Pages

Pages - Menu

Thursday, January 15, 2015

ĐẶC TRƯNG THẨM NỸ VHDG - CA DAO DÂN CA lớp 10 ( Nguồn : K38.SP Văn,ĐHSP)


MỤC LỤC
I.                   GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CA DAO
1.     Định nghĩa
2.     Phân loại
3.     Nghệ thuật
II.                PHÂN TÍCH HAI BÀI CA DAO
1.     Phân tích bài 1
2.     Phân tích bài 2
3.     So sánh hai bài ca dao
4.     Giá trị đời sống của hai bài ca dao
III.             LIÊN HỆ MỞ RỘNG VẤN ĐỀ
IV.            LÝ GIẢI TIẾNG HÁT THAN THÂN
V.               TỔNG KẾT
VI.             
I.                  GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CA DAO
1.     Định nghĩa
Có rất nhiều định nghĩa về khái niệm này:
- Việt Nam văn học sử yếu, (Dương Quảng Hàm), Trung tâm học liệu Sài Gòn in năm 1968, trang 11 viết: Ca dao (ca: hát; dao: bài hát không có chương khúc) là những bài hát ngắn lưu hành trong dân gian, thường tả tính tình, phong tục của người dân.
- Lịch sử văn học Việt Nam, tập1, (nhiều tác giả),Văn học dân gian, phần 1, Nxb GD TpHCM 1978, trang 3 viết: Ca dao là những bài hát có hoặc không có chương khúc, sáng tác bằng thể văn vần dân tộc (thường là lục bát) để miêu tả, tự sự, ngụ ý và diễn đạt tình cảm.
- Văn học dân gian Việt Nam, (Đinh Gia Khánh – Chu Xuân Diên – Võ Quang Nhơn), Nxb Giáo dục, 2001, tr436: Ca dao vốn là một thuật ngữ Hán – Việt. Theo cách hiểu thông thường thì ca dao là lời của các bài hát dân ca đã tước bỏ đi những tiếng đệm, tiếng láy… hoặc ngược lại, là những câu thơ có thể “bẻ”thành những làn điệu dân ca.
- Ngữ văn 7, (Nguyễn Khắc Phi, chủ biên), Nxb Giáo dục, 2004, trang 35: Ca dao, dân ca là những khái niệm tương đương, chỉ các thể loại trữ tình dân gian, kết hợp lời và nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người. Hiện nay người ta có phân biệt hai khái niệm dân ca và ca dao. Dân ca là những sáng tác kết hợp lời và nhạc, tức là những câu hát dân gian trong diễn xướng. Ca dao là lời thơ của dân ca. Khái niệm ca dao còn được dùng để chỉ một thể thơ dân gian – thể ca dao.
- Ngữ Văn 10, (Trần Đình Sử, chủ biên, Nxb Giáo Dục, H. 2006), trang 27, định nghĩa ca dao dân ca như sau: là thể loại trữ tình bằng văn vần, diễn tả đời sống nội tâm của con người. Dân ca khác ca dao ở chỗ kết hợp giữa lời với giai điệu nhạc.
- Từ điển thuật ngữ văn học , (Lê Bá Hán – Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi), Nxb Giáo dục, H. 2007, trang 31 viết: Ca dao còn gọi phong dao. Thuật ngữ ca dao được dùng với nhiều nghĩa rộng hẹp khác nhau. Theo nghĩa gốc thì ca là bài hát có khúc điệu, dao là bài hát không có khúc điệu. Ca dao là danh từ ghép chỉ toàn bộ những bài hát lưu hành phổ biến trong dân gian có hoặc không có khúc điệu. Trong trường hợp này ca dao đồng nghĩa với dân ca.
2. Phân loại
Dựa vào những chức năng cụ thể thì ca dao được chia làm ba loại:
  • Ca dao trữ tình
  • Ca dao lao động
  • Ca dao nghi lễ.
2.1. Ca dao trữ tình
2.1.1. Ca dao yêu thương – tình nghĩa
        Nội dung: Ca dao yêu thương – tình nghĩa là tiếng hát yêu thương, tình nghĩa, ca dao bộc lộ tình sâu nghĩa nặng đối với xóm làng,quê hương, đất nước, đối với cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè và dạt dào nhất là tình cảm lứa đôi
-Yêu nhau cởi áo cho nhau
-Thuyền về có nhớ bến chăng,
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
-Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.
 2.1.2. Ca dao than thân
      Nội dung: Ca dao than thân: là tiếng than thân trách phận, cuộc đời, cảnh ngộ khổ cực, đắng cay. Đặc biệt tiếng than thân của người phụ nữ chiếm một số lượng khá lớn. Đồng thời, ca dao than thân còn đề cao giá trị và phẩm chất của con người è  Phản kháng xã hội, phản kháng những điều ngang trái ẩn chứa rất sâu trong đó. Ngoài ý nghĩa “than thân”, đồng cảm với cuộc đời đau khổ, đắng cay của người lao động, những câu hát này còn có ý nghĩa phản kháng, tố cáo xã hội phong kiến.

      Hoàn cảnh ra đời: Ca dao than thân ra đời từ cuộc sống làm ăn vất vả, cực nhọc và bị áp bức nặng nề của người dân trong xã hội cũ.
Ví dụ:
-Thương thay thân phận con rùa,
Lên đình đội hạc, xuống chùa đội bia.
-Gánh cực mà đổ lên non,
Còng lưng mà chạy cực còn theo sau.
-Thân em như giếng giữa đàng,
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.
