Pages

Pages - Menu

Sunday, June 14, 2015

PHƯƠNG THỨC VÀ NỘI DUNG TRỮ TÌNH THƠ MỚI 1930 -1945



A. Phương thức trữ tình
Thơ mới biểu hiện một cuộc cách mạng của tư duy thơ : đặt cái tôi cá nhân ở trung tâm cảm thụ thế giới. Trong Thơ mới, có một sự giao hòa giữa thế giới nội cảm (cảm xúc, cảm giác, tâm trạng) của chủ thể trữ tình với thế giới ngoại cảnh, có sự nới rộng những biên độ của sự cảm thụ thế giới bằng việc kết hợp các giác quan một cách kỳ lạ. Điều này được thể hiện ở một số bình diện như sau :

- Hiện tượng nhân hóa, nội cảm hóa ngoại cảnh, làm cho ngoại cảnh nhuốm màu cảm xúc con người (Nắng chia nửa bãi, chiều rồi.../ Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu / Sợi buồn con nhện giăng mau / Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây – Ngậm ngùi, Huy Cận; Đây thôn Vỹ Dạ, Hàn Mặc Tử). Thiên nhiên trong thơ mới là một thứ thiên nhiên rạo rực những cảm giác của con người (Vườn cười bằng bướm hót bằng chim / Dưới nhánh không còn một chút đêm / Những tiếng tung hô bằng ánh sáng /ca đời hưng phục trẻ trung thêm – Lạc quan, Xuân Diệu; Gió kinh khủng vừa rên vừa hắt thở / Đem trái tim làm uất cả không gian/ Gợi bóng hình những thân thể cơ hàn/ Với môi tím cảnh nghèo vạc mặt – Tiếng gió)
- ở phía ngược lại, có hiện tượng ngoại cảnh hóa tâm hồn (Sao ở đâu mọc lên trong đáy giếng / Lạnh như hòn u tối vạn yêu ma ? / Hồn của ai trú ẩn ở đầu ta? / ý của ai trào lên trong đáy óc,/ Để bay đi theo tiếng cười điệu khóc – Ta, Chế Lan Viên; Đây chùm thương nhớ, khóm yêu đương / Đây em cành thẹn lẫn cành thương- Xuân Diệu)
- Có những ẩn dụ kỳ lạ nối liền thế giới ngoại cảnh, thế giới sự vật với thế giới con người : Trăng vú mộng của muôn đời thi sĩ / Trong khung xám của mùa đong bằng sắt / Đôi giếng mắt chứa trời vạn hộc / Mùa xuân chín ửng trên đôi má.. – Xuân Diệu; những tập hợp từ ngữ hòa trộn các giác quan đến mức kì dị : Nhạc thơm, gió thơm, hương mến yêu, uống hồn, tháng giêng ngon như một cặp môi gần, mùi tháng đều rớm vị chia phôi...
- Đặc biệt là hiện tượng hòa trộn giác quan để cảm thụ thế giới (chịu ảnh hưởng của thơ ca tượng trưng phương Tây). Điển hình xuất sắc là Nguyệt Cầm của Xuân Diệu.
B. Nội dung trữ tình
Trong thời điểm khởi đầu của phong trào Thơ mới, Thế Lữ viết tuyên ngôn cho một cuộc cách mạng thơ ca : Tôi là kẻ bộ hành phiêu lãng / Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi / Tìm cảm giác hay trong tiếng khóc câu cười, / Trong lúc gian lao trong giờ sung sướng, / Khi phấn đấu cũng như hồi mơ tưởng / Tôi yêu đời cùng với cảnh lầm than, / Cảnh thương tâm , ghê gớm hay dịu dàng. / Cảnh rực rỡ ái ân hay dữ dội – Cây đàn muôn điệu, Thế Lữ. Thơ mới là tiếng lòng của một tâm hồn rộng mở với thế giới, một tâm hồn được cởi bỏ khỏi mọi ràng buộc, chính vì vậy, từ góc độ loại hình, Thơ mới thuộc loại thơ trữ tình, thường lấy thiên nhiên và tình yêu làm đề tài phản ánh, nó đối lập với thơ ca tuyên truyền cổ động, thơ ca mang màu sắc chính luận. Chính vì vậy, yếu tố chi phối sự vận động của một văn bản thơ là mạch cảm xúc, là đời sống nội tâm của chủ thể trữ tình.
