Pages

Pages - Menu

Monday, June 8, 2015

MỐI QUAN HỆ GIỮA CHÂN VÀ GIẢ TRONG HỒNG LÂU MỘNG - Nguồn K37, SP Văn. ĐHSP



I. Giới thiệu chung
1. Bối cảnh lịch sử
2. Tác giả
3. Tác phẩm Hồng Lâu Mộng
a. Hoàn cảnh ra đời
b. Tóm tắt
II. Nội dung chính
1. Mối quan hệ giữa chân và giả trong Hồng Lâu Mộng ở nội dung
2. Mối quan hệ giữa chân và giả trong Hồng Lâu Mộng ở nghệ thuật
3. Ý nghĩa của mối quan hệ chân và giả
III. Tổng kết



















I. Bối cảnh lịch sử
Vào thời nhà Thanh, dưới thời Ung Chính (1723 – 1795) là thời cực thịnh nhất. Công nghiệp, thủ công nghiệp và cả khai khoang, thương nghiệp hết sức phồn vinh. Các thành thị lớn (Nam Kinh, Dương Châu,…) buôn bán sầm uất. Cũng chính từ đấy nền kinh tế tự phát tư bản chủ nghĩa xuất hiện trong lòng xã hội phong kiến mục nát, dần tàn suy và nhu cầu thẩm mĩ mới của một số lớp thị dân thành thị sản sinh (Tây Sương kí, Mẫu đơn đình, Liêu trai,…) là miêu tả chuyện tình yêu, vui buồn cá nhân, cũng như những đời sống tinh thần khác của xã hội đã bắt đầu khác trước.
Ra đời “Hồng lâu mộng” là thể hiện tư tưởng của thời đại lúc nào cũng mong muốn dân chủ mà phê phán một xã hội mục ruỗng, thối nát của xã hội phong kiến, cũng như đấu tranh lại với những giáo điều cổ hủ có từ ngàn xưa, đòi tự do yêu và mưu cầu hạnh phúc,…Tất cả đã kế thừa tư tưởng dân chủ thời Minh và đầu Thanh, nhưng đấy cũng chính là ý thức của những thị dân đương thời.
II. Tác giả
- Tào Tuyết Cần (chưa rõ năm sinh và mất), tên Triêm, tự là Cần Phố, Mộng Nguyễn; hiệu Tuyết Cần, Cần Khê, người Thẩm Dương, vốn dòng dõi người Hán, sau nhập tịch Mãn Châu. Tác giả sống vào triều đại phong kiến nhà Thanh, Trung Quốc.
- Tào Tuyết Cần sinh ra trong một gia đình đại quý tộc, đời đời thế tập chức Giang Ninh chức tạo, là chức quan to chuyên thu thuế. Năm lần Khang Hi tuần du Giang Nam là có tới bốn lần tới Tào phủ. Cuộc sống trong phủ xa hoa vô cùng. Dù là dòng dõi hào môn quyền quý nhưng ai ai trong nhà họ Tào đa số cũng đều giỏi thi phú. Ông nội Tào Dần là danh sĩ có tiếng vùng Giang Ninh (với bộ Toàn đường thi). Thế nhưng tới đời Tuyết Cần, mọi giàu sang phú quý đều trở thành quá khứ. Cha ông mắc tội, nhà bị tịch biên gia sản và sau đó ông phải sống trong cảnh cay đắng mưu sinh. Trong khoảng mười năm cuối đời, Tào Tuyết Cần đã dồn hết trí lực để viết Hồng lâu mộng, một trong bốn tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc (cùng Tam quốc diễn nghĩa, Thuỷ Hử, Tây du kí).
III. Tác phẩm “Hồng lâu mộng”
a. Hoàn cảnh ra đời
- Nhắc đến Tào Tuyết Cần là phải kể đế tác phẩm kinh điển “Hồng lâu mộng” một trong bốn đại danh tác của văn học cổ điển Trung Quốc.
- Tác phẩm được Tào Tuyết Cần chỉnh sữa 5 lần trong cảnh ốm đau bệnh tật không tiền mua thuốc, con chết. Đến khi ông mất, tác phẩm vẫn chưa hoàn thành và mãi 28 năm sau, Cao Ngạc đã dựa vào bản di thảo của ông để hoàn thành tiếp 40 hồi cuối cùng (80 chương đầu của Tào Tuyết Cần).
- Tác phẩm ban đầu được Tào Tuyết Cần đặt là “Thạch đầu kí” về sao Cao Ngạc đổi là “Hồng lâu mộng”. 40 chương sau Cao Ngạc viết không hay như 80 mươi chương đầu vì ông không có cái trải nghiệm đau đớn giống lúc Tào Tuyết Cần viết nhưng Cao Ngạc với 40 chương ấy cũng đã mang lại sự trọn vẹn cho tác phẩm, cho thấy tác giả họ Cao đã nghiên cứu rất kĩ văn phong, tư tưởng của Tào Tuyết Cần.
- Khoảng 1792 – 1793 thì “Hồng lâu mộng” mới được in và truyền khắp Trung Quốc.
b. Tóm tắt sơ lược nội dung:
 - Tác phẩm chủ yếu nhắc đến mối tình trắc trở của hai anh em con cô con cậu                    Giả Bảo Ngọc với Lâm Đại Ngọc, và mô tả cuộc sống của một gia đình quý tộc từ lúc cực thịnh đến lúc suy tàn.
Mở đầu là thần thoại Nữ Oa luyện đá vá trời, luyện được 36501 viên. Viên thứ 36501 được đưa về trời chăm cây tiên Giáng Châu. Thần Anh và Giáng Châu duyên nợ chịu ơn nhau nên phải đầu thai xuống hạ giới. Đá thiêng hoá Giả Bảo Ngọc, còn cây tiên hoá Lâm Đại Ngọc. Gia đình họ Giả với hai phủ Ninh quốc và Vinh quốc (Ninh quốc công và Vinh quốc công là hai anh em ruột) sống trong hai dinh cơ tráng lệ.
