Tuesday, June 9, 2015

NHỮNG CÁCH TÂN NGHỆ THUẬT TRONG THƠ XUÂN DIỆU TRƯỚC CMT8/1945 [ K38. SP Văn, ĐHSP]

Standard





MỤC LỤC

 

 

I.Giới thiệu

1.Tác giả

Xuân Diệu (1916 –1985), một trong những nhà thơ lớn của Việt Nam nổi tiếng với hai tập Thơ thơGửi hương cho gió. Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam có nói: “Khó mà nói được cái ngạc nhiên của làng thơ Việt Nam hồi Xuân Diệu đến. Người đã tới giữa chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy”. Với thơ Xuân Diệu, Hoài Thanh nhận xét: đó là “một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này”. Phải chăng thơ Xuân Diệu đã là chiếc áo mới cho thơ ca Việt Nam lúc bấy giờ với những cách tân về nghệ thuật, và bản thân ông được coi là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”.
Ngoài làm thơ, Xuân Diệu còn là một nhà văn, nhà báo, nhà bình luận văn học. Ông được xem là người tài năng nhất, thành công nhất trên cả hai lĩnh vực: thơ ca và phê bình văn học.

2.Phong trào Thơ Mới

Đầu thập niên 1930, văn hoá Việt Nam diễn ra một cuộc vận động đổi mới thơ ca mạnh mẽ với sự xuất hiện một làn sóng thơ mới với cá tính sáng tác độc đáo. Cuộc canh tân này đi vào lịch sử văn học với tên gọi Phong trào Thơ mới.
Phong trào Thơ mới thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà thơ. Thơ mới đã thật sự thắng thế và thơ ca đã bước vào một thời kì mới. Trên thi đàn lần lượt xuất hiện thêm những ngôi sao và Xuân Diệu là biểu tượng rực rỡ nhất cho những sáng tạo của phong trào thơ mới.
Tính khuynh hướng của nghệ thuật lãng mạn rất đa dạng, có khi lãng mạn, mộng mơ, ai ca, thần bí, anh hùng, triết học, cũng có khi lãng mạn anh hùng, lãng mạn công dân hay lãng mạn xã hội,... Nhưng nét bao trùm chủ nghĩa lãng mạn là mộng mơ. Các nhà thơ muốn thoát khỏi những điều kiện ngột ngạt của xã hội bảo hộ thời thơ mới bằng cách tưởng tượng, trốn vào trong cái thế giới vô cùng lý tưởng ấy. Đối với chủ nghĩa lãng mạn, chỉ có cái gì khác thường, khác người, khác đời, và sự đối lập giữa mộng và thực là đáng kể. Trong hoàn cảnh mất nước, sống giữa cái xã hội hủ lậu, ngột ngạt ấy thì sự đối lập là dễ hiểu.
Trong văn học thời kỳ này, thơ cũng như văn xuôi, cá nhân tự khẳng định, tự biểu hiện ra niềm vui, mơ ước, khát vọng. Cảm hứng sáng tác gắn liền với ý thức cá nhân; thơ mới là thơ của cái "tôi", một cái "tôi" chưa bao giờ được biết đến trong thơ cổ điển. Cái "tôi" bấy giờ không làm việc "tải đạo" nữa mà vượt lên những công thức ước lệ, khuôn khổ định
Buồn, cô đơn là tâm trạng của một cá thể thi nhân nhưng lại là nét chung của các nhà thơ trong trường phái này. Đây không phải là một hiện tượng lạ mà do những nguyên nhân khách quan chung. Họ không biết phải làm gì, phải đi theo hướng nào giữa cái xã hội tan tác ấy. Họ cũng không chấp nhận được cuộc sống tầm thường, tẻ nhạt như mọi người xung quanh. Do đó, họ cảm thấy lạc lõng, bơ vơ giữa xã hội.
Trong thơ mới có nhiều rạo rực, âu lo, có nhiều khát vọng một cách vội vã, căng thẳng, chính cái mới này đã quyết định sự ra đời của thơ mới.
Có thể nơi: Thơ mới ra đời do sự thôi thúc của hai nhu cầu khẩn thiết của lớp thanh niên tiểu tư sản bấy giờ là nhu cầu khẳng định cái "tôi" và nhu cầu thoát ly của cái "tôi" ấy.
Và để hiểu hơn sự cách tân của phong trào Thơ Mới, chúng ta sẽ cũng tìm hiểu Những cách tân nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu trước CMT8/1945 – người được xem là ngôi sao sáng nhất của bầu trời Thơ Mới.