1. Nỗi buồn, sắc thái thẩm mỹ chủ đạo của thơ mới :
Xuất phát từ những nguyên nhân có tính lịch sử, văn hóa và xã hội (một thời đại đau khổ của dân tộc, một giai đoạn tan vỡ của các hệ giá trị, một thế hệ thanh niên đang kiếm tìm lý tưởng – bi kịch “thiếu một niềm tin đầy đủ”, nói như Hoài Thanh) mà nỗi buồn trở thành tâm trạng phổ biến bao trùm lên toàn bộ Thơ mới. Có nhiều sắc thái của nỗi buồn được biểu hiện trong Thơ mới
- Có cái buồn vô cớ, dịu nhẹ như trong thơ Xuân Diệu (Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều / Lòng không sao cả hiu hiu khẽ buồn .... – Chiều; Không gì buồn bằng những buổi chiều êm / Mà ánh sáng điều hòa cùng bóng tối.. . Anh một mình nghe tất cả buổi chiều / Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh – Tương tư chiều,)
- Có cái buồn thê thiết, ảo não, cái buồn trở thành một thứ ám ảnh, thấm đẫm trong thế giới quan, một thứ “sầu vạn kỷ” thuộc về bản chất của thân phận con người như trong thơ Huy Cận (Buồn đêm mưa, Tràng giang)
- Có cái buồn tuyệt vọng như trong thơ Hàn Mặc Tử (Máu đã khô rồi, thơ cũng khô / tình tôi chết yểu tự bao giờ / Từ nay trong gió, trong mây gió / Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ.... Ta trút linh hồn giữa lúc đây / Gió sầu vô hạn nuôi trong cây / - Còn em sao chẳng hay gì cả ? / Xin để tang em đến vạn ngày – Trút linh hồn, HMT)
- Và cũng có khi cái buồn nhuốm màu bi quan, bế tắc, rã rời suy sụp, nhuốm màu sắc sa đọa như trong thơ Vũ Hoàng Chương (Chưa cuối xứ mê ly, chưa cùng trời phóng đãng / Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men / Say đi em, say đi em / Say cho lơi lả ánh đèn, / Cho cung bậc ngả nghiêng, điên rồ xác thịt/ Rượu rượu nữa và quên, quên hết – VHC; Hay buông lại gần đây làn tóc rối / Sát gần đây, gần nữa cặp môi điên / Rồi em sẽ dìu anh trên cánh khói / Đưa hồn say về tận cuối trời quên – Quên; Nằm say nhựa tỏa cánh xiêu xiêu / Giường thấp nghe trời xuống tịch liêu/ Sự nghiệp nào đâu trưa nắng xế/ Hòa phai thề ước lá tàn yêu / Ngoài ba mươi tuổi duyên còn hết / Một ván cờ thua ngã bóng chiều – Ngoài ba mươi tuổi – VHC)
- Đương nhiên, trong Thơ mới cũng có những màu sắc trong sáng, êm nhẹ, những khoảng sáng vui tươi khi con người cá nhân tìm về với thực tại, với thế giới con người, với tuổi trẻ, với quê hương đất nước (Thơ duyên, Xuân Diệu; Thơ của Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Quê hương của Tế Hanh)
2. Gắn liền với nỗi buồn là cảm quan về sự cô độc, sự lạc loài, sự bé nhỏ và cả cảm giác bất bằng lòng, thậm chí đến mức đối lập gay gắt giữa con người với thế giới hiện tại
