Pages

Pages - Menu

Tuesday, June 9, 2015

Phong cách thơ Hồ Chí Minh qua “ Nhật kí trong tù” [ Nguồn K38 SP Văn, ĐHSP]


MỤC LỤC

I. Khái quát chung
           1.1 Tác giả
           1.2 Tác phẩm
II. Phong cách thơ Hồ Chí Minh qua “ Nhật kí trong tù”
          2.1 Khái niệm phong cách thơ
          2.2
Tính giản dị và vĩ đại
2.3. Tính cổ điển và hiện đại
         2.
4 "Thép" và "Tình"
III. Kết luận
IV. Tài liệu tham khảo



I. Khái quát chung
1.1 Hồ Chí Minh: Tiểu sử và sự nghiệp
            Hồ Chí Minh (1890 – 1969)  quê Kim Liên, Nam Đàn,Nghệ An. Năm 1911 ra đi tìm đường cứu nước. Năm 1919 gửi tới Hội nghị Versailles (Pháp) Bản yêu sách của nhân dân An Nam. 1920 tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1925 tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông, sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. 1930 triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. năm 1941 Người về nước thành lập Mặt trận Việt Minh, trực tiếp lãnh đạo cách mạng trong nước, lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Ngày 2/9/1945 đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Năm 1946 được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Từ 1946 – 1969 Đảm nhiệm chức vụ cao nhất trong nhà nước, lãnh đạo toàn dân thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
            Năm 1987, tại kỳ họp lần thứ 24, Tổ chức Giáo dục - Văn hóa - Khoa học của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và nhà văn hóa kiệt xuất”.
1.2. Tập thơ Nhật kí trong tù
            Tháng 8 – 1942 Nguyễn Ái Quốc đã đổi tên thành Hồ Chí Minh sang Trung Quốc với tư cách là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh để liên hệ với thế giới bên ngoài và tìm sự ủng hộ của thế giới. Nhưng khi đến Quảng Tây – Trung Quốc thì chính quyền Tương Giới Thạch nghi là hán gian nên bị bắt vào tù. Suốt mười ba tháng từ tháng 8 – 1942 đến tháng 9 – 1943 Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giải đi ba mươi nhà lao của mười ba huyện thuộc tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc.
            Trong suốt thời gian hơn một năm đó Hồ Chí Minh đã sáng tác tập thơ để giải bày tâm trạng của mình và Người tập hợp lại thành một tập có tên là “Ngục trung nhật ký” tức “Nhật ký trong tù”. Tập thơ gồm 134 bài trong đó có một bài “Mới ra tù tập leo núi” được viết sau khi ra khỏi nhà tù. Tập nhật ký bằng thơ không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có giá trị nghệ thuật cao. Và được chia làm hai mảng đề tài chính: Thơ tuyên truyền vận động cách mạng và Thơ cảm hứng trữ tình.
II. Phong cách thơ HCMinh  qua Nhật kí trong tù”
2.1 Khái niệm phong cách thơ
Phong cách sáng tác (phong cách nghệ thuật) là một phạm trù thẩm mĩ, chỉ sự thống nhất tương đối ổn định của hệ thống hình tượng, của các phương tiện biểu hiện nghệ thuật, nói lên cái nhìn độc đáo trong sáng tác của một nhà văn, trong tác phẩm riêng lẻ, trong trào lưu văn học hay văn học dân tộc.
(Trong nghĩa rộng: Phong cách là nguyên tắc xuyên suốt trong việc xây dựng hình thức nghệ thuật, đem lại cho tác phẩm một tính chỉnh thể có thể cảm nhận được, một giọng điệu và một sắc thái thống nhất).
(Từ điển thuật ngữ văn học – Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên, NXB Giáo dục, 2004. Tr. 255, 256).