II.Những cách tân nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu trước CMT8/1945

1.Những cách tân của Xuân Diệu trên bình diện quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người

1.1. Quan niệm thế giới đổi thay

Con người là trung tâm của thế giới nhưng con người tồn tại trong thế giới nào? Theo Xuân Diệu đó là một thế giới đầy biến dời, đổi thay. Đây cũng chính là quan niệm nghệ thuật đáng chú ý trong thơ ông. Trong quan niệm của ông hình như không có gì là vĩnh cửu mà tất cả điều có thể biến dời, từ thiên nhiên cho đến lòng người; từ cỏ hoa cho đến tình yêu. Trong bài thơ “Đi thuyền” ông ví cuộc đời này cũng giống như con thuyền đang trôi, mọi vật đổi thay đến không ngờ:
“Thuyền qua, mà nước cũng trôi,
Lại thêm mây bạc trên trời cũng bay;
Tôi đi trên chiếc thuyền này
Dòng mơ tơ tưởng cũng thay khác rồi.
Cái bay không đợi cái trôi;
Từ tôi phút trước, sang tôi phút này ...”
Từ cái nhìn đầy tính chất triết học như vậy, cái nhìn nghệ thuật của Xuân Diệu sẽ hướng nhiều hơn đến khía cạnh đổi thay của thế giới. Đó sẽ là những hình tượng thơ được xây dựng từ cảm xúc về sự biến dời của thế giới, của con người.
Ông nhận ra thiêng liêng như tình yêu mà cũng thay đổi đến không ngờ:
Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết
Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt
(“Giục giã”)
Một cái nhìn thế giới đầy đổi thay như vậy tất yếu sẽ dẫn đến hệ quả là hốt hoảng, “vội vàng“ trong ứng xử. Thế giới đổi thay, đời người ngắn ngủi, cho nên phải “vội vàng“. Hơn một lần Xuân Diệu đã giải thích điều này:
“Men trời sực nức nên mau tạ
Biết trước cho nên đã vội vàng.”
(“Trò chuyện với Thơ thơ”)

1.2. Khẳng định thực tại

Ý thức về sự đổi thay, không có gì là vĩnh viễn sẽ dẫn đến một quan niệm khác trong thơ Xuân Diệu là khẳng định thực tại, khẳng định hiện tại. Bởi lẽ mọi vật, mọi sự đều biến dời, thì cái thực tại và hiện tại có ý nghĩa nhất.
Trong thơ Xuân Diệu, có một Xuân Diệu khát khao với hiện tại, với thực tại, dù đó là một hiện tại mong manh “Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt”, một thực tại đầy trắc trở: “Chiều tứ bề không phá nổi trùng vây”... Xuân Diệu say sưa với hiện tại.Ông đếm từng giây, từng phút của hiện tại vồ dập nó, hưởng thụ nó:

Em vui đi răng nở ánh trăng rằm
Anh hút nhụy của mỗi giờ tự tình
(“Giục giã”)
Say sưa với hiện tại thơ Xuân Diệu có khuynh hướng “vĩnh cửu hóa” thời hiện tại, mong giữ tất cả lại đừng trôi đi. Ông đã từng thể hiện khát vọng đó qua việc “muốn tắt nằng đi”, “Muốn buộc gió lại” để tất cả nguyên vẹn trong cái mơn mởn của sự sống thời hiện tại:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
(“Vội vàng”)