- Cảm giác bao trùm Thơ mới là một sự bất bình sâu xa với thực tại. Có một sắc thái bi quan ám ảnh cái nhìn về thế giới của nhiều tác giả Thơ mới. Hiện thực hiện lên trong mắt họ là tầm thường, giả dối, là đau khổ (Trời hỡi trời, hôm nay ta chán hết/ Những sắc màu hình ảnh của trần gian – Chế Lan Viên; Quanh quẩn mãi với vài ba dáng điệu / Tới hay lui cũng chừng ấy mặt người –Huy Cận; Ghét những cảnh không đời nào thay đổi / Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối / Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng – Thế Lữ)
- Chính vì vậy, cảm giác cô đơn trở thành một cảm giác ám ảnh trong Thơ mới. Đó là cảm giác cô đơn, nhỏ nhoi của con người, tâm hồn lạc loài đơn chiếc (Buồn đêm mưa, Tràng giang – Huy Cận), cô đơn trong cả những giây phút yêu đương (Trăng sáng trăng xa trăng rộng quá / Hai người sao chẳng bớt cô đơn), cô đơn thăm thẳm từ tâm hồn lẫn thể xác bệnh tật như trong thơ Hàn Mặc Tử (Họ đã xa rồi không níu lại / Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa / Người đi một nửa hòn tôi mất / Một nửa hồn tôi hóa giại khờ / Tôi vẫn còn đây hay ở đâu / Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu ? / Sao bông phượng nở trong màu huyết / Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu – Những giọt lệ; Ai đi lẳng lặng trên làn nước / Với lại ai ngồi khít cạnh tôi / Mà sao ngậm kín thơ đầy miệng / Không nói không rằng nín cả hơi / Chao ôi ! ghê quá trong tư tưởng / Một vũng cô liêu cũ vạn đời – cô liêu) và chính từ cảm giác cô đơn đó nên môtíp về những cuộc chia tay, tiễn biệt trở thành một môtíp phổ biến của Thơ mới (Những bóng người trên sân ga – Nguyễn Bính; Vu vơ - Tế Hanh)
3. Có thể nói Thơ mới đã biểu lộ một tình thế đối lập giữa tâm hồn con người cá nhân và thế giới hiện tại và chính từ sự đối lập ấy nên hình thành trong thơ mới một thứ khát vọng : khát vọng giải thoát (Những sợi tơ lòng – Chế Lan Viên) và khuynh hướng thoát ly thực tại.
- Có nhiều ngả đường thoát ly khỏi thế giới thực tại : tìm về thế giới quá khứ, những giấc “mơ xưa” (Thế giới Chàm trong thơ Chế Lan Viên, những giấc “mơ xưa” trong thơ Thế Lữ, Xuân Diệu....), có cuộc trở về với thiên nhiên đất nước, những sinh hoạt phong tục êm đềm của cộng đồng (Thơ Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Tế Hanh), có sự tiếc nuối những giá trị đã qua (Ông đồ – Vũ Đình Liên, Nhớ rừng – Thế Lữ, Con voi già - Huy Thông...) và có cả những ngả đường tìm đến với tôn giáo (Hàn Mặc Tử) hoặc, tiêu cực hơn cả, tìm đến với truỵ lạc và lãng quên (Vũ Hoàng Chương)
4. Và không thể phủ nhận trong Thơ mới có một tình yêu thiết tha đối với cuộc sống, một khát vọng thay đổi. Tình cảm đó được biểu hiện dưới hai hình thức
- Nỗi khát khao đam mê tận hưởng tình yêu và hạnh phúc hiện tại (Vội vàng, Giục giã - Xuân Diệu)
- Hình ảnh người khách chinh phu, khát vọng lên đường (Đi, đi ...đi mãi nơi vô định / Tìm cái phi thường, cái ước mơ - Hàn Mặc Tử; Tống biệt hành – Thâm Tâm)
[ Nguồn : Sưu tầm ]