Ninh Công là trưởng, sau khi mất con lớn là Giả Đại Hóa tập tước. Con cả Giả Phụ mất sớm, con thứ Giả Kính tập tước. Giả Kính chỉ say mê tu tiên luyện đan nên nhường cho con lớn Giả Trân tập tước, con gái thứ là Giả Tích Xuân được đem sang ở trong phủ Vinh Quốc. Giả Trân (vợ là Vưu thị) có một đứa con trai là Giả Dung (vợ là Tần Khả Thanh), hai cha con chỉ lo chơi bời cho thỏa thích, đảo lộn cả cơ nghiệp phủ Ninh. Còn phủ Vinh, sau khi Ninh Công chết, con trưởng là Giả Đại Thiện tập tước. Sau khi mất, Vợ Thiện là Giả mẫu (họ Sử) trở thành người cầm cân nảy mực của gia đình. Giả mẫu có ba con, con trưởng là Giả Xá (vợ là Hình phu nhân) được tập tước. Xá có con trai là Giả Liễn (vợ là Vương Hy Phượng) và con gái (con nàng hầu) là Giả Nghênh Xuân. Em của Xá là Giả Chính (có vợ là Vương phu nhân) được Hoàng thượng đặc cách phong tước. Giả Chính có ba người con, con lớn Giả Châu (vợ là Lý Hoàn) mất sớm, để lại một con trai là Giả Lan; con gái thứ Nguyên Xuân tiến cung làm phi tử; Giả Bảo Ngọc là cậu ấm hai, sinh ra đã ngậm một viên "Thông linh Bảo Ngọc”. Ngoài ra còn có Giả Thám Xuân, Giả Hoàn là con của nàng hầu Triệu Di Nương. Giả Chính và Giả Xá còn có một em gái tên Giả Mẫn, lấy chồng là Lâm Như Hải người Cô Tô có một cô con gái tên Lâm Đại Ngọc. Đại Ngọc được Giả mẫu đem về nuôi trong phủ Vinh Quốc.
Trong Vinh quốc phủ còn có gia đình của Tiết phu nhân, vốn là em gái Vương phu nhân, cùng con trai cả Tiết Bàn và con gái Tiết Bảo Thoa cùng đến ở.
Vì con gái của Giả Chính là Nguyên Xuân được vua phong là Nguyên phi nên để mỗi lần về tỉnh thân, phủ Vinh quốc cho xây dựng vườn Đại Quan cực kì tráng lệ huy hoàng. Khu vườn Đại quan này chỉ dành cho 12 cô tiểu thư xinh đẹp của hai phủ Vinh và phủ Ninh lui tới vui chơi. Giả Bảo Ngọc là cậu ấm duy nhất được lui tới và tìm được người tâm đầu ý hợp là Lâm Đại Ngọc. Nhưng mọi người trong gia đình không muốn cuộc hôn nhân này diễn ra. Lâm Đại Ngọc là người con gái dung mạo tuyệt sắc, là một tâm hồn thi phú đích thực nhưng vô cùng nhạy cảm và mảnh mai, lại ở cảnh ăn nhờ ở đậu nên tính tình càng thêm sầu bi, cô độc. Cho nên nàng thương hoa, khóc hoa, chôn hoa, tâm hồn nàng như một sợi tơ đàn mảnh mai, bất kể một giọt mưa thu hay tơ liễu bay đều âm vang một điều bi thương đứt ruột. Nàng cho rằng Bảo Ngọc không cần thi cử, làm quan; lánh xa công danh phú quý. Trong khi đó, Bảo Thoa đài các, sắc sảo, đức hạnh theo đúng khuôn phép chuẩn mực phong kiến lại luôn khuyến khích Bảo Ngọc học hành đỗ đạt. Lúc đầu, Bảo Ngọc còn phân vân trước tình yêu của Bảo Thoa, "gần cô chị thì quên khuấy cô em"; song dần nhận thấy Bảo Thoa chỉ mong ngóng cái danh "lập thân", nên Bảo Ngọc đã dành trái tim mình cho Đại Ngọc, mong muốn lấy nàng làm vợ. Gia đình họ Giả coi đó là một tai họa.
Kết:
- Trong lúc thế lực của hai phủ họ Giả bị lung lay do mắc tội với triều đình, cả hai phủ đều bị phân li, kẻ chết người đi đày, trong một cố gắng cuối cùng Phượng Thư (chị dâu của Bảo Ngọc) đã đặt kế tráo hôn. Khi mở khăn che mặt cô dâu thấy không phải Đại Ngọc, Bảo Ngọc bỏ đi, về sau hóa thành đá. Lâm Đại Ngọc nghe tiếng pháo đám cưới của Bảo Ngọc, uất ức phát bệnh, ho ra máu mà chết.
- Cũng có một kết thúc khác là sau đám cưới ấy, Lâm Đại Ngọc chết, còn Bảo Ngọc chấp nhận sống với Bảo Thoa. Sau này, gia đình lung lay, bị tịch thu tài sản, Giả Chính đi làm quan xa nhà, luôn viết thư về giục giã hai chú cháu Bảo Ngọc và Giả Lan học hành chăm chỉ. Cuối cùng, Bảo Ngọc và Giả Lan đều đỗ cử nhân, nhưng ngay sau đó Bảo Ngọc bỏ nhà đi tu. Bảo Thoa thì đang mang thai đứa bé - hi vọng của nhà họ Giả. Nhưng cái kết này không được độc giả yêu thích, cũng có thuyết cho là của người sau thêm vào