1.3. Khẳng định cái đẹp tươi nguyên, mới mẻ, đầu tiên

Với cái nhìn lãng mạn, Xuân Diệu nhìn thấy vẻ đẹp của thế giới tràn đầy nơi con người, nơi tạo vật, nơi cỏ hoa,… Nhưng cái đẹp trong mắt ông phải là cái đẹp tươi nguyên, mới mẻ, đầu tiên. Chính quan niệm này đã tạo nên cái nhìn rất trẻ trung trong thơ ông.
Đọc thơ Xuân Diệu, người đọc ngạc nhiên sao mà ông hay nói đến “Tình thứ nhất”, “Xuân đầu”, “Đêm thứ nhất” rồi những “thanh tân”, “trinh bạch”, “mới nụ”, “ban sơ”… nhiều đến thế? Đó không chỉ là cách nói mà là biểu hiện của quan niệm: những gì mới mẻ, nguyên vẹn mới đẹp. Với ông, vẻ đẹp của cái thanh tân, trinh bạch, ban sơ có thể làm lu mờ cả trời đất.
Xuân Diệu say sưa, ngây ngất với những vẻ đẹp ban đầu:
Sao buổi đầu êm ái thế
(“Nụ cười xuân”)
Xuân Diệu viết rất nhiều về mùa xuân và mùa thu. Như ông nói: “Với lòng tôi chỉ có hai mùa Xuân và Thu, hai mùa đặc biệt ý nhị, hai mùa có bình minh… Xuân với Thu là hai bình minh trong một năm, sự thay đổi hệ trọng nhất của tâm hồn. Và bởi vậy Thu cũng là một mùa Xuân. Đầu Xuân là bình minh ấm của lòng tôi, đầu Thu là bình minh mát của lòng tôi.” (Thu, trường ca).
Xuân Diệu cũng là người viết nhiều về tuổi trẻ, vì trong quan niệm của ông, tuổi trẻ cũng là nơi bắt đầu của đời người, và cũng chính là vẻ đẹp của cuộc đời. Ông ca ngợi không tiếc lời:
Phố đẹp, người xinh là đời bánh mật
Mặt tươi, môi đậm là gã trai tân
Rộn tuổi trẻ dưới ánh đèn ngây ngất
Reo ái tình trong nhịp máu phân vân.
(“Đêm thứ nhất”)

1.4. Đề cao con người cá nhân

Là thi sĩ của thời đại, Xuân Diệu không thể không nhìn thế giới bằng cái nhìn của thời đại mình. Đó là cái nhìn nghiêng về đề cao con người cá nhân.
Đến Thơ mới nhất là ở Xuân Diệu, ý thức về con người cá nhân phát triển hơn bao giờ hết. Con người trở thành trung tâm của vũ trụ.
Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất
Không có chi bè bạn nổi cùng ta.
(“Hi – Mã – Lạp – Sơn”)
Đó là con người ý thức đến độ nghênh ngang, ngạo nghễ giữa đời: “Chân vồng thành những bước nghênh ngang”, “liếc đời bằng những khóe ham mê”. Đó là con người khát khao sống, không lùi bước trước cuộc đời.

2.Những cách tân của Xuân Diệu trên bình diện nội dung trữ tình và phương thức trữ tình

2.1.Nội dung trữ tình

2.1.1.Thơ Xuân Diệu là thơ của một khát vọng sống mãnh liệt và nồng nàng.

Dường như không một ai không nói đến “nguồn sống rào rạt”, “ lòng say mê yêu đời”, “ niềm khát khao giao cảm với đời”, độ “nồng nàn, tha thiết”… trong thơ Xuân Diệu. Chính khát vọng sống mãnh liệt này đã mang đến cho thơ Xuân Diệu một phẩm chất trữ tình quyến rũ lạ lùng.
Ngay từ bài đầu tiên của tập thơ đầu tiên của ông là bài Cảm xúc đã cho thấy bao nhiêu khát khao của lòng ham sống. Bao nhiêu trạng thái của hành vi sống trở thành trạng thái của cảm xúc trong thơ ông:
Là thi sĩ, nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây.
Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây.
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến
(“Cảm xúc”)
Trong thơ mình và hình như cả trong đời mình, Xuân Diệu bao giờ cũng thể hiện một chất sống mãnh liệt, dào dạt. Xuân Diệu không chịu được sự trung bình, đều đều, phẳng lặng. với ông:
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
(“Giục giã”)
Có thể nói thế giới nghệ thuật của Xuân Diệu là một thế giới “động”, rạo rực, không có gì đứng yên, sống tuôn chảy dào dạt, tìm mọi cách mà thể hiện ra.
Vì lòng ham sống mãnh liệt ấy mà ta nhận thấy trong thơ xuân diệu dù có buồn, cô đơn, thậm chí khổ đau, rên rỉ nhưng không có chỗ nào ông lại tỏ ra là chán chường cả, một loại cảm súc đầy rẫy trong thơ mới. Do vậy, ở đây ta nhận ra một nhân sinh quan tích cực trong nội dung trữ tình của Xuân Diệu bên cạnh cái độc đáo, đặc sắc của nó.
Thơ Xuân Diệu có cái rạo rực của lòng khát khao được sống được giao cảm với cuộc đời. Tình yêu trong Xuân Diệu là biểu hiện tập trung nhất , mãnh liệt nhất của lòng ham sống. Đây cũng là một nội dung trữ tình quan trọng trong thơ ông, thơ của một “thi sĩ tình yêu”, “một ông hoàng thơ tình”…
Tình yêu trong Xuân Diệu mang một sắc thái khác, một quan niệm khác. Đó là thứ tình yêu rất trần thế mà không bị trần tục hóa:
Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!
(“Xa cách”)
Một nét đặc sắc nữa trong cảm xúc tình yêu của thơ Xuân Diệu là ông đã nâng niu tình yêu thành triết lí về sự sống. Xuân Diệu xem tình yêu cao hơn chính nó, đó không chỉ là tình yêu nữa mà là sự sống.
Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ không thương một kẻ nào ...
(“Bài thơ tuổi nhỏ”)


