Pages

Pages - Menu

Thursday, June 11, 2015

CÂY ĐÀN GUITAR CỦA LORCA [ SP Văn K38.ĐHSP]

                                                                   
                                                                                                             Nguyễn Thị Kim Trang 


  
MỤC LỤC

1.                 Giới thiệu chung

1.1.                     Tác giả

1.1.1.     Thời đại

Thế kỉ XX là một thời kỳ đầy biến động với sự phát triển vượt bậc về khoa học kỹ thuật và cũng là thời kỳ nở rộ của các thành tựu và sáng tạo. Chỉ trong vòng vài chục năm, nó đã làm thay đổi bộ mặt của Âu Mỹ vốn đã tồn tại suốt nhiều thế kỷ qua, đem lại sự giàu mạnh cho phương Tây tiên tiến, nhất là vể mặt xã hội. Bên cạnh đó, nền văn minh vật chất mới và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã giúp con người phát hiện ra những bí mật của đời sống, của tự nhiên, của vũ trụ. Xã hội Âu Mỹ nhanh chóng đi vào kỷ nguyên văn minh vật chất và nhiều kỳ vọng về tương lai. Nhưng con người cũng đã sớm nhận ra rằng họ đã hoàn toàn thất vọng, khi nền văn minh vật chất đã phản bội lại con người - kẻ sáng tạo ra nó. Mặt khác nó trở thành chủ nhân của con người, biến con người thành nô lệ của xã hội máy móc văn minh. Xã hội tiền tài vật chất chi phối và quyết định cuộc sống cũng như hành động của con người. Ðối diện với sự hoài nghi về cái cũ lẫn cái mới, bầu không khí văn hóa tinh thần của phương Tây đi vào khủng hoảng sâu sắc. Tất cả những khủng hoảng đó đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong sắc thái đặc biệt của nền văn học Âu Mỹ thời kỳ này. Ðứng trước hoàn cảnh đó đã xuất hiện nhiều thái độ, phản ứng khác nhau của nhiều tầng lớp nhà văn. Từ đó đã dẫn đến việc hình thành những khuynh hướng văn học trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, từ đầu thế kỷ cho đến sau hai cuộc thế chiến.
Những năm đầu thế kỉ XX, tình hình Tây Ban Nha tương đối ổn định. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh nổ ra tại Morocco vào năm 1931 đã làm suy giảm ảnh hưởng của Tây Ban Nha tại các thuộc địa này. Khoảng thời gian cai trị độc tài của tướng Miguel Primo de Rivera (1923-1931) kết thúc với việc nền cộng hòa thứ hai được thành lập. Những thị trấn nhỏ trên đỉnh đồi bị vây hãm đến kiệt quệ, những người lính trong lớp băng bó xù xì lục lọi các sườn núi để kiếm củi. Đất nước Tây Ban Nha vào năm 1929 là nỗi thất vọng ê chề. Ở đó tràn ngập sự hỗn loạn, vô chính phủ, bạo lực, và các cuộc bắt bớ chính trị. Năm 1936, Tây Ban Nha bị rơi vào cuộc nội chiến đẫm máu, cuộc chiến kết thúc với sự hình thành của một nền độc tài dân tộc đứng đầu bởi Francisco Franco, chế độ của Francisco Franco đã kiểm soát quốc gia này cho đến năm 1975. Ngày 21 tháng 3 năm 1939, Franco chiếm được thủ đô Madrid, chính phủ Cộng hòa bị lật đổ. Franco thiết lập nền thống trị độc tài ở Tây Ban Nha và ông ta trở thành nguyên thủ của đất nước này cho đến khi mất. Cuộc Nội chiến ở Tây Ban Nha được coi là trận chiến mở màn cho Chiến tranh thế giới thứ hai sau đó. Dưới thời Franco, một nền thống trị độc tài được thiết lập ở Tây Ban Nha. Chỉ có duy nhất một đảng của Franco là hợp pháp, còn tất cả những đảng phái khác đều bị thủ tiêu. Nhiều nhân sĩ tiến bộ đã bị bắt giam hoặc bị giết, nhiều người đã phải chạy sang châu Mỹ Latinh. Năm 1936, khi Tây Ban Nha xảy ra nội chiến, Lorca đã đứng về phía các đảng viên đảng Cộng hòa chống phát xít. Mặc dù Lorca không trực tiếp tham gia chiến đấu, các đảng viên Falang phát xít vẫn nghi ngờ Lorca vì ông bộc lộ những quan điểm tự do. Những kẻ phát xít còn không ưa Lorca vì ông là một người đồng tính. Lorca bị sát hại vào ngày 19/8/1936.
Thế kỷ XX là thời kỳ châu Âu nổi lên những cuộc cách mạng nghệ thuật, nhất là nghệ thuật văn chương, hội hoạ và tạo hình. Nhiều trường phái nghệ thuật ra đời, và nổi bật là phái siêu thực. Federico Garcia Lorca không phải là thi sĩ chính danh trong tộc siêu thực nhưng ông đã lớn lên trong thời kỳ phái siêu thực ra đời và phát triển như một cơn lốc. Lorca lại giao thiệp với các nghệ sĩ siêu thực như hoạ sĩ Salvador Dalí, tạo hình Emilio Soriano Aladrén... Vì vậy, thơ siêu thực đã tìm đến ông như “một cơn sóng thời đại táp vào bờ thi ca” [3,16].

1.1.2.              Quê hương

Federica Garcia Lorca sinh ra tại Fuente Vaqueros, một thị trấn nhỏ cách Granada chừng vài dặm, thuộc Tây Ban Nha. Sau này gia đình Lorca chuyển đến Granada và ông trải qua thời thơ ấu ở đây. Khi mất thi thể ông được tìm thấy trong đống xác 15.000 người bị bắn ngày 19/8 trên miệng một vực sâu gần Granada. Granada chính là cuộc đời ông, của sự nghiệp ông, nơi ông sinh ra, và cũng là nơi ông về để nhận cái chết thảm khốc. Chình vì vậy thành phố Granada của Tây Ban Nha đã phần nào ảnh hưởng đến thơ ông, trở thành một nửa cuộc đời ông: "Nếu có ngày, nhờ Trời, tôi được vinh quang, thì vinh quang ấy phân nửa thuộc về Granada, nơi đã tạc nặn nên cái tạo vật tôi: thi sĩ bẩm sinh không thể cải hồi". Granada là một trong bốn thành phố lớn của xứ Andalucía ở miền nam Tây Ban Nha, xứ sở của Carmen, của những điệu nhảy và bài hát mê cuồng, của những hội đấu bò tót làm máu đập thành tiếng trên vạn đôi môi, của những rặng ôliu ngăn ngắt, những vườn cam và hoa nhài ngát hương đêm hè khiến "những người đang ngủ bỗng khát thèm từ bao lơn nhảy xuống". Xứ sở đặc hữu sự giao hoà hai nền văn minh Đông – Tây: nơi đây đã từng là "một trong những vương quốc đẹp nhất của châu Phi" mà người Ả rập xây dựng nên, còn để lại bao dấu tích trong kiến trúc, trong nghệ thuật, trong hồn người, để lại trong không gian một cái gì mơ hồ, xa xăm, huyền bí. Andalucía đã cho Lorca giọng điệu đích thực để hát về nó. Lorca thường làm thơ về quê hương thời thơ ấu - xứ Andalucía của mình: núi non, bầu trời, con người và cả bóng ma,... Lorca không mô phỏng thế giới ấy mà sáng tạo thơ ngợi ca nó. Đáng ngạc nhiên những vần thơ ấy là một sự tổ thành tuyệt vời những yếu tố tinh thần của thời đại và những nhân tố hình thức lớn của thơ ca truyền thống: “Với hình thức thơ giàu nhạc tính, vừa rất dân gian, vừa mang tính chất cách tân mạnh mẽ, Lorca đã thể hiện một cách nghệ thuật những nỗi đau khổ của người dân, đặc biệt là ở vùng Andalucía đầy bi kịch” [4,64].

1.1.3.              Gia đình

Lorca sinh ra trong một gia đình có bốn người con. Cha ông là một địa chủ, có đất đai quanh vùng Granada. Mẹ ông là một tài năng dương cầm, bà thường dạy và trình diễn dương cầm. Lorca thừa hưởng ở cha tâm hồn gắn bó với đất đai, thiên nhiên, ở mẹ trí thông minh và những năng khiếu nghệ thuật. Lorca trải qua thời thơ ấu với đàn cừu, đồng ruộng, bầu trời mênh mông và sự cô tịch. Ông chơi thành thạo và am hiểu sâu sắc về các nhạc cụ như guitar, dương cầm,... Chính những điều đó đã ảnh hưởng đến các sáng tác văn thơ của Lorca. Nhiều tác phẩm của ông đã vượt ra khỏi chủ nghĩa siêu thực, trở về với cội nguồn cảm hứng của văn học dân gian, với truyền thống nhân đạo sâu sắc. Các tập thơ Cante Jondo (1921 – 1922), Ca khúc digan (1924 - 1927) thể hiện rõ điều đó.