II. Nội dung chính
1.Mối quan hệ giữa chân và giả trong Hồng Lâu Mộng ở nội dung
  Hồng lâu mộng được coi là một trong bốn đại kỳ thư của Trung Quốc, giá trị của nó không nằm ở sự đồ sộ mà ở sự điêu luyện của ngòi bút bậc thầy Tào Tuyết Cần khi tái hiện lại một xã hội Trung Hoa thu nhỏ trong thế giới Đại Quan viên nhà họ Giả. Trong khi Thủy hử, Tam quốc diễn nghĩa,Tây du kí chủ yếu nói về hình tượng người anh hùng, về những trận đánh lớn nhỏ với những mưu kế của bậc trượng phu thời bấy giờ. Hay hướng về thế giới của thần tiên với những phép thần thông biến hóa và cuộc hành trình của thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh ở Thiên Trúc đã đi vào lòng hậu thế, trở thành hình tượng tiêu biểu cho một thời đại vàng son của tiểu thuyết chương hồi. Hồng lâu mộng lại hướng về hiện thực xã hội, thiên về yếu tố tình cảm, tập trung miêu tả về con người cùng những hoạt động của họ, bên cạnh yếu tố hiện thực, yếu tố lãng mạn cũng được khai thác triệt để nhằm tạo nên những tính cách riêng biệt hình thành một cái nhìn bao quát đối toàn bộ truyện nói riêng và xã hội nói chung. Nhưng tác giả không miêu tả cuộc sống đương thời một cách tẻ nhạt, đơn giản như thế, mà thông qua hệ thống nhân vật khái quát nên những suy lí trong cuộc đời, chân và giả là một trong những khía cạnh bao quát truyện, nhìn những diễn biến truyện dưới góc độ chân, giả ta có thể hiểu được lí do cùng phần nào tư tưởng của tác giả.

Hồng lâu mộng là sự kết hợp tuyệt vời giữa mộng và thực, giữa ảo ảnh chốn tiên và thực tế trần gian, thông qua mộng để nói thực và từ thực trở về chốn mộng - nơi con người trở về bản ngã của mình, ngay tiêu đề ta đã thấy được sự thực thực ảo ảo soi chiếu trong toàn bộ truyện, truyện là thực nhưng lại được truyền tải qua những giấc mộng.

Thực và ảo đan xen, chân và giả đối xứng nhau, soi chiếu nhau và lồng ghép vào nhau tạo nên một câu chuyện về đại gia đình xa hoa bậc nhất ở đất Kim Lăng. Có thể dễ dàng nhận ra yếu tố chân và giả ở hai nhân vật Giả Bảo Ngọc và Chân Đại Ngọc. Hai cái tên nói lên hai số phận, viên ngọc thật và viên ngọc giả, cả hai giống hệt nhau về hình thức, giống đến nỗi Giả Mẫu cũng nhận nhầm đó là cháu mình, cũng như khi Giả Bảo Ngọc đến nhà họ Chân cũng bị nhầm là công tử của nhà họ.