2.1.2.Thơ Xuân Diệu là nỗi băn khoăn về con người và cuộc đời.

a.      Niềm “băn khoăn” đã tạo nên một mặt khác của nội dung trữ tình trong thơ Xuân Diệu bên cạnh lòng khát khao ham sống của ông.
Đọc thơ Xuân Diệu đầy những câu hỏi thảng thốt, lo âu, những câu hỏi ẩn chứa bao nhiêu nỗi băn khoăn trước cuộc đời:
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn
(“Chiều”)
Có điều những băn khoăn ấy ở Xuân Diệu không còn là băn khoăn của tư tưởng nữa mà trở thành cảm xúc của thi ca, để tạo nên một nội dung trữ tình rất đặc sắc trong thơ ông.
b.    Cái băn khoăn lớn nhất ám ảnh trong mỗi hình tượng thơ Xuân Diệu là sự bất lực, hữu hạn của con người trước cái vô hạn của cuộc đời.
Trước hết , đó là sự đối lập giữa cái khoảng khắc của đời người với cái tuôn chảy của thời gian. Ông cay đắng nhận ra đó là giới hạn mà con người không thể vượt qua.
Nhưng mà tôi sẽ chết, than ôi!
Tôi kẻ đưa răng bấu mặt trời,
Kẻ đựng trái tim trìu máu đất,
Hai tay chín móng bám vào đời.
(“Hư vô”)
Cũng phản phất của những nuối tiếc, những buồn đau như thể hiện lên khắp những trang thơ của ông. Ông đã từng khắc phục bằng sự “ vội vàng” bằng sự níu kéo nhưng đó chỉ là giả định có tính chất lí tưởng mà thôi. Cho nên ông vẫn không thể giấu được nỗi buồn đằng sau sự cuồng nhiệt của mình.
Thứ hai, băn khoăn của thơ Xuân Diệu là ở những  “ khoảng cách” đời người mà không dễ gì khắt phục được.
Càng buồn, càng cô đơn, càng muốn thoát ra khỏi nó. Nhưng mà biết đâu khi mà “chiều tứ bề không phá nổi trùng vây” của cuộc đời, đành làm con nai bị chiều đánh lưới, đứng sầu muộn giữa cuộc đời. hình ảnh “ con nai bị chiều đánh lưới” ẩn chứa là tất cả những ray rứt và băn khoăn của một tâm hồn không có lối ra trước cuộc đời.
Với những nội dung trữ tình như đã phân tích, thơ Xuân Diêu có một cung bậc riêng , một giọng điệu riêng trong tiến trình hiện đại hóa thơ Việt Nam. Những nội dung ấy cũng tạo nên một phong cách , một “ chất Xuân Diệu” trong thơ, xác lập một vị trí quan trong của ông trong thơ Việt Nam hiện đại.

2.2.Phương thức trữ tình

2.2.1Cách xây dựng hình tượng trong thơ Xuân Diệu

2.2.1.1Cái tôi
Với quan niệm đề cao con người cá nhân, xem con người là trung tâm thế giới, cái tôi trong thơ Xuân Diệu luôn được khẳng định. Chính  vì vậy trong thơ ông , chủ thể trữ tình thường xuất hiện dưới dạng bộc lộ trực tiếp như “tôi” , là “anh” , là “em”.
                             Tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ
         Mà vạn vật là muôn đá nam châm
Đây là một phương thức rất phổ biến trong thơ Xuân Diệu. Trong thơ ông chủ thể luôn bộc lộ cái tôi rõ ràng .Chính cái tôi ấy làm nên những nét đặc trưng, sống động. Cái tôi mang nhiều nét nghĩa, sắc thái, có khi đó là một cái tôi buồn, có khi đó là cái tôi khát vọng sống và tình yêu mãnh liệt,…được thể hiện một cách tha thiết, cuồng nhiệt.
2.2.1.2Bỏ tư duy ước lệ trong thơ cổ điển mà chuyển sang tư duy cá thể hóa
Tư duy ước lệ thường được sử dụng trước đây có tính hàm súc, ngắn gọn, uyên tâm nhưng bên cạnh đó có nhiều hạn chế đó là khuôn khổ, gò bó,công thức. Và đến Xuân Diệu ông đã thoát khỏi cái công thưc đó, ông sáng tạo ra những tư duy theo cảm nhận của riêng ông. Đó có thể là những hình ảnh được ông nâng cấp nó bay bổng, nó đa dạng muôn màu hơn. Những màu sắc, âm thanh trở nên sống động, phong phú thoát khỏi tư duy cổ diển “ Này đây hoa cỏ đồng nội xanh rì”. Qua phương thức này cho thấy tài hoa của nhà thơ, gieo vào lòng người đọc những hình ảnh, cảm xúc mới mẻ hơn.