1.1.4.              Cuộc đời

Lorca sinh ngày 5 tháng 6 năm 1898 tại Fuente Vaqueros, một thị trấn nhỏ cách thành phố Granada chừng vài dặm, thuộc Tây Ban Nha. Đến năm 1910, gia đình ông dời vào thành phố Granada. Năm 1915, ông vào đại học Sacret Heart. Các bộ môn theo học là văn chương, luật pháp, sáng tác và dương cầm. Năm 1918, ông cho in cuốn sách đầu tay là Impresiones y Paisajes (Nghệ thuật và ấn tượng).
Năm 1919, Lorca theo học chương trình Residencia de estudiantes tại Madrid. Tại đây, ông quen biết với nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Manuel de Falla, Luis Bunuel và Savador Dalí. Vở kịch đầu tay của ông ra đời năm 1920, El maleficio de la mariposa (Yêu thuật của bướm). Nghệ thuật kịch nghệ và sân khấu đeo đuổi ông cho đến cuối đời, mặc dù ông nổi tiếng về thi ca. Năm 1920, tập thơ đầu Libro de Poemas (Tuyển tập thơ) xuất bản, tiếp theo là tập thơ Poema del Cante Jondo (Những làn điệu Cante Hondo), kế tiếp là tập Suites (Tổ khúc thơ) và Canciones (Ca khúc thơ). Khoảng thời gian từ năm 1925 đến năm 1928, ông và họa sĩ siêu thực Salvador Dalí trở thành bạn rất thân. Từ đó tiến đến tình đồng tính. Cho đến khi ông xuất bản tập thơ Romancero Gitano (Tình ca du mục) thì Dalí chê trách loại thơ trở về nguồn này, khiến cho tình cảm giữa hai bên sứt mẻ. Và mối tình này chấm dứt khi ông và Dalí cùng một người bạn Luis Bunuel dựng xong cuốn phim Un Chien Andalou vào năm 1929. Sau đó, Dalí lấy vợ là cô Gala. Chuyện này đã gây cho Lorca những nỗi buồn khổ và thất vọng.
Năm 1928, một tập thơ quan trọng của Lorca được xuất bản, Romancero Gitano (Tình ca du mục). Tập thơ này đưa ông lên hàng đầu thi sĩ của Tây Ban Nha trong thời điểm đó. Và bài thơ được yêu chuộng nhất trong tập thơ là bài Romance Sonambulo (Tình ca mộng du). Năm 1930, ông sang New York, theo học Columbia University, và sáng tác tập thơ quan trọng Poeta en Nueva York (Thi sĩ trong thành phố New York) trong thời điểm này. Vở kịch El Público (Công chúng) cũng sáng tác tại đây nhưng mãi đến 1970 mới ấn hành. Ông sống tại Huerta de San Vicente vài ngày trước khi ông bị ám sát vào tháng tám năm 1936.
Lorca về lại Tây Ban Nha vào lúc chế độ độc tài của Primo de Rivera sụp đổ và Cộng hoà Tây Ban Nha thành lập. Năm 1931, ông làm giám đốc của Teatro Universitario la Barraca (Sân khấu Đại học La Barraca). Được sự tài trợ của bộ giáo dục của tân chính phủ, đoàn nghệ sĩ của sân khấu này phải đi trình diễn nhiều nơi và có mục tiêu giới thiệu những nghệ thuật mới. Thời gian này, ông viết những vở kịch nổi tiếng như Bodas de Sangre (Đám cưới đẫm máu), La cas de Bernarda Alba (Căn nhà của Bernarda Alba)…
Ông rời bỏ Madrid để đi Granada ba ngày trước khi cuộc nội chiến Tây Ban Nha bắt đầu. Tháng bảy năm 1936, ông bị bắt giữ bởi một nhóm quân phiệt bảo thủ tại Andalucía. Ngày 18 tháng 8, người anh rể của ông đang làm thị trưởng của Granada, thuộc đảng Xã hội, đã bị bắn chết. Lorca bị bắt ngay trong chiều hôm đó. Theo như nhà văn Ian Gibson trong tác phẩm The Assassination of Garcia Lorca, Lorca bị tử hình cùng với ba người khác tại Fuente Grande, hoặc là Fountain of Tears tại Arabic, trên con đường giữa Viznar và Alfacar. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều nghi vấn về ngày chết cũng như nơi chết và chết như thế nào.

1.1.5.              Sự nghiệp

Lorca là một trong những tài năng bột phát của văn học hiện đại Tây Ban Nha. Từ bé, Lorca đã lộ rõ khả năng về thơ ca, hội hoạ, âm nhạc và sân khấu.
Thơ ca: Nhà thơ cùng thời với Lorca, Horđê Ghiđên, trong bài viết Phêđêricô sống mãi đã giải thích vì sao thơ Lorca ít khi được xuất bản ngay sau khi sáng tác: “Thơ trữ tình của Lorca, mà phần lớn chưa được công bố, xuất bản năm 1921, tất cả chưa được công bố, trừ tập thơ đầu tay. Vì sao vẫn còn chưa được xuất bản. Không phải vì thiếu những lời mời xuất bản của nhà xuất bản. Nhưng Lorca thích công bố tác phẩm của mình bằng cách ngâm đọc chúng trước công chúng (lại một đặc điểm nữa thuộc về bản thể tự nhiên Andalucía của ông và cội nguồn dân gian của thơ ông). Chỉ có những người bạn của ông và những người thân cận của bạn ông mới biết tác phẩm này” [2,112].
Một số tập thơ của Lorca như:
Impresiones y paisajes (Ấn tượng và phong cảnh, 1918)
Libro de poemas (Tuyển tập thơ, 1918 - 1920)
Poema del cane jondo (Thơ về làn điệu Cante Hondo) được viết vào năm 1921, nhưng đến năm 1931 mới được xuất bản.
Libro de poemas (Tuyển tập thơ, 1921)
Suites (Tổ khúc thơ, 1923)
Canciones (Ca khúc thơ, 1927)
Romancero gitano (Tình ca du mục, 1928)
Poeta en Nueva York (Thi sĩ trong thành phố New York) được viết vào năm 1930 nhưng phải sau năm 1940 mới được xuất bản, bản dịch đầu tiên sang tiếng Anh là vào năm 1940 với tên gọi The Poet in New York.
Llanto por Ignacio Sánchez Mejías (Điếu ca cho Ignacio Sánchez Mejías, 1935)
Seis poemas gallegos (Sáu bài thơ của người Ga Li Ci, 1935)
Sonetos del amor oscuro (Những bài Sonnê về tình yêu tăm tối, 1936)
Lament for the Death of a Bullfighter and Other Poems (Than khóc cho cái chết của một dũng sĩ đấu bò và những bài thơ khác, 1937)
Primeras canciones (Những bài hát đầu tiên, 1936) Selected Poems (Những bài thơ được chọn, 1941)
Kịch:
El maleficio de la mariposa (Yêu thuật của bướm) được viết vào khoảng năm 1919 đến năm 1920, được sản xuất lần đầu tiên vào năm 1920.
Los títeres de Cachiporra (The Billy-Club Puppets, 1925 - 1927)
Mariana Pineda (1923 – 1925), được Dalí dàn dựng tại Barcelona vào năm 1927
La zapatera prodigiosa (Người vợ phi thường của người đóng giày, 1926 –1930) được chỉnh sửa lại vào năm 1933
Amor de Don Perlimplín con Belisa en su jardín (Tình yêu của Don Perlimplín và Belisa và trong vườn của anh ấy, 1928)
El público (Công chúng, 1929 – 1930)         
Así que pasen cinco años (Khi 5 năm đã qua, 1931)
Bodas de sangre (Đám cưới đẫm máu, 1932)
Yerma (1934)
Doña Rosita la soltera o el lenguaje de las flores (Doña Rosita hay là tiếng nói của hoa, 1935)
La casa de Bernarda Alba (Ngôi nhà của Bernarda Alba, 1936)
Kịch ngắn:
El paseo de Buster Keaton (Buster Keaton goes for a stroll, 1928)
La doncella, el marinero y el estudiante (The Maiden, the Sailor and the Student 1928)
Quimera (1928)
Phim: Viaje a la luna (Trip to the moon, 1929)
Tranh vẽ: Salvador Dalí (1925) và Bust of a Deadman (1932),…
Ở Việt Nam, một số thơ của Lorca đã được Tế Hanh dịch, in trong tập Thơ Tây Ban Nha, nhà xuất bản Văn học năm 1974.

