó mà toàn bộ tính cách của nhân vật được bộc lộ ra hết, bản chất của nhân vật cũng được phơi bày rõ rệt. Trong khi xây dựng nhân vật Shakespeare rất chú ý đến việc mổ xẻ, phân tích cái quá trình diển biến tâm lí của nhân vật trước mỗi tình huống mà nhân vật gặp phải. Shakespeare quan tâm mô tả không phải chỉ “cái việc mà nhân vật làm” mà đến cả “cái cách mà nhân vật làm” nữa. Chính vì vậy mà nhân vật của ông được cá tính hoá cao độ.
Hoàng tử Hamlet – nhân vật điển hình là người được Shakespeare chú ý miêu tả chi tiết và tỉ mỉ . Shakespeare xây dựng nên khối mâu thuẫn lớn trong tác phẩm bằng sự xung đột giữa hoàng tử Hamlet - người đi đòi nợ giết cha còn một bên là Clôđiut - một kẻ sát nhân. Cả hai tuyến nhân vật này đều cùng nhau xây dựng nên một vở kịch có kết cấu hoàn chỉnh và chặt chẽ.
Hoàng tử Hamlet là một người rất được nhân dân ái mộ,  vì thế mà tên Vua gian ác không thể manh động trên đất Đan Mạch được vì vậy y bày mưu để cho Hamlet đi sang đất Anh cát lợi và rồi giết chàng ở đó. Sự ác độc của Clôđiut không thể nào thắng nổi trí thông minh và niềm tin trong chàng trai trẻ Hamlet nên sau đó Hamlet đã trở về và tiêu diệt Clôđiut.
Tính tư tưởng là biết nói những gì quan hệ đến bản chất và tình huống của sự việc, điều này đạt được nhờ chính trị và hùng biện. Tính cách là cái biểu hiện chiều hướng của ý chí, bởi thế những ngôn từ không chỉ rõ cái người ta yêu thích hoặc ghét bỏ, thậm chí không hoàn toàn có cái đó, thì đấy là thứ ngôn từ không miêu tả tính cách. Hamlet là kiểu nhân vật có ý chí, nung nấu sự trả thù và Shakespeare đã rất tài tình khi xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Từ những nhân vật phản diện để thấy được sự điển hình của nhân vật chính của mình.  Cũng giống như Clôđiut, Plôniut là một viên đại thần, luôn sát cánh cùng Clôđiut trong những mưu đồ xấu xa và cả trong những cuộc nhậu nhẹt, ăn chơi trác táng. Plôniut được xem là bản sao của Clôđiut nên Plôniut cũng như Clôđiut đã nhúng tay vào rất nhiều những việc xấu xa trên đời. Lợi dụng chức quyền lộng hành trong triều đình, chia bè kéo cánh, luôn tìm cách cùng Clôđiut hãm hại hoàng tử Hamlet và y còn mang tội ngăn cản tình yêu của con gái với Hamlet.
Từ khi xuất hiện đến khi kết thúc cuộc đời dưới lưỡi kiếm của Hamlet thì cuộc đời của Plôniut là một cuộc đời đầy ô nhục. Hắn hiện lên là một tên thèm khát tiền tài và quyền lực đến tột độ, cuộc đời của hắn chỉ biết đến tiền bạc địa vị, hắn sẳn sàng đánh đổi tất cả, đánh đổi bằng cả hạnh phúc của chính con gái mình. Plôniut vì muốn thể hiện mình là một bề tôi trung thành cùng Clôđiut tìm cách tiêu diệt Hamlet nên đã ngăn cấm Ôphêlia đến với tình yêu của Hamlet. Plôniut quả là một tên khốn nạn, một người cha mất hết nhân tính, không còn tình phụ tử ở trong người.
Sau khi dùng hai người bạn của Hamlet và dùng cả Ôphêlia để đi dò xét xem Hamlet có điên thật hay không nhưng không thành thì Plôniut đã hiến kế cho Clôđiut bố trí cho Hamlet và mẹ được gặp và nói chuyện với  để biết chính xác Hamlet có điên thật hay không. Thế nhưng sự việc lại không diễn ra theo ý muốn của y mà trái lại Plôniut còn bị Hamlet xuyên cho một mũi kiếm kết thúc cuộc đời ô nhục của hắn. Dù sao thì đó cũng là một sự ban ơn của Hamlet đối với Plôniut vì nếu y sống thêm ngày nào thì sẽ gây ra nhiều tội lỗi và sẽ lãnh một cái chết còn đau đớn hơn bây giờ.
Thêm một nhân vật nữa góp phần quan trọng tạo nên bước ngăn cản trong cuộc đời Hamlet là Laơctơ, con trai của Plôniut. Cùng với cha mình, Laơctơ cũng đã ngăn cấm Ôphêlia đến với tìn yêu của Hamlet, hai nhân tố ấy đã góp phần tạo ra cái chết bi thảm của Ôphêlia - người con gái yếu đuối, tội nghiệp.
Về cuối vở kịch, ta thấy Laơctơ là nhân vật thay mặt cho Clôđiut và Plôniut đứng ra để ngăn cản bước tiến cuối cùng của Hamlet bằng một cuộc đấu kiếm tay đôi với Hamlet, tuy nhiên trong việc này ta thấy Laơctơ cũng chỉ là một con bài trong tay Clôđiut, Clôđiut muốn sử dụng Laơctơ để tiêu diệt Hamlet bằng cách bảo Laơctơ hãy tẫm thuốc độc vào đấu mũi kiếm của mình đông thời y cũng pha sẵn cho Hamlet một li rượu độc phòng khi Hamlet không chết bởi thanh kiếm độc của Laơctơ thì phải chết bởi li rượu đó. Vậy mà, kịch bản lại một lần nữa được lặp lại, giống như số phận của cha mình, Laơctơ cũng bị chết bởi chính mũi kiếm của mình khi hai đấu thủ cướp được gươm của nhau và thế là Hamlet đã đâm trúng Laơctơ băng chính mũi kiếm độc của hắn. Laơctơ bị Hamlet tiêu diệt.
Cũng là nhân vật được điển hình hoá đó là hoàng hậu. Mặc dù là nạn nhân của số phận, là nạn nhân của Clôđiut nhưng bà cũng là một nhân vật được điển hình hoá, đi ngược lại với lí tưởng của thời đại. Bà là một người vợ không chung thuỷ với chồng, lén lút đi tìn tự với trai, có qua nhệ bất chính với em chồng, bà đã bị mê hoặc bởi những dục vọng của đời sống, ở con người bà không thể phân biệt được đâu là thiện, đâu là ác để rồi cùng với Clôđiut ngăn cản bước tiến của Hamlet, gây cho Hamlet nhiều khó khăn vất vả trên đường đi.
Như vậy, ta thấy một kết cục xứng đáng đó là Clôđiut bị Hamlet dùng kiếm độc giết chết, Plôniut thì chết bởi “cao kiến” của chính mình, Laơctơ cũng chết vì lưỡi kiếm độc của mình, hoàng hậu bị chết bởi li rượu độc mà Clôđiut pha dành cho Hamlet. Những cái chết đó xét cho cùng là một sự ban ơn đối với tất cả bọ chúng.
Với nghệ thuật điển hình hoá trong cách xây dựng và thể hiện tính cách nhân vật, Sêcxpia đã để cho Hamlet kết liễu cuộc đời của những nhân vật độc ác, tàn bạo. Đây được xem là một dụng ý nghệ thuật to lớn của tác giả. Từ việc thể hiện nghệ thuật điển hình hoá tác giả đã gửi gắm lí tưởng thẩm mĩ của mình qua vở kịch và qua nhân vật Hamlet. Qua nhân vật Hamlet, chúng ta thấy lí tưởng cao đẹp của con người được bảo vệ vẹ toàn, cái đẹp ở mỗi con người được tôn vinh, cái xấu thì bị loại bỏ. Tuy nhiên, ta thấy ở vở kịch này, nhân vật Hamlet – nhân vật điển hình cũng phải gánh chịu cái chết. Nhưng cái chết của Hamlet là một cái chết cao cả, một cái chết trở thành bất tử, nó khác hoàn toàn với cai chết của Clôđiut, của Plôniut hay Laơctơ. Hamlet chết vì sự nghiệp phục hưng đất nước. Cái chết của chàng là do hạn chế của xã hội, thời đại Hamlet chưa chấp nhận một lí tưởng cao đẹp như Hamlet, khuôn mẫu về con người lí tưởng chưa hình thành ở giai đoạn đó và phải đến sau này người ta mới chấp nhận cái lí tưởng cao đẹp đó.