2.2.2.Cách cảm nhận cuộc sống của nhà thơ

Xuân Diệu bộc lộ trữ tình trên cơ sở cảm nhận chủ quan về thế giới. Ông có một cách nhìn riêng, cách cảm nhận riêng, có những cảm xúc riêng và cách thể hiện cũng rất riêng khi thẻ hiện, miêu tả về thế giới. Vì thế lối thơ của ông luôn khác với các thơ cổ điển, đem đến cho người đọc những cảm xúc chân thực, rõ nét nhất. Ví dụ như trong bài “Hẹn hò”. Tất cả những gì ông nhìn, cảm nhận đều được đi vào thơ của ông.
Thế giới trong thơ của Xuân Diệu thường thiêng về cảm tính , chứ không phải là lí tính. Thơ Xuân Diệu tư duy bằng cảm giác chứ không phải bằng “ý tưởng”. Những gì đến với nhà thơ đều là những điều tựu nhiên nhất chứ không phải là những cái đã được định sẵn, rập khuôn. Đó có thể là cảm nhận vẻ đẹp mùa xuân tươi tắn, phơi phới:” Tháng giêng ngon như một cặp môi gần…”
Mặc dù thiêng về cảm tính nhưng thơ Xuân Diệu vẫn mang những triết lí nhân sinh sâu sắc như sống phải cống hiến, phái có khát khao, yêu đời, lạc quan.

2.2.3.Nghệ thuật  vận  dụng, mở rộng tận cùng và sáng tạo các giác quan

Trước đây trong thơ cổ, nhà thơ chủ yếu cảm nhận thế giới xung quanh bằng việc nghe nhìn và một ít khứu giác. Nhưng đến Xuân Diệu không chỉ dừng lại ở thị giác, thính giác mà còn huy động hết cả vị giác, xúc giác, khứu giác. Thể hiện rõ qua các bài như:, Nụ cười xuân, chiều, vội vàng…

2.2.4. Giọng điệu

Giọng điệu trong thơ Xuân Diệu rất đa dạng lúc mềm mại,lúc lả lơi,khi lại da diết và chủ yếu là giọng điệu vui tươi,sôi nổi nồng nhiệt. Ví dụ như qua bài “ vội vàng” ta cảm nhận được nhiều giọng điệu hòa lẫn, lôi cuốn người đọc. Qua đó cũng thể hiện được cảm xúc của nhà thơ và độc giả như hòa nhịp, đồng cảm với nhà thơ.

3.Những cách tân của Xuân Diệu trên bình diện thể thơ và ngôn ngữ thơ

          3.1.Thể thơ

3.1.1.Các thể thơ chủ yếu của Xuân Diệu

Hai đại diện tiêu biểu cho thơ Xuân Diệu đó chính là Thơ thơGửi hương cho gió .Trong hai tập thơ này, ta thấy Xuân Diệu có hầu hết các thể thơ tiêu biểu của Thơ mới. Cụ thể:

Thể loại
Số lượng(bài)
Tỉ lệ(%)
Thơ 4 tiếng
2
2
Thơ 5 tiếng
5
5
Thơ 7 tiếng
47
49
Thơ 8 tiếng
32
33
Thơ lục bát
7
7
Thơ tự do
4
4
Tỉ lệ này trong Phong trào Thơ mới là:
Thể loại
Số lượng(bài)
Tỉ lệ(%)
Thơ 4 tiếng
6
1
Thơ 5 tiếng
21
5
Thơ 7 tiếng
192
42
Thơ 8 tiếng
146
31
Thơ lục bát
41
9
Thơ tự do
51
11
Thơ 12 tiếng,
Thơ song thất lục bát
5
1

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Những cách tân nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu giai đoạn 1932-1945, GS.Lê Tiến Dũng)
Như vậy, rõ ràng các thể thơ Xuân Diệu đã sử dụng có một tỉ lệ khá tương ứng với các thể thơ được sử dụng trong Phong trào Thơ mới. Xuân Diệu chỉ khác họ ở chỗ, ông tập trung vào một số thể loại nhất định, đó là: thơ 7 tiếng và thơ 8 tiếng(82%).