1.1.6.              Phong cách sáng tác

Phong cách trong sáng tác thơ ca của Lorca có thể nhìn xuyên qua ba giai đoạn:
1- Thời khởi đầu, kế thừa truyền thống thơ ca Tây Ban Nha
2- Ảnh hưởng bởi phái Tượng Trưng
3- Ảnh hưởng bởi phái Siêu Thực
Những tập thơ đầu, ông sử dụng nhiều thể thơ truyền thống Tây Ban Nha hoặc những thể của các ca khúc dân tộc, có nhạc điệu, tiết tấu. Đó là những tập thơ: Libro de poemas (Tuyển tập thơ), Poema del cane jondo (Thơ về làn điệu Cante Hondo), Suites (Tổ khúc thơ), Canciones (Ca khúc thơ), Primer romancero gitano (Tình ca du mục Gypsy), Diván del tamarit (Trường kỷ ở Tamarit). Xen lẫn trong những tập thơ này là những bài thơ tự do, nhất là trong những tập thơ về sau như: Poeta en Nueva York (Thi sĩ trong Thành phố New York) và trường ca Llanto por Ignacio Sanchez Mejías (Điếu Ca cho Ignacio Sanchez Mejías), ông sử dụng lối viết tự động, ngữ thuật của phái siêu thực và tự tạo cho ông một thể cách riêng. Lorca sử dụng nhiều phong tục, tập quán, cổ tích dân tộc và huyền thoại Hy Lạp, La Mã trong thơ. Ông áp dụng tinh thần và kỹ thuật của phong trào tượng trưng. Giai đoạn sau, Lorca sử dụng nghệ thuật sáng tác của phái siêu thực. Chủ yếu là những hình tượng, tứ thơ mang bản chất và liên hệ phi lý, có gốc rễ từ những giấc mơ, từ sâu thẳm của vô thức. Nhưng vào khoảng năm 1930 - 1931 trở đi, thơ của Lorca đã chứng tỏ sự hòa nhập tinh thần và nghệ thuật của cả ba ảnh hưởng kể trên.
Dịch giả Ngu Yên đã chỉ ra được một số đặc điểm trong văn phong của Lorca: “Như những thi sĩ Âu Châu đương thời, ông cũng bị ảnh hưởng bởi tinh thần và thể thơ ngắn của thơ Hài Cú, thơ Nhật và thơ Trung Hoa. Với tài năng thiên phú ông đã hài hòa được những ưu điểm, cá tính của các phong trào thi ca và đặc tính của dân tộc” [5,16]. Như trong bài Flor, ông viết đóa hoa:
Dương liễu rũ lá sầu                         El magnifico sauce
dưới cơn mưa, tráng lệ                      de la lluvia, caía.
Kìa, trăng tròn                                  Oh, la luna redonda
trên cành sáng!                                 sobre las ramas blancas!
Basho (Ba Tiêu) cũng có bài thơ về hình ảnh trăng và hoa đầy ảo diệu như vậy:
Cánh đồng bông gòn
vầng trăng
rớt hoa.  
Tính nhân loại, tính địa phương, cá nhân và xã hội, những thứ đó đều có mặt trong thơ ông. Thơ ông là nhạc, là hoạ, là kiến trúc. Tất cả thơ ca của ông đều được xây dựng, cấu trúc một cách có hiểu biết và có tính toán chính xác trong nhịp điệu. 
Cũng như thơ, kịch của Lorca có bản chất siêu thực và ông đã sáng tác với tinh thần sân khấu bỏ túi.

1.2.                     Tác phẩm

1.2.1.              Hoàn cảnh sáng tác

Năm 1922, Lorca cùng với nhạc sĩ Manuel de Falla tổ chức hội Cante Hondo ở Alhambra (nơi có cung điện Quốc vương Ảrập của Vương quốc Granada xưa). Chính những giai điệu, lời ca… mà tác giả thu nhặt được trong hội thi này đã trở thành nguồn cảm hứng để tác giả cho ra mắt tập Thơ về những làn điệu Cante Jondo. Tập thơ này được sáng tác trong khoảng hai năm 1921 – 1922, tuy nhiên, đến năm 1931 nó mới được xuất bản. Bài thơ Cây đàn guitar được trích từ tập thơ này, trong phần Thơ của bài Siguiriya gitan.

1.2.2.              Chủ đề, thể thơ

Bài thơ ghi lại những cảm nhận về giai điệu của tiếng guitar Flamenco trong các ca khúc dân ca trầm lắng Siguiriya ở Tây Ban Nha. Thông qua hình tượng tiếng đàn, bài thơ còn nói lên thực trạng của một nền văn hóa truyền thống đang có nguy cơ bị lãng quên, mất phương hướng trước sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai. Bên cạnh đó, bài thơ cũng bộc lộ niềm tin của tác giả về sức mạnh không thể bị tiêu diệt của nền nghệ thuật truyền thống mà Lorca đang theo đuổi.
Bài thơ được sáng tác theo thể thơ tự do với phong cách tượng trưng, siêu thực. Mạch thơ là dòng cảm xúc tuôn tràn của chính bản thân tác giả khiến cho bài thơ trở nên liền mạch.

2.     Phân tích

2.1.                      Văn hóa Tây Ban Nha trong bài Cây đàn Guitar
Văn hoá Tây Ban Nha chịu sự ảnh hưởng của rất nhiều nền văn hóa trong lịch sử, nhưng chủ yếu là chịu ảnh hưởng của La Mã. Do từng có hệ thống thuộc địa rộng lớn vào thế kỷ XVI nên những ảnh hưởng văn hóa của Tây Ban Nha đã trải rộng trên khắp thế giới, từ vùng Địa Trung Hải cho đến tất cả thuộc địa cũ của nước này. Ngày nay, Tây Ban Nha nổi tiếng với lễ hội đấu bò tót, được biết đến như đất nước sản sinh ra vũ điệu flamenco và cây đàn.
Cây đàn guitar bản thân nó đã là huyền thoại, với một lịch sử ra đời và phát triển lâu dài. Từ "ghita" (guitar) bắt nguồn từ chữ cithara. Cây đàn guitar đầu tiên có lẽ xuất hiện ở Ai CậpBabylon từ 1000 năm trước Công nguyên. Trải qua nhiều biến đổi, nó được những đạo quân xâm lược mang đến châu Âu khoảng thế kỷ thứ VIII và phát triển rực rỡ vào thế kỷ XIV, đặc biệt tại Tây Ban Nha.
Ai đã từng nghe truyền thuyết về tiếng đàn guitar vốn xuất phát từ cô gái người Tây Ban Nha tên là Citra thì không khỏi xúc động. Người con gái từng dùng tiếng hát tuyệt vời của mình để cứu sống biết bao con người bệnh tật thể xác lẫn tinh thần. Sự xuất hiện của cây đàn là do sau một lần đi cứu người nơi xa, gặp tai nạn trong tuyết mà cô mất đi giọng hát của mình. Người cha trước sự đau đớn, buồn khổ của con mà đã tặng con một món quà có hình dáng như người phụ nữ làm bằng gỗ, có dây gân nai. Đồ chơi đó có thể phát ra tiếng, và Citra đã hòa tấu chúng thành những bản nhạc tuyệt vời. Từ đó cô lại dùng tiếng đàn để cứu giúp bao người khác nữa…
Ngoài ra, nền văn hoá Tây Ban Nha cũng nổi bật trên thế giới về các lĩnh vực ngôn ngữ, văn học, âm nhạc, hội họa, kiến trúc và lễ hội, thể thao, ẩm thực. Đặc biệt là văn học với các nhà văn, nhà thơ, nhà tiểu thuyết, nhà soạn kịch nổi tiếng như Miguel de Cervantes, Rafael Alberti, Gustavo Adolfo Bécquer, Federico Gacía Lorca…và nhiều nhà văn được giải Nobel Văn học như José Echegaray (1904), Jacinto Benavente y Martinez (1922), Vicente Adreixandre (1977), Camilo José Cela (1989),… Văn học Tây Ban Nha chịu sự ảnh hưởng nặng nề của các tác giả Hy Lạp cổ đại. Một số tác phẩm thời kỳ Đế quốc La Mã thể hiện bằng các thiên anh hùng ca về chiến thắng vĩ đại của Đế chế. Dưới thời nền Cộng hòa mở rộng, bắt đầu xuất hiện các thể loại như, thi ca, kịch nói, sử học và bi kịch.
Dọc theo dòng thơ của Lorca, người đọc dễ nhận ra sự ảnh hưởng của thiên nhiên trong thơ của ông. Ông sinh ra và lớn lên trong miền quê Andalusia. Cả một thời niên thiếu, ông đã chạy nhảy tung tăng với ruộng đồng, trâu bò, gia súc. Ông lớn lên với phong tục tập quán dân quê. Thơ ông chứa đầy những phong cảnh thiên nhiên và sinh hoạt nông thôn cho dù đa số chỉ để tượng trưng cho những gì ẩn náu bên trong. Đôi lúc, nếu không biết những phong thói này, khó mà theo dõi thơ của ông.
Là một người yêu âm nhạc và nhạc dân tộc, ông đã mang những thể hát và tinh thần ca khúc vào trong thơ. Lorca làm rất nhiều bài thơ, ngắn có dài có, trong các thể điệu nhạc dân tộc. Một trong số đó có tập Thơ trầm ca hay Thơ của những bài ca sâu thẳm, còn có người gọi đó là Thơ về những làn điệu Cante Hondo mà đúng nguyên tác là Poema del Cante jondo. Từ Cante hondo(hay Cante jondo như người gitan thường nói), theo định nghĩa của chính F. G. Lorca (1922), là “một ca khúc hoàn toàn Andalucía, đã có trong 'căn nguyên mầm mống' ở vùng này, trước khi người gitan tới đây”. Từ “hondo” có nghĩa là sâu, thật sâu, sâu hơn nhiều so với tất cả các giếng sâu và mọi vùng biển bao quanh thế giới, sâu hơn nhiều so với con tim hiện tại tạo ra nó, là vì nó hầu như vô tận. Trong ca khúc Cante Hondo có rất nhiều thể dạng chủ yếu như: Seguiriya, Solea, Saeta, Petenera… Ở tập Thơ về những làn điệu Cante Hondo, ông đã nhân cách hóa những thể dạng này hoặc diễn tả chúng trong thế giới thích hợp với từng thể, thế giới ấy có những nhân vật và phong cách khác nhau. Một số bài tiêu biểu như: Bước chân của Siguiriya, Làng, Lưỡi dao găm… và Cây đàn guitar. Để làm rõ hơn sự ảnh hưởng của ca khúc dân ca trong Cây đàn guitar, ta sẽ xem xét tính chất của bài Sigiuriya - một trong những bài dân ca với “mô thức nguyên thủy và hoàn hảo”, là nơi xuất phát của những bài ca khác còn được nhân dân duy trì. Bài Siguiriya gitana theo Norman C. Miller trong Garcia Lorca’s ‘Poema del cante jondo’ (1978) bắt đầu với tiếng guitar để hình thành điệu cho bài hát. Khúc dạo đầu được gọi là temple. Tiếp theo khúc dạo là tiếng la (gọi là quejío hay grito) của người hát. Kế tiếp quejío thường là một khoảng lặng rồi đến hai đoạn nhạc (coplas). Những đoạn nhạc được hát với thang âm cao dần và có thể dừng ở bất kỳ lúc nào bằng những từ cảm thán (¡ay!)… Một bài Siguiriya kết thúc trong giọng hát chìm dần của người ca sĩ theo tiếng đệm của đàn guitar. Miller cũng chỉ ra rằng lời bài hát của Siguiriya đặc biệt nổi tiếng là bi kịch, bởi vì Siguiriya là một bài hát của sự tuyệt vọng, đau khổ… Lorca gọi bài Sigiuriya là “bài thơ hoàn hảo của nước mắt” có lẽ xuất phát từ giai điệu, lời ca sầu thương của nó. Chịu sự ảnh hưởng đó, thứ nhất, không khí trong Cây đàn guitar mang vẻ sầu não, lời thơ nhìn chung phảng phất nỗi buồn; thứ hai, cấu trúc bài Cây đàn guitar dường như tái hiện lại cấu trúc của bài Siguiriya: mở đầu cũng là temple, dừng lại bằng từ cảm thán “¡Oh guitarra!” để rồi lắng đọng dư âm với tiếng đàn guitar ngân mãi.
Người Gitan ở Tây Ban Nha, cũng như người Digan ở Nga, người Bohemien ở Tiệp, Pháp... có gốc Ấn Độ, làm thành những cộng đồng du cư độc đáo của châu Âu. Và có lẽ chính ở vùng Andalucía, họ đã tìm thấy quê hương, cây guitar và những vũ điệu của giống người lang bạt đầy quyến rũ đã làm nên linh hồn của xứ này. Sự gắn bó, am hiểu về văn hóa Andalusia đã giúp tác giả sáng tạo ra những vần thơ đậm chất dân gian trong tập thơ Romance gitan. García Lorca đã giải thích tên tập thơ của mình: "Tôi đặt tên tập romance này là gitan, bởi vì trong đó tôi ca hát xứ Andalusia, mà chất gitan là biểu hiện thuần tuý nhất, đích thực nhất của xứ ấy" [5]. Sau tập Romance gitan của Lorca, người ta gọi García Lorca là "nhà thơ Gitan". Được gọi thế anh cảm thấy thích thú, có lúc anh còn nửa hư nửa thực gợi ra một giai thoại về "nguồn gốc gitan" bí mật của mình. Bài Romance of the moon được trích trong tập thơ Romance gitan.
Sự lãng mạn của mặt trăng
Mặt trăng đến giả mạo 
với sự bận rộn của hoa huệ của cô. 
Cái nhìn cậu bé, nhìn. 
Đứa trẻ được xem. 