Phong cách thơ là một trong những biểu hiện của tài năng thi ca đích thực. Tài nghệ thi ca đi liền với việc tạo lập nên nét riêng, không lặp lại người của nhà thơ. Đọc Nhật kí trong tù, ta nhận ra sự ảnh hưởng đậm đặc của chất Đường thi, bút pháp cổ điển trong phong cách thơ của Người. Nghệ thuật đối, bút pháp ẩn dụ, điệp từ đã được Bác sử dụng rất tài tình và khéo léo. Điển hình trong bài thơ Vọng nguyệt, phép đối rất chỉnh đến từng ý, từng lời: " Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt / Nguyệt tòng song thích khán thi gia". Hai nhân vật trữ tình luôn luôn đối xứng trong giao cảm vận hành: người - trăng ; trăng – người. Cấu trúc đối này đã làm nổi bật tình cảm mãnh liệt giữa người và trăng, mối quan hệ từ lâu đã trở thành tri kỉ. Hay trong bài Tẩu lộ, việc lặp lại điệp từ " tẩu lộ" đã làm nổi bật ý thơ đường đi thật khó khăn, ý thơ thấm thía từ sự trải nghiệm của người đang trên hành trình gian nan. Và trong câu thứ hai của bài thơ này, điệp từ " trùng san" cũng được nhắc lại nhằm nhấn mạnh cái khó khăn vẫn đang nối tiếp. Đồng thời cũng là một ẩn dụ, gợi ra con đường cách mạng phía trước vẫn còn đầy gian lao, thử thách và hi sinh. Một đặc điểm nghệ thuật luôn bao trùm trong thơ Bác là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp cổ điển và hiện đại, là sự hòa quyện giữa chất thơ và chất thép. Do vậy mà thơ Bác dù mang phong vị thơ Đường, Tống nhưng không u buồn, cổ kính như thơ Đỗ Phủ, Lí Bạch mà hình ảnh thơ luôn mới mẻ, hiện đại, phóng khoáng.
2.2Tính giản dị và vĩ đại
Tính giản dị: Tính giản dị thể hiện trươc hết ở khuôn khổ, kích thước mỗi tác phẩm. Hầu hết các sáng tác của người tù Hồ Chí Minh là những bài thơ tứ tuyệt. Do đó mỗi bài thường chỉ gồm 4 câu thơ, mỗi câu 5 đến 7 chữ, vô cùng ngắn gọn, nhẹ nhàng.
·        Ở Hồ Chí Minh, thơ không tách ra khỏi sự sống hằng ngày. Tứ thơ của Người bình dị như sự sống lẫn vào trong sự sống hằng ngày. Nhưng đằng sau mỗi câu chuyện trong “Nhật kí trong tù” chính là mối quan tâm lớn đến niềm vui, nỗi buồn của quần chúng.
·        Tính giản dị được Hồ Chí Minh thể hiện bằng những hình ảnh quen thuộc, gắn bó với đời thường và con người, nhẹ nhàng, gần gũi và bình dị:
“Hỏa lò ai cũng có riêng rồi,
Nhỏ nhỏ, to to mấy chiếc nồi;
Cơm nước, rau canh, đun với nấu,
Suốt ngày khói lửa mãi không thôi.”
Đó là khung cảnh sinh hoạt trong nhà tù đã được Bác miêu tả lại thành thơ. Ta  dễ dàng nhận thấy “Nhật ký trong tù” hầu như không có sự tưởng tượng mà cảm xúc thơ được xuất phát từ những câu chuyện nhỏ nhặt nhất trong đời sống hằng ngày:
“Năm mươi ba dặm, một ngày trời,
Áo mũ ướt đầm, dép tả tơi;
Lại khổ thâu đêm không chốn ngủ,
Ngồi trên hố xí đợi ban mai.”
Tác giả dường như không tưởng tượng gì cũng thành thơ, nhìn gì cũng ra thơ, nói gì cũng là lời thơ. “Nhật kí trong tù” là một tập thơ chữ Hán, phần lớn theo luật thơ Đường nhưng ngôn ngữ thơ giản dị, gần gũi, bình dân và dễ hiểu.
“Dữ tựa hung tần miệng trực nhai
Đêm đêm há hốc nuốt chân người
Có người bị nuốt chân bên phải
Có người bị nuốt chân bên trái.”
Cái cùm trước hết là chính nó. Đó là cái cùm, thứ dùng để xiềng xích, trói buộc tù nhân, ở đây không hề có ý nghĩa ẩn dụ, hoán dụ thường thấy trong thơ ca mà đơn thuần chỉ là niêu tả, hiện thực một sự vật. Cách cảm thụ trong thơ Hồ Chí Minh rất giản dị, đơn thuần là miêu tả. Nhưng toát ra từ cái chân thực, cái đơn sơ ấy, người ta nhận rõ được hiện thực tù ngục tù túng, trói buộc con người.