3.1.2.Những cách tân của Xuân Diệu về mặt thể thơ

3.1.2.1.Thơ Xuân Diệu chủ yếu là những thể có số câu đều đặn, ít bài có số câu dài ngắn khác nhau
Từ bảng thống kê trên, không khó để nhận ra trong hai tập thơ tiêu biểu của
Xuân Diệu, có tới 96% các bài thơ viết theo những thể cố định, có số chữ trong mỗi câu như nhau( bốn, năm, bảy, tám, sáu-tám) và chỉ có bốn bài theo lối tự do
(chiếm 4%), có thể kể ra như: “Khí chiều chăng lưới”, “Vội vàng”, “Hoa nở để mà tàn”, “Thở than”. Nhưng cũng ngay trong bốn bài này, lại đa số là những câu đều đặn, ví dụ:
Hoa nở để mà tàn; 
Trăng tròn để mà khuyết; 
Bèo hợp để chia tan; 
Người gần để ly biệt 
Hoa thu không nắng cũng phai màu, 
Trên mặt người kia in nét đau.
(“Hoa nở để mà tàn”)
 (Bài thơ có 6 câu, đã hết 4 câu 5 tiếng, 2 câu còn lại thì đều 7 tiếng.)
3.1.2.2.Thơ 7 tiếng là thể Xuân Diệu sử dụng nhiều nhất
          Trong tổng thể 97 bài Xuân Diệu sáng tác trong Thơ thơGửi hương cho gió , đã có 47 bài viết theo thể 7 tiếng, chiếm đến một nửa( 49%).
Thơ 7 tiếng của Xuân Diệu so với thể thất ngôn cổ điển có những điểm khác biệt hoàn toàn:

Thất ngôn cổ điển
Thơ 7 tiếng của Xuân Diệu
-Ràng buộc bởi những niêm luật chặt chẽ
-Tự do
-Giới hạn về số câu: thất ngôn tứ tuyệt(4 câu), thất ngôn bát cú(8 câu)
-Không giới hạn về số câu: 4, 8, 16, 20, 32, 48 ...câu
-Bị ràng buộc bởi quy luật đề-thực-luận-kết
-Không bị ràng buộc bởi quy luật đề-thực-luận-kết
         
          Tuy vậy, vẫn có những điểm gặp gỡ giữa hai thể loại này. Nếu để ý, dễ thấy thơ 7 tiếng của Xuân Diệu còn chịu nhiều ảnh hưởng của thể thất ngôn cổ điển, như sau:
-Mỗi bài thơ 7 tiếng của ông đều được chia thành khổ, mỗi khổ có 4 câu, tựa như một bài thất ngôn tứ tuyệt vậy:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;
Đây mùa thu tới - mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.

Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa mầu xanh;
Những luồng run rẩy rung rinh lá...
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.


Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ...
Non xa khởi sự nhạt sương mờ...
Đã nghe rét mướt luồn trong gió...
Đã vắng người sang những chuyến đò...