Trong không khí lung lay 
mặt trăng di chuyển cánh tay của cô
Và Ngài dạy, sự vô dầu và tinh khiết,
 
ngực cô thiếc cứng. 

Chạy đi, mặt trăng, mặt trăng. 
Nếu Gypsies đến, 
làm với trái tim của bạn 
dây chuyền và nhẫn màu trắng. 
Bên cạnh đó, hình ảnh cây đàn guitar cũng là một nét đặc trưng văn hóa của Tây Ban Nha. Lorca viết nhiều bài thơ về đàn guitar, trong những thi phẩm ấy, đàn guitar của ông trở thành hình tượng tinh thần của dân tộc Tây Ban Nha. Tiếng guitar bắt đầu cùng với bình minh của ngày mới, đó chính là bình minh của lịch sử Tây Ban Nha. Có con người thể xác đồng thời có con người tâm hồn. Trong đó có niềm vui bừng nở chan hòa ánh sáng của buổi bình minh và những giọt nước mắt. Tâm hồn ấy nảy sinh bình dị tự nhiên. Một thứ tâm hồn Tây Ban Nha rung động cực điểm cháy hết mình không nguôi nghỉ. Tiếng guitar – biểu tượng văn hóa dân tộc là mạch nguồn mang dấu ấn lịch sử con người Tây Ban Nha. Nó chứa đầy sức mạnh tự nhiên như gió thổi, như nước chảy. Nó là nguồn sinh khí dân tộc trường tồn vĩnh cửu và bất diệt.
Văn hóa Tây Ban Nha trong bài thơ Cây đàn guitar của Lorca thể hiện qua hình ảnh cây đàn guitar. Như đã giới thiệu ở trên, người Tây Ban Nha coi guitar như một phần không thể thiếu trong đời sống, guitar chính bản thân nó là biểu tượng cho một nền văn hóa sống động của người Tây Ban Nha và hiểu được biểu tượng văn hóa ấy càng khiến người ta thêm yêu mến đất nước, con người Tây Ban Nha và yêu mến tác giả hơn.
Ngoài bài Cây đàn guitar Lorca cũng viết bài thơ về cây lục huyền cầm (một dạng guitar phím lõm) của Tây Ban Nha:
Sáu dây
Cây lục huyền cầm 
khiến những giấc mơ than khóc.
 
Tiếng nức nở của những hồn
 
lạc lõng
 
thoát ra từ cửa miệng đàn tròn.
 