Như vậy, qua việc thể hiện nghệ thuật điển hình hoá trong cách xây dựng và thể hiện tính cách nhân vật, chúng ta thấy được bộ mặt xã hội mà kịch của Shakespeare phản ánh. Đó là một xã hội không mấy tốt đẹp, ham quyền, đoạt lợi, ham danh vọng để chà đạp lên con người. Tình nghĩa cha con, tình vợ chồng, tình nghĩa ruột thịt đã tan biến để nhường chổ cho những tham vọng mới. Đây được xem là một đóng góp sáng tạo của Shakespeare cho bi kịch của thế giới.
4.       Mối quan hệ giữa tư tưởng chủ đề của nhân vật với văn học, xã hội phương Tây lúc bấy giờ.
Mỗi thời đại lịch sử có một nền nghệ thuật tương xứng “xã hội thế nào thì văn nghệ thế ấy”. Những biến động trong đời sống kinh tế chính trị thường dẫn đến những biến đổi trong lĩnh vực văn nghệ. Hay nói cách khác mỗi sự kiện lịch sử đều có ý nghĩa mở đầu hay kết thúc cho một giai đoạn phát triển nghệ thuật. Khi đề cập đến nền văn học phục Hưng – nền văn học đã góp phần thanh toán thời trung cổ phong kiến – người ra nghĩ ngay đến một nền văn học muôn màu, muôn sắc và nhà văn là những “người khổng lồ” đã tạo nên vườn hoa muôn sắc đó. Đây là thời kì nền văn học châu Âu bước vào một trào lưu mới với chủ nghĩa nhân văn làm nền tảng cơ bản. Thời kì đó kéo dài trong hai thế kỉ 15 – 16, là một bước ngoặt lịch sử với việc làm sống lại, làm mới lại một nền văn hóa đã bị “bóng ma thời trung cổ” nhấn chìm. Ở đó, các nhà văn trở nên kiệt xuất: họ đã hòa mình vào mối quan tâm của thời đại, tích cực tham gia đấu tranh thực tiễn. Người thì dùng lời nói và cây bút, người thì dùng kiếm hoặc cũng có người dùng cả hai cách trên.
Thời đại Phục Hưng đã mở ra một bước ngoặt vĩ đại với những “hình thức chói lòa của nó đã đánh tan bóng ma thời trung cổ” làm bàn đạp tiến lên một thời kì văn minh hơn, tiến bộ hơn. Để có những bước chuyển thần kỳ đó thì tất nhiên trong lòng xã hội đã tích lũy đầy đủ những tiền đề xã hội nhất định. Thực ra đây chính là buổi giao mùa giữa chế độ phong kiến sang chế độ tư bản, mặc dù sự chuyển đổi này vẫn còn nằm trong khuôn khổ xã hội phong kiến.
Sếcxpia sinh ở buổi giao thời giữa hai chế độ. Chế độ phong kiến trung cổ đã tàn nhưng gốc rễ của nó vẫn bám sâu vào đời sống xã hội. Chế độ tư bản chưa được xác lập nhưng thế lực của nó đã toả rộng đến tận các ngõ ngách của xứ sở, quốc gia…Nhà nhân văn chủ nghĩa tiên tiến Sêcxpia, đứng về phía con người, phía nhân dân, đã lên tiếng tố cáo mọi thế lực đen tối đó. Sêcxpia đứng trên lập trường thống nhất quốc gia, ủng hộ nền quân chủ chuyên chế, đã lên án mọi mưu toan chia rẽ đất nước, lôi kéo nước Anh trở về tình trạng chia cắt phong kiến ngày xưa, dìm nước Anh trong vòng lửa máu. Lên án chế độ phong kiến dưới ngòi bút của Sêcxpia một mặt là lên án những kẻ đại diện cho chế độ đó, mặt khác ông còn là lên án nền đạo đức, luân lý của nó.
Trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến trung cổ, Sêcxpia còn đả kích vào nền học thuật của chế độ đó. Sêcxpia không chỉ tấn công vào chế độ phong kiến lỗi thời. Sức sống của Sêcxpia còn mãnh liệt hơn nữa ở thiên tài “vung ngọn giáo” bóc trần lớp sơn hào nhoáng bịp bợm của chủ nghĩa tư bản ngay từ lúc nó vừa mới ra đời. Xuất phát từ quan niệm: “Mục đích của nghệ thuật sân khấu, trước kia cũng như ngày nay đều thế cả, là giơ cao một tấm gương ra trước tự nhiên để phản ánh bộ mặt thật của thời đại mình sao cho thật đúng hình dáng và đặc điểm của nó, mặt tốt cũng như mặt xấu của nó, những đòi hỏi bức thiết của nó”. Sêcxpia đã phanh phui ra ánh sáng một thời đại mà ông lên án là “đảo điên, tan tác”, một thế giới mà ông tố cáo là “một thế giới nhà tù” trong đó Đan Mạch của Hamlet (ám chỉ nước Anh của ông) là “nhà tù đen tối nhất”. Tuy nhiên, giữa thời đại đảo điên ấy, trong cái thế giới nhà tù ấy, giữa cái xã hội nhà tù ấy, vẫn có những con người xứng đáng với danh hiệu Con người – như Hamlet – đã dũng cảm chiến đấu để “xây dựng lại cho nó ngay ngắn, vững vang” để giành lại Tự do và lập lại công lý, dù biết rằng mình có thể phải hy sinh.
Thế lực nhân vật điển hình phản diện ở trong vở bi kịch Hamlet được Shakespeare xây dựng nên bằng hình tuợng của những nhân vật như: Clôđiut; Plôniut; Laơtơ; Giectơrut và triều đình phong kiến suy tan lúc bấy giờ. Họ là những con người thuộc thế lực phản diện được Shakespeare miêu tả và làm nổi bật thông qua nhân vật điển hình chính diện Hamlet. Shakespeare xây dựng nên khối mâu thuẫn lớn trong tác phẩm bằng sự xung đột giữa hoàng tử Hamlet - người đi đòi nợ giết cha còn một bên là Clôđiut - một kẻ sát nhân. Cả hai tuyến nhân vật này đều cùng nhau xây dựng nên một vở kịch có kết cấu hoàn chỉnh và chặt chẽ.
Từ đầu đến cuối vở bi kịch, ta thấy nhân vật Clôđiut hiện lên là một tên sát nhân, một tên dâm ô bỉ ổi, một ông vua hề, ngai vàng và địa vị, kể cả người vợ hắn đang có trong tay đều do cướp đoạt của người khác mà có, cụ thể là y đã cướp đoạt của anh trai mình. Giết anh trai cướp đoạt ngôi báu, dụ dỗ chị dâu tái giá sau cái chết của anh mình chưa đầy hai tháng, đẩy người con trai độc nhất của anh trai mình ra đường, tạo thành hai thế lực đối nghịch nhau trong triều đình... đó là những tội ác của Clôđiut, ông vua nước Đan Mạch hiện tại. Sau khi cướp được ngôi báu, Clôđiut thể hiện mình là một tên vua bù nhìn, ngu dốt nhưng lại ác độc. Kéo bè kéo cánh, chia rẽ trong triều đình, trên bảo dưới không nghe. Clôđiut lại luôn tìm cách hãm hại hoàng tử Hamlet và đồng thời tìm cách che giấu tội lôi của mình. Hoàng tử Hamlet đã phải giả vờ điên loạn để vừa tránh khỏi con mắt dòm ngó của triều đình, mặt khác chàng muốn ẩn mình vào bóng tối để tìm cho ra cái chết của phụ thân mình. Thế nhưng Clôđiut vốn là một tên vua nguy hiểm, lại được sự giúp đỡ đắc lực của tên cận thần Plôniut, y luôn luôn tìm cách loại trừ Hamlet. Ba lần bày mưu dò hỏi xem thử Hamlet có bị điên thật hay không, thế nhưng chẳng thu được kết quả gì lại bị mất luôn tên cận thần Plôniut. Clôđiut đâm ra hoảng loạn. Nhận thấy sự tồn tại của Hamlet ở trong triều đình và trên đất nước Đan Mạch như hiện tại là một mối nguy lớn thường trực và về sau nên Clôđiut quết tâm bằng mọi cách để có thể trừ khử được Hamlet nhưng hoàng tử Hamlet là một người rất được nhân dân ái mộ, y không thể manh động trên đất Đan Mạch được vì vậy y bày mưu để cho Hamlet đi sang đất Anh cát lợi và rồi giết chàng ở đó. Sự ác độc của Clôđiut không thể nào thắng nổi trí thông minh và niềm tin trong chàng trai trẻ Hamlet nên sau đó Hamlet đã trở về và tiêu diệt Clôđiut.
Cũng giống như Clôđiut, Plôniut là một viên đại thần, luôn sát cánh cùng Clôđiut trong những mưu đồ xấu xa và cả trong những cuộc nhậu nhẹt, ăn chơi trác táng. Plôniut được xem là bản sao của Clôđiut nên Plôniut cũng như Clôđiut đã nhúng tay vào rất nhiều những việc xấu xa trên đời. Lợi dụng chức quyền lộng hành trong triều đình, chia bè kéo cánh, luôn tìm cách cùng Clôđiut hãm hại hoàng tử Hamlet và y còn mang tội ngăn cản tình yêu của con gái với Hamlet.
Từ khi xuất hiện đến khi kết thúc cuộc đời dưới lưỡi kiếm của Hamlet thì cuộc đời của Plôniut là một cuộc đời đầy ô nhục. Hắn hiện lên là một tên thèm khát tiền tài và quyền lực đến tột độ, cuộc đời của hắn chỉ biết đến tiền bạc địa vị, hắn sẳn sàng đánh đổi tất cả, đánh đổi bằng cả hạnh phúc của chính con gái mình. Plôniut vì muốn thể hiện mình là một bề tôi trung thành cùng Clôđiut tìm cách tiêu diệt Hamlet nên đã ngăn cấm Ôphêlia đến với tình yêu của Hamlet, ngăn không cho con cái đến với nhau chỉ vì tình riêng hay nói đúng hơn là vì tiền tài và quyền lực, tước đoạt quyền tự do yêu đương chọn lựa hạnh phúc của con gái, đó là một việc làm không xứng đáng với cương vị của một người cha, đã không chăm lo vun vén hạnh phúc cho con lại dang chân đạp đổ nó. Plôniut quả là một tên khốn nạn, một người cha mất hết nhân tính, không còn tình phụ tử ở trong người.
Sau khi dùng hai người bạn của Hamlet và dùng cả Ôphêlia để đi dò xét xem Hamlet có điên thật hay không nhưng không thành thì Plôniut đã hiến kế cho Clôđiut bố trí cho Hamlet và mẹ được gặp và nói chuyện với nhau và tin rằng khi hai mẹ con nói chuyện với nhau thì sự việc sẽ được giải bày, khi đó y đứng nấp sau rèm sẽ nghe thấy và sẽ có kết luận chính xác về việc Hamlet có điên thật hay không. Thế nhưng sự việc lại không diễn ra theo ý muốn của y mà trái lại Plôniut còn bị Hamlet xuyên cho một mũi kiếm kết thúc cuộc đời ô nhục của hắn. Dù sao thì đó cũng là một sự ban ơn của Hamlet đối với Plôniut vì nếu y sống thêm ngày nào thì sẽ gây ra nhiều tội lỗi và sẽ lãnh một cái chết còn đau đớn hơn bây giờ.