2.1.3 Ca dao lao động
Nội dung: Ca dao lao động là những lời ca tiếng hát phản ánh quá trình lao động của nhân dân.
 Ví dụ:
-Trời mưa trời gió đùng đùng,
Bố con ông Nùng đi gánh phân trâu
-Đem về trồng bí trồng bầu
Trồng ngô, trồng lúa, trồng rau, trồng cà
-Tháng chạp là tháng trồng khoai
Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà.
Tháng ba cày vỡ ruộng ra,
Tháng tư làm mạ mưa sa đầy đồng.
2.2. Ca dao châm biến, hài hước.
Nội dung: Ca dao hài hước thể hiện tập trung các nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian Việt Nam nhằm tạo ra tiếng cười châm biếm, phê phán xã hội – thể hiện tâm hồn lạc quan, yêu đời và triết lí nhân sinh lành mạnh trong cuộc sống lao động vất vả của người dân khi xưa.
Ví dụ:
-Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu,
Đến khi hùm dậy, đầu lâu chẳng còn.
-Chồng người đánh Bắc dẹp Đông,
Chồng em ngồi bếp giương cung bắn gà.
2.3. Ca dao nghi lễ.
Ca dao nghi lễ là lời những bài hát được thể hiện trong nghi lễ. Ca dao nghi lễ thể hiện niềm tin tôn giáo, phản ánh những nét về đời sống xã hội, quan điểm tư tưởng của nhân dân lao động.
       VD:
- Dập dìu cánh hạc chơi vơi
Tiễn thuyền Vua Lý đang dời kinh đô
- Khi đi nhớ cậu cùng cô
Khi về lại nhớ cá rô Tổng Trường
-Uy linh dẹp quỷ trừ tà,
Bao nhiêu quỷ dữ tống ra nẻo ngoài
-Tốt lành phù hộ gái trai
Già thêm sức khỏe tuổi dài xinh thay
3. Nghệ thuật
Ca dao phong phú trong cách cấu tứ và xây dựng hình tượng.
  Thể loại: được dùng nhiều trong ca dao là thể lục bát, song thất lục bát và các thể vãn (vãn 4, 5).
  Mỗi bài ca dao thường có hai dòng thơ lục bát nên kết cấu đơn giản, ngắn gọn.
  Ngôn ngữ: trong sáng, dễ hiểu, mộc mạc, gắn bó với đời sống lao động
  Sức hấp dẫn ở ca dao là ở âm điệu, vừa phong phú, vừa thanh thoát và ở lời ca dao giàu hình ảnh.
  Biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, so sánh, nói quá,... tạo ra những hình ảnh gợi cảm, mở rộng trường lien tưởng sâu xa:
Đôi ta thương mãi nhớ lâu
Như sông nhớ nước, như dâu nhớ tằm.
II.         PHÂN TÍCH HAI BÀI CA DAO

1.   Giá trị nội dung và nghệ thuật bài 1
     Ca dao là sản phẩm tinh thần của tập thể nhân dân, là tấm gương phản chiếu tâm hồn người lao động một cách sâu sắc nhất. Tính chất đồng sáng tạo đó đã tạo ra cho ca dao tiếng nói chung các công thức truyền thống mang đậm tính thẩm mĩ cộng đồng trong sáng tạo nghệ thuật. Khi tìm hiểu ca dao, ta cần đặt bài đó trong hệ thống công thức nghệ thuật truyền thống để chúng có âm vang trong nguồn mạch chung và thể hiện được sắc thái chung độc đáo. Trong ca dao có niềm vui và cả nỗi buồn, có tiếng ca tình nghĩa và tiếng hát than thân. Khi nghĩ về thân phận của mình, người nông dân xưa thường cất lên tiếng ca chất chứa nỗi buồn tủi cay đắng . Trong dòng mạch đó nổi lên rõ nhất là tiếng hát than thân về cuộc đời người phụ nữ mà hai bài ca dao mở đầu bằng hai tiếng “Thân em” là minh chứng:
-Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
-Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen
Ai ơi nếm thử mà xem
Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi.
 Cuộc đời người phụ nữ xưa kia có rất nhiều nỗi khổ cực, đắng cay. Nỗi khổ về vật chất, phải thức khuya dậy sớm dãi gió, dầm sương:
Thân em như lá đài bi,
Ngày thì dãi nắng, đêm thì dầm sương,
Ngày ngày hai bữa cơm đèn,
Lấy gì má phấn răng đen hỡi chàng.
Nhưng nỗi khổ lớn nhất của họ vẫn là nỗi khổ tinh thần. Xã hội phong kiến xưa kia với những quan điểm bất công như “tam tòng” (ở nhà phải theo cha, lấy chồng phải theo chồng, chồng chết phải theo con) đã gây ra bao nỗi khổ cực cho người phụ nữ trong suốt cả cuộc đời. Họ không có quyền định đoạt hạnh phúc cũng như cuộc đời mình. Chính vì thế, khi nghĩ về thân phận của mình, người phụ nữ thường cất lên tiếng hát than thân chứa chất nỗi buồn tủi, đắng cay:
                              Thân em như tấm lụa đào
                        Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?