 Tính vĩ đại: Tuy chỉ được sáng tác trong một thời gian ngắn, trong hoàn cảnh tù ngục khó khăn thiếu thốn, song “Nhật ký trong tù” vẫn thể hiện trong đó những sâu sắc, tinh tế về nội dung và cả tài năng điêu luyện, độc đáo trong bút pháp, nghệ thuật. Nó thể hiện tâm - tài - trí của một người nghệ sĩ vĩ đại, lớn lao.
·        Trước hết “Nhật ký trong tù” là một tác phẩm lớn, vì nó chứa đựng trong đó những nội dung tư tưởng vô cùng lớn lao. Đó là sự hòa quyện giữa giá trị hiện thực và nhân đạo, giữa chất thép và tình cảm. Có cái đau thương, cực nhọc nhưng lại xen lẫn ở đó những tiếng cười trào phúng; có sự đau khổ buồn bã nhưng cao hơn hết lại là niềm tin, khát vọng và sự lạc quan chưa bao giờ dập tắt:
“Đôi ngựa ngày đi chẳng nghỉ chân,
Món “gà năm vị”, tối thường ăn ...”
·        “Nhật kí trong tù” còn nêu lên chí khí vững như thép trước lao tù của chế độ Tưởng Giới Thạch, tâm hồn sáng như gương của một vị lãnh tụ, của một con người đã đưa đến sự ra đời của một tác phẩm văn học xuất sắc ngoài ý muốn của Người. Sức sống của “Nhật kí trong tù” thể hiện ở nhiều mặt: một bản cáo trạng đanh thép, một tấm lòng yêu nước thiết tha, một tinh thần quốc tế vô sản đứng đắn, một tinh thần lạc quan đến lạ lùng, một bút phát tả cảnh, tả tình điêu luyện... Song, cái giá trị lớn nhất, cái đi vào lòng người mạnh mẽ nhất chính là tinh thần nhân đạo cao cả bao trùm toàn bộ tập thơ.
=> Giản dị và vĩ đại trong thơ Hồ Chí Minh là hai mặt đối lập mà thống nhất. Điều đó tạo nên phong cách thơ riêng biệt cho tập Nhật kí trong tù.

    2.3. Tính cổ điển và hiện đại
Tính cổ điển: Khái niệm này thường được đề cập tới trong những bài thơ mang tính nghệ thuật cao của Hồ Chí Minh. Màu sắc cổ điển trong thơ Người được thể hiện qua các phương diện sau:
·        Sử dụng thể thơ cổ điển, nhất là thể thơ tứ tuyệt
·        Đề tài chủ yếu là thiên nhiên, đặc biệt là trăng. Có lẽ tâm hồn Á Đông phù hợp với vẻ đẹp trong sáng, hiền hòa, kín đáo của ánh trăng mà thơ Bác cũng đầy trăng: Nguyên tiêu, Vọng nguyệt, Cảnh khuya, Báo tiệp, Tảo giải, Dạ lãnh,...
·        Bút pháp miêu tả: quan sát từ cao đến xa với cái nhìn bao quát, toàn cảnh. Bút pháp chấm phá là bút pháp nổi bật nhất (chỉ bằng vài nét đơn sơ mà có thể thâu tóm được linh hồn chung của toàn bộ bức tranh).
Ví dụ:
“Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”
 (Tẩu lộ - Đi đường)
·        Nhân vật trữ tình: mang phong thái của nhà hiền triết phương Đông, thưởng ngoạn thiên nhiên như Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, Nguyễn Bỉnh Khiêm ở am Bạch Vân vậy.
Tính hiện đại:
Nhà thơ Trung Quốc Quách Mạt Nhược đã khen thơ Hồ Chí Minh theo lối so sánh với các mẫu mực Đường Tống, cho rằng nhiều bài thơ trong tập đặt chung với thơ Đường thơ Tống cũng không phân biệt được. Nhưng Quách Mạt Nhược không nhìn thấy tính hiện đại trong lối thơ của tập Nhật kí trong tù.
Tính hiện đại ấy thể hiện ở một số đặc điểm sau:
·        Điểm thứ nhất, nhân vật trữ tình trong thơ mang cốt cách của một chiến sĩ cách mạng vĩ đại. Đúng là các bậc “hiền triết”, những con người được gọi là “đại trí” ngày xưa thường có thái độ hết sức ung dung, tự tại:
“Giàu ba bữa, khó hai niêu
An phận là hơn hết mọi điều”
 (Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Trong bài Khán Thiên gia thi hữu cảm (Cảm tưởng đọc Thiên gia thi) của Hồ Chí Minh có câu: “Hiện đại thi trung ưng hữu thiết, Thi gia dã yếu hội xung phong” (Trong thơ hiện đại cần có thép, Nhà thơ cũng phải biết xung phong). Bản tiếng Việt dịch “Nay ở trong thơ nên có thép” bỏ mất mấy chữ “trong thơ hiện đại” – đó mới chính là định nghĩa của Bác đối với thơ ca cổ điển.