 Không chỉ giống nhau về hình thức họ còn có nhiều điểm tương đồng, đó là sự trân trọng đặc biệt đối với phụ nữ. Nhưng về bản chất, cả hai hoàn toàn trái ngược nhau. Giả bảo Ngọc không thích công danh, chàng làm ngược với mọi lề lối xã hội phong kiến, Bảo Ngọc trong mắt mọi người là một đứa trẻ nghịch ngợm, thường xuyên bị cha trách phạt. Trong khi đó Chân Bảo Ngọc lại hoàn toàn đi theo những quy định của phong kiến, thích con đường khoa cử, cho nên sau một hồi trò chuyện Giả Bảo Ngọc tỏ ra không thích Chân Bảo Ngọc. Thực ra Chân Ngọc và Giả Ngọc đã gặp nhau trong mơ khi ở hồi 56, Bảo Ngọc nằm mơ thấy mình lạc vào một vườn hoa hệt Đại Quan viên, thấy một đám a hoàn hệt như trong viện Di Hồng và thấy một người giống hệt mình đang kể lại giấc mơ cũng giống mình. Sau đó hai người mừng rỡ nhận ra nhau. Tác giả đã lồng ghép những giấc mơ vào cuộc đời thực, khiến mơ cũng như thực mà thực cũng như mơ, khiến nhiều lúc ta không phân biệt được đâu là thực, đâu là mơ.

Chân và giả không phân biệt rạch ròi, Chân Bảo Ngọc và Giả Bảo Ngọc không phải ở thế đối nghịch nhau mà là bổ sung cho nhau, những gì Giả Bảo Ngọc còn thiếu có thể tìm thấy ở Chân Bảo Ngọc. Motip nằm mộng không phân biệt được đâu là mộng đâu là thực xuất hiện nhiều ở truyện truyền kì, Tào Tuyết Cần sử dụng lại motip này và nâng nó lên một giá trị mới, dùng mộng để nói thực, khắc họa rõ nét hình tượng Giả Bảo Ngọc trong Hồng lâu mộng. Chân Bảo Ngọc từ mộng đến đời thực tuy hai mà một, tuy một mà hai, trong mộng Bảo Ngọc thấy một người rất giống mình nhưng lại nhận thức rất rõ đó không phải là mình, lời nói và biểu hiện của người kia vẫn rất khác. Ở đây tác giả dùng biện pháp ảnh trong gương để nói về hai nhân vật này. Chân Bảo Ngọc là hình ảnh trong gương, là một hiện thân của Giả Bảo Ngọc, nếu như Giả Bảo Ngọc là một con người sống hoàn toàn tự nhiên, sống một cách ngây thơ trong sáng thì Chân Bảo Ngọc lại là một con người của xã hội, sống tuân thủ những nguyên tắc của phong kiến đề ra. Xây dựng Chân Bảo Ngọc nhằm làm đòn bẩy miêu tả rõ nét hơn những đặc điểm của Giả Bảo Ngọc.

Chi tiết tấm gương cũng là một phương diện để bàn về chân và giả , tuy là một vật bé nhỏ nhưng lại khiến nhiều người lầm tưởng hình ảnh nó phản chiếu là thật mặc dù đó chỉ là một bản sao của sự thật. Những hình ảnh Bảo Ngọc gặp trong mơ chính là hình ảnh của mình, hay nói cách khác Chân Bảo Ngọc chính là một ảo ảnh của Giả Bảo Ngọc, chàng ta gặp một người giống mình trong mộng nhưng tỉnh ra mới biết là do mình chơi đùa với tấm gương, nên những gì gặp trong mơ vừa khác lạ nhưng cũng chính là mảnh ghép còn thiếu trong cuộc đời.

Chính chiếc gương đã gián tiếp dẫn đến cái chết của Giả Thụy, hai mặt của chiếc gương tương ứng với giả và thật, hai khái niệm này gắn liền với nhau không thể tách rời nhau, trong chân có giả và trong giả có chân, phải sáng suốt để nhận biết đâu là giả đâu là thực, phải chiến thắng bản thân mình để chấp nhận sự thật. Giả Thụy vì đam mê dục, bất chấp ảo ảnh trong gương để rồi dẫn đến cái chết, chiếc gương không chỉ soi chiếu hình dáng bên ngoài mà nó còn soi rọi tâm hôn bên trong, một mặt gương là hình ảnh bộ xương, mặt còn lại là Phượng Thư, Giả Thụy không chấp nhận bộ xương ấy mà chìm vào cuộc gặp gỡ với Phượng Thư giả, thỏa mãn những cảm xúc nhất thời và dẫn đến cái chết thật.

Chân và giả tồn tại trong Hồng lâu mộng như một dạng của triết lí âm dương, nó tồn tại song song và gắn liền với nhau, mọi sự vật tồn tại đều mang triết lí âm dương trong bản thân nó. Cũng như thế chân và giả song hành với nhau, chuyển hóa cho nhau tạo nên sự vận động của mọi sự vật, sự việc. Có thể cùng một sự việc, người thì cho đó là thật nhưng thực chất bản thân nó là giả, thật cũng không hẳn là tốt mà giả cũng không hẳn là xấu, còn tùy từng thời điểm và cách nhìn nhận của mỗi người.

Toàn bộ truyện miêu tả cuộc sống của đại gia đình họ Giả. Người bên ngoài nhìn vào thấy đó là một gia đình đầy quyền lực và cao sang, đến nỗi già Lưu vô cùng kính cẩn, rập đầu vái lạy, tưởng như thế giới đầy uy quyền của thần tiên nhưng bên trong hoàn toàn trái ngược, nhà họ Giả ngày càng sa sút, đến cuối truyện lâm vào cảnh bần hàn, như vậy đã có sự chuyển biến trong nội bộ của sự việc, họ đã dùng cái giả để che đậy cái chân, dùng hào nhoáng bên ngoài để phủ những thói hư, tật xấu, những âm mưu ở chốn Đại Quan viên này.

Cặp đôi nhân vật Chân Sĩ Ẩn - Giả Vũ Thôn đóng vai trò liên kết các tình tiết trong truyện, làm tiền đề giải thích cho sự xuất hiện của các nhân vật, họ không xuất hiện nhiều trong truyện nhưng mỗi lần xuất hiện lại gắn kết các câu chuyện với nhau làm cốt truyện trở nên mạch lạc và diễn biến trở nên hơp lí hơn. Cuộc đời của Chân Sĩ Ẩn có nhiều nét tương đồng với cuộc đời của Giả Bảo Ngọc, cuối đời ông lâm vào cảnh bần hàn, nhà cửa cháy trụi, gia đình li tán và đi tu để kết thúc cuộc đời. Khi Chân Sĩ Ẩn xuất hiện thì chưa có Giả Bảo Ngọc và khi truyện đã bắt đầu với cuộc đời của Bảo Ngọc thì không thấy Chân Sĩ Ẩn đâu nữa, đến cuối truyện khi Bảo Ngọc đã mất tích thì ông mới xuất hiện trở lại. Còn Giả Vũ Thôn thì chỉ xuât hiện có hai lần, sau khi dẫn dắt Đại Ngọc và Bảo Thoa thì cũng không còn xuất hiện nữa. Hai nhân vật này có vai trò dẫn dắt các nhân vật chính: Bảo Ngọc-Đại Ngọc - Bảo Thoa đi vào câu chuyện với mối thiên duyên từ kiếp trước, ở kiếp này họ vẫn gặp lại nhau tạo nên một mối tình tay ba bi kịch. Những yếu tố hoang đường, kì ảo xuất hiện, lồng ghép vào cuộc đời của ba nhân vật này: Thần Anh - Giáng Châu chính là Bảo Ngọc và Đại Ngọc, còn Bảo Ngọc và Bảo Thoa người thì có ngọc, kẻ lại có khóa vàng, và những chữ trên hai vật này lại đối nhau tạo nên một mối dây liên hệ giữa mộng - tiên - giả/ thực - người - chân, vừa đan xen nhau vừa ảnh hưởng lẫn nhau.

 Bảo Ngọc trong mối quan hệ với Đại Ngọc và Bảo Thoa cũng có nhiều sự khác biệt, chàng phân vân với tình yêu của hai người, một người đoan trang, hiền thục, một người lãng mạn, phong lưu, nhưng cuối cùng Bảo Ngọc cũng xác định được tình yêu đích thực của mình chính là Đại Ngọc, bởi hai người hiểu nhau, đáng gọi là tri âm tri kỷ của nhau, cùng thích thơ phú văn chương và nhất là không có hứng thú với công danh lợi lộc, họ sống đúng với bản chất, nguyện vọng của mình từ kiếp trước, đá Thần Anh chỉ muốn hưởng thú vui của trần gian, để biết nhân tình thế thái là như thế nào, còn cây Giáng Châu chỉ muốn dùng nước mắt ở đời trả ơn cho người chăm tưới. Nhưng mối tình lí tưởng đó vẫn có thể bị thay đổi, giả đã biến thành chân khi Phượng Thư bày kế tráo hôn, khiến Bảo Ngọc kết hôn với Bảo Thoa chứ không phải là Đại Ngọc. Sự tráo đổi này gây nên một kết cục bi thảm: Giáng Châu đau buồn, hồn về ly trận. Thần Anh mang bệnh, lệ đẫm tương tư. Lúc này nhà họ Giả đã bắt đầu suy yếu, thật giả lẫn lộn khiến con người mù quáng, gây nên sự chia cắt giữa đá thần và cây thần, họ đã trải qua mọi khổ ải trầm luân, đúng như lời hứa ban đầu không hề hối hận, dù là chân hay giả, dù đời có thay đổi hay không thay đổi, họ vẫn giữ được bản chất của mình.