Và như con nhện to
 
đàn dệt một vì sao lớn
 
để bắt lấy những tiếng thở dài,
 
đang trôi nổi trên chiếc thùng đen của đàn
 
bằng cây
[4].
2.2.                     Hình tượng
2.2.1.              Tiếng guitar – đối tượng trữ tình
          Cây đàn guitar từ lâu đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của đất nước Tây Ban Nha. Sự kết hợp hài hòa độc đáo giữa đàn guitar, điệu nhảy Flamenco và đấu bò đã tạo nên dấu ấn riêng cho xứ sở này. Có thể nói, tiếng đàn dường như luôn gắn bó và theo sát Lorca trên khắp các chặng đường của cuộc đời. Tiếng đàn trở thành nguồn cảm hứng sáng tác vô biên cho tác giả, những thanh âm, lời ca say đắm của những đêm hội Cante Jondo với những tiếng đàn dặt dìu đã thấm sâu trong kí ức của tác giả. Để rồi với Cây đàn guitar – một trong những bài thơ của bài Siguiriya thuộc làn điệu dân ca Cante Hondo mà tác giả gọi là “bài thơ hoàn hảo của nước mắt”, tác giả đã xây dựng nên một hình tượng tiếng đàn đóng vai trò của một đối tượng trữ tình, một sinh thể được tạo dựng có hình hài, có xúc cảm, có khổ đau, có nước mắt, là đối tượng để qua đó tác giả bộc lộ suy ngẫm, tâm trạng của chính mình… Tiếng đàn ấy vang vọng và lan tỏa đến tâm hồn người đọc bằng thứ nhạc điệu đa dạng của thế giới tâm hồn nhà thơ. Lorca từng bày tỏ trong các tác phẩm của mình: “Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn guitar”. Rõ ràng guitar có một vị trí đặc biệt đối với Lorca, nó là bằng hữu, là anh em,…nó tượng trưng cho chính bản thân Lorca – một con họa mi luôn khát khao hát lên những băn khoăn của thời đại nó sống, cho tinh thần của dân tộc Tây Ban Nha – một dân tộc ấp ủ tinh hoa của những giai điệu mê hồn người.
          Chúng ta thấy rằng trong câu đầu tiên sử dụng các phép ẩn dụ "khóc" để chỉ những âm thanh của cây đàn guitar, là một dấu hiệu rõ ràng về nỗi buồn của Lorca tại thời điểm ông viết bài thơ này. Cá tính của Lorca theo nghĩa nhị nguyên nhất định: một mặt, ông là một người có sức sống rất mãnh liệt và đầy cảm thông với cuộc sống; mặt khác, cùng tồn tại trong Lorca là một tình trạng bất ổn sâu sắc, một cảm giác của sự thất vọng, điều đó gần như dự đoán kết thúc bi thảm của mình. Vì vậy, chủ đề thơ ca của ông sẽ tập trung nhiều vào số phận hay những điều không có khả năng thực hiện. Thông qua hình tượng tiếng đàn, cảm giác không thể đạt được một điều gì đó trong tâm trạng Lorca dường như cũng được bộc lộ.
2.2.2.              Tiếng guitar – hình ảnh siêu thực mà cụ thể 
          Có thể nói, trong thời gian Lorca sáng tác bài thơ này, những khuynh hướng sáng tác mới mẻ mang tên chủ nghĩa cực đoan hay sáng tạo chủ nghĩa đang thâm nhập vào Tây Ban Nha cực kỳ mạnh mẽ. Do vậy, bài thơ không thể tránh khỏi sự ảnh hưởng của trường phái này. Tuy nhiên, là một con người gắn bó sâu sắc với nguồn cội, với Tổ quốc, Lorca đã không phũ bỏ truyền thống sáng tác tốt đẹp bao đời của quê hương mà ông đã thực hiện được một sứ mệnh đẹp đẽ đó là tìm lại cho những vần thơ hồn cốt dân tộc, đồng thời cũng nối kết được với những mặt tích cực của phong cách sáng tác đương thời. Ông tiếp nhận cái mới nhưng cũng không đoạn tuyệt với cái cũ. Vì vậy, hình ảnh tiếng đàn trong bài thơ được xây dựng theo một bút pháp siêu thực tạo nên một nét ấn tượng sâu sắc cho người đọc, tuy nhiên nó lại được cụ thể hóa qua một loạt các hình ảnh so sánh thấm đẫm văn hóa truyền thống Tây Ban Nha và chính bản thân hình ảnh tiếng đàn cũng đã là một nét văn hóa truyền thống của đất nước này.
          Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh tiếng khóc. Không ai có thể không bị lay động hay không bị ám ảnh bởi những hình ảnh trong bài thơ, bởi đó là biểu hiện của sự cô đơn và đau khổ không ngừng. Guitar khóc – trong âm nhạc, người ta thường nói guitar hát, chứ không phải là guitar khóc. Tiếng đàn và tiếng khóc từ lúc ấy trở thành hai hình tượng liền kề và sóng đôi với nhau. Tiếng guitar khóc hay tiếng đàn cất lên nghe như khóc than? Dường như chúng ta không lí giải được. Nhìn ở một góc độ khác, với chủ nghĩa siêu thực, tác giả chủ động đặt các sự vật không liên quan gì đến nhau để tạo dựng một hình tượng mới chứa đựng một nội dung mới. Sự sắp đặt như trên gợi cho chúng ta tưởng tượng về thanh âm ấy. Nếu xét hoàn cảnh sáng tác của bài thơ, bài thơ lấy cảm hứng từ những bài ca Cante Jondo, đặc biệt từ thể Siguiriya là những bài thơ sâu, trầm buồn, “bài thơ hoàn hảo của nước mắt” thì có lẽ phần nào có thể hiểu được tiếng guitar ấy bản thân nó chứa đựng sự não nuột, da diết, tiếng guitar như tiếng khóc với những cung bậc, thanh âm tê tái. Và với cảm xúc đó, người đọc lắng nghe được tiếng khóc sụt sùi không dứt của cây đàn. Như vậy, tiếng đàn và tiếng khóc không phải là sự sắp đặt ngẫu nhiên, nếu đi sâu vào khám phá, những hình ảnh ấy bỗng trở nên sáng tỏ trước mắt người đọc.
          Lorca chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa siêu thực về hình thức sáng tác, sự tiên tri, những hình ảnh ngẫu hứng lướt qua đầu. Tuy nhiên, những hình tượng trong thơ ông hầu như chứa đựng sự cụ thể cần thiết chứ nó không hề quá trừu tượng, tức là, nó luôn tượng trưng cho một điều gì đó cụ thể. Ông diễn tả cảm xúc, miêu tả hiện tại bằng những hình ảnh có mối liên hệ tương đồng với những cảm xúc, những hiện thực đó, nói cách khác, ông đã dùng những hình ảnh ẩn dụ, một cách nghệ thuật và đầy tính siêu thực, để nói lên chủ đề bài thơ. Điều này làm cho thơ ông đặc biệt sâu sắc và đầy ám ảnh.
          Một trong những bút pháp đặc sắc của thơ siêu thực là sự kết hợp và chuyển đổi hết sức bất ngờ giữa các yếu tố màu sắc – âm thanh – hình khối… Sự chuyển đổi ấy vừa tạo nên sự hấp dẫn riêng biệt cho thơ, vừa có thể giúp người đọc hình dung một cách cụ thể về tiếng đàn ấy.
bạn không thể dừng tiếng đàn/khóc cho nên đừng thử
âm thanh ấy vẫn tiếp tục và bạn không thể ngưng, nó mờ đục
như nước/mưa
như tiếng gió xuýt lùa trên tuyết
          Từ âm thanh tiếng guitar khóc, bằng ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, tác giả đã cụ thể hóa hình ảnh đầy mơ hồ ấy thành một hình ảnh có thể nhìn thấy được: tiếng đàn “mờ đục”; có thể sờ được: “cát nóng miền Nam”. Tiếng khóc ấy ta càng thấy rõ thì lại càng phát hiện ra một điều: tiếng khóc sao mà yếu ớt, nhỏ nhoi, lặng thầm, như trong bản dịch thơ của Hoàng Hưng, ông viết:
Tiếng khóc cô đơn
như nước khóc trên sông
như gió gào
trên tuyết
          Cách ví von đặc biệt, tiếng khóc được ví với hình ảnh “nước khóc trên sông”, đó là tiếng khóc bị hòa tan trong đất trời rồi trở nên vô định. Hay như sự tương đồng giữa tiếng khóc với tiếng gào của gió trên tuyết không ai có thể cảm nhận được. Tiếng khóc guitar như tiếng nước đổ trong mưa, như tiếng gió thổi trong tuyết, đều không có dấu hiệu nào chứng tỏ chúng tồn tại. Qua những hình ảnh so sánh đó, tiếng khóc guitar dần từng bước in sâu một ấn tượng: những thanh âm tưởng chừng như khi cất lên sẽ gây sự chú ý cho mọi người, nhất là đối với đất nước của những giai điệu guitar, giờ chỉ còn là những thanh âm vô hình bi thương không ai đoái hoài đến. Tinh thần dân tộc theo tiếng đàn ấy cũng lụi tàn dần.
          Tiếp theo, tiếng đàn khóc còn được ví như “hoàng hôn khóc buổi bình minh”, “mũi tên lao vào thinh không”, “cát nóng miền Nam khóc trà mi trắng”, “chim non trên cành lìa cuộc sống”. Đây đều là những hình ảnh thiên nhiên gợi nên chất bi ai, xót xa cho mỗi người đọc. Nếu nói rằng thơ siêu thực được xây dựng với thi pháp liền kề, đối ngẫu và sắp đặt ngẫu nhiên thì ở đây tác giả đã thể hiện rõ thi pháp ấy. Tuy nhiên, đây đều là những hình ảnh được chọn lọc kĩ lưỡng. Những hình ảnh này đều là thành quả của sự sáng tạo, nghiêm túc trong nghệ thuật, mỗi hình ảnh đều có dụng ý riêng như chính Lorca đã chia sẻ “Tưởng tượng lại bị giới hạn bởi hiện thực. Người ta không thể tưởng tượng ra những điều không có trong thực tế. Tưởng tượng cần dựa chắc trên các đối tượng, phong cách, nhịp điệu. Dựa vào logic chặt chẽ của mình, nó thiết lập mối quan hệ giữa các sự vật đó. Nó mang lại cho nó những ý nghĩa mà trước đó, ta chưa hình dung nổi. Tưởng tượng chính là bậc thang đầu tiên, mà cũng là cơ sở của thơ ca nói chung” [2,260]. “Hoàng hôn khóc bình minh” – tiếng khóc u ám vì hoàng hôn mãi mãi không có ngày mai, không thể là ngày mai. “Mũi tên lao vào thinh không” – tiếng khóc bất lực vì mũi tên “không có gì để nhắm đến”, “không có mục đích”, “không có gì để ước mơ”. “Cát nóng miền Nam khóc trà mi trắng” - tiếng khóc xót xa vì cát nóng miền Nam thiếu những đóa trà mi nở rộ; “Chim non trên cành lìa cuộc sống” - tiếng khóc đau đớn, thảm thương vì “chú chim đầu tiên của bình minh chết ngay trên cành”, khi chưa cất tiếng hót ban mai. Những sự vật dường như đều vô định, mất phương hướng. Tiếng đàn khóc với bao giai điệu, gợi một trường liên tưởng phong phú, từ đó tiếng khóc ấy len lỏi vào cảm xúc người đọc với tài miêu tả, tài năng sáng tạo vô bờ đúng như nhận xét của Ghi-dên: “Trong thơ ông có một sự phong phú trác việt trong tưởng tượng, một sự lấp lánh ánh sáng trong chất liệu” [2,111]. Những hình ảnh được sắp đặt ngẫu nhiên nhưng tổng thể mang lại một cảm xúc chung: tiếng khóc/đàn như lời than vãn, tiếng khóc vang lên như có mũi dao đâm sâu vào tận tâm can của cây đàn, của chủ thể trữ tình, của tinh thần dân tộc Tây Ban Nha. Cây đàn khóc hay chính là tinh thần Tây Ban Nha đang khóc trước thực tế lịch sử. Tây Ban Nha vốn gắn bó với tiếng đàn, do vậy tác giả mượn hình ảnh ấy để nói lên nỗi đau xót của chính tác giả, của đất nước vì chính những giá trị truyền thống đang bị đe dọa, vì nỗi khổ đau của người dân Andalua. Bên cạnh đó, có thể hiểu cây đàn guitar còn là biểu tượng của văn hóa nhân văn cao đẹp. Cây đàn ấy là nơi hội tụ lắng lọc của bao tiếng kêu than quằn quại của những sinh linh khốn khổ, để rồi nghe tiếng đàn ấy, con người càng thêm có động lực cho những cuộc tranh đấu, tiếng nói của nghệ thuật là tiếng nói có sức mạnh tranh đấu kì diệu nhất.
          Như vậy, qua hình tượng tiếng đàn, một hình tượng tưởng như khó hiểu nhưng nếu đào sâu tìm tòi qua một hệ thống thi pháp đặc sắc, ta sẽ tìm thấy những tầng nghĩa thứ hai thú vị. Và trong tầng nghĩa ẩn mình đó, tiếng lòng của tác giả đồng thời cũng được bộc lộ, đó là thái độ xót xa, đau đớn trước một thực tế lịch sử trong đó tinh thần Tây Ban Nha đang bị mai một dần được chuyển tải qua hình tượng tiếng guitar khóc, vừa siêu thực song cũng vô cùng cụ thể trong cảm nhận của nhà thơ. “Tôi không cho thơ là một cái gì đó trừu tượng mà là sự vật hiện tồn đích thực, sự vật đang xảy ra ở bên cạnh tôi. Tất cả những nhân vật trong thơ tôi đều như thế cả. Điều chủ yếu là phải biết nó bằng chìa khóa thơ ca. Khi người ta thanh thản nhất, vậy là lạch một cái, chìa khóa mở, và bài thơ xuất hiện với hình thức lộng lẫy của nó” [2, 261]. Cây đàn guitar phần nào cũng là sự phản ánh của quan niệm nghệ thuật ấy của Lorca.
2.2.3.              Tiếng Guitar - Biểu tượng cho nghệ thuật
Văn học không bao giờ là sự bê nguyên hiện thực cuộc sống vào trong tác phẩm - thế giới nghệ thuật trong tác phẩm là một thế giới hư cấu, giống thật chứ không phải là thật. Để tạo nên một thế giới như thế, nhà văn sử dụng nhiều yếu tố, trong đó có những biểu tượng nghệ thuật. Biểu tượng là những hình ảnh sự vật cụ thể cảm tính bao hàm trong nó nhiều ý nghĩa, gây được ấn tượng sâu sắc đối với người đọc. Biểu tượng nghệ thuật được coi là kí hiệu thẩm mĩ đa nghĩa. Nó chính là sự mã hoá cảm xúc, ý tưởng của nhà văn. Biểu tượng trở thành phương tiện diễn đạt cô đọng, hàm súc, có sức khai mở rất lớn trong sự tiếp nhận của độc giả.
Lorca không những thể hiện tài năng văn chương của mình một cách xuất sắc mà ông còn là một người có tài năng về nhạc, về hoạ, về sân khấu, về thơ, cả sáng tác lẫn thể hiện (trước khi học văn và luật). Lorca rất say mê âm nhạc, là một người chơi dương cầm đặc sắc, ông còn là một hoạ sĩ có nét vẽ duyên dáng. “Con người anh kì diệu, màu nâu, kêu gọi sự toàn phúc" (Pablo Neruda). Nhìn lại một số tác phẩm của Lorca, ta thấy tài năng nghệ sĩ đã chi phối rất nhiều đến quá trình sáng tác và cảm thụ văn học của ông.
Cây đàn guitar là một dụng cụ không thể thiếu trong đất nước Tây Ban Nha kiêu hùng với những miền dãy núi thấm đẫm những lời ca từ và hát xướng. Nó hiện lên như một biểu tượng văn hóa đại diện cho đất nước Tây Ban Nha và khi được xuất hiện trong thơ Lorca nó đã trở thành một biểu tượng cho nghệ thuật.
Cây đàn guitar là một biểu tượng nghệ thuật rất độc đáo, tích đọng những ý nghĩa sâu sắc. Nó không chỉ biểu tượng cho cả nền nghệ thuật của đất nước Tây Ban Nha mà còn thể hiện cho dấu ấn nghệ thuật riêng của Lorca. Đối với mỗi nhà nghệ sĩ, tiếng đàn là cả một thế giới rộng lớn chứa đựng những điều diệu kỳ nơi tâm hồn họ đã cảm nhận, là nơi giao thoa mạch cảm xúc giữa hiện thực với sự đồng điệu, cảm nhận của nhà thơ. Tiếng đàn mỗi khi cất lên mang một giai điệu hài hòa về một sức sống vui tươi, tràn đầy. Nó cất lên để chào mừng, và mang đến những niềm vui, niềm hạnh phúc. Thế nhưng, tiếng đàn guitar của Lorca lại mang một âm hưởng trầm buồn, da diết sâu thẳm. Tiếng đàn cất lên dường như là để mở đầu cho những bi kịch, cho những chết chóc. Tiếng khóc than của guitar “vang đến tận bình minh”, cứ mãi trầm bổng, theo từng nhịp điệu của cuộc sống cũng như minh chứng cho số phận của cả nền văn hóa, một đất nước đang bị suy sụp.
Lorca dường như cảm nhận được sự cô đơn của văn học Tây Ban Nha trước sự xâm nhập mạnh mẽ của những trào lưu đương thời. Ông không tìm thấy được một chỗ đứng cho nghệ thuật dân tộc, nghệ thuật ấy dường như bị cuốn vào dòng xoáy Âu hóa mà ông ra sức níu giữ. Một mình ông đơn độc như mũi tên không có mục đích để nhắm đến trong cuộc sống đầy rẫy sự tuyệt vọng.
Như hoàng hôn
khóc buổi bình minh
như mũi tên
lao vào thinh không
như cát nóng miền Nam
khóc cho trà mi trắng
như chim non trên cành lìa cuộc sống.
Tuy nhiên, tiếng khóc ấy cũng vô cùng dai dẳng, bền bỉ, không có một lực lượng nào có thể dừng lại. Từ đó, ta cũng có thể ngầm hiểu một điều: nghệ thuật Tây Ban Nha, nghệ thuật truyền thống trước sức mạnh vũ bão của văn hóa ngoại lai, sẽ luôn tìm thấy được chỗ đứng của mình. Đồng thời, tiếng khóc “không thể lặng im” còn thể hiện niềm tin của Lorca về nghệ thuật dân gian vẫn âm ỉ cháy, như tiếng đàn của những làn điệu Cante Hondo sâu thẳm vẫn trường tồn trong văn hóa, trong kí ức người dân Tây Ban Nha.
Tiếng đàn là biểu tượng cho giá trị nghệ thuật, mà nghệ thuật chính là cái đẹp. Tiếng đàn mang giá trị tinh thần được lưu truyền mãi trong không gian và thời gian nên nó cũng là cái đẹp. Tiếng guitar đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật đem lại giá trị độc đáo và chiều sâu trong toàn bộ tác phẩm.
2.3.                     Ngôn ngữ
Ngôn ngữ mà thi sĩ Lorca sử dụng trong bài thơ Cây đàn guitar giản dị, không cầu kì, không trau chuốt nhưng chứa đựng những suy tư, thâm trầm, những cảm nhận nhạy bén, giàu sức gợi.
Ghi-ta
bắt đầu khóc
như chim non trên cành
lìa cuộc sống
Bên cạnh đó, ngôn ngữ được ông sử dụng trong bài thơ này còn mang đậm đặc tính của thơ siêu thực. Ông không trực tiếp miêu tả cây đàn mà tập trung miêu tả một thế giới của tưởng tượng và cảm xúc mà cây đàn ấy gợi nên. Hình ảnh cây đàn guitar cũng chính là cuộc đời của chính bản thân Lorca.
Vỡ ra
ly của bình minh”
“như nước khóc trên sông
như gió gào
trên tuyết”
“như mũi tên
lao vào thinh không
như cát nóng miền Nam
khóc cho trà mi trắng”
Ngôn ngữ được sử dụng trong bài thơ này rất giàu sức gợi, tác giả không trực tiếp nói lên những sự vật, hiện tượng cụ thể mà chỉ thông qua những hình ảnh thơ siêu thực gợi lên những liên tưởng trong người đọc.
“¡Oh guitarra!
Corazón malherido
por cinco espadas”
“Ôi đàn!
con tim bị thương
bởi năm thanh kiếm”
“Por cinco espadas”, chuyển là “bởi năm thanh kiếm. Nhưng không có ý nghĩa gì cho bài thơ và đàn guitar với năm lưỡi gươm. Khi tra cứu mới hiểu, năm lưỡi gươm chỉ là một lối nói để đề chỉ một cách chơi đàn guitar theo nhạc điệu flamenco. Nhạc sĩ dùng cả năm ngón tay bay nhảy trên sáu dây đàn như năm lưỡi gươm xuyên thấu vào tim người nghe.
Ngôn ngữ trong bài thơ này cũng rất giàu nhạc điệu, cụ thể ở đây tác giả đã xây dựng nên bài thơ dựa trên nhịp điệu flamenco – tiếng nhạc của quê hương xứ sở Tây Ban Nha, lúc nhanh lúc chậm, lúc dồn lúc lơi:
“Ai bắt được
nó ngừng.
Như hoàng hôn
khóc buổi bình minh
như mũi tên
lao vào thinh không”
“Ôi đàn!
con tim bị thương
bởi năm thanh kiếm.”
2.4.                     Thủ pháp nghệ thuật
Với bài thơ Cây đàn guitar, Lorca đã sử dụng hàng loạt biện pháp tu từ như nhân hóa, ẩn dụ, so sánh... nhằm làm nổi bật lên hình ảnh cây đàn guitar. Với hình ảnh cây đàn guitar, loại nhạc cụ truyền thống của xứ sở Tây Ban Nha ông đã nhân hóa nó trở thành một vật thể có cảm xúc, có tâm hồn. Guitar - một vật thể tưởng chừng như vô tri vô giác nhưng khi đi vào trang thơ của Lorca nó lại biết khóc. Phải chăng tiếng khóc của cây đàn guitar cũng là tiếng khóc của chính bản thân Lorca? Ngoài việc nhân hóa cây đàn guitar làm cho bài thơ trở nên sống động hơn, Lorca còn sử dụng biện pháp nhân hóa với một loạt hình ảnh thơ như: “gió gào trên tuyết”, “cát nóng khóc trà mi trắng”, “nước khóc trên sông” và “hoàng hôn khóc buổi bình minh".
Bên cạnh đó, một biện pháp nghệ thuật quan trọng được Lorca sử dụng trong bài thơ này đó chính là thủ pháp so sánh. Thủ pháp so sánh được Lorca sử dụng ở đây rất đặc biệt, khi so sánh A như B thì những hình ảnh ông sử dụng không hề đơn giản, mà hình ảnh so sánh ở đây rất phi lí, bất ngờ, gây sửng sốt, có gốc rễ từ trong những giấc mơ, từ trong vô thức của tác giả, đây chính là đặc trưng của thơ siêu thực. Tiếng khóc của cây đàn guitar được Lorca so sánh với tiếng khóc trên sông của nước, tiếng khóc của cát dành cho hoa trà mi trắng… Việc so sánh với những hình ảnh siêu thực, phi lí như vậy gợi ra trong tâm thức của người đọc những nỗi ám ảnh về nỗi đau của cây đàn guitar (nỗi đau của chính Lorca).
Một biện pháp nghệ thuật khác được Lorca sử dụng đó chính là điệp cú pháp. Chúng ta thấy có hai câu được lặp lại:
Empieza el llanto
de la guitarra
(Ghi-ta
bắt đầu khóc)
Es imposible
Callarla
(Ai bắt được
nó ngừng)
Lorca sử dụng kỹ thuật điệp và phối hợp với thể hát dân gian như những bài hát luôn luôn có điệp khúc, những câu chữ lặp lại mà ta thường dễ bắt gặp. Điều này tạo nên nhạc tính cho bài thơ, đồng thời nhấn mạnh tiếng khóc không dứt của cây đàn guitar cũng như niềm tin của tác giả về sự bất diệt của tiếng đàn.
Về cách trình bày bài thơ, ông thường dùng hình thức chuỗi thơ thường thấy trong truyền thống thi ca Âu Châu. Nhưng trong chuỗi thơ của ông đa phần những đoạn thơ không liên tục, chỉ có tính cách tập hợp. Mỗi đoạn thơ trình bày mỗi khía cạnh, mỗi tâm tình và nhiều đoạn cho thấy tổng thể của bài thơ. Ông thường gọi là ca khúc hoặc tổ khúc. Ứng vào Cây đàn guitar, phong cách này càng được thể hiện rõ. Bài thơ là một chuỗi những lời thơ được xếp cạnh nếu nhìn vào người đọc không cảm thấy chúng có mối liên hệ nào với nhau, ý này qua ý khác, nối liền nhau dường như không theo một trật tự logic nào. Sự chuyển tiếp từ đoạn đầu: “Ghi – ta/ bắt đầu khóc…như chim non trên cành/ lìa cuộc sống” cho đến đoạn cuối “Ôi đàn!/ Con tim bị thương/ bởi năm thanh kiếm” cũng hoàn toàn gây bất ngờ. Tuy nhiên nếu như đoạn đầu nói về tiếng khóc của cây đàn thì đoạn sau dường như tiếp nối, liên kết và thể hiện một ý nghĩa cao hơn: tiếng đàn “khóc” là do “năm thanh kiếm” tác động vào. Chỉ mới xét đến tầng nghĩa ban đầu, ta thấy bài thơ cũng đã phần nào thể hiện đậm nét phong cách sáng tác đặc trưng của Lorca.
Ngoài ra, cách vắt dòng thơ cũng tạo nên một hiệu quả đặc biệt. Tác giả kéo dài câu thơ bằng lối viết rơi dòng với những chữ đầu dòng không viết hoa. Đây được xem là phương thức vắt dòng, vừa tạo độ dài cho câu thơ, truyền hết được những ý tưởng mà những câu thơ theo hình thức thông thường không có khả năng diễn đạt trọn vẹn, tạo nhịp điệu cho bài thơ, tạo điểm nhấn trong cảm xúc chủ thể trữ tình. Cách ngắt dòng bất ngờ đó làm cho mạch cảm xúc của chủ thể trữ tình tác động rất mạnh đến tâm hồn người đọc. Thường những chỗ không viết hoa và đột ngột xuống dòng chính là điểm dừng để nguồn cảm xúc chất chứa của chủ thể trữ tình được đẩy lên đến cao trào. Nhưng đôi khi chỗ đột ngột xuống dòng lại dẫn đến vực thẳm của sự đổ vỡ như trong những câu thơ sau:
Như hoàng hôn
khóc buổi bình minh
như mũi tên
lao vào thinh không
2.5.                     Chủ nghĩa cực đoan
Bài thơ Cây đàn guitar của Lorca được sáng tác theo trường phái siêu thực (Surréalisme). Tuy nhiên biến dạng của nó ở các nước nói tiếng Tây Ban Nha có tên gọi khác là “sáng tạo chủ nghĩa” hay “cực đoan chủ nghĩa”. Sở dĩ chủ nghĩa siêu thực được gọi là chủ nghĩa cực đoan bởi nó là tiếng nói bất mãn với xã hội tư sản, là sự nổi loạn chống lại trật tự tư sản để đi đến một hiện thực cao siêu (siêu thực) với tinh thần vô chính phủ. Đó là xét trên bình diện chính trị, tư tưởng. Còn xét trên bình diện văn học chủ nghĩa cực đoan là mức độ cao nhất của chủ nghĩa siêu thực.
Chủ nghĩa siêu thực là một khuynh hướng văn học ra đời vào những năm 20 của thế kỷ XX ở Pháp trên cơ sở thuyết phân tâm học và “cõi Vô thức” của  Sigmund Freud và thuyết trực giác phi lí tính của Bergson, nó còn có tên gọi khác chủ nghĩa tượng trưng hậu kỳ. Năm 1924, sau khi đã công nhận Tristan Tzara là một nhà tiên tri, André Breton (1896-1966) cho ra đời Bản tuyên ngôn đầu tiên của chủ nghĩa siêu thực (Premier Manifeste du Surréalisme). Chủ nghĩa siêu thực cho rằng có hai thế giới “Thế giới hiện thực, theo Breton, là thế giới có thể nhìn thấy được, hoặc sờ mó được như con ngựa, mặt ngoài của nhà hát opera Pari, đường chân trời… Còn thế giới siêu thực, chỉ có thể cảm thấy trong giấc mơ, trong tiềm thức, lúc đãng trí, thần kinh suy nhược, tinh thần rối loạn…” [1,580]. Breton cho rằng miền sáng tạo của nhà nghệ sĩ phải nằm ở thế giới siêu thực, chỉ có nơi đây thì sự giao cảm mới đạt đến ngưỡng tuyệt đối, nghệ sĩ mới có thể khám phá ra những điều thiêng liêng, thần bí và sâu sắc nhất của cuộc sống con người. Quan niệm có hai thế giới thì đồng thời các nhà siêu thực cũng quan niệm bên trong “Con người toàn nguyên” có hai phần: “Con người biểu hiện” và “Con người ngủ”. Nhiệm vụ của các nhà siêu thực không gì khác hơn là cởi trói cho “Con người ngủ” bằng việc nỗ lực khám phá những bí ẩn từ miền hoang vu: vô thức, tiềm thức, chiêm bao trong chính “Con người ngủ”.Từ đây Breton lên án lí trí và văn hóa, ca tụng sức mạnh trọn vẹn của thế giới tưởng tượng và mơ mộng như là một phương thức hiểu biết. Đặc biệt, căn cứ vào “Thuyết tương đối” của Albert Einstein, các nhà siêu thực có quan niệm về cái “Hư ngụy” (Faux: tạm dịch sai biệt, giả dối) của không gian và thời gian trong thế giới hằng ngày. Thế nên họ cho rằng hình ảnh mà ta nhìn thấy về thế giới chỉ là “Hư ngụy” và do đó phải đi tìm một thế giới khác – thế giới siêu thực đối lập với cuộc sống thường nhật.
Chủ nghĩa siêu thực tin tưởng vào tính tự động hoàn toàn của tâm linh được biểu hiện một cách vô thức qua chữ viết, lời nói hoặc bằng bất cứ phương tiện nào đó sự vận động của dòng tư tưởng mà không bị chi phối, kiềm hãm bởi lí trí. Chính vì sáng tác dựa vào tâm linh nên chủ nghĩa siêu thực gạt bỏ mọi quy tắc trong ngữ pháp và thi pháp, mọi nguyên tắc tư duy logic, dâng hiến tất cả cho cảm hứng. Nhà thơ “tốc ký” tâm trạng của mình, chắp nối những mảnh vỡ ám ảnh, ảo giác, những mẫu vụn của ngôn từ vừa xuất hiện mà bất cần sắp xếp theo quy tắc logic.
Chủ nghĩa cực đoan là mức độ cao nhất của chủ nghĩa siêu thực. Tại đây nhà nghệ sĩ cảm nghiệm mọi thứ bằng những biểu tượng (symbole) mang tính “khải thị” để khám phá thế giới tiên nghiệm, tiềm thức. Đặc biệt chủ nghĩa cực đoan trong thơ được thể hiện rõ nhất qua việc đặt những yếu tố cực kỳ khác nhau trong hiện thực để đối chiếu cái không thể đối chiếu được (phép so sánh kỳ lạ), nhằm tạo những hình ảnh, hình tượng mang tính sững sờ.
Thơ siêu thực được sinh ra từ hai phát hiện lớn: cái viết tự động và hình ảnh. Khi thơ thiếu vắng vần luật thì hình ảnh quyết định cho bài thơ. Hình ảnh trong thơ siêu thực là những va đập chói lòa của từ ngữ (J.Vaché) thường mang tính chất mộng mị, chiêm bao. Theo Robert Bréchon thì có 3 cấp độ cơ bản của thơ siêu thực đó là:
Cấp độ 1: từ “như” so sánh: so sánh có 2 vế A như B này đơn giản và phổ cập quát ngay từ trong ca dao dân gian đã có: “Thân em như hạt mưa sa…” Tuy nhiên, vế B của thơ siêu thực thường gây sửng sốt, chói lòa, bất ngờ bởi tính chất mộng mị, siêu thực của nó:
Bão tố của mùa màng tốt tươi như bàn tay không ngón
                                                                     Eluard
Cấp độ 2: thay vì kết hợp bởi liên từ như thì A và B lại được đặt cạnh nhau:
Cây hoa đinh những đôi môi sản sinh
Em duy nhất và anh nghe thấy cỏ từ tiếng em cười
                                                            Eluard
Cấp độ 3: ẩn dụ cụt, nghĩa là không còn sự đặt gần nhau của hai phần được so sánh nữa mà là sự thay thế từ vế này sang vế kia. Đây là loại hình ảnh được kết hợp phức tạp nhất của siêu thực:
Trên cây cầu, vào cùng một giờ
Cũng vậy hạt sương trên đầu con mèo cái đang tự dối mình.
                                                            Breton
Và khi đọc bài thơ Cây đàn guitar của F.G.Lorca, ta thấy cấp độ thứ nhất của thơ siêu thực được thể hiện rõ nhất. Trong bài thơ hàng loạt liên từ so sánh như đã được sử dụng:
Tiếng khóc cô đơn
như nước khóc trên sông
như gió gào
trên tuyết
Như hoàng hôn
khóc buổi bình minh
như cát nóng miền Nam
khóc cho trà mi trắng
Tiếng khóc của cây đàn ghi ta lại được so sánh với “nước khóc trên sông”, “gió gào trên tuyết”, “hoàng hôn khóc buổi bình minh”, “cát nóng miền Nam khóc cho trà mi trắng”… là những hình ảnh đầy tính bất ngờ, nghịch dị, xa lạ được đặt cạnh nhau trong sự đối chiếu kỳ quái.
Bên cạnh đó, Lorca còn sử dụng những từ ngữ kiểu cách, kỳ lạ như “nước khóc trên sông”, “gió gào trên tuyết”, “con tim bị thương bởi năm thanh kiếm”… Âm luật và cú pháp rất thất thường, không theo một quy cách, lề lối nào:
            Ai bắt được nó ngừng
            ai bắt được nó
            lặng im.
            Tiếng khóc cô đơn
            như nước khóc trên sông.
Đấy chính là chủ trương sáng tác của những người nghệ sĩ thoát li mọi liên hệ với thực tế xã hội.
Qua việc sử dụng phép so sánh kì lạ giữa âm thanh của tiếng đàn guitar với “tiếng khóc”, “tiếng gió xuýt lùa trên tuyết”, “bãi biển phương nam ấm áp”, “đóa hoa nhài nở rộ”,…  ta thấy mọi ranh giới hư và thực, cái hữu hình và cái vô hình, thế giới cảm xúc và phi cảm xúc đều bị xóa nhòa. Mọi giác quan đều bị nhiễu loạn từ thính giác đến thị giác. Thông qua tiếng guitar ngân vang thổn thức ta dường cảm nhận được sự cô đơn, tuyệt vọng đậm sâu của thi sĩ Lorca người đã dâng hiến trọn vẹn trái tim cho đất nước Tây Ban Nha (Tây ban cầm).
2.6.                     Duende
Duende là một khái niệm được Lorca nhắc đến trong một bài nói chuyện về nghệ thuật. Ông đưa ra khái niệm duende để so sánh với vai trò của "nàng thơ" và "thiên thần" trong sáng tạo nghệ thuật. Theo ông, "thiên thần" bay cao phía trên đầu người, ban ân sủng cho con người đón nhận một cách thụ động. "Nàng thơ" thì mách bảo, gợi nguồn cảm hứng và nhà thơ như nghe thấy những tiếng nói mơ hồ... Song, cả "thiên thần" và "nàng thơ" đều ở bên ngoài nhà thơ, đem đến cho anh ta ánh sáng và hình thức. Còn duende, đó là cái phải đánh thức từ trong tận cùng sâu thẳm của máu ta, nó đốt cháy máu ta, nó "vứt bỏ thứ hình học êm đềm ta học được, nó đập vỡ các bút pháp", nó là "quyền lực chứ không phải cấu trúc, cuộc chiến đấu chứ không phải tư duy", nó là cái mà Goethe đã nói đến: "Quyền lực bí mật mà mọi người đều cảm thấy nhưng không triết gia nào giải thích được", nó là "tinh thần của đất". Và Lorca cho rằng nghệ thuật của Tây Ban Nha là nghệ thuật của duende.
Duende là một khái niệm nghệ thuật được Lorca đề ra trong quá trình sáng tác văn chương, nghĩa là khi chắp bút tạo nên một tác phẩm, nhà văn cần sáng tạo ra lối viết của riêng mình, không nên đi theo khuôn mẫu truyền thống của văn chương, Lorca đề ra khái niệm nghệ thuật Duende cũng chính là muốn đề cao năng lực sáng tạo của nhà văn trong quá trình sáng tác văn chương, và nhất là hạn chế sáng tác dựa theo nghệ thuật “nàng thơ” và “thiên thần”. Một trong những biểu hiện của nghệ thuật Duende là lối viết tượng trưng siêu thực.
Lorca đưa ra khái niệm Duende như một phương cách để đổi mới lại công việc sáng tạo nghệ thuật. Trong một số bài thơ, ông đã sử dụng duende để sáng tác những bài thơ của mình, trong đó có bài Cây đàn guitar. Thế nhưng đôi khi, trong một số ít những bài thơ khác, ông thường sử dụng hòa hợp cả ba yếu tố “thiên thần”, “nàng thơ” và duende. Trong tập Romance gitanThan khóc Ignacio, sự thuần khiết của hình thức, những cấu trúc có trí tuệ thật hài hoà với cảm xúc cuồn cuộn, chất bi thương, chất nhục cảm, sức ám thị của từ ngữ, và cả một cái gì có tính cách linh thị, ảo giác.
Lorca dùng hình ảnh tiếng đàn như một sinh thể có tâm trạng, một con người với những dòng nước mắt đẫm lệ than khóc. Những câu thơ trong bài từ cõi thẳm sâu tiềm thức của Lorca trở thành những dòng buồn thương da diết, tiết điệu nhịp nhàng thế nhưng nó lại ngân lên những hồi chuông mang một sự ám ảnh, cho ta thấy một điều gì đó như trí tuệ kiểm soát trong thơ ông, những tiếng khóc, những cảnh tượng hãi hùng và nhiều lúc phi lý, tối tăm như những gì đè nặng lên ta trong những cơn ác mộng.
Dõi theo tiến trình thơ Lorca, ta thấy ông có xu hướng ngày càng muốn đi xuống chiều sâu hồn người, như mũi dao nhọn vào sâu những lớp thịt đau đớn để tìm đến tận “gốc rễ của tiếng kêu”. Nhà thơ đã từng tâm sự: “Bây giờ tôi làm một thứ thơ mở toang mạch máu…” (với bốn người bạn của ông là Granada, Sevilla, Malaga, Cordoba). Thấy được tiến trình ấy ta dễ dàng đón nhận sự đột biến trong thơ ông vào những năm 1929-1930, đột biến khiến nhiều người ngỡ ngàng đến mức không nhận ra Lorca hoặc có người – vô tình hay cố ý – còn không muốn nhắc đến khi nói tới Lorca mà họ chỉ quen như “con chim hoạ mi Andalucía” và chỉ như thế mà thôi.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.  Phương Lựu (chủ biên), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, 1996.
2.  Nguyễn Quân – Vương Trí Nhàn (dịch và biên soạn), Mười nhà thơ lớn của thế kỷ, Nxb Tác phẩm mới, 1982.
3.     Ngu Yên, Thơ Federico Garcia Lorca, 9810 ấn bản và phát hành, 2013.
4.  Bằng Việt, Từ điển văn học tập 1, tr. 242 – 243, Nxb KHXH, 1983
5.  Phần chính in trong Thơ Federico García Lorca, bản dịch của Hoàng Hưng, Nxb Sở Văn hoá Lâm Đồng, 1988. Bản đăng trên talawas có bổ sung của tác giả.