Mây vẩn từng không chim bay đi,
Khí trời u uất hận chia ly.
ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn ra, nghĩ ngợi gì.
(“Đây mùa thu tới”)
-Gieo vần theo lối thất ngôn tứ tuyệt: vần được gieo ở câu 1,2, 4:
Hết ngày, hết tháng, hết! em ôi!
Kinh hãi không gian quặn tiếng còi.
Anh ngóng tìm em, tuy thấy đó,
Sắp xa thôi cũng tựa xa rồi!
(Trích “Hết ngày hết tháng”)
-Cách ngắt nhịp tương tự như thơ thất ngôn cổ điển: 4/3, 2/5, 5/2, 2/2/3, 1/6 nhưng phổ biến nhất cũng là 4/3:
Vườn cười bằng bướm,/ hót bằng chim;
Dưới nhánh,/ không còn một chút đêm:
Những tiếng tung hô/ bằng ánh sáng
Ca đời hưng phục/ trẻ trung thêm.
(“Lạc quan”)
èThơ 7 tiếng của Xuân Diệu vừa cổ điển lại vừa hiện đại.Rõ ràng, những cách tân của Xuân Diệu là có cơ sở.
3.1.2.3.Thơ 8 tiếng- sáng tạo độc đáo của Phong trào Thơ mới, của Xuân Diệu
Trước Phong trào Thơ mới đã có sự tồn tại của thơ 8 tiếng.Ta bắt gặp nó trong ca trù, trong các đoạn sử, nói lệch, nói đếm, nói hạnh (hát chèo)...hay trong “Phan Bội Châu toàn tập”( 1926-1927). Thế nhưng, phải đến thơ mới, thể 8 tiếng mới khẳng định được vị trí quan trọng vốn có của nó và trở thành một thể thơ có ý nghĩa, chỉ đứng sau thơ 7 tiếng.
Riêng Xuân Diệu, chỉ trong tập Thơ thơGửi hương cho gió, thơ 8 tiếng đã lần lượt chiếm 24%(11/41 bài), 41%(21/51).
 Đặc điểm:
-Cấu trúc một bài thơ 8 tiếng của Xuân Diệu cơ bản tổ chức theo lối tự do, đa số là những bài dài( có bài dài hơn 60 câu: “Dối trá”-63 câu, “Thanh niên”-65 câu), ngắn nhất là 15 câu(“Yêu”).
- Trong thể 8 tiếng, ông đã có những cách tân sáng tạo, cho ra đời khái niệm đoạn thơ. Trong tất cả 32 bài thơ viết theo thể 8 tiếng của ông, đã có 19 bài chia theo đoạn, số còn lại là chia theo khổ
Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm; 
Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em. 
Không gì buồn bằng những buổi chiều êm. 
Mà ánh sáng đều hoà cùng bóng tối. 
Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối; 
Vài miếng đêm u uất lẩn trong cành; 
Mây theo chim về dãy núi xa xanh 
Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ 
Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ. 

Thôi hết rồi! Còn chi nữa đâu em! 
Thôi hết rồi, gió gác với trăng thềm. 
Với sương lá rụng trên đầu gần gũi, 
Thôi đã hết hờn ghen và giận tủi. 
(Được giận hờn nhau! Sung sướng bao nhiêu!) 
Anh một mình, nghe tất cả buổi chiều 
Vào chậm chậm ở trong hồn hiu quạnh. 

Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh. 
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi! 
Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi, 
Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời. 
Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm! 
Em! Xích lại! Và đưa tay anh nắm!
(“Tương tư chiều”)
(Bài thơ có 22 câu, được chia làm 3 đoạn: đoạn 1-9 câu đầu, đoạn 2-7 câu giữa, đoạn 3-6 câu cuối.)
          -Gieo vần: phỏng theo cách gieo vần của thơ Pháp:
          +Vần liền:
Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm,
Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu
Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều
Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng.
Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng;
(Trích “Xuân không mùa”)
          +Vần gián cách
Bóng đêm biết thở đều hơi gió mát
Chung quanh ta im lặng đã buông rèm
Gió xa quá, trời xuân êm bát ngát
Biết lời gì nói hết được yêu em

                                                (Trích “Bóng đêm”)

3.2.Ngôn ngữ thơ

Nhắc tới Xuân Diệu, người ta nhớ đến lá cờ đầu trong cuộc cách mạng thơ ca. Bởi lẽ ông đã đưa vào thơ một hệ thống từ vựng mới và cách sử dụng mới. Đó là một hệ thống các từ mang đầy tính cá thể hóa, chứ không còn nặng về ước lệ như thơ cổ điển.Hệ thống từ vựng thơ Xuân Diệu mới mẻ đến mức  nhiều người không chấp nhận được, không cảm nhận được. Chính Hoài Thanh cũng cho là:  “lời văn Xuân Diệu có vẻ chơi vơi, Xuân Diệu làm văn như trẻ con học nói, hay như người ngoại quốc nói võ vẽ tiếng Nam, câu văn tuồng bỡ ngỡ” . Nhưng rồi chính Hoài Thanh cũng khẳng định cái ngô nghê ấy chính là chỗ Xuân Diệu hơn người.
Ta muốn ôm 
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
 
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
 
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
 
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
 
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
 
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
 
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
 
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
( Vội Vàng)
Rồi một loại cách diễn đạt rất Tây khác như:
“ Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh”
(Đây mùa thu tới)
Cũng là thể hiện sự trơ trọi, trút lá của cây cối nhưng Xuân Diệu lại đưa vào thơ một cách diễn đạt rất mới, rất Tây mà có lẽ là từ văn chương Pháp mà ông ít nhiều bị ảnh hưởng: “Hơn một”.
Tuy  cách sử dụng của Xuân Diệu không phải bao giờ cũng thành công, nhưng điều đáng ghi nhận là nhà thơ luôn có ý thức tìm tòi những điều mới, xa rời những lối mòn xưa nay đã quá quen thuộc tới mức giả dối, chán ngắt trong thơ xưa.  Có lần Xuân Diêu đã nói: “ Chúng ta phải tạo thêm, bày đặt ra những cách dùng mới”.
Nói hệ thống ngôn ngữ thơ Xuân Diệu có những đổi mới không có nghĩa là ông hoàn toàn đoạn tuyệt với hệ thống ngôn ngữ cũ. Xuân Diệu vẫn sử dụng những ngôn từ ấy, nhưng cách dùng đã được biến hóa, đổi mới rất nhiều. Trong thơ Xuân Diệu ta thấy ngôn ngữ vẫn có những từ cổ quen thuộc: buồn cô liêu, người du tử, buồn tiêu tao, ta như cô khách… Có thể nói Xuân Diệu từ nền tảng cái cũ để làm mới thơ mình. Ông mượn cái buồn tiêu tao của thơ xưa để diễn tả nỗi buồn của ngày hôm nay.
Càng cao càng lạnh trao lôi, 
Trên cung xanh vắng lạnh thôi mấy chừng!
( Bụi mưa mờ cũ)
Từ “cung xanh” vốn là từ cổ, chỉ chốn cung trăng trên thiên đường, nay Xuân Diệu đưa vào thơ để nói tới cái nỗi sầu nhân thế. Thơ xưa quan niệm càng nhiều điển cố điển tích càng hay, nhưng ở thơ Xuân Diệu, trái lại rất ít điển cố, điển tích, hoặc nếu có đều được sử dụng rất sáng tạo.
Thơ ca cổ điển bị gò bó bởi niêm luật chặt chẽ nên tính nhạc bị hạn chế. Đến thơ mới, tính nhạc đã trở thành một đặc điểm quan trọng. Và Xuân Diệu luôn dẫn đầu trong hành trình đổi mới ấy. Lời thơ Xuân Diệu trước hết là lời thơ giàu nhạc tính. Một tâm hồn yêu đời yêu người đã tạo nên những câu thơ với nhạc điệu nồng nàn, thiết tha. Tạo nên nhạc điệu của thơ ông còn ở cách hiệp vần, phối thanh...Về cách hiệp vần, thơ Xuân Diệu chủ yếu hiệp vần chân dày đặc, về thanh điệu, ông sử dụng vần bằng nhiều hơn vần trắc, làm cho lời thơ đầy âm vang. Và nói như Hoài Thanh là “êm tai hơn”.
Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm, 
Anh nhớ em, em hỡi! anh nhớ em 
Không gì buồn bằng những buổi chiều êm 
Mà ánh sáng mờ dần cùng bóng tối 
Có thể nói, thơ Xuân Diệu giai đoạn trước cách mạng tháng tám 1945 đã có rất nhiều cách tân sâu sắc. Trong đó, không thể không nghiên cứu đến những biến chuyển rõ rệt về ngôn ngữ thơ để có một cái nhìn toàn diện và sâu sắc về thơ ông.

III.Kết luận

Xuân diệu là một hiện tượng nghệ thuật điển hình cho cả thế hệ thi nhân giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám. Thật vậy, cái mới của Xuân Diệu mang lại không chỉ ở cách dùng từ, đặt câu, tạo hình mới mẻ,… mà chính là ở cái cảm xúc mới, sức sống mới dạt dào, sôi nổi, trẻ trung biểu lộ một quan niệm nhân sinh, thẩm mĩ mới mẻ. Ông được xem là một hiện tượng phong phú và đa dạng, không chỉ phong phú đa dạng về loại thể sáng tác, về đề tài phản ánh mà còn về bút pháp nghệ thuật. Ông xứng đáng với danh xưng “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”. Xuân Diệu thực sự là một tác giả tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại thế kỉ XX, là đại biểu không chỉ xuất sắc của phong trào Thơ mới và là một trong những nhà thơ hàng đầu của thơ ca Việt Nam cả sau cách mạng tháng Tám 1945.
-HẾT-