    Đây là một trong số ít bài ca mà người phụ nữ thể hiện rõ sự tự ý thức về vẻ đẹp hình thức của mình. Câu thơ đầu sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh giữa “thân em” với “ tấm lụa đào”. Tấm lụa là một vật mềm mại, óng ả nổi bật về màu sắc. Người con gái không chỉ đơn thuần ví mình như tấm lụa bình thường mà là một tấm lụa đào, vừa đẹp vừa quý giá đáng được nâng niu, trân trọng. “Tấm lụa đào” còn là biểu tượng của tuổi thanh xuân tươi đẹp của người phụ nữ . Với biện pháp so sánh đó cho ta thấy sự tự ý thức về vẻ đẹp ngoại hình của người con gái. “Tấm lụa đào” là tấm lụa đẹp, giá trị  lẽ ra nó phải được trưng bày ở những chỗ sang trọng, xứng đáng  vậy mà tấm lụa đào ấy phải chịu một số phận trái ngang: “phất phơ giữa chợ”. Từ láy “phất phơ” vừa gợi lên sự mềm mại của tấm lụa vừa gợi lên số phận long đong của người phụ nữ. Số phận của họ lệ thuộc hoàn toàn vào người khác. Nếu may mắn thì họ sẽ có được trân trọng, được hạnh phúc còn không thì họ sẽ phải chịu một cuộc sống éo le trắc trở như chiếc giếng giữa đàng:
Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, kẻ phàm rửa chân.
    Giữa bao la biển người không biết số phận mình sẽ đi về đâu sẽ thuộc quyền sở hữu của ai? Ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, bản thân người con gái không được tự do yêu đương, không được lựa chọn mà phải phụ thuộc. Đó là nỗi niềm băn khoăn trăn trở vì không quyết định được số phận mà phải phụ thuộc vào người khác. Người phụ nữ họ xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhưng số phận của họ lại như tấm lụa đào kia. Chợ là nơi kẻ qua, người lại, nơi người đời mua bán, trao đổi hàng hóa, vật dụng. Người ta có thể bán, có thể mua. “Tấm lụa đào” trở thành đối tượng sở hữu của bất kì người nào có nhu cầu mua bán, nó không có quyền lựa chọn, định đoạt số phận mình. Hình ảnh ẩn dụ và câu hỏi tu từ “biết vào tay ai” chứa đựng biết bao lo lắng về thân phận phụ thuộc, nổi trôi, mong manh của người phụ nữ trong xã hội xưa.
      Thân phận con người có ý nghĩa vô cùng lớn lao vậy mà  lại bị so sánh với những vật , những đối tượng mong manh, nhỏ bé, bị phụ thuộc, chỉ được xem xét, đánh giá ở giá trị sử dụng, được xem như món đồ để mua bán. Câu ca dao với âm điệu xót xa, ngậm ngùi làm cho người đọc thương thay cho số phận người phụ nữ bị coi khinh rẻ mạt. Quá nhiều nỗi bất trắc đón chờ người phụ nữ ở phía trước nên họ luôn trong tâm trạng lo âu khắc khoải bởi số phận bấp bênh, hạnh phúc mong manh quá đỗi.
   Cũng là hình ảnh tấm lụa nhưng ở bài ca dao sau ta lại thấy một sắc thái khác hẳn:
Thân em như tấm lụa điều
Đã đông nơi chuộng, lại nhiều nơi thương.
Cũng mở đầu bằng “thân em” nhưng hai chữ “thân em” không gợi lên sự nhỏ bé, đáng thương của thân phận con người mà nó gợi nên hình thể của người phụ nữ. Đó là một thân hình đẹp, thướt tha như “ tấm lụa điều”. Và người con gái ở đây không phải chịu cảnh “phất phơ giữa chợ biết vào tay ai” mà được nâng niu, quý trọng “ đã đông nơi chuộng lại nhiều nơi thương”. Lời thơ cất lên đầy vẻ tự hào và hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên những bài ca dao mang ý nghĩa tích cực như bài này chiếm số lượng không nhiều mà đa số vẫn là những bài than thân trách phận. Điều này cho thấy cuộc sống của người phụ nữ thời xưa đa phần là éo le, bất hạnh.
2.   Giá trị nội dung và nghệ thuật bài 2
       Nếu bài ca dao thứ nhất ca ngợi vẻ đẹp hình thức của người phụ nữ thì bài ca dao thứ hai lại là tiếng nói khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của họ:
Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen
Ai ơi nếm thử mà xem
Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi
      Lại một lần nữa hai từ “Thân em” được cất lên gợi liên tưởng đến số phận hẩm hiu, nhỏ bé mà nhân vật phải chịu đựng. “Thân em như củ ấu gai” là lời nói của cô gái tự ví mình như củ ấu gai có hình thức bên ngoài xấu xí, với lối dùng từ ngữ so sánh “như” đã làm rõ hình ảnh của một cô gái có vẻ ngoài không được đẹp, nhưng với cách dùng từ đối lập về những hình ảnh “ trắng – đen ”, “trong – ngoài”. Câu ca dao đã được làm nổi bật với hai vế đối cho ta thấy được hình ảnh về một vẻ đẹp tâm hồn của một cô gái. Củ ấu gai tuy bề ngoài đen nhưng bên trong lại trắng, nếm thử lại thấy ngọt, thấy bùi. Vẫn biết là có chút gì đó tủi tủi trong cách tự nhận mình là xấu xí nhưng âm hưởng chính của bài ca dao này vẫn là tự khẳng định phẩm chất của người con gái. Hình ảnh củ ấu  gai với sự  tương phản giữa bên ngoài và bên trong đã rất phù hợp với dụng ý ví von của người con gái. Muốn biết rõ một người nào đó ta phải tìm hiểu thật kỹ chứ không chỉ xét qua vẻ bề ngoài mà đánh giá người khác. Thông qua hình ảnh so sánh , ẩn  dụ, từ ngữ, hình ảnh đối lập, bài ca dao đã cho ta cảm nhận một cô gái có hình thức không được mặn mà, nhưng lại có vẻ đẹp tâm hồn. Vẻ đẹp phẩm chất đó chính là đức hạnh, là tấm lòng trong trắng, thuần khiết đáng trân trọng.
    Người con gái thiết tha nhắn nhủ:
“Ai ơi, nếm thử mà xem
Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi.”
        Với người con gái, sự mời mọc tha thiết và sự tự khẳng định ấy là sự “vạn bất đắc dĩ” bởi vì vẻ đẹp bên trong – giá trị thực của họ chẳng được ai biết đến. Lời nhắn nhủ “ai ơi nếm thử mà xem” vừa như trách móc, vừa như tha thiết, mong mỏi “ai” kia sẽ đến với nhau vì tấm lòng, vì cái ngọt bùi, cái trong trắng trong tình nghĩa.
        Bài ca dao có sự lựa chọn hỉnh ảnh rất chính xác, vừa cụ thể, vừa biểu cảm. Hình ảnh so sánh đã cụ thể hóa tâm trạng tủi hờn của người phụ nữ, đó không chỉ là tiếng nói bày tỏ tấm lòng, mà còn ẩn chứa trong đó nổi niềm cay đắng, tủi nhục. Bởi lẽ, người đời đôi khi lại phũ phàng thờ ơ với những vẻ đẹp thực chất mà luôn đuổi theo cái hào nhoáng bên ngoài. Bởi thế, những tâm tình cất lên như một lời cảnh tỉnh, một lòi nhắc nhở con người hãy đến với nhau bằng chính vẻ đẹp tâm hồn. Cái bề ngoài thực chất chỉ là những thứ phù du theo năm tháng, nó có thể phai mờ, nhạt nhòa với thời gian. Duy chỉ có ở tấm lòng trong trắng,tinh khôi – cái được che lấp bởi vẻ ngoài ấy mới thật sự trường cửu với thời gian.
        Bài ca dao được thể hiện dưới hình thức lục bát, với ngôn ngữ giản dị, gần gũi, hình ảnh sinh động, lối viết giàu chất thơ. Đặc biệt giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ cùng với lối diễn đạt bằng một số công thức mang đậm sắc thái dân gian. Có mới mẻ, độc đáo về lý tưởng, có giá trị giáo dục cao, khái quát được giá trị nhận thức cũng như tư tưởng tình cảm của con người, đồng thời thể hiện sự chua xót, đắng cay và tình cảm yêu thương của con người trong xã hội cũ, bộc lộ chân tình và sâu sắc qua những câu ca dao than thân đã tô đậm thêm vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa.
    Hai bài ca dao trên bổ sung cho nhau, là sự tự khẳng định một vẻ đẹp bên ngoài, một vẻ đẹp bên trong nhưng bao trùm là cảm hứng ngậm ngùi, xót xa về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Đó là giá trị tố cáo và giá trị nhân đạo sâu sắc trong tiếng hát than thân ướt đẫm nước mắt của người phụ nữ.
3.   So sánh hai bài ca dao
3.1       Giống nhau
    Về nội dung hai bài ca dao đều bắt đầu bằng  “thân em” với âm điệu ngậm ngùi, xót xa để diễn tả số phận, cuộc đời bị phụ thuộc có thể xác định đây là lời than của những cô gái đang tuổi xuân thì, nhưng không được quyền quyết định tình yêu, số phận, tương lai. Tiếng hát than than cất lên  gợi cho người nghe sự chia sẻ và đồng cảm sâu sắc. Đó là lời nói chung cho của người phụ nữ về thân phận nhỏ bé, yếu ớt, đắng cay, tội nghiệp của mình dưới chế độ xưa. Tuy có phẩm chất đẹp nhưng lại không được nâng niu, trân trọng, họ luôn khát khao chờ mong một hạnh phúc  nhưng dường như đều rơi vào tuyệt vọng. . Họ không thể tự quyết định được tương lai và hạnh phúc của mình bởi những quyền đó đã bị xã hội phong kiến cướp đi. Cũng vì thế mà tiếng hát của người phụ nữ cất lên vừa mang ý nghĩa than than vừa là lời tố cáo xã hội phong kiến đầy bất công. Họ khát khao và chờ mong nhưng vẫn phải gửi cuộc sống của mình cho số phận.
      Về nghệ thuật, hai bài đều sử dụng nghệ thuật so sánh. Ở các câu đầu của bài ca dao tác giả nhân gian chủ yếu đưa ra các sự vật để so sánh, còn các câu tiếp theo là những câu miêu tả bổ sung, khắc họa rõ nét thân phận cuộc đời nhiều khổ cực, trái ngang, may nhờ rủi chịu.Các hình ảnh so sánh đều là những vật gần gũi, quen thuộc và có đường nét tương đồng độc đáo với than phận của người con gái trong xã hội cũ. Cách sử dụng các hình ảnh so sánh đó khiến cho dối tượng được so sánh (người phụ nữ) hiện lên một cách rõ ràng, đồng thời cũng làm nổi bật thân phận nhỏ bé, bất hạnh của họ. Chính vì vậy mà nổi đau của thân phận của nhân vật trữ tình trong bài ca dao đã được nhân lên. Đã đau còn đau hơn! Đây là hai bài ca dao than thân, chính vì vậy việc sử dụng thể thơ lục bát đã tạo nên hiệu quả cao trong việc diễn tả tiếng hát than thân, trách phận của người phụ nữ. Chính kết cấu 6-8 trong thể thơ lục bát khiến câu thơ trở nên da diết, ẩn chứa sự ngậm ngùi, xót xa. Bên cạnh sự giống nhau thì mỗi bài ca dao cũng có những nét riêng tạo nên dấu ấn khác biệt trong lòng người nghe.
3.2 Khác nhau
    Tuy đều là tiếng than thân đầy xót xa cho thân phận của mình nhưng ở bài thứ nhất là tiếng than về số phận bấp bênh, không có giá trị của người con gái. Họ được sinh ra nhưng không được xem trọng, không có quyền quyết định số phận của mình, phải phụ thuộc hoàn toàn vào kẻ khác: “phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”. Ở bài ca dao thứ hai ta lại bắt gặp lời than về sự lận đận trong tình yêu của người con gái. Họ mang số phận thật đáng thương. Tuy mang những phẩm chất tốt đẹp nhưng nào ai, quan tâm, để ý, để rồi họ phải xót xa mời mọc: “ai ơi nếm thử mà xem”.
   Cùng mở đầu bằng motip “Thân em” nhưng nếu như trong bài thứ nhất, hình ảnh người phụ nữ được so sánh với hình ảnh “tấm lụa đào” một hình ảnh vừa đẹp vừa quý giá biểu tượng cho tuổi thanh xuân tươi đẹp đáng được nâng niu trân trọng thì với bài ca dao thứ hai, người phụ nữ lại được so sánh với hình ảnh “củ ấu gai” một hình ảnh đơn sơ mộc mạc có phần xấu xí, xù xì. Có sự khác nhau đó bởi bài thứ nhất, tác giả dân gian muốn nhấn mạnh, làm nổi bật vẻ đẹp hình thức của người phụ nữ nên không gì thích hợp hơn việc sử dụng hình ảnh tấm lụa đào. Còn ở bài thứ hai cái được tập trung khắc họa là vẻ đẹp tâm hồn nên việc sử dụng hình ảnh “củ ấu gai”  với sự đối lập “trong – ngoài”, “ trắng – đen ” đã làm nổi bật được vẻ đẹp bên trong của người phụ nữ. Củ ấu gai tuy bề ngoài đen nhưng bên trong lại trắng, nếm thử lại thấy ngọt, thấy bùi. Hai bài ca dao đã bổ sung ý nghĩa cho nhau, làm nên vẻ đẹp toàn diện cả về hình thức lẫn tâm hồn của người phụ nữ.
4.   Giá trị đời sống
Những người lao động bình dân xưa khi sáng tác những câu ca dao, họ không ý thức rằng mình đang sáng tác nghệ thuật mà họ cất lên lời của những bài ca dao đơn thuần chỉ để phục vụ nhu cầu cuộc sống. Đó có thể là những câu ca dao hài hước với tác dụng giải trí, có thể là những câu hát giãi bày tâm tư, tình cảm, hay trong lao động để tập trung sức lực, tạo không khí làm việc thì những câu hò kéo lưới được ra đời…Và trong xã hội phong kiến đầy bất công, cuộc sống của người lao động gặp không ít những cực khổ, bất hạnh. Những đắng cay, tủi nhục trong cuộc sống, họ chẳng biết chia sẻ cùng ai, để rồi họ lại gửi gắm vào những câu ca dao. Vì vậy mà trong ca dao số lượng các bài có nội dung than thân là khá lớn, đặc biệt là tiếng than của người phụ nữ. Những người phụ nữ  trong xã hội cũ phải chịu sự đè nén của biết bao luật lệ hà khắc, cuộc sống lao động cực nhọc, vất vả mưu sinh, phải lệ thuộc vào hoàn cảnh. Họ bị rơi vào vòng xoay của bi kịch, khổ đau. Nhưng họ chẳng có được một tiếng nói đồng cảm, sẻ chia. Không thể thổ lộ cùng ai, họ đành tự cất lên tiếng nói than thân, gửi gắm số phận éo le của mình vào ca dao. Nó được cất lên khi họ trăn trở, lo lắng cho cuộc sống nổi trôi, vô định của mình:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
Hay khi họ ý thức được số phận hẩm hiu của bản thân:
Thân em như chổi đầu hè
Phòng khi mưa nắng đi về chùi chân.
Cũng có thể lời ca được cất lên khi họ nhận thúc được giá trị của bản thân bị xem thường, không ai quan tâm, để ý mặc dù trong họ là những phẩn chất tốt đẹp. Người phụ nữ bất đắc dĩ phải mời mọc: “ai ơi nến thử mà xem”.
       Đó còn là những bất hạnh trong tình yêu, trong cuộc sống nhà chồng…Ca dao đã trở thành phương tiện duy nhất để người phụ nữ cất lên tiếng nói từ đáy lòng của mình.
     Không chỉ có giá trị ở thời điểm mà nó ra đời, mà cho đến ngày hôm nay, thể loại ca dao nói chung và ca dao than thân nói riêng đã trở thành một khúc tâm tình, một lời ca tha thiết ngọt ngào đối với tâm hồn mỗi con người chúng ta. Qua các câu ca dao than thân mà đặc biệt là tiếng than của người phụ nữ, chúng ta hiểu thêm về cuộc sống cơ cực, nhiều đắng cay mà họ phải trải qua, để từ đó có sự đồng cảm sâu sắc với họ. Bên cạnh đó sự nâng niu, quí trọng những phẩm chất tốt đẹp ở họ.