2. Mối quan hệ giữa chân và giả trong Hồng Lâu Mộng ở nghệ thuật

Ở Hồng Lâu Mộng, cái thật và cái giả không phân biệt hình thức, hơn thế nữa, nó còn bổ sung, chuyển hóa cho nhau, thâm nhập, đan xen vào nhau.
“Giả bảo là chân, chân cũng giả”
Có thể nói rằng Tào Tuyết Cần đã không phân biệt rạch ròi chân và giả, và Hồng Lâu Mộng đã thể hiện điều đó, bởi lẽ, toàn bộ giấc mộng được đặt vào một giấc mộng lớn thì việc phân biệt đâu là chân, đâu là giả cho rạch ròi thật là một việc khó khăn, không tưởng.

Cái “chân” trong Hồng Lâu Mộng được biểu hiện qua cái hư (mộng và các yếu tố hoang đường) và thực. Qua việc phân tích hình tượng cũng như mối quan hệ của các nhân vật ở trên, ta thấy rằng giữa các nhân vật, sự việc có sự tương phản, đối lập nhau nhưng nó vẫn có một nét tương đồng ở một góc độ nào đó.

Như đã nói ở trên, chân và giả trong Hồng Lâu Mộng nó không tách bạch nhau mà nó hòa quyện nhau, đan cài vào nhau làm cho người đọc bị cuốn vào hư ảo rồi trở lại thực tại, cứ theo dòng tiến triển của câu chuyện, không rời ra được.

Mộng và thực trong Hồng Lâu Mộng là yếu tố đan xen làm nên diễn tiến cho câu chuyện, đồng thời qua nhưng giấc mộng ta thấy được bản ngã của các nhân vật. Bởi lẽ, những việc và những mong muốn mà con người không thực hiện được ở thực tại thì nó sẽ được gửi gắm, tiến hành trong mộng.
Bởi thế, mộng cũng chính là thực - sự thực của cuộc đời, của tâm trạng. Đó là giấc mộng của Đại Ngọc về tình yêu của mình với Bảo Ngọc không thành, từ đó phản ánh ở hiện thực, Đại Ngọc sống cô độc và mối tình giữa cô và Bảo Ngọc không được ủng hộ, giấc mộng của cô chỉ có mình cô biết, mình cô chiêm nghiệm, đau khổ, trằn trọc. Và thế càng cho thấy Đại Ngọc ở đời thực có một tâm hồn rất cô đơn, trống vắng.
Nhưng Bảo Ngọc thì không, những giấc mơ của cậu làm náo loạn cả phủ, mọi người đều biết và quan tâm.

Trong Hồng Lâu mộng có tất cả là 32 giấc mộng và hầu hết là ác mộng. Giấc mộng ở đây có vai trò rất quan trọng , vì nếu như những sự việc ở đời thực kết thúc thì những giấc mộng sẽ là mạch ngầm, là sợ dây liên kết đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần không ngừng tiến triển. Ta có thể nói rằng nếu bức tranh hiện thực còn thiếu sót, chưa đầy đủ thì mộng sẽ lấp đầy và hoàn thiện bức tranh ấy. Và từng tính cách, bản chất của con người cũng như sự việc trong Hồng Lâu Mộng đều hiện lên rõ ràng.

Ngoài yếu tố mộng còn có yếu tố hoang đường góp phần tô vẽ bức tranh Hồng Lâu Mộng thêm sinh động. Ở đây, yếu tố hoang đường cũng xuất hiện thấp thoáng suốt tác phẩm, từ cõi thần tiên đến cõi thực. Và sự xuất hiện của yếu tố hoang đường rất hợp lí và có lí do.
Một trong những yếu tố hoang đường có ý nghĩa nhất đó là viên “thông linh bảo ngọc” của Bảo Ngọc. Viên ngọc - một đầu mối của tính cách nhân vật Bảo Ngọc.
Toàn bộ câu chuyện được xây dựng xung quanh sự thăng trầm của viên ngọc: từ sáng tạo của Nữ Oa đến việc Bảo Ngọc ra đời với viên ngọc trong miệng, từ sự ẩn hiện lặp đi lặp lại của nó đến tình trạng tái phát bệnh của Bảo Ngọc, từ câu chuyện trên thiên giới đến câu chuyện của Bảo Ngọc ở chốn trần gian- số phận của viên ngọc gắn liền với số phận của Bảo Ngọc.

Giữa cái hoang đường và thực, có thể thấy viên ngọc là hiện thân của hòn đá trên đỉnh Thanh Ngạnh (hoang đường), còn bản thân Bảo Ngọc là phần xác thịt phàm tục chốn trần gian (thực). Viên ngọc đã trở thành vật nối giữa cuộc đời thực của nhân vật với nguồn gốc hư ảo. Bảo Ngọc phải sống dựa vào viên ngọc, không tách rời được. Cũng như hoang đường và thực luôn gắn bó, xuyên thấm trong nhau, không thể tách rời nhau.

Ở đây mối quan hệ tương phản nhưng tương đồng còn được thể hiện qua các cặp như: Giả Bảo Ngọc - Chân Bảo Ngọc, Giả mẫu - Già Lưu, Đại Quan Viên- Thái hư ảo cảnh.
Đầu tiên, Đại Quan Viên là thế giới lí tưởng của Hồng Lâu Mộng, lẽ tự nhiên cũng là thế giới hư cấu mà tác giả đã dày công kiến tạo. Có thể nói trong tâm khảm những nhân vật như Bảo Ngọc, Đại Ngọc đây mới là thế giới duy nhất có ý nghĩa.

Đối với Bảo Ngọc và đám thanh niên thiếu nữ quanh chàng, thế giới bên ngoài Đại Quan Viên coi như không tồn tại. Bởi ở khu vườn này, cậu có thể thỏa thích chơi đùa và thoát khỏi những áp lực bên ngoài xã hội. Khu vườn liên quan gián tiếp đến Thái hư ảo cảnh. Ở hồi 5, Bảo Ngọc mơ thấy mình được đến Thái hư ảo cảnh và cậu cảm thấy rất quen thuộc. Tiếp sau, ở hồi 17, khi Bảo Ngọc được vào tham quan Đại Quan Viên, cậu đã mơ hồ cảm thấy như đã tới nơi này.

Mô tả Đại Quan Viên là vang vọng của mô tả về Thái hư ảo cảnh, trong tiểu thuyết có một sự đối lập giữa thế giới tự nhiên và thế giới con người tạo ra trong đó còn có một thế giới trung gian khác. Đỉnh Vô Kê trên núi Đại Hoang - nơi Nữ Oa luyện đá vá trời là thế giới tự nhiên nguyên thủy, còn xã hội Nho Giáo là thế giới con người tạo ra.

Đại Quan Viên, nơi Bảo Ngọc sống là biểu tượng của thế giới tự nhiên trong lòng thế giới nhân tạo của xã hội Nho Giáo. Khu vườn là hiện thân của một không gian trong trẻo vô tư, là một thế giới trọn vẹn trong chính nó. Vì thế, tuy chúng tương phản nhau nhưng cũng có những nét tương đồng được soi chiếu qua giấc mộng của Bảo Ngọc.

Tiếp đến là cặp nhân vật Giả Mẫu- Già Lưu, ở đây ta có thể thấy rõ sự tương phản, đối lập giữa họ. Giả Mẫu là người giữ vận mệnh của phủ Giả, người bảo lãnh, che chở cho Đại Quan Viên, còn Già Lưu là người bình dân, nghèo khó. Ở họ có sự tương phản về vị trí xã hội, giai cấp trong xã hội. Tuy nhiên ở họ cũng có nét tương đồng, nếu soi chiếu về thế giới thần thoại, ta thấy Giả Mẫu sống như tiên cô - vị thần nắm giữ vận mệnh của vương quốc nữ. Già Lưu giống như Nữ Oa, bởi lẽ, Già Lưu là người cứu Xảo Thư thoát khỏi cơn gia biến. Vì vậy, Giả Mẫu- Già Lưu đều là những người có vai trò che chở, bảo hộ cho Giả phủ.

Cuối cùng là cặp nhân vật Giả Bảo Ngọc và Chân Bảo Ngọc. Điểm tương phản ở đây là Giả Bảo Ngọc xem thường công danh, Chân Bảo Ngọc lại khao khát. Giả Bảo Ngọc chống lại xã hội nho giáo thì Chân Bảo Ngọc lại tuân theo. Điểm tương đồng ở họ là vẻ ngoài, hình thức rất giống nhau.

Một vấn đề nữa cũng cần soi chiếu ở góc độ tương phản nhưng tương đồng đó là hình ảnh chiếc gương soi. Chiếc gương xuất hiện khi được mô tả giường ngủ của Bảo Ngọc được đặt đối diện với tấm gương. Chính vì vậy, khi ngủ Bảo Ngọc đã nằm mơ thấy Chân Bảo Ngọc có hình dáng giống như mình.. Có thể nói rằng đó là hình ảnh của chính Giả Bảo Ngọc được phản chiếu trong gương, là ảo ảnh nhưng cũng là thực. Chiếc gương xuất hiện lần nữa khi phản ánh niềm tương tư của Giả Thụy đối với Phượng Thư, đến khi bệnh, nhà sư đến đưa cho Giả Thụy một chiếc gương thần và bảo không được soi mặt kia của gương nhưng Giả Thụy không nghe theo nên đã lạc vào thế giới mộng mị, không biết đâu là mộng đâu là thực và nhiều lần đi vào trong gương để gặp Phượng Thư, gặp gỡ chỉ là ảo nhưng cái chết của Giả Thụy là thật.

Hình ảnh chiếc gương xuất hiện là có một ý nghĩa. Tất cả sự việc xảy ra trong phủ Giả đều được soi chiếu qua chiếc gương. Đều được cấu tạo theo nguyên lí “ảnh trong gương”. Bởi thế giới hiện thực và mộng ảo không phân biệt rõ ràng và lằn ranh của nó có thể là chiếc gương.

Qua việc phân tích nghệ thuật tương phản nhưng tương đồng của bộ tiểu thuyết, ta thấy rằng ở đằng sau Hồng Lâu Mộng là bức tranh nhiều chiều, được đan xen giữa mộng và thực hay chân và giả, qua đó cũng thể hiện những ý nghĩa sâu xa, phản ánh khách quan cuộc sống trần gian qua sự soi chiếu với thế giới thần tiên.

3. Ý nghĩa của mối quan hệ chân-giả trong Hồng Lâu Mộng
- Hồng Lâu Mộng là bức tranh hiện thực được thu nhỏ về xã hội phong kiến trên con đường suy tàn. Cái vẻ bề ngoài tôn nghiêm, về nếp của một hào môn vọng tộc. Không che được thực chất mục rỗng của giới thượng lưu trong Giả phủ. Cuộc sống xa hoa, dâm ô của giai cấp bóc lột giữa người với người đã khiến Giả phủ tựa con thuyền đắm, không cứu vãn được.

Đối lập với vẻ ngoài hào nhoáng, xa hoa thì bên trong đã mục nát, trống rỗng và mâu thuẫn, một hình ảnh điển hình cho xã hội phong kiến lúc bấy giờ.

Tuy vậy, Tào Tuyết Cần đã nhìn thấy và phát hiện những con người mới mang tư tưởng phản truyền thống như Giả bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc. Nhưng vì hạn chế lịch sử, vì ảnh hưởng của các dòng tư tưởng nên tác giả chưa vạch rõ con đường đi cho các nhân vật của mình. Vì vậy, đó là sự bế tắc của những con người trẻ tuổi, khát khao lí tưởng sống mới và cuối cùng đành bị khuất phục, bởi họ đang ở trong đêm suy tàn của ngày cũ, khi hoàng hôn đến nhưng bình minh thì còn chưa xuất hiện.

Một triết lí cũng cần được chiêm nghiệm trong Hồng Lâu Mộng đó là cái bề ngoài chỉ là hình thức giả dối, ngụy tạo, bên trong mới là sự thật và đáng tin.
Chính vì lẽ đó, con người nên sống thật với bản chất của mình, hãy chính là mình, đừng sống giả dối, ngụy tạo. Hơn thế nữa, những vật chất, tiền bạc, uy quyền chốn trần gian chỉ là ảo ảnh, có rồi cũng sẽ mất đi, mất rồi lại có, chỉ có tâm hồn trong sạch, tâm linh thanh bạch thì còn mãi.

Kết tinh của Hồng Lâu Mộng là con người với bản chất nguyên sơ nhất như viên ngọc trên đỉnh núi Thanh Ngạnh, nó có một giá trị nhất định. Và đừng để con người tự nhiên ấy bị tha hóa, bị cuốn theo những cái xấu xa của trần gian (viên đá lúc xuống trần gian), hãy luôn giữ cho con người cả phần tâm linh và xác thịt luôn trong sạch và đúng với bản chất của nó.

III. Tổng kết
Hồng Lâu Mộng- tiểu thuyết ái tình hay nhất mọi thời đại. Bằng ngòi bút tinh xảo của mình, Tào Tuyết Cần đã làm mê đắm lòng người với thế giới mà Hồng Lâu Mộng thể hiện. Như đã nói, vấn đề chân giả được tác giả sáng tạo dưới mọi góc nhìn và lột tả được cái bản chất của nó, giữa thế giới thực và thế giới ảo, giữa giấc mộng cũng như đời thực của các nhân vật. Hồng Lâu Mộng rất có sức ảnh hưởng đối với con người mọi thời đại, một tác phẩm rất xứng đáng với cái tên “tuyệt thế kì thư”.






























TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Phân tích hồng lâu mộng dưới góc độ phân tâm học - Ming-Donggu phebinhvanhoc.com.vn.
- Giáo trình văn học trung quốc-Lương Duy Thứ.
- Chân và giả trong hồng lâu mộng - Đinh Phan Cẩm Vân - Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM số 55 năm 2014 trang 184