·        Điểm thứ hai, trong cổ thi, thiên nhiên là chủ thể, con người hay cuộc sống là khách thể:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
(Qua đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan)
Nhưng trong thơ Bác sự sống con người bao giờ cũng là trung tâm của cảnh. Con người luôn luôn hành động để cải tạo thế giới, làm chủ thế giới (Mộ - Chiều tối).
·        Điểm cuối cùng, cảnh vật trong thơ Người không tĩnh mà luôn vận động, một sự vận dộng khỏe khoắn hướng tới ánh sáng và tương lai.Như trong bài Mộ - Chiều tối, người phân tích thơ nhất thiết phải chú ý đến chữ “hồng”. Một chữ “hồng” mà thắp sáng cả bức tranh chiều muộn, u buồn nơi hoang vu, heo hút. Con người bấy giờ trong tư thế làm chủ cuộc sống, cải tạo thiên nhiên.
2.4. “Thép” & “tình”
Trong tập Nhật kí trong tù, mỗi vần thơ của Bác đều có sự hòa quyện giữa thép và tình. Trong đó, thép chính là biểu tượng của người chiến sĩ trong hiện thực cách mạng, còn tình ở đây là biểu tượng của người thi sĩ trong tinh thần lãng mạn. Hồ Chí Minh từ một thanh niên mang trong mình một lí tưởng cách mạng cao đẹp ra đi tìm đường cứu nước đã trở thành một chiến sĩ cách mạng, một vị lãnh tụ luôn cống hiến hết mình vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Khi Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam một cách vô cớ, Người vẫn cứ ung dung, tự tại, tự coi mình là “khách quý” của nhà giam. Cái nơi ngục tù ấy chỉ có thể giam hãm được thân xác của Bác chứ không thể giam hãm được tâm hồn và lí tưởng của Bác.
“Thà chết chẳng cam nô lệ mãi,
Tung bay cờ nghĩa khắp trăm miền;
Xót mình giam hãm trong tù ngục,
Chưa được xông ra giữa trận tiền.”
(Việt Nam có bạo động)
Đó chính là chất thép trong người chiến sĩ Cộng sản Hồ Chí Minh. Còn chất tình được biểu hiện qua tinh thần lãng mạn của Bác. Khi bị bắt giam, Bác không có giây phút nào là không nghĩ về dân tộc Việt Nam. Nhưng hễ càng lo lắng thì lại càng sốt ruột. Trong cái tình thế sôi sục của cách mạng, Bác chẳng thể làm được gì, Bác chỉ biết làm thơ để chờ ngày ra tù. Người thi sĩ Hồ Chí Minh đã làm nên những vần thơ đầy lãng mạn để thể hiện rằng Người coi nhà tù chẳng thể làm gì được đối với lí tưởng cách mạng của Người.
Người nghệ sĩ trước hết phải là người thi sĩ nhưng đồng thời cũng phải là chiến sĩ. Ta nhận thấy trong “Nhật kí trong tù” có rất nhiều tác phẩm biểu hiện chất thép và tình một cách trực tiếp của một con người hoàn toàn tự chủ về mặt tinh thần, luôn bình thản, ung dung, tự tại, tâm hồn như bay lượn trên bầu trời tự do không sức mạnh của nhà tù nào có thể giam hãm được. Tiêu biểu là bài thơ “Ngắm trăng”:
“Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ;
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.”