III.      LIÊN HỆ MỞ RỘNG
Trong ca dao còn rất nhiều bài khác nhau cùng sử dụng công thức “thân em” để thể hiện nội dung tương tự. Bởi vì ca dao là sáng tác của nhân dân lao động, được diễn xướng trong lao động, trong hát đối đáp nơi hội hè, đình đám. Từ đời này qua đời khác, ca dao được lưu truyền, khắc họa thêm tâm tình người lao động. Những hình ảnh được ví von, so sánh với “thân em” có cái trong trẻo, tinh khôi của những “hạt mưa rào”, “mưa sa”, cái dịu dàng, ngào ngạt hương sắc “quế giữa rừng”, cái mát lành của những “giếng nước trong”, nhưng cũng có chút gì đó xót xa, tủi nhục của những hình ảnh rẻ rúng: “chổi đầu hè”, cái hẩm hiu của “trái bầu trôi”,… Tất cả tạo nên những màu sắc rất riêng, nhưng tựu trung lại là tiếng hát than thân, trách phận, xót xa cho thân phận chìm nổi lênh đênh của những người phụ nữ:
-Thân em như hạt mưa rào,
Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa.
-Thân em như hạt mưa sa,
Hạt xuống giếng ngọc, hạt ra ruộng cày.
-Thân em như trái bần trôi,
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu.
-Thân em như cá giữa rào,
Kẻ chài, người lưới biết vào tay ai?
-Thân em như cam quýt bưởi bòng
Ngoài tuy cay đắng trong lòng ngọt ngon.
-Thân em như con hạc đầu đình,
Muốn bay chẳng cất nổi mình mà bay.
-Thân em như ớt chín cây,
Càng tươi ngoài vỏ càng cay trong lòng.
-Thân em như giếng giữa đàng,
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.
-Thân em như miếng cau khô,
Người thanh tham mỏng, kẻ thô tham dày.
-Thân em như cái cọc rào,
Mọt thì anh đổi, cớ sao anh phiền.
-Thân em như trái xoài trên cây,
Gió đông, gió tây, gió nam, gió bắc,
Nó đánh lúc la lúc lắc trên cành,
Một mai rơi xuống biết đành vào tay ai?
-Thân em như rau muống dưới hồ,
Nay chìm mai nổi biết ngày mô cho thành?
-Thân em như đóa hoa rơi,
Phải chăng chàng thật là người yêu hoa?
-Thân em như cánh hoa hồng,
Lấy phải thằng chồng như đống cỏ khô.
-Thân em như cá trong lờ,
Hết phương vùng vẫy biết nhờ nơi đâu.
-Thân em đi lấy chồng chung,
Khác nào như cái bung xung chui đầu.
-Thân em như quả dưa tây,
Lâu lâu anh bóp cho lây nỗi buồn.
-Thân em như thể cánh bèo,
Ngược xuôi xuôi ngược theo chiều nước trôi.
-Thân em vất vả trăm bề,
Sớm đi ruộng lúa, tối về ruộng dâu.
Có lược chẳng kịp chải đầu,
Có cau chẳng kịp têm trầu mà ăn.
-Thân em như cột đình trung,
Tay dơ cũng quẹt, tay phung cũng chùi.
-Thân em như cúc bờ rào,
Kẻ qua ngắt nhụy, người vào bẻ bông.
-Thân em như miếng bánh xèo,
Nằm trong chạn bếp... biết mèo nào tha.
-Thân em như cá trong bồn,
Không ăn có chịu, tiếng đồn oan chưa!
-Thân em chẳng đáng mấy tiền,
Vì tình em nặng, mấy nghìn cũng mua.
-Thân em như mấy củ khoai,
Sáng sáng anh đói, anh nhai đỡ lòng.
-Thân em như cỏ ngoài đồng,
Buồn thì anh nhổ, anh trồng rau răm.
-Thân em như cánh chuồn chuồn,
Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay.
-Thân em như chổi đầu hè
Phòng khi mưa nắng đi về chùi chân.
   “Thân em như” cứ điệp đi điệp lại khơi gợi nỗi chua xót, đắng cay. Các bài ca dao có cùng công thức mở đầu gần gũi nhau bởi nét tương đồng trong nội dung, ý nghĩa và cùng sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh. Bên cạnh đó, mỗi bài có nét riêng trong việc lựa chọn đối tượng miêu tả và biểu hiện. Cũng để diễn đạt thân phận chìm nổi, bấp bênh của người phụ nữ mà có một loạt các hình ảnh khác nhau để so sánh như: “trái bần”, “hạt mưa sa”, “cá”, “giếng nước”,… khi diễn tả số phận trái ngang, không được xem trọng thì ta lại bắt gặp các hình ảnh: “chổi đầu hè”, “tấm lụa”, “cỏ”, “củ khoai”…Chính những hình ảnh này tạo nên sự phong phú, đa dạng trong ca dao than thân nói chung và ca dao than thân về người phụ nữ nói riêng. Cũng phải nói thêm rằng tuy đây đều là những bài than thân nhưng mỗi bài lại có một nỗi khổ khác nhau(có khi là nỗi khổ trong tình yêu, có khi là trong cuộc sống gia đình, có khi là nỗi khổ về thân phận nhỏ bé,bị phụ thuộc, bị xem thường…) và mức độ khổ cũng không giống nhau. Điều này nói lên sự lặp lại nhưng có sáng tạo của người lao động bình dân tránh sự nhàm chán đơn điệu. So sánh là sự khắc họa một cách cụ thể, làm sáng rõ hơn những khái niệm trừu tượng: “Thân em” là khái niệm trừu tượng được thể hiện thông qua những hình ảnh giản dị, gần gũi với cuộc sống con người, người lao động lấy những hình ảnh gần gũi với cuộc sống lao động xung quanh họ để đưa vào những câu ca dao: “tấm lụa đào”, “củ ấu gai”, “giếng nước giữa đàng”, “miếng cau khô”, “hạt mưa sa”…Những vật thể rất khác nhau ấy lại được xích lại gần nhau nhờ những nét tương đồng bởi sự lựa chọn của phương pháp sánh mà vẫn giàu giá trị biểu cảm. Ta có thể thấy như có tiếng thở dài cam chịu, giọt nước mắt đắng cay của bao kiếp người phụ nữ xưa qua những câu hát than thân.
Tuy nhiên, cùng với motip “thân em” nhưng không mang ý nghĩa than thân, không phải là lời than thân trách phận mà là sự khẳng định vẻ đẹp, phẩm giá của chính bản thân mình. Đó là những câu ca như:
-      Thân em như tấm lụa điều
đã đông nơi chuộng lại nhiều nơi thương
-      Thân em như cái chuông vàng
Để trong thành nội có ngàn quân canh
Thân anh như thể cái chày
Bỏ lăn bỏ lóc chờ ngày dộng chuông
-      Thân em như giọt nắng xuân
Mơ vào cửa phủ thấm vần thơ anh
   Trong ca dao rất nhiều bài có công thức giống nhau, ngoài công thức “thân em” thì còn có công thức “em như” cũng mang tiếng hát than thân nhưng với một sắc thái nhẹ nhàng và ý nhị hơn.Bởi vì ca dao là sáng tác của nhân dân lao động, được diễn xướng trong lao động, trong hát đối đáp nơi hội hè, đình đám. Khi những bài ca dao phù hợp với đời sống của người lao động, nó sẽ được nhiều người biến đổi một số hình ảnh, từ ngữ trên cơ sở bài ca dao ban đầu để thích hợp với hoàn cảnh của bản thân. Từ đời này qua đời khác, ca dao được lưu truyền, khắc họa thêm tâm tình người lao động.
Hệ thống công thức “thân em” không chỉ xuất hiện dày đặc trong mảng ca dao dân ca trong văn học dân gian Việt Nam, mà công thức này còn xuất hiện trong ca dao, dân ca Lào, Campuchia. Những hình ảnh so sánh rất gần gủi thân thuộc với đời sống thường nhật của người dân lao động chân quê: “gốc đa già”, “con cá rô”
“Thân em như con cá rô
Đang nằm trên váng nước cạn
Nếu trời không mưa cho
Lẽ lâm nạn chết khô”.
   Ở đây, những bài ca dao cùng công thức “thân em” đa phần mang hơi hướng than thân,thể hiện sự lo lắng băn khoăn,cũng như chua xót cho thân phận của người phụ nữ. Tiếp mạch cảm xúc chung cho thân phận phụ thuộc, mỏng manh, nỗi niềm của người phụ nữ trong ca dao, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã khắc họa rõ nét hơn trong tiếng thơ đầy bản sắc của bà tạo nên một tiếng nói chung, một mạch tiếp nối giữa văn học dân gian và văn học viết:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.
Từ hình ảnh bánh trôi nước, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã liên tưởng đến vẻ đẹp và thân phận của người phụ nữ. Ý thức được vẻ đẹp hình thể, mặc dầu cuộc đời bị vùi dập, lênh đênh vô định nhưng họ vẫn giữ trọn tấm lòng son sắt, là tiếng lòng, là lời gửi gắm của nữ sĩ đến hàng triệu người đọc, một cái nhìn mới mẻ về người phụ nữ. Những bài ca dao trên cho ta thấy nỗi khổ của cuộc đời người phụ nữ xưa, giúp ta thêm yêu, trân trọng cuộc sống thực tại. Người phụ nữ hiện đại vẫn gữi những nét dịu dàng, khiêm nhường của người phụ nữ truyền thống, nhưng họ không còn phải cam chịu cuộc sống phụ thuộc mà đã ý thức rõ ràng về vị thế xã hội của mình, chủ động tìm kiếm và xây dựng tình yêu hạnh phúc trong cuộc sống. Đó là hình ảnh con sóng với tất cả nỗi khát khao được giải phóng chính mình:
“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”.
Cũng như khá vọng hướng đến một tình yêu vĩnh cửu.
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”.
   Người phụ nữ thật sự là cả một thế giới bí ẩn, thâm sâu và quyến rũ, họ có quyền yêu và được yêu hết mình, chính họ nắm trong tay số phận của cuộc đời mình. Hãy cùng nghe những lời thơ của Xuân Quỳnh, cùng suy ngẫm và nghiệm ra những điều tưởng chừng đơn giản tầm thường nhưng hóa ra lại là chân lý:
“Một buổi sớm mai trớm bước chân mình trên cát
Người mẹ cho ra đời  những Phù Đổng Thiên Vương
Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng
Là bác học hay là ai đi nữa
Cũng là con của người phụ nữ
Người đàn bà rất bình thường không ai biết tuổi tên”.
VI. LÝ GIẢI TIẾNG HÁT THAN THÂN.                                        
          Trong thế giới đó, lắng sâu hơn cả vẫn là hình ảnh của những người phụ nữ xưa – đau khổ, cay đắng đến cùng cực nhưng cũng đẹp đẽ, cao quý đến vô ngần. Có thể nói, ca dao đã làm tròn sứ mệnh của nó trong việc lưu giữ những nỗi lòng của người phụ nữ bình dân xưa và mang đến cho ta cái nhìn toàn diện về họ, trong khổ đau cũng như những vẻ đẹp tâm hồn ngời sáng.
          Xã hội phong kiến phụ quyền tồn tại hàng nghìn năm với những quan niệm bất công, khe khắt “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tong tử”, quan niệm trọng nam khinh nữ “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, đã dành mọi ưu tiên, ưu đãi cho người đàn ông và đẩy người phụ nữ xuống địa vị thấp kém nhất trong gia đình cũng như xã hội. Nỗi niềm ấy được họ gửi gắm vào những câu ca dao than thân:
-Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
-Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày
-Thân em như chổi đầu hè
Phòng khi mưa gió đi về chùi chân
Chùi rồi lại vứt ra sân
Gọi người hàng xóm có chân thì chùi”
            Có biết bao nhiêu nỗi khổ mà người phụ nữ phải chịu đựng, nỗi khổ vật chất “ngày ngày hai buổi trèo non”, “ngày thì dãi nắng đêm thì dầm sương”. Nhưng nỗi khổ lớn nhất, xuất hiện với tần số cao nhất vẫn là nỗi khổ về tinh thần, nỗi khổ của thân phận mong manh, bị động, ít giá trị. Những người phụ nữ ở đây bị “đồ vật hoá”, được định giá theo giá trị sử dụng. Thân phận họ chỉ được ví với “hạy mưa sa”, “chổi đầu hè”...Ta có thể cảm nhận được bao nỗi xót xa của người phụ nữ khi cất lên những lời ca ấy. Không phải người phụ nữ không ý thức được vẻ đẹp và phẩm giá đáng quý của mình. Họ luôn ví mình với “tấm lụa đào”, “giếng nước trong”...nhưng những phẩm chất ấy đâu có được xã hội , người đời biết đến và coi trọng. Cả đời họ chỉ lầm lũi, cam chịu trong sự đau khổ, nhọc nhằn. Và dường như sự bất hạnh ấy của người phụ nữ trong xã hội xưa là một hằng số chung, ở tất cả các vùng miền. Người phụ nữ dân tộc Thái cũng từng đau đớn thốt lên: “Thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa, con chão chuộc thôi”.
           Có ai đó đã nói, nếu dùng một từ để nói về số phận của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến thì đó là “tủi nhục”. Quãng thời gian họ sống trên đời được đong đếm bằng những nỗi đau khổ mà họ phải gánh chịu. Khi còn nhỏ, sống trong gia đình, người thiếu nữ đã phải chịu sự bất công của quan niệm “trọng nam khinh nữ”:
           Khi đi lấy chồng, họ còn chịu thêm trăm điều cay cực. Quan niệm “xuất giá tòng phu”, “lấy chồng làm ma nhà chồng” đã khiến bao người phụ nữ xa quê phải ngậm ngùi nuốt đắng cay, thấm thía nỗi buồn, nhớ khi nghĩ về quê mẹ
           Nhớ nhà nhớ mẹ mà không được về, những người đi làm dâu còn phải chịu sự đày đoạ của gia đình nhà chồng, đặc biệt là mẹ chồng. Trong chế độ cũ, những người mẹ chồng xưa kia thường là “nỗi kinh hoàng” của những nàng dâu vì xã hội phog kiến với quan niệm hôn nhân gả bán cho phép người ta “mua” vợ cho con khác nào mua người làm không công, trả cái nợ đồng lần mà chính người mẹ chồng trước đây phải gánh chịu:
-Tiếng đồn cha mẹ anh hiền
Cắn cơm không vỡ cắn tiền vỡ tan
-Trách cha, trách mẹ nhà chàng
Cầm cân chẳng biết là vàng hay thau
Thực vàng chẳng phải thau đâu
Đừng đem thử lửa mà đau lòng vàng.
            Trong hoàn cảnh ấy đại đa số những người phụ nữ phải cam chịu, nín nhịn nhưng cũng có trường hợp, người con dâu tỏ thái độ phản kháng có phần quyết liệt, cô “đội nón về nhà mình” dẫu biết hành động ấy sẽ bị lên án, bị không ít tiếng thị phi, cay độc vì trong xã hội xưa còn gì đáng sợ hơn bằng tội “trốn chúa, lộn chồng”:
-Cô kia đội nón đi đâu
Tôi là phận gái làm dâu mới về
Mẹ chồng ác nghiệt đã ghê
Tôi ở chẳng được, tôi về nhà tôi.
     Sở dĩ họ phải phản kháng là do không còn nơi để bấu víu, tựa nương. Mẹ chồng đã vậy, lại còn chịu thêm nỗi khổ của “cảnh chồng chung”. Xã hội phong kiến cho phép “trai quân tử  năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng” đã gây ra bao cảnh đau lòng. Nhân dân hướng về những người vợ lẽ - những người chịu nhiều thua thiệt hơn cả để cảm thông, để lắng nghe những tiếng giãi bày xót xa, cay đắng:
-Thân em làm lẽ chẳng nề
Có như chính thất, ngồi lê giữa đường
        Khao khát của người phụ nữ ở đây không phải là cái khao khát mang tính chất bản năng thuần tuý mà là những khát khao hạnh phúc chính đáng nhất của một con người. Vì thế họ đã nhắn nhủ tâm tư tình cảm của mình thông qua những lời ca dao than thân trách móc u sầu, bởi lẽ họ chỉ là những tiếng nói không trọng lượng trong cái xã hội phong kiến suy tàn.
   V. TỔNG KẾT.
Cùng với các thể loại khác ra trong dòng văn học dân gian, ca dao đã diễn tả đời sống tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các mối quan hệ đôi lứa, gia đình, quê hương, đất nước…Ca dao không chỉ là lời ca yêu thương tình nghĩa mà còn là tiếng hát than thân cất lên từ cuộc đời xót xa, cay đắng của người Việt Nam, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội cũ.