Thêm một nhân vật nữa góp phần quan trọng tạo nên bước ngăn cản trong cuộc đời Hamlet là Laơctơ, con trai của Plôniut. Cùng với cha mình, Laơctơ cũng đã ngăn cấm Ôphêlia đến với tình yêu của Hamlet, hai nhân tố ấy đã góp phần tạo ra cái chết bi thảm của Ôphêlia - người con gái yếu đuối, tội nghiệp.
Về cuối vở kịch, ta thấy Laơctơ là nhân vật thay mặt cho Clôđiut và Plôniut đứng ra để ngăn cản bước tiến cuối cùng của Hamlet bằng một cuộc đấu kiếm tay đôi với Hamlet, tuy nhiên trong việc này ta thấy Laơctơ cũng chỉ là một con bài trong tay Clôđiut, Clôđiut muốn sử dụng Laơctơ để tiêu diệt Hamlet bằng cách bảo Laơctơ hãy tẫm thuốc độc vào đấu mũi kiếm của mình đông thời y cũng pha sẵn cho Hamlet một li rượu độc phòng khi Hamlet không chết bởi thanh kiếm độc của Laơctơ thì phải chết bởi li rượu đó. Vậy mà, kịch bản lại một lần nữa được lặp lại, giống như số phận của cha mình, Laơctơ cũng bị chết bởi chính mũi kiếm của mình khi hai đấu thủ cướp được gươm của nhau và thế là Hamlet đã đâm trúng Laơctơ băng chính mũi kiếm độc của hắn. Laơctơ bị Hamlet tiêu diệt.
Mặc dù là nạn nhân của số phận, là nạn nhân của Clôđiut nhưng Giectrut cũng là một nhân vật được điển hình hoá, đi ngược lại với lí tưởng của thời đại. Cái chết của bà ở cuối tác phẩm do uống nhầm phải thuốc li rượu độc mà Clôđiut đã pha chế để dành cho Hamlet có lẽ cũng là một sự ban ơn, một sự chuộc lỗi của bà đối với chồng con. Cái chết của bà giúp Hamlet nhanh gọn kết thúc cuộc đời Clôđiut và cũng là giúp bà không phải nhìn lại tội lỗi của mình và phải dối diện với tội lỗi của chính mình.
Như vậy, ta thấy một kết cục xứng đáng đó là Clôđiut bị Hamlet dùng kiếm độc giết chết, Plôniut thì chết bởi “cao kiến” của chính mình, Laơctơ cũng chết vì lưỡi kiếm độc của mình, hoàng hậu bị chết bởi li rượu độc mà Clôđiut pha dành cho Hamlet. Những cái chết đó xét cho cùng là một sự ban ơn đối với tất cả bọ chúng.
Sêcxpia đã để cho Hamlet kết liễu cuộc đời của những nhân vật độc ác, tàn bạo. Đây được xem là một dụng ý nghệ thuật to lớn của tác giả. Qua nhân vật Hamlet, chúng ta thấy lí tưởng cao đẹp của con người được bảo vệ vẹn toàn, cái đẹp ở mỗi con người được tôn vinh, cái xấu thì bị loại bỏ. Tuy nhiên, ta thấy ở vở kịch này, nhân vật Hamlet – nhân vật điển hình cũng phải gánh chịu cái chết. Nhưng cái chết của Hamlet là một cái chết cao cả, một cái chết trở thành bất tử, nó khác hoàn toàn với cai chết của Clôđiut, của Plôniut hay Laơctơ. Hamlet chết vì sự nghiệp phục hưng đất nước. Cái chết của chàng là do hạn chế của xã hội, thời đại Hamlet chưa chấp nhận một lí tưởng cao đẹp như Hamlet, khuôn mẫu về con người lí tưởng chưa hình thành ở giai đoạn đó và phải đến sau này người ta mới chấp nhận cái lí tưởng cao đẹp đó. Qua nhân vật Hamlet chúng ta thấy được bộ mặt xã hội mà kịch của Shakespeare phản ánh. Đó là một xã hội không mấy tốt đẹp, ham quyền, đoạt lợi, ham danh vọng để chà đạp lên con người. Tình nghĩa cha con, tình vợ chồng, tình nghĩa ruột thịt đã tan biến để nhường chỗ cho những tham vọng mới. Đây được xem là một đóng góp sáng tạo của Shakespeare cho bi kịch của thế giới.
Từ nỗi đau khổ của riêng mình, Hamlet nhìn rộng ra xã hội và thế giới. Nỗi đau của chàng không ngừng lớn lên: chàng đau nỗi đau chung của con người thời đại mình: một “thời đại đảo điên, tan tác” đã biến “Đan Mạch cả chàng thành một ngục thất ghê tởm” và biến “thế giới” thành một “nhà tù đen tối”. Những gì mà chủ nghĩa nhân văn hứa hẹn đem lại cho con người thì giờ đây đang bị các thế lực đen tối đó chà đạp một cách không thương tiếc. Bi kịch của ông phản ánh sự bế tắc và sự tan vỡ của chủ nghĩa nhân văn thời Phục Hưng trước sức mạnh tàn phá của những thế lực phản nhân văn ấy.
Mặc dù là xuất thân từ trong quần chúng lao động nhưng khi viết về vở kịch Hamlet, Shakespeare đã có cái nhìn thấu đáo về thực trạng của một xã hội Anh. Đó có thể xem là một thời kì của xã hội suy đồi, chuyển giao đã làm ảnh hưởng đời sống của nhân dân. Bằng tài năng sáng tạo của mình, Shakespeare đã đã phản ánh thực trang của một xã hội lúc đó vào trong các vở kịch của mình, nói lên những trăn trở băn khoăn về cuộc sống. Chính vì vậy Shakespeare luôn đặt nhân vật chính của mình đi từ trong những bi kịch đau thương để vươn tới những chân lí sáng ngời của cuộc sống. Đây chính là những tư tưởng nhân văn cao đẹp làm nên sức sống lâu bền của sự nghiệp mà ông để lại.
Thông qua những tác phẩm kịch, Sêcxpia đã tái hiện thành công thực trạng của bộ mặt xã hội mà ông đã chứng kiến. Không chỉ là ở Đan Mạch (Hamlet) mà đặc biệt hơn là nước Anh trong bước giao thời chuyển đổi, ở đó chiến tranh chấm dứt, tình trạng phong kiến cát cứ, xé lẻ bị loại bỏ. Nước Anh đang chuyển mình mạnh mẽ để bước vào con đường phát triển Tư bản chủ nghĩa. Phẩm chất hiện thực nổi bật trong tác phẩm của ông dù có vay mượn đề tài từ quá khứ hay lấy cốt truyện từ các nhà văn nước ngoài. Nghệ thuật hiện thực chân chính bao giờ cũng hàm chứa trong nó thái độ đánh giá cuộc sống. Bằng tài năng nghệ thuật Sêcxpia đã xây dựng, lên tiếng ca ngợi con người, cổ vũ cho cuộc sống bình đẳng, thân ái, khẳng định lí tưởng sống tràn đầy phẩm chất nhân văn. Con người theo ông là một kì quan của tạo hoá, một kì quan kì diệu. Nhân vật của ông là những con người hành động luôn luôn vươn lên và bằng hành động khẳng định phẩm chất tốt đẹp của con người.
Dẫu thời gian có phủ mờ đi tất cả nhưng những tác phẩm kịch của Sêcxpia, đặc biệt là về mặt nghệ thuật bi kịch của ông vẫn còn mãi với thời gian. Tất cả đều thể hiện những lý tưởng cuộc sống tốt đẹp, vì vậy tên tuổi của Sêcxpia sống mãi cùng với thời gian.




TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Đặng Anh Đào, Văn Học Phương Tây, NXB Giao Dục, tái bản lần thứ 14
2. Vũ Dương Ninh, Lịch sử Văn minh Thế giới, NXB giáo Dục VN, 2010
3. Wiliam Secxpia, Romeo và Juliet – Hamlet – Otenlo – Macbet – Coriolan, NXB Văn Hóa, Viện Văn học, Hà Nội, 1963