Bài thơ này hoàn toàn không thấy nhà thơ nói đến nỗi đau khổ, bồn chồn vì mất tự do, mà chỉ thấy hình tượng một thi sĩ hết sức nhạy cảm và tinh tế trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Thực ra, trong chốn lao tù, làm sao người thi sĩ có thể được thưởng trăng một cách thoải mái, có lẽ song cửa nhà lao chỉ đủ để lọt qua một chút ánh trăng thấp thoáng mà thôi. Khi độc giả tiếp xúc với bài “Ngắm trăng”, nếu ai chưa được biết đến tập “Nhật kí trong tù” và cũng không biết rằng bài thơ “Ngắm trăng” nằm trong tập nhật kí trong tù thì tuyệt nhiên sẽ không nhận ra bất cứ dấu hiệu nào cho thấy khi sáng tác bài thơ, Bác đang ở trong tù phải cam chịu biết bao cực khổ và mệt nhọc mà chỉ thấy được một cảm hứng lạc quan và vô cùng lãng mạn của Bác mà thôi. Qua bài “Ngắm trăng”, ta không thể nào thấy được chút dấu vết của hiện thực lúc bấy giờ - một hiện thực cách mạng đầy gian truân với cảnh tù đày xiết bao khổ cực đối với người chiến sĩ cách mạng.
Tuy nhiên, nói thép nhưng cũng là nói đến tình. Khi đọc tập “Nhật kí trong tù”, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết:
“Tôi đọc trăm bài, trăm ý đẹp
Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh
Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”.
Hay như nhà văn Hoài Thanh cũng đã từng nói: “Không phải cứ lên giọng thép, nói chuyện thép mới là tinh thần thép”.
Khi nói đến chất tình cũng chính là thép, hay nói đúng hơn là không phải cứ giương cao tính chiến đấu, giọng điệu hừng hực khí thế đấu tranh, mỗi câu thơ là một mũi tên tấn công kẻ thù thì mới là chất thép mà có những tác phẩm mang giọng điệu trữ tình đằm thắm ta vẫn thấy có chất thép ở trong đó.
“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không;
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.”
(Chiều tối)
Giữa khung cảnh âm u, mịt mùng của rừng núi, trên đường chuyển lao bị áp giải không một phút được dừng chân, trong khi người tù đã mỏi mệt thì tưởng chừng như cảnh vật cũng bị chìm vào trong bóng tối. Nhưng không, chỉ bằng một từ hồng, nhà thơ đã xóa sạch đi đêm tối. Thay vào đó là niềm vui, sự hân hoan, đó cũng chính là màu hồng trong tư tưởng của Bác, là cái tình mênh mông bát ngát Bác dành cho con người và cảnh vật. Chữ hồng cũng ngụ ý cho ta thấy rằng tuy trong cảnh tù đày mà Bác coi cảnh vật và cuộc sống như một màu hồng, Người luôn hướng về cuộc sống lạc quan với một tư tưởng cách mạng kiên cường, cứng rắn như thép, không chút sờn lòng.
 III. Kết luận:
“Nhật ký trong tù” đã tố cáo chế độ lao tù tàn bạo, dã man ở Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch đã đầy đọa con người hết sức tàn nhẫn. Nét nổi bật dễ nhận thấy nhất trong tập thơ “Nhật ký trong tù” là tinh thần yêu nước, lạc quan cách mạng, biến những điều trông thấy, những cảnh khổ cực, đọa đày ở trong tù trở thành niềm tin, tinh thần vươn lên khát khao đối với tự do, bình đẳng. Sức mạnh của lời thơ cũng là lý trí của người chiến sĩ cách mạng, với quyết tâm vượt lên mọi đau khổ về thể xác, tâm hồn, giữ vững niềm tin vào tương lai. Tác phẩm thể hiện sự  ung dung như một khanh tướng của tác giả, nhưng cũng đanh thép như một tiếng hô xung phong của người chiến sĩ ngoài mặt trận. Hai mảng thơ đối lập nhưng thống nhất với nhau, với cách thể hiện ngắn gọn, trong sáng và giản dị, linh hoạt sáng tạo, hoàn toàn làm chủ trong việc sử dụng các hình thức thể loại và ngôn ngữ, các bút pháp và thủ pháp nghệ thuật khác nhau.
“Nhật ký trong tù”  trở thành một văn kiện lịch sử vô giá, thể hiện nhất quán tư tưởng đấu tranh cho tự do của con người; là niềm mong mỏi giải phóng đất nước, khát vọng thiết tha giành độc lập, tự do cho đất nước, cho nhân dân. Qua thời gian, từ khi tác phẩm ra đời, “Nhật ký trong tù” luôn có sức cuốn hút, lan tỏa kỳ diệu đến tận ngày nay.
IV. Tài liệu tham khảo:
1. Trần Đình Sử, Nhật kí trong tù – những vần thơ chữ Hán hiện đại, “nôm na” mà chân thực.
2. Nguyễn Đăng Mạnh, Giáo trình lịch sử Văn họcViệt Nam 1930-